* LẠI QUỐC HÙNG
Bài giới thiệu tác phẩm trong buổi RMS
của tác giả Song Nhị, Chủ Nhật 27-11-2016
tại Sacramento,
California.
Thưa quý anh, quý chị
Các bạn thân mến,
Hôm nay thành phố Sacramento
được hân hạnh đón tiếp một phái đoàn văn nghệ sĩ từ San Jose đến trong một chương trình sinh hoạt
văn chương nghệ thuật. Các anh chị biết đấy, mang tiếng là thủ phủ của
California, nhưng nếu nói đến sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng người Việt ở đây
thì Sacramento quả thật thua xa các thành phố khác như Westminster, San Jose
hay của những tiểu bang đông người Việt như Texas, Virginia. Thỉnh thoảng lắm
chúng tôi mới có một sinh hoạt văn nghệ như ra mắt sách hay trình diễn ca nhạc.
Cho nên, buổi ra mắt sách “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút” của
nhà văn Song Nhị hôm nay là một sinh hoạt văn nghệ đặc biệt, và cũng là một dịp
để chúng tôi được gặp gỡ các anh chị ở San Jose. Xin có lời chào mừng đến các
anh chị. Một lần nữa, xin quý anh chị một tràng pháo tay cho các anh chị đến từ
San Jose.
Và cũng nhờ buổi ra mắt sách này mà chúng tôi có dịp gặp lại
các quý anh chị ở Sacramento, những vị vẫn còn
quan tâm đến văn chương, chữ nghĩa Việt Nam.
Xin cám ơn sự hiện diện của các anh chị rất nhiều.
Buổi ra mắt sách hôm nay cũng chỉ có một mục đích là một
cuộc gặp gỡ thân mật, một buổi trao đổi văn học nghệ thuật thuần túy, chân tình
và ấm cúng.
***
Nhà văn Song Nhị là một khuôn mặt mới ở Sacramento nhưng ông
là một tác giả nổi tiếng ở San Jose, miền Nam Ca Li và ở những tiểu bang khác,
cũng như tại hải ngoại. Cứ đọc phần “Bút Ký Tự Truyện” của ông trong tuyển tập
50 năm cầm bút thì chúng ta sẽ biết ông đã được cộng đồng VN ở nhiều nơi đón
tiếp nồng hậu như thế nào, từ Houston, đến Westminster, qua Washington,
sang Paris, Stuttgart. London v.v…
Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như “ Nửa Thế Kỷ
Việt Nam”, “Lưu Dân Thi Thoại” cùng viết với nhà văn Diên Nghị, và rất nhiều
tập thơ như “Trường Ca Người Viết Sử” xuất bản trước năm 1975, hay “Tiếng Hờn
Chiến Mã”, “ Về Lối Đi Xưa”, “ Tiếng Hót Loài Chim Di” v.v. Tác phẩm đầu tiên
là một tập thơ “ Một Đời Không Nguôi” xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn.
Trong tay tôi và các anh chị hôm nay là cuốn sách mới nhất
của ông, cuốn “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm
Bút”, một cuốn sách dầy 442 trang, trình bày trang nhã, in trên giấy đẹp, bao
gồm những sáng tác, bài viết đa dạng của ông được chia làm 8 chương như sau:
1. Chương dẫn nhập (Vài mẩu chuyện rời)
2. Chương hai (Trả lời phỏng vấn)
3. Chương ba (Sáng tác)
4. Chương bốn ( Đoản bình – Quan điểm – Nhận định)
5. Chương năm (Tiểu phẩm – khảo luận)
6. Chương sáu (Đọc sách – Giới thiệu tác phẩm)
7. Chương bảy (Bút ký – Tự Truyện)
8. Chương tám (Tạp văn – Phiếm luận)
Thưa quý anh chị,
50 năm cầm bút, mấy tác giả đã có bề dầy thời gian viết lách
như vậy, nhất là 50 năm qua với bao thăng trầm của đất nước, bao dâu bể, tang
thương, vật đổi sao dời của mỗi cá nhân, của cả dân tộc VN. Cầm bút được trong
nửa thế kỷ như vậy đã là một trải nghiệm đáng chú ý như tên của một cuốn sách
khác của Song Nhị “Nửa Thế Kỷ Việt Nam”.
Với một tuyển tập đa dạng. nhiều đề tài khác nhau như vậy
thì người đọc sẽ đọc như thế nào? Có
nhiều cách đọc, cách tiếp cận với tác phẩm:
Đọc theo thứ tự từng chương qua lăng kính sử học như cách
đọc của giáo sư Lê Đình Cai, hay đọc theo sở thích mỗi người, tùy mình chọn
lựa, có chương đọc trước, chương đọc sau, đọc ngang, đọc dọc, đọc chéo, có
chương để dành rồi nhẩn nha đọc sau…
Và cũng vì đây không phải là một cuốn tiểu thuyết, một tập
thơ hay truyện ngắn cho nên tôi sẽ không đọc theo một lăng kính hay trường phái
phê bình văn học nào, nội cũng như ngoại, phê bình hiện thực, phân tâm học, mác
xít, hiện tượng luận, cấu trúc hay hậu cấu trúc v.v..
Đối với tôi, Song Nhị là một tác giả mới, nên tôi nghĩ cách
tốt nhất là đi tìm tác giả qua cách đọc cổ điển, kiểu “Văn Là Người” qua các
chương của cuốn sách và vì thời gian giới thiệu sách có hạn, nên trong mỗi
chương chọn đọc, tôi chỉ nêu một hai ví dụ để trả lời cho câu hỏi: “Song Nhị.
Ông là ai?” dù câu trả lời đương nhiên là thiếu sót, chủ quan và bất cập. Có
phải không thưa anh Song Nhị?
Thưa quý anh chị,
Bỏ qua chương dẫn
nhập, chương hai bắt đầu bằng một cuộc phỏng vấn của cô Julie Phạm cho luận án
sử học về chiến tranh Việt Nam.
Đọïc chương này ta sẽ thấy một Song Nhị có tấm lòng rộng mở, bao dung, hướng về
quê hương đất nước. Với tuổi ấu thơ kinh hoàng, nếm trải bao sự dã man, tàn ác
của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc vì gia đình tác giả là địa chủ, đáng nhẽ
ông phải căm thù tất cả những gì liên quan đến cộng sản, nhưng dù không bao giờ
chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, ông vẫn không oán hận, căm thù con người cộng
sản. Ông coi những người Việt ở miền Bắc là đồng bào ruột thịt, hứng chịu nhiều
thiệt thòi, đau khổ. Ông coi một số người của mặt trận giải phóng Miền Nam có
lòng yêu nước, nhưng đã bị cộng sản lợi dụng cho mục tiêu xâm nhập chủ nghĩa
cộng sản vào đất nước VN . Câu viết gây chú nhất cho tôi trong cuộc phỏng vấn
này là: “Cuộc đời tơi có nhiều khổ đau, mất mát. Nhưng sự mất mát của một con
người có đáng gì so với sự mất mát của cả một dân tộc.”
Trọng điểm của Chương ba theo tôi là bài tùy bút Tình Ca
Nhập Cuộc, một bài viết vào năm 1969 của một chàng trai hơn hai mươi tuổi khi
lên đường nhập ngũ. Nhiều người lên đường nhập ngũ chỉ nghĩ vì mình bị động
viên, thôi thì đi, chẳng cần suy tư, nghĩ ngợi gì. Nhưng chàng thanh niên Song
Nhị đã lên đường với ý thức rõ rệt về trách nhiệm làm trai của mình. Chàng
viết: “Tôi đang bắt đầu cho một chuyến đi dài, một cuộc viễn hành với vô vàn
thử thách.. Những mỹ từ bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ và lòng yêu nước… bây
giờ là một thực tại rõ ràng.” Và chàng sẵn sàng dấn thân, chẳng so đo, nghĩ đến
thua thiệt như hai câu thơ của Chinh Phụ Ngâm: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào
kiệt. Xép bút nghiên theo việc đao cung”. Song Nhị đặt bút viết: “Tôi có cả một
nỗi lòng đối với đất nước”, dù trước mặt là một tương lai bất định đang đón chờ với nhiều chông
gai, nguy hiểm.
Như tôi đã nói ở trên, Song Nhị có tấm lòng trải rộng, bao
dung, cởi mở. Tính cách này còn thấy ở chương bốn khi ông nêu lên quan điểm có
chút thông cảm, thương hại về những khuôn mặt phản chiến, phản tỉnh như Lê Hiếu
Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Đào Hiếu, Đoàn văn Toại, Jane Fonda, Joan Baez v.v.. Riêng
về tổng thống Nguyễn văn Thiệu, Tướng Dương văn Minh, nói về công và tội, khen
hay chê thì Song Nhị có lời kết luận như lời của ông Nguyễn văn Ngân “Việc định
công luận tội là việc của lịch sử sau này.” Ông viết: “Đến nay từng thế hệ
người trong cuộc đã và đang ra đi. Lịch sử đang dò dẫm từng trang từ quá khứ,
nhưng lịch sử đích thực không phải là những trang viết từ hôm qua, hôm trước,
hôm nay. Thời gian sẽ trả lại sự thực lịch sử, thay vì những tình cảm khen chê,
nhất thời”.
Tôi đặc biệt chú ý đến chương năm “Tiểu Phẩm, Biên Khảo”. Ở
đây tôi thấy một Song Nhị, tuy là một nhà thơ, nhưng ông lại quan tâm đến rất
nhiều vấn đề. Ông có cái nhìn của một con mắt biết quan sát, tìm tòi, học hỏi
nhiều đề tài khác nhau. Về lịch sử, ông đề cập đến thành phố Sài gòn, Cơng Chúa
Huyền Trân, chuyện của hai giáo sĩ người Pháp đã để lại dấu ấn sâu đậm ở nước
ta. Đó là giám mục Ba Đá Lộc (Pigneau de Behaine), người đã đem hoàng tử Cảnh,
con vua Gia Long sang cầu cứu nươc Pháp giúp đánh Tây Sơn và giáo sĩ A Lịch Sơn
Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người có công hoàn thiện chữ quốc ngữ và giải
phóng chữ nghĩa Việt Nam thoát khỏi Tàu. Ông bàn về thơ, đưa ra một quan điểm
bênh vực thơ có vần, đề cập đến mảng thơ tình, những vần thơ trong tù ngục, làm
sống lại thân phận đau thương của Hoàng Cầm với vở kịch Kiều Loan và cuối
chương là một bài viết về Văn Hóa Lễ Cưới của người Việt chúng ta xưa và nay,
mà tôi tìm thấy nhiều chi tiết rất lý thú, thí dụ như câu nói của một thí sinh
hoa hậu không rành tiếng Việt, khi được yêu cầu phát biểu một câu gửi đến đồng
hương Việt Nam thì quý anh chị thử đoán cô ta nói gì… Thưa: “Xin các bác các cô
đùng bao giờ đến trễ!”
Chương Sáu là một Song Nhị yêu văn chương, yêu chữ nghĩa khi
tìm đọc lại các tác phẩm xưa như “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân,
đồng thời giới thiệu 12 tác phẩm của những văn thi sĩ bạn. Đối với Hoài Thanh,
một nhà phê bình văn học nổi tiếng thời tiền chiến, nói theo Xuân Sách “nửa
cuộc đời vị nghệ thuật, nửa đời sau lại vị người ngồi trên” thì Song Nhị vẫn có
một kết luận mang cái tâm, cái tình rộng mở của mình. Ông viết: “Đọc để chia sẻ
và thông cảm với Hoài Thanh đã trải qua gần nửa cuộc đời phải chịu đựng những
hành hạ nhục nhằn khi phải phủ định tác phẩm của mình, đến cuối đời vẫn chưa
nói được nỗi ấm ức vào giờ phút lâm chung.”
Về phần giới thiệu các văn thi phẩm cho tạp chí Cội Nguồn,
tôi nhận xét Song Nhị tuyển chọn những tác phẩm mang tính chất nói lên thực
trạng của xã hội hiện tại, trong nước cũng như hải ngoại, những mảnh đời đau
thương, khốn khổ. Một đoạn trong bài giới thiệu tập truyện “Hương Hồng Quế và
Những Mảnh Đời Nghiệt Ngã” của Vũ Lưu Xuân làm tôi rất xúc động. Song Nhị viết:
“Năm 1981, Vũ Lưu Xuân bỏ nghề dạy học, gom tồn bộ sách vở cân ký bán ve chai,
tự nguyện làm tên vô học. Nhưng Vũ Lưu Xuân đã không thể buông bút, bỏ chữ
nghĩa, nên ông đã làm thơ, dù chỉ có một bài duy nhất…”, mở đầu bằng hai câu
sau đây:
Hồn ta đâu là bãi sông đò vắng
Mà nghe vọng hoài tiếng hát buồn tênh..
Biết đâu đây cũng là tâm cảnh của mỗi chúng ta ở đây, dù
đang hưởng một cuộc sống tương đối an bình, đầy đủ, thế mà thỉnh thoảng vẫn nghe
đâu đây một “tiếng hát buồn tênh”.
Chương Bảy là chương tác giả ghi lại những chuyến đi của
mình thăm Úc, Houston, Westminster,
Washington, Paris,
Stuttgart và London. Nhưng chuyến đi mà tôi nghĩ độc giả
cần đọc nhất là chuyến hành hương về quê cha đất tổ nhân dịp thân phụ ông được
97 tuổi và lần sau về để để tang cha già vào năm 2011. Độc giả sẽ tìm thấy
những nhận định của tác giả về sự thay đổi của đất nước sau gần hai chục năm xa
cách, những miêu tả chi tiết về làng quê ông, và nhất là chuyến thăm Hà Tĩnh
với khu di tích, tưởng niệm Nguyễn Du qua ngòi bút sắc bén của ông. Ở đây,
chúng ta lại thấy một Song Nhị dạt dào yêu quê hương, đất nước, gắn bó với quá
khứ văn vật của đất tổ, dù trong lòng vẫn chất đầy đau thương như hai câu thơ
Nguyễn Du trong phần mở đầu Truyện Kiều: ‘Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều
trông thấy mà đau đớn lòng.” Ông ra về với một bài thơ như sau:
Tôi về Hà Tĩnh chiều nao
Dưới chân Hồng Lĩnh máu đào chưa khô
Quê người tôi nhớ Nguyễn Du
Quê tôi, tôi đứng giữa mù mịt xa
Tôi về đất tổ quê cha
Rưng rưng nước mắt khóc òa trẻ thơ
Hai mươi năm nước đôi bờ
Tôi về rũ bóng ngọn cờ phương Nam
Đoạn trường mấy cuộc hợp tan
Ba trăm năm vẫn tiếng đàn não nhân
……
Trong chương 8 này, tác giả cũng dành một đoạn để nói về bạn
bè với tựa đề lấy từ một tập truyện của Đinh Tiến Luyện “Những Ngày Xưa Thân
ái”. Ông viết: Năm 1985, tôi làm “Bài Thơ Viết Trước Cổng Trường Vạn Hạnh”, khi
tôi ra tù thăm lại trường xưa, mà nhìn thấy những ngổn ngang dâu bể. Hình ảnh
trường xưa, bạn cũ bỗng hiện về xôn xao trong ký ức của tôi. Thời gian ba năm
dưới một mái trường đủ để cho những cuộc tình, tình bạn, tình yêu đơm bông kết
trái.
Rổi ông đề cập đến Đinh Tiến Luyện vừa là một nhà văn, vừa
là một họa sĩ cùng khóa Thủ Đức với ông, đến Phạm Bằng Tường, Khổng Trọng Hinh
và nhất là Nguyễn Thiêm Tường, một người bạn cùng dạy học, cùng đi lính, cùng ở
tù với anh, nhưng đã nằm lại vĩnh viễn bên núi rừng Việt Bắc. Song Nhị đã khóc
bạn như sau:
Sáng nay tôi đứng một mình tôi
Mây phủ rừng xanh kín núi đồi
Đọc nửa trang thư tôi bật khóc
Tường ơi, Tường đã thật đi rồi
Nhớ buổi chia tay vừa mới đó
Bao điều ước hẹn gửi vào nhau
Một mai những tưởng tàn giông bão
Ta lại sắp bày chuyện trước sau
Ai biết anh đi rồi vĩnh biệt
Đường trần đôi ngả rẽ đôi nơi
Đứa con vĩnh viễn thèm hơi bố
Vợ trẻ vành tang cuốn bạc đời
……
Đối với bạn bè chân tình như vậy thì đối với gia đình, cha
mẹ ra sao? Khi đi tù ông đã có những câu thơ viết về mẹ mình như sau:
Mẹ chắt chiu dành dụm trong tay
Từng đồng bạc để nuôi con cải tạo
Con ngồi trong bốn bức tường trâng tráo
Từng đêm dài tiếng mẹ vọng yêu thương
Mẹ ơi chiều nay gió bấc thổi từng cơn
Con muốn viết cả tấm lòng về mẹ ….
Cái tâm, cái tình của Song Nhị đối với quê hương, đất nước,
với gia đình, bạn bè sâu đậm như vậy. Còn một thứ tình nữa nữa chứ, thứ tình mà
không ai trong chúng ta có thể tránh né được. Tình gì nhỉ.. Thưa quý anh chị?
Các anh chị thử đoán xem…. Vâng, đó là tình yêu. Vậy Song Nhị đối với người
tình, người vợ của mình ra sao?
Trong truyện ngắn “Duyên Nợ Tiền Thân” của anh ở chương ba
cuốn sách này, sa môn Pháp Không, một nhà sư khôi ngô, tuấn tú, trao đổi với
nàng Hoàng Bích Vân, một thiếu nữ xinh đẹp, kiều diễm như sau:
Nàng hỏi:
- Người nữ yêu một người nam là cho hay nhận:
- Đó là nhận.
- Tại sao?
- Yêu người muốn được người yêu lại, đó là vì yêu mình chứ
khơng phải là yêu người.
- Vậy thế nào mới là yêu người?
- Hy sinh quên mình.
Song Nhị định nghĩa tình yêu như vậy “Yêu là cho, là quên
mình….” giống như Albert Camus, văn sĩ đoạt giải Nobel người Pháp, đã nói:
“C’est cela l’amour, tout donner, tout sacrifier sans espoir de retour” (Đó là
tình yêu, cho hết, hy sinh hết mà không hy vọng đón nhận gì. That is love, to
give away everything, to sacrifice everything, without the desire to get
anything in return).
Nhưng nữ sĩ George Sand cũng là người Pháp lại nói: “Il n’y
a qu’un bonheur dans la vie, c’est d’aimer et d’être aimé.” (Chỉ có một hạnh
phúc trong cuộc đời. Đó là Yêu và được Yêu. There is only one happiness in
life, to love and be loved.)
Vậy một người làm thơ ca ngợi tình yêu thì người đó phải vừa
cho vừa nhận, và tôi nghĩ Song Nhị đã nhận, và đã nhận nhiều, đã không từ chối
khi được cho, được nhận... Nhưng khi nhận được tình yêu, được hạnh phúc thì đặc
điểm lớn nhất của ông là gì?
Thưa quý anh chị, đó là lòng tri ơn. Biết ơn người tình, cảm
tạ người vợ:
“Cảm ơn nhé thùy phương
Cảm ơn những mùa thu mơ mộng
Buổi chiều tà áo gió bay
Đường sang Gia Định
Cám ơn em
Một lần nước mắt
Một lần nước mắt
Ngọt mãi đời đời…
……
Cảm ơn em cho ta đề tài
Để làm bài thơ dạt dào cảm xúc
Bài thơ không cần người đọc
Khi viết xong đem thả giữa trời…
Mấy ai có cái tâm để cảm ơn ngừơi tình? Có lẽ rất ít. Người
ta nói đến yêu, thương, giận, hờn, chờ, đợi, chia ly, nhung nhớ… nhiều hơn là
những chữ cám ơn, tạ lỗi. Trong văn chương VN, Tú Xương trong bài thơ “Thương
vợ” có kể công lao của vợ đầu tắt mặt tối nuôi con nuôi chồng. Thương thì
thương đấy, trách mình thì trách đấy, khen thì khen đấy, nhưng cũng không có
lấy một lời cảm ơn rõ rệt, có khi lại còn đổ lỗi cho xã hội, thời thế:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!
Song Nhị trái lại, ở trong tù cũng làm thơ. ôƠng viết “Một
tù khúc cho em” để tặng sinh nhật vợ:
Anh lại viết bài thơ này kỷ niệm
Tặng em ngày sinh nhật thứ 25
Trời sáng nay trải đầy sân nắng đẹp
Và anh ngồi trong những lớp chắn song
Sang tới Mỹ, chàng vẫn còn băn khoăn chuyện ân tình với vợ
qua bài thơ “Thêm một lần nói chuyện cũ với em”:
Tưởng sang Mỹ rồi lòng thanh thỏa
Sang Mỹ rồi sẽ trả được cho em
Trả những năm em lặn lội đi tìm
Vượt núi băng rừng
Từ Nam
ra Bắc
Gĩi đường gói bột
Con cá khô, muối mè, muối sả
Vượt nghìn cây số đường xa lắc xa lơ
Trên toa xe lửa già khập khễnh
Cứ sợ anh chết bụi chết bờ…
Anh sẽ bên em viết lại cuộc tình
Kể chuyện một thời dâu bể
Một thời non nước điêu linh
Chuyện những con người Việt Nam
Vượt muôn nghìn gian khó
Chuyển hóa cuộc hồi sinh
Những tấm gương trung kiên
Tiết liệt
Nghĩa tình
Ơi! Những nàng chinh phu.ï
Lòng biết ơn sâu xa, cái tâm chân thành, nhưng ơng đã trả
được bao nhiêu? Chắc chỉ có chị Song Nhị biết. Phải không chị?
Thưa quý anh chị, đến đây tôi cùng với quý anh chị đã đi tìm
Song Nhị qua tác phẩm “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút.” Chúng ta thấy qua tuyển
tập này, Song Nhị là một thi sĩ có cái tâm, cái tình, một con người bao dung,
yêu gia đình, quê hương, đất nước, biết cảm tạ tất cả nhửng gì mình nhận được.
Anh đã viết trong Nửa Thế Kỷ Việt Nam: “Mười lăm năm lưu lạc của Thúy
Kiều đã trả nàng về với một cuộc đời mất mát tất cả. Mười lăm năm “lưu lạc” của
tôi ở Sài Gòn đã cho tôi tất cả: vốn liếng sách đèn, tình yêu, gia đình, hạnh
phúc.”
Một câu viết rất phù hợp cho chúng ta trong Mùa Lễ Tạ Ơn
này. Có một số thanh niên, thiếu nữ, trí thức, tu sĩ Miền Nam đã được Miền Nam
cưu mang, cho ăn, cho học, cho tự do, cho dân chủ, nhân quyền, cho tha hồ viết
lách, làm báo vung vít mà vẫn đang tâm quay lại chống đối, chửi bới cái nôi đã
nuôi dưỡng mình. Ăn uống no đủ, mà vẫn xách bị giả vờ đi ăn mày… Khi tỉnh giấc,
nhớ lại cái tốt đẹp, cái khai phóng, nhân bản của Miền Nam xa xưa mà mình đã được hưởng
thì đã quá muộn.
Đọc Song Nhị qua tác phẩm “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cằm Bút” không
phải chỉ đi tìm Song Nhị mà còn là một dịp để tìm lại chính mỗi người chúng ta
trong tương quan gia đình, xã hội, đất nước để trả lời cho câu hỏi “Ta Là Ai”,
nhất là trong bối cảnh xã hội, đất nước hiện tại với bao nhiêu vấn để sôi bỏng
đặt ra cho chúng ta, bắt chúng ta phải suy tư và tìm câu trà lời, vì như Victor
Hugo đã nói trong mở đầu tập thơ “Les Contemplations”: “ Chao ơi! Khi tôi nói
về tôi, tôi nói về bạn. Làm sao bạn không cảm thấy điều này? Trời ơi, thật là
điên rồ khi nghĩ tôi khơng phải là bạn” (Ah! Quand je vous parle de moi, je
vous parle de vous. Comment ne le sentez vous pas? Ah! Insensé qui croit que je
ne suis pas toi! - Ah! – When I speak to you about me, I speak about you. How
couldn’t you sense it? Ah! foolish who thinks that I am not you).
Và sau cùng, thưa quý anh chị, Song Nhị còn là một con
người, khi sống sót qua những bi kịch kinh hoàng, vẫn cố gắng vượt qua thù hận
để hướng đến tương lai với tinh thần hy vọng, lạc quan. Ông kết thúc tuyển tập
của ông với một bài thơ mà ông viết vào những đêm khói lửa Tết Mậu Thân, trích
trong thi phẩm “Trường Ca Người Viết Sử”, một bài thơ vẫn có giá trị cho đến
ngày hôm nay.
Em ơi
Lửa cháy trong tim
Lửa đốt cuộc đời
Anh khát tình yêu
Anh thèm sự sống
Anh thức trắng đêm nằm chờ đợi sáng
Buổi sáng mặt trời trở dậy phương đông
Buổi sáng Việt Nam rực rỡ nắng hồng
Buổi sáng Việt Nam thanh bình no ấm
Buổi sáng Việt Nam tình người đằm thắm
Buổi sáng Việt Nam xóa hết hận thù…
Xin cám ơn nhà văn Song Nhị
Xin cám ơn tất cả quý vị.A
No comments:
Post a Comment