Năm nay – 2016 – đánh dấu 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn
Du, tạp chí Nguồn gặp cơ duyên nối liền đôi bờ kim cổ, thực hiện số báo đặc
biệt về chủ đề này.
Không phải đơi đến “tam bách dư niên hậu”, mà hơn hai trăm
năm qua nhiều thế hệ hậu bối đã hết lòng ngưỡng mộ một Tố Như, bậc kỳ tài văn
chương trác tuyệt của dân tộc. Từ rất lâu, sách vở Việt Nam và thế giới đã nói rất nhiều về Nguyễn Du và
Truyện Kiều, một tác phẩm được tôn vinh là tài sản văn hóa của Việt Nam và
nhân loại. Truyện Kiều, Nguyễn Du - tác
giả và tác phẩm lẫy lừng tột đỉnh đó tuy nhiên, vẫn chưa có một hệ-thống-hóa
chính thức trong văn học đúng với tầm cỡ của nó.
Non một thế kỷ, từ ngày triều đại nhà Nguyễn cáo chung, Văn
học Việt Nam không còn một cơ cấu tối cao làm nền tảng cho văn học sử và văn
chương học thuật, nên Truyện Kiều, dù vẫn được nghiên cứu bổ sung, sưu tầm mở
rộng, nhưng vẫn gần như là những hoạt động riêng lẻ, tự phát...
Sau năm 1954, CS miền Bắc đã có thiết lập Viện Hàn Lâm Khoa
học Xã hội, nhưng đó là một cơ cấu “hoạch định đường lối chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch, chính sách cho chính phủ (CS) theo định hướng xã hội chủ nghĩa”...,
(tôn chỉ thiết lập). Đó là một cơ cấu của đảng, phục vụ đảng CSVN, bởi vậy tác
giả Truyện Kiều vẫn còn là... “Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du”.
Truyện Kiều và Nguyễn Du, sau 250 năm vẫn còn những “lỗ
hổng” và những góc khuất đặt thành nghi vấn và cần được giải đáp.
Thứ nhất: Về ngày sinh Nguyễn Du, cho đến nay
trên văn đàn vẫn chưa thống nhất công nhận năm sinh chính thức là năm nào.
Trước kia, có lẽ đã nhiều thập kỉ, sách vở ghi Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm
1820. Nhiều tượng đài chân dung Nguyễn Du khắc trên chân bệ năm sinh và năm mất
1765 - 1820. Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO cũng dùng năm sinh 1765
trong các văn bản. Ở trong nước và đài Á Châu Tự Do năm 2015 vừa qua, làm lễ
tưởng niệm ngày sinh Nguyễn Du 1765 - 2015.
Nhưng theo quyển gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền tìm được
năm 1996 thì “Nguyễn Du sinh ngày mồng 3 tháng 1 năm 1766, tức ngày 23 tháng 11
năm Ất Dậu, tại phường Bích Câu, Thăng Long. Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi
Xuân, Hà Tĩnh...”.
Và theo ý kiến của TS. Phạm Trọng Chánh (Paris) thì năm sinh
đúng của Nguyễn Du là 1766, không phải 1765.
Trên Bách Khoa Toàn thư (Wikipedia), tiểu sử Nguyễn Du ghi
nguyên văn:
NGUYỄN DU
Born: January 3, 1766, Hanoi,
Vietnam
Died: September 16, 1820, Hue, Vietnam
Books: The Tale of Kieu, Truyền kỳ mạn lục
Children: Nguyen Tu, Nguyen Ngu
Siblings: Nguyễn Đề, Nguyen Khan, Nguyễn Quýnh, Nguyễn Điều,
Nguyễn Trụ
Parents: Tran Thi Tan, Nguyen Nghiem
(Trích nguyên bản Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia –
https://www.google.com/?gws_rd=ssl#safe=active&q=nguy%E1%BB%85n+du)
Từ căn cứ này, tạp chí Nguồn thực hiện số báo đặc biệt 250
năm ngày sinh Nguyễn Du 1766 – 2016.
Thứ hai: Nghi vấn Truyện Kiều được viết vào
thời gian nào? Cho tới nay, có một ghi nhận, nhưng chưa phải là chính thức,
theo đó Truyện Kiều được viết vào đầu đời Gia Long hoặc trước đời Gia Long.
Theo các nghiên cứu khác, phần chắc Truyện Kiều “phải được viết vào những năm
cuối đời Lê hoặc đầu đời Tây Sơn”. (*)
Có một ghi nhận của nữ sĩ Vi Khuê trong
khảo luận văn học “Lại Nói Về Đệ Nhất Danh Phẩm Truyện
Kiều Của Nguyễn Du” thì “từ năm 1803,
đã có bản nghị án Thúy Kiều về phương diện đức hạnh do ông Nguyễn văn Thắng nào
đó…,” Như vậy Truyện Kiều đã viết xong truớc thời Gia Long.
Lại theo TS Phạm Trọng Chánh thì “Nguyễn Du viết Truyện Kiều
từ năm 1790 đến khi về Quỳnh Hải cưới vợ, năm 1796 đã hoàn tất” (??) – Như vậy
N.D khởi viết Truyện Kiều vào năm 14 tuổi và hoàn tất vào năm 20 tuổi. Y kiến
này khó thuyết phục.
Thứ ba: Có những Sự Thật Lịch Sử về Truyện
Kiều và Nguyễn Du vẫn còn là những ẩn giấu cần được bạch hóa. Một trong những
Sự thật bị đánh tráo để chối tội ác lịch sử và cố tình đánh lừa hậu thế, đó là
cuộc đấu tố và triệt hạ các công trình văn hóa của dòng họ Nguyễn Tiên Điền
trong cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954.
Ngày nay truy cập các trang mạng về truyện Kiều và Nguyễn
Du, độc giả và các nhà nghiên cứu phải thừa nhận các học giả và các nhà nghiên
cứu trong nước có nhiều cố gắng sưu tầm tài liệu, khảo luận, nghiên cứu, đưa ra
các nhận định nhằm làm sáng tỏ áng văn thơ trác tuyệt Truyện Kiều cũng như thân
thế, sự nghiệp Nguyễn Du, nhưng vì không còn tư liệu nên phần nhiều nghiên cứu
là suy đoán.
Bên cạnh đó, Truyện Kiều trước nay vẫn còn những quan điểm
chỉ trích phê phán mang tính cực đoan, lập dị. Dưới chế độ chuyên chính, với ý
thức hệ Mác-xít, cho tới cuối thế kỷ trước Truyện Kiều vẫn bị lên án, qua hai
nhà văn Nguyễn Bách Khoa và Hà Huy Giáp.
Ông Nguyễn Bách Khoa cho Truyện Kiều là “lối thơ bạc nhược,
ru ngủ, làm bại hoại tinh thần chiến đấu...”. Ông Hà Huy Giáp, nguyên thứ
trưởng bộ Văn hóa (1974 -1976) nhận định: “.... trong cuộc sống đau khổ với
nhân dân, tư tưởng Nguyễn Du đã trải qua nhiều diễn biến, có điểm tiến bộ,
nhưng lại có điểm lạc hậu, thậm chí phản động,...” (Truyện Kiều, NXB Trung Đại
học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1976).
Trước Hà Huy Giáp, năm 1954, Truyện Kiều đã bị chiến dịch
cải cách ruộng đất thiêu hủy, cùng nhiều đền thờ tại xã Tiên Điền và trên ngọn
đồi thơ mộng bên bờ sông Lam. Tổn hại lớn nhất là năm gian nhà chứa đầy thư
tịch của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, do cụ Nghè Nguyễn Mai (1876 - 1954) trông
nom.
Năm 1954, cụ Nguyễn Mai lúc đó đã 78 tuổi bị quy vào thành
phần phong kiến, địa chủ, bị kết án 15 năm tù và bị giam ở Trại Đâng, một địa
danh nước rất độc ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh và cụ đã chết mấy tháng sau khi
đến đó.
(Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du, Đặng Cao Ruyên, NXB Tổ Hợp
Miền Đông Hoa kỳ 2002, tr. 200/2001).
Xuân Diệu trong chuyến thăm mộ Nguyễn Du về đã than thở với
Trần Đĩnh, rằng “chúng nó phá sạch hết
mộ ‘tên quan phong kiến’ mất rồi, chẳng còn gì của Nguyễn Du ngoài ‘xè xè nấm
đất bên đường”. (Đèn Cù, Trần Đĩnh, Chương 28, tr. 321).
CSVN đã giấu tiệt những sự kiện này, cũng như cuộc CCRĐ với
172.008 người bị giết oan, (theo tài liệu thống kê chính thức của nhà nước đăng trong cuốn Lịch sử
kinh tế tập 2), và vụ
án Nhân Văn - Giai Phẩm...
Ngày nay, giới trẻ trong nước không hề hay biết gì về những
biến cố thê thảm đó. Mọi dấu tích đã bị xóa sạch. Trong khi đó những nhà văn
bồi bút, phụ họa chế độ không ngớt xuyên tạc sự thật lịch sử.
Đinh Sỹ Hồng, trong cuốn “Họ Nguyễn Tiên Điền và Khu Di Tích
Nguyễn Du” (NXB Nghệ An 2005, sách khổ 12x18 cm) không hề nhắc tới sự kiện cụ
Nguyễn Mai bị đấu tố và chết trong tù, các đền thờ họ Nguyễn Tiên Điền, cùng
hàng chồng thư tịch Nguyễn Du bị thiêu hủy, thay vào đó ông Đinh Sỹ Hồng viết:
“Tháng 7 năm 1954 bị bom Pháp đánh trúng. Nhà thờ chỉ còn lại ít đồ thờ tự. Sau
năm 1954 nhà thờ được xây dựng lại nhưng chỉ còn lại nhà hạ điện. Từ năm 1965
lại nay được tu sửa nhiều, nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng và kích thước như
cũ”. (tr. 89, sđd).
Chẳng lẽ ông Đinh Sỹ Hồng không biết... là ngày 20-7-1954
Pháp và Việt Minh đã ký Hiệp định Genève (Thụy Sĩ) chấm dứt chiến tranh, chia
đôi VN. Thời gian này chúng tôi còn ở Hà Tĩnh cho tới năm 1957, không hề nghe
nói có vụ dội bom nào ở làng Tiên Điền.
Nhiều tháng trước tháng 7 năm 1954 máy bay Pháp đã không còn các phi vụ
oanh kích nữa.
Thứ tư: Trong chuyến hành hương về quê cha
đất tổ, tận mắt nhìn thấy cơ ngơi khu tưởng niệm Nguyễn Du, chúng tôi lại chợt
nhớ tới một chi tiết trong bài viết của tác giả Lê Đức Dục khi ghé thăm khu mộ
Nguyễn Du năm 2000, tác giả Lê Đức Dục viết: “Bất chợt nhớ mười năm về trước
(1990), khi nhà thơ Vương Trọng ghé về viếng Cụ, nhìn nấm cỏ sè sè như muôn
ngàn vạn nấm cỏ cõi thế, đã ngậm ngùi:
“Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên
Ai hay cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây”
Từ cuộc CCRĐ (1954-55), sau khi những đền miếu và năm gian
nhà thư tịch dòng họ Nguyễn Tiên Điền bị thiêu hủy, mộ Nguyễn Du chỉ là “sè sè
nấm đất bên đàng”, mãi cho tới năm 1993, một Việt kiều ở Mỹ về thăm, tặng 25
ngàn Mỹ kim, huyện Nghi Xuân và con cháu mới xây tường thành bao quanh, dựng
bia, mở đường vào mộ, tương đối khang trang như khi chúng tôi nhìn thấy tận
mắt.. (Chi tiết này do cô hướng dẫn viên du lịch kể cho chúng tôi nghe, có ghi
âm và ghi ảnh).
Nhưng trong khu quần thể lưu niệm không hề thấy có một ghi
chép nào về danh tính và khoản tiền vị mạnh thường quân kia hiến tặng. Vẫn là
một sự lập lờ đánh lận sự thật. Nếu không có khoản tiền hiến tặng ấy, liệu đến
năm 2000, khi tác giả Lê Đức Dục từ Quảng Trị về thăm mộ Nguyễn Du; hay năm
2009, khi chúng tôi từ Mỹ, Úc về Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đã có khu lưu niệm này
chưa?
Ngày đó, cho tới nay, chúng tôi vẫn còm tâm trạng mênh mang
buồn, như khi dạo xem trong khu nhà lưu niệm. Trên kệ, rải rác mấy quyển sách
chữ Nho hay chữ Nôm, mấy tấm liễn treo lạc lõng trên tường, cũng như ngoài khu
vườn, một vài căn nhà cổ, mấy bức tượng cổ bằng xi măng còn sót lại sau những
đợt truy bức, tàn phá, dựng rải rác, lưa thưa...
Một gia tài văn hóa đồ sộ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, của
dân tộc VN và của nhân loại nói chung, không bao giờ tìm lại được.
Chúng tôi ra về, xe lăn qua khỏi cổng, ngoái nhìn lại, tâm
tư chùng xuống. Và khi thực hiện số báo này, nhìn lại chặng đường một quá khứ
250 năm, mà thương thân phận nàng Kiều và hết lòng ngưỡng mộ, thương cảm Tố Như
- một thiên tài lỗi lạc của văn học nước nhà.
Số báo này là một đáp đền rất nhỏ bé của tập thể văn thi hữu
hải ngoại, các tác giả và ban biên tập tạp chí Nguồn.
Xin dâng lên anh linh thi hào Tố Như tấm lòng thành của thế
hệ hậu bối, cách Người 250 năm để “hồi đáp” tâm sự người-muôn-năm-cũ đã bày tỏ
từ 200 năm trước:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.
Song Nhị
No comments:
Post a Comment