Friday, March 11, 2016

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THƠ CHIẾN MÃ
























Bài vào tập Tiếng Hờn Chiến Mã, Cội Nguồn XB 1996
Tập thơ ấn hành đầu tiên tại Hoa Kỳ

Song Nhị

Phải chăng, tất cả mọi nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc, những người cầm bút, ai cũng có những kỷ niệm với tác phẩm của mình. Tôi nghĩ, tác phẩm nào mà chẳng vay mượn tình riêng để trang trải nỗi lòng người viết, về một bối cảnh đương thời. Mọi tác phẩm văn học xưa nay đều là trung gian giàn trải những giai đoạn của một đời người, của sự kiện, của thời thế và của lịch sử.

Tôi làm thơ, đi vào thơ, hòa lẫn tâm hồn mình vào thơ từ những năm ở dưới tuổi hai mươi. Như những người yêu thơ khác, với tôi, thơ đã đi theo người và người đi theo thơ suốt những chặng đường của đời mình, để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Năm 1958, trong bốn năm lưu lạc ở Lào, tôi gặp một đoàn Sinh viên Hà Nội vượt biên sang sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm. Tôi nhớ anh SV Thái Khắc Chương, quê Thanh Hóa đưa cho tôi mấy số báo Nhân Văn, Giai Phẩm, tôi đọc say mê và thuộc lòng những bài thơ của Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện Tôi quên luôn những bài thơ và cả bút hiệu của tuổi học trò.

Năm 1960 từ Lào về Sài Gòn đi học lại, tôi lại bắt đầu làm thơ, lại viết lách và làm báo - Báo học trò, báo Sinh Viên, báo tường, đặc san, nguyệt san, nhật báo... Như một nghiệp dĩ, mỗi chặng đời thay đổi, đi tới đâu, ở trường học, vào quân đội, ở công sở, công việc của tôi lúc nào cũng dính liền với báo, với thơ. Không ít kỷ niệm buồn vui giữa thơ và tôi trong những thời gian đó.

Trong tập thơ này (Tiếng Hờn Chiến Mã), bài thơ đầu tiên tôi viết khoảng tám tiếng đồng hồ sau khi Sài Gòn bị tràn ngập - bài tứ tuyệt “Ta Gục Giữa Hồn Ta.” Tôi viết trước một ý định, nhưng đã không đủ can đảm để vĩnh biệt tổ ấm gia đình với những người tôi thương yêu nhất. Mười hai ngày sau tôi bị bắt. Sau nửa ngày ngồi trong phòng tối và nửa ngày “làm việc”, tôi được trả về với mệnh lệnh không được đi ra khỏi địa phương. Chiều ngày 12-6-1975, người đàn ông vẫn thường đi xe đạp đến gặp tôi, tới bảo: “Ngày mai anh cứ đi trình diện học tập như những người khác”.

Buổi tối ngồi tập trung giữa sân trường Chu Văn An, rồi nằm phơi sương suốt đêm để chờ xe, tôi bắt đầu làm thơ tù từ đó. Tôi ghi lại trong đầu.

Tại Làng Cô Nhi Long Thành, nơi tập trung trên ba nghìn quan chức chính phủ VNCH, buổi sáng 17-6-1975 những đoàn xe từ các điểm tập trung ở Sài Gòn - Gia Định chở người đổ xuống, cả khu vực ngọn đồi sương mù phủ kín, đen kịt, tôi nắm tay một người bạn vong niên mà anh em chúng tôi vẫn thường quen gọi thân mật là Ông Già, đọc cho ông nghe bốn câu lục bát:

Sương mù lấp ngọn đồi hoang
Bốn phương hội tụ một làng về đây
Biển dâu ai khéo sắp bày
Trăm năm thân thế một ngày ấy sao?!
           
Ông già nhìn tôi cười và bóp mạnh tay tôi. Một tháng sau, trong khi phát hoang đồi cỏ, tôi đọc cho ông già nghe bài Đàn Ngựa Hồng Trên Cánh Đồng Hoang, ông già bảo tôi: “Anh nhớ giữ lại, về sau này mà viết ra”. Từ đó, hầu hết những bài thơ làm xong tôi đều đọc cho ông nghe. Ông thích nhất bài Đàn Ngựa Hồng Trên Cánh Đồng Hoang và Tiếng Hờn Chiến Mã.

Năm 1985, Ông già được thả về Sài Gòn. Ông đã bị múc mất một mắt ở trại tù Lam Sơn, mắt còn lại bị mờ. Tôi chở ông về nhà tôi dùng cơm. Cả buổi chiều ông bắt tôi đọc cho ông nghe hết những bài thơ tôi làm trong tù, mang về được.

Sau đó, khi còn ở Sài Gòn, tôi có đưa cho một vài người bạn như các anh Lê Đình Khôi, Nguyễn Hữu Thời (Dân biểu) đọc. Các vị ấy tỏ ý với tôi: “Bao giờ đứa con này chào đời được” và khuyên tôi hãy cất giữ cẩn thận. Ông già có một quá khứ rất sôi nổi và phong phú (1)
 
Sau bài “Đàn Ngựa Hồng Trên Cánh Đồng Hoang”, tôi đưa hình ảnh con ngựa chiến vào thơ, từ một gợi ý của ông già. Một lần, trong giờ nghỉ giữa buổi lao động, chúng tôi ngồi xúm nhau, một cán bộ CS ngồi bên cạnh, ông già bắt một con cóc trói hai chân treo ngược lên một nhánh cây và nói lớn, cố ý cho viên cán bộ nghe: “Mày đáng tội chết. Tao khoan hồng cho mày. Hết lao động tao sẽ thả.” Viên cán bộ quắc mắt nhìn, đứng dậy tránh xa. Ông cười nói với chúng tôi, đại ý:

Những con ngựa này cứ gặm cỏ, nghỉ chân. Vó ngựa còn sung sức lắm. Đất trời còn mênh mông.

Quả thật đất trời còn mênh mông. Một năm sau chúng tôi chuyển trại về Thủ Đức. Hai tháng sau xuống tàu Hồng Hà ra Bắc. Thơ đã đi theo tôi trong những lần di chuyển đó.

Giữ lấy được những bài thơ của mình trong đời sống thường nhật của tù cải tạo đã là khó. Giữ được, đem lọt qua các cửa ải lục lọi, khám xét trước những lần chuyển trại là điều khó khăn gấp trăm lần. Thường khi làm xong một bài thơ, tôi học thuộc lòng. Cách an toàn nhất là cất giữ những bài thơ đó ở trong đầu. Lâu dần, số lượng bài thơ tăng thêm nhiều, “bộ nhớ” không đủ khả năng ghi lại nữa, tôi phải viết ra giấy. Tôi xếp nhỏ bằng nửa bàn tay để dễ giấu và dễ thủ tiêu khi có “biến”.

Trong một lần lục xét đồ đạc, quần áo của tù, tôi bỏ xấp thơ vào nón lưỡi trai, đội lên đầu, hy vọng không có màn khám xét thân thể. Nhưng khi thấy một số bạn tù bị sờ nắn túi quần, bắt cởi áo, bỏ nón ra, tôi sợ hãi, tuôn mồ hôi hột.  Một viên công an thấy, hỏi tôi: “Anh này sao vậy?” Tôi trả lời: Thưa, tôi  đau bụng, xin cho tôi đi ngoài.” Được gật đầu, tôi chạy ra cầu tiêu công cộng, giở nón thả cả tập thơ xuống hố!

Đã có không ít những tù cải tạo chỉ vì một bài thơ, một lá thư, hay một bài viết mà đã bị đem cùm, bị biệt giam, bị ngược đãi đến chết.

Sau những lần khám xét như vậy, lại phải làm lại. Tôi chép hết những bài thơ không thuộc. Mỗi câu thơ chỉ chép ba chữ đầu, chép khít nhau thành một trang như văn xuôi, vò cho nhàu nát, nhét vào túi xách, vào túi quần áo rách và mỗi ngày học thuộc.

Như một linh tính, từ những năm tháng trong tù, tôi vẫn tin sẽ có một ngày tôi được đọc công khai, được phổ biến những bài thơ của mình trong bạn hữu. Thơ trong tù có sắc thái riêng. Nó chất chứa đủ thứ, từ cọng rau, hạt muối, sợi dây xích, chiếc còng số tám đến tình yêu, tiết tháo, danh dự, và sinh mạng của một con người.

Tôi không bao giờ muốn đem đố kỵ, hận thù vào thơ. Thế mà, trong khổ đau quằn quại, trong đè nén tủi nhục, thơ đã thốt lên thành Tiếng Hờn Chiến Mã.

Hai mươi năm, một khoảnh khắc của lịch sử, nhưng là một quãng thời gian dài của một đời người. Cuộc biển dâu kia dần dà trở nên bàng bạc, phôi pha. Chúng tôi, những người tù trở về mang theo dấu ấn trong tim óc, như một vết thẹo trên da thịt, khó mờ phai. Không ai muốn khơi lại ân oán hận thù. Tôi in tập thơ này để lưu giữ như một kỷ niệm của đời mình.
             
San Jose, Lập Xuân Bính Tý, Tháng 01-1996
                                                              
SONG NHỊ

(1) Ông Già có tên thật là Mạnh Trọng Khánh, cháu gọi Mạnh Trọng Niệm bằng chú ruột. Mạnh Trọng Niệm là người cầm đầu cuộc nổi dậy ở Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 1956, bị cộng sản xử tử hình. Mạnh Trọng Khánh được Ủy Hội quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến theo Hiệp đinh Genève 1954 can thiệp lấy ra từ nhà tù, ông trốn ra Hải Phòng di cư vào Nam đổi tên là Lê Thiên Sơn ( Lấy họ Lê Lợi và địa danh Thiên Sơn, nơi Lê Lợi dấy binh chống nhà Minh). Ông Già làm việc cùng tôi ở nhật báo Quật Cường từ năm 1971 đến 1975. Ông từ trần tại Sài Gòn khi chương trình H.O khởi sự tiến hành đăng ký xuất cảnh.

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...