Saturday, August 8, 2015

Chương Dẫn Nhập



Trích đoạn HAI
Trở lại chuyện về lại cơ quan nhận coi phòng Báo Chí, tôi thật sự không bằng lòng, không vui, khi phải rời tòa soạn. Ông Giám đốc biết ý, ông kêu tôi ra hành lang tầng Một của Phủ, ông quàng vai tôi, nói lời khuyến dụ nhẹ nhàng: “chúng tôi biết các anh đã chọn nghề dạy học, nhưng nhu cầu cấp trên đang cần các anh. Các sếp cần các anh làm việc. Anh nào muốn đi dạy có thể lấy giờ dạy thêm”.

Sở dĩ ông Giám đốc đưa ra việc dạy học của chúng tôi, vì ngay những tuần lễ đầu biệt phái về cơ quan, chúng tôi có ba người là giáo chức, Nguyễn Việt Chước, Phạm Hữu Đàm và tôi, đã yêu cầu được trả về Bộ Giáo Dục.

Cảm kích trước lời nói và cử chỉ của ông Giám đốc, có quyền hành thực sự như một Thứ trưởng An ninh, tôi vui vẻ về phòng làm việc. Tôi nói, “có quyền hành thực sự như một Thứ trưởng An ninh”, vì là một Trưởng Ban như các Trưởng ban khác, nhưng chỉ ông Trưởng Ban A10 có tài xế, xe riêng, có một Trung úy Cảnh sát thường phục, một Trung sĩ Biệt Động quân là body guard, xe Jeep và xe Honda moto hộ tống khi đi công tác vào ban đêm.  Có những lần mười một, mười hai giờ đêm, ông phone về cơ quan bảo tôi gọi về nhà ông cho bà vợ ông biết, “Ông đi công tác, đêm nay về trễ”.

Một dạo có tin ông sẽ sang Bộ Nội Vụ làm Thứ trưởng và có người xầm xì nói, tôi sẽ là chánh văn phòng của ông. Đó chỉ là tin hành lang. Có những việc tưởng như thật nhưng... “nghe qua rồi bỏ”. Một lần, vào khoảng sau 11 giờ đêm, ông Trưởng ban cho tùy phái đến nhà gõ cửa, gọi tôi vào gặp ông. Đến nơi ông hỏi tôi –Trước đây anh ở Lào mấy năm? Anh nói được tiếng Lào phải không? Nếu anh sang Lào công tác dài hạn có gì trở ngại không? Ông còn nói thêm: Anh mới cưới vợ, chắc xa nhà cũng nhớ? Nhưng mỗi năm được về phép một hai lần, mỗi lần hai tuần lễ. Tôi chợt bất ngờ, hơi bối rối. Điều tôi nghĩ đến đầu tiên là phải bỏ ngang mấy lớp tôi đang dạy ở Phan Sào Nam. Nhưng tôi đáp mà không suy nghĩ: “Chắc không có gì trở ngại. Tôi hỏi ý nhà tôi rồi sẽ trả lời”.

Câu chuyện chỉ bằng ấy, nhưng phải vào cơ quan trình diện lúc nửa đêm. Tôi tưởng như sắp sửa thu xếp hành lý đến nơi, nhưng một tuần rồi hai tuần, một tháng rồi hai tháng trôi qua trong “im lặng dễ sợ”. Sau đó có tin anh Lê Quang Pháp ở nha TB Quốc Ngoại đã “trúng tuyển”. Tôi thật sự lấy làm vui vì được ở nhà và tiếp tục đến với các lớp học tôi đang phụ trách.

Chúng tôi đi dạy học là do “khẩu lệnh” cho phép của ông Trưởng Ban. Hơn một tháng, sau khi được gợi ý, tôi đến trường Trung học Phan Sào Nam, nơi tôi đã dạy học ở đó từ niên khóa 1966 - 1967, gặp ông Giám Học và được nhà trường chia cho thời khóa biểu dạy 10 giờ mỗi tháng.
Về sau số giờ tôi phụ trách tăng lên gấp hai lần. Tôi tiếp tục “nghiệp dư” này cho tới tháng 4-75. Nguyễn Việt Chước về dạy ở Trung học Lê Bảo Tịnh, Phạm hữu Đàm về dạy trường Anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh.

Sở dĩ chúng tôi được phép và yên tâm đi dạy học, vì giờ làm việc của chúng tôi không cố định trong 8 giờ hành chánh. Có những ngày tan sở, tôi được lệnh ”ở lại có việc”. Có khi ra quán Bà Cả Đọi, trên đại lộ Nguyễn Huệ ăn cơm, rồi trở vào làm việc đến mười hai giờ đêm, một giờ sáng. Những lần có “biến”, tôi được chỉ thị ở lại suốt đêm (như lần bắt DB Nguyễn Tấn Đời, lần bắt ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ tá Tổng Thống hay lần bắt Huỳnh Văn Trọng v.v.). Năm 1973, sau hiệp định Paris, phái đoàn Quốc Hội Mỹ đến Sài Gòn thẩm định tình hình để... cúp 300 triệu Mỹ kim viện trợ, tôi phải thường trực 24 giờ nhiều đêm. Những giờ “over time” này không được trả lương phụ trội.

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...