Wednesday, May 25, 2016

CHẤT LÍNH Trong Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút của SONG NHỊ



Nhận định của Võ Ý


 











 

Chất Lính trong Tuyển Tập Văn của Song Nhị

Tôi quen thân với anh Song Nhị từ năm 1999 tại San Jose. Trước khi trình bày vài ghi nhận về tác phẩm, tôi xin bật mí đôi điều mà tôi biết về ông qua trò chuyện và qua tác phẩm của ông!

- Trong cải cách ruộng đất năm 1954 tại Hà Tĩnh, ông cụ thân sinh của Song Nhị bị cộng sản quy tội địa chủ, bị tịch thu nhà và bị kết án 20 năm tù. Cụ quyết định tự vẫn chứ không chấp nhận án tù. Thời may, nhờ ông anh họ tổ chức đưa cụ và gia đình vượt Trường Sơn qua Lào tị nạn vào năm 1956. (NTKVN, trang 52)
- Vào những ngày cuối tháng 4/1975, khi cả Sàigon ồ ạt di tản, Song Nhị thỉnh ý của bố, ông cụ bảo: đi lúc nầy là đào ngũ đó con! (NTTVN, trang 126)

Hấp thụ được khí phách của người cha, tính chịu đựng của Mẹ và sau nầy là chất lính của người quân nhân, đã giúp Song Nhị đứng vững trong mọi nhục nhằn của cuộc sống từ khi còn là sinh viên, khi nhập ngũ, khi đi tù cộng sản, khi tị nạn và khi sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại.

Điều bí mật thi vị mà chúng tôi muốn thưa với quý vị là... đồng cỏ xanh tươi của con chiến mã Song Nhị!

- Năm 1972, ông bà Song Nhị thành hôn khi bà vừa tròn 19 tuổi. (Ông hơn bà trên một con giáp, năm 1996, ông xuất bản tập thơ Tiếng Hờn Chiến Mã, chính vì vậy mà tôi có lý do để gọi bà là đồng cỏ xanh tươi đó, thưa quý vị)
- Ngày 30 tháng 4/75 ập xuống, bà cùng chung số phận của bao tù phụ miền Nam, tóc vấn phong ba, một mình vừa chống vừa chèo trong bão dữ, chờ chồng ròng rã trên 8 năm.
- Năm 1984, Song Nhị ra tù.
- Năm 1985, bà mới sinh con đầu lòng, sau 13 năm đằng đẳng đợi chờ và đứa bé quả là một tuyệt phẩm của ông bà!

Cũng như bao tù phụ khác, bà Song Nhị là biểu tượng của dòng suối trưa hè, là lửa ấm đêm đông, là khúc nhạc tình bất tử khả dĩ chuyển hóa cuộc hồi sinh của người tù Song Nhị... Ông có trên 10 tác phẩm chào đời, rải rác từ 1967 đến nay, chắc hẳn phải có thịt xương và hơi thở của bà, trong đó có Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút được trình làng hôm nay.

Trong buổi gặp gỡ này, nếu quý vị tâm đắc với tác giả và tác phẩm bằng những tràng pháo tay thì đương nhiên, sự tán thưởng đó sẽ phải được san sẻ cho đồng cỏ xanh tươi của tác giả nữa! (Có phải không, thưa quý vị?)

Trở về với Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút gồm 8 Chương, được trình bày trong 440 trang giấy bao gồm những sáng tác, biên khảo, nhận định… ưng ý nhất của tác giả trong suốt 50 cầm bút, là một “tập hợp nhiều bài viết liên quan thời thế, con người, xã hội, quá khứ lùi xa và hiện tại sôi nổi, tập sách đã nói lên nhiều điều đáng suy gẫm”, như nhận xét trong bài TỰA của nhà thơ Diên Nghị.

Trong khuôn khổ buổi RMS hôm nay, tôi xin đề cập đến những sáng tác trong Chương III, đặc biệt là Chất Lính tỏa sáng qua từng chữ từng dòng của tùy bút Tình Ca Nhập Cuộc (TCNC), diễn tả tâm trạng của tác giả trước và trong thời gian nhập ngũ.

Bình thường, ai ai cũng nhận biết bổn phận công dân. Bổn phận đó hin hiện đậm sâu trong đời quân ngũ. Do đó, Quân Đội thật sự là một trường học thực dụng, dạy người con nhận thức bổn phận hiếu kính với cha mẹ, dạy người yêu biết trân trọng tuổi hoa niên mộng mơ của nhau, và dạy người lính biết tôn kính Tổ quốc, yêu thương đồng đội và đồng bào của mình: “Tôi còn tâm hồn, tim óc, để còn mãi biết yêu em, yêu mẹ cha, yêu tổ quốc và yêu sự thật, dẫu một lúc nào đó phải chơi vơi giữa ngọn triều khổ đau hoặc trong niềm hoan lac.” (TCNC- trang 74)

Cuộc đời của tác giả trải qua nhiều biến cố, một trong những biến cố trọng đại nhất, khả dĩ gây náo nức trong lòng ông, vẫn là giây phút chuẩn bị nhập ngũ: “Tôi sẽ mãi bồng bềnh với những ước mơ của một cuộc nhập thế huy hoàng”. (TCNC – trang 71).

Và khi năm giác quan của tác giả chạm trán với lẽ sống chết trong đời quân ngũ, thì lý tưởng phuc vụ quốc gia dân tộc được khẳng định: “Chiến tranh có mặt trên khắp hang cùng ngỏ hẻm. Ở ngay cả trong từng hơi thở, từng ý nghĩ hiền hòa của em, của tôi, của mọi người”….. “Chúng ta mang trên người lý tưởng phụng sự. Ở đây, lý tưởng không còn là một mỹ từ, không còn là một sáo ngữ. Lý tưởng đó hiển hiện trong từng phút giờ của chúng ta nơi này, trên phần đất tự do. Lý tưởng đó chúng ta mang trong người cùng với lời nhắn nhủ thiêng liêng trong thông điệp Cư An Tư Nguy” (TCNC – trang 73).

Và lý tưởng Cư An Tư Nguy như thể một linh dược, giúp người chiến sĩ cầm bút Song Nhị thêm can trường và tiềm ẩn trong tính cách ấy là một trái tim trữ tình lảng mạn: “Mỗi gian lao là một lần tưởng nhớ, một lần hò hẹn. Tôi đã cười trong khốn khổ, nhọc nhằn, cả trong lúc phiền muộn. Tôi dẫm lên từng khó khăn trở ngại để bước đến cuối đường”.
(TCNC – trang 73).

Hơn ai hết, Song Nhị sinh ra tại Hà Tĩnh, miền đất khô cằn sỏi đá và lớn lên giữa hận thù giai cấp bủa vây, vượt biên từ tuổi đầu đời, trốn sang Lào sau cải cách ruộng đất, về miền Nam, chiến tranh lại bủa vây tứ phía và Song Nhị đã đi vào cuộc chiến bằng sự dấn thân đầy ý nghĩa:
“Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh quá ư quay quắt. Từ mở mắt chào đời, chúng ta đã lớn lên giữa hận thù đổ vỡ. Chiến tranh có mặt trên khắp hang cùng, ngõ hẻm. Ở ngay cả trong từng hơi thở, từng ý nghĩ hiền hòa của em; của tôi, của mọi người. Chúng ta ghê tởm nó, nhưng chúng ta lại không có quyền từ khước nó, vì chúng ta cần có sự tồn tại đích thực. Hoặc hơn nữa, sự tồn tại đích thực cho thế hệ con em ta sau này”. (TCNC – trang 75).

Song Nhị cùng thế hệ tuổi trẻ đương thời đi vào cuộc chiến để bảo vệ miền Nam Tự do,  khi chứng kiến những gì được, những gì mất với tâm trạng có chút gì đó hoài nghi, có chút gì đó bâng khuâng trăn trở trong cuộc dấn thân, mà chưa biết cuộc chiến sẽ đi về đâu. Phải chăng sự nhạy bén của nguời cầm bút nói chung đã tiên tri về một ngày kết cuộc – 30 tháng tư hụt hẫng ngỡ ngàng! Dù ngỡ ngàng, tác giả vẫn trung trinh một lòng với đất nước: “Tôi không mang theo một dự tính nào, nhưng tôi sẽ hài lòng trong cuộc dấn thân nhiều thua thiệt, mà chẳng so đo. Tôi sẽ gom vào ký ức những lần mưa, những lần nắng, những điều không thể nói bằng lời. Tôi vừa mến yêu, vừa hằn học với hiện tại. Tôi có cả một nỗi lòng với đất nước”…(TCNC – trang 76).

Ngày nay, dẫu đã bước qua tuổi cổ lai hy và mái đầu sương điểm mà con chiến mã Song Nhị vẫn còn hí vang rền trên diễn đàn văn học nghệ thuật qua Tuyển Tập Văn 50 năm này. Nếu bảo do méo mó nghề nghiệp thì tôi cam chịu mà cả quyết rằng, CHẤT LÍNH đã hòa quyện vào trong máu của người chiến sĩ cầm bút hôm nay, thay cây súng ngày xưa.

Chất Lính đó hiễn hiện qua giọng văn chân thật, dứt khoát, tự trọng và vô cùng tha thiết, đặc biệt trong giai đoạn mà hiểm họa Hán hóa như cận kề đối với đất nước thân yêu của chúng ta:

Anh tha thiết với tình yêu lẽ sống/ Yêu non sông, yêu Tổ quốc đồng bào
Anh nguyện cầu tăm tối sớm qua mau/ Anh nguyện cầu mùa xuân tràn ánh sáng
Anh thức trắng đêm nằm chờ đợi sáng/ Buổi sáng Việt Nam rực rỡ nắng hồng
(Đợi Sáng – TTV - trang 436).

Chúng ta, những cánh chim bỏ xứ, hiển nhiên là cùng chung một ước nguyện sâu kín đó với nhà văn Song Nhị, tức chiến hữu Trần Kim Lý. Xin chúc mừng sức sống dẻo dai của chiến hữu và xin chào mừng văn hữu rất thủy chung và rất quý mến của tôi và của... quý vị!

KQ Võ Ý
Westminster, 07/2016

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...