Tuesday, November 15, 2011

Tác giả Tác phẩm - Đỗ Tiến Đức


Cái Hay Của Tác Phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam
Là Cái Ngậm Đắng Nuốt Cay Của Dân Tộc Việt

Đỗ Tiến Đức

(Phát biểu về cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam của nhà văn Song Nhị 
trong buổi ra mắt tại hội trường báo Người Việt)

Thưa qúy ông bà, anh chị em,
Hôm nay chúng ta đến đây để mừng đứa con tinh thần của nhà văn Song Nhị. Nhưng khác thường lệ, chúng ta không được mừng đứa con tinh thần đó vào ngày nó chào đời vì nó đã chào đời 4  tháng trước tại San José. Hôm nay chúng ta mừng đứa con tinh thần đó đã chập chững đi những bước nhanh nhẹn vào văn học sử nước nhà, vâng, thưa qúy vị, cuốn sách đã được tái bản lần thứ nhất.
Vấn đề là, cuốn “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của nhà văn Song Nhị tại sao lại được độc giả tìm đọc nhiều như thế ?

Bởi vì chưa mở cuốn sách, chỉ riêng cái tựa “Nửa Thế kỷ Việt Nam” cũng đã cho ta nghĩ rằng tác giả viết về những biến cố trên đất nước Việt Nam trong nửa thế kỷ vừa qua. Mà trong nửa thế kỷ đó thì ai cũng đã biết, thế nào chẳng có những cảnh đấu tố thời cải cách ruộng đất, những cảnh người miền Bắc di cư vào Nam, những cảnh thời chiến tranh quốc Nam cộng Bắc, những cảnh thời Mỹ đổ quân vào Việt Nam, và cuối cùng là những cảnh quân cán chính miền Nam lũ lượt đi vào trại tù nhưng, mỉa mai thay, được gọi lả đi “học tập cải tạo” sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản.

Đó là những chuyện mà người Việt Nam ở những thế hệ trước đều trải qua không ít thì nhiều, và những thế hệ sau cũng đã nhiều lần nghe ông bà, cha anh nói, nên cũng  biết không nhiều thì ít.
Lại nữa, chúng ta đã thấy một số nhân chứng và nạn nhân của những thời kỳ đó đã viết sách viết báo. Nhiều nghệ sĩ đã dựa vào những tài liệu sống này để làm phim làm nhạc làm kịch.
Cuốn “Nửa Thế kỷ Việt Nam” của nhà văn Song Nhị cũng viết về những đề tài đó mà lại hấp dẫn độc giả là do nhiều nguyên do:

Thứ nhất, ông Song Nhị là một nhà văn có tài và có tâm. Ông viết những chuyện đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt, và hình như trong quảng cáo của ban tổ chức ra mắt sách có câu, ông “viết bằng máu và nước mắt của hàng triệu nạn nhân cộng sản”, nhưng riêng tôi, khi đọc sách của ông, tôi cứ mường tượng đang được nghe một ông già bình thản kể chuyện đời xưa với giọng nói bao dung và nồng nàn thương yêu...
Tôi không thể quên được đoạn văn ông tả cảnh thăm nuôi sau 5 năm xa cách. Bố ông chỉ có hai nải chuối xách theo. Bố ông nói: “Này, anh đưa mời các anh, người một trái”. Người cảnh vệ đã tiến lại nói với bố ông: “Không được”. Còn vợ ông, trong 15 phút thăm nuôi, sau hàng tuần lễ đi từ Sài gòn ra, chỉ nhìn nhau nước mắt lưng tròng. Ông viết: “Nhìn thấy tôi, cái xách trên tay nhà tôi đang cầm rơi tuột xuống mặt đường!”.
Chỉ có từng ấy chữ thôi. Nhưng đó là những dòng chữ khắc trên bia đá.

Thứ hai, trời đã cho ông Song Nhị một trí nhớ đặc biệt, khiến những chuyện xẩy ra vài chục năm trước mà ông viết ra vẫn đầy đủ chi tiết, tưởng như lúc nào ông cũng mang theo cuốn sổ tay và cái máy chụp hình. Hàng trăm người tù được ông ghi lại trong đó có ba đồng môn Quốc gia hành chánh của tôi một cách rất chính xác. Một người là anh Nguyễn Chí Vy bị công an bắt khi vừa vào trại Long Thành năm 1975. Một người là anh Nguyễn Văn Long, chết ở trại Long Thành 35 năm trước. Một người là anh Nguyễn Phát Lộc trong giờ phút cuối cùng của Miền Nam tự do.

Thứ ba, tác phẩm của ông Song Nhị có một bối cảnh dài tới nửa thế kỷ, mà trong nửa thế kỷ đó như ông nói, có hàng triệu nạn nhân, tức có hàng triệu người đau đớn, mà cộng sản lại rất giàu sáng kiến về cách làm cho con người phải đau đớn, rồi thì chém giết một hay nhiều mạng người một cách dễ dàng nên không ai tưởng tượng được những gì hàng triệu nạn nhân đó phải gánh chịu, phải chết.
Hàng triệu nạn nhân đó trở thành hàng triệu nhân vật cho nhà văn đưa vào sách. Cho nên dù đã có nhiều người viết trước đây, ông Song Nhị vẫn còn rất nhiều chất liệu hoàn toàn mới để hấp dẫn độc giả.
Như các cụ đã nói “miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời”. Quả thế, những biến cố đau thương của đất nước đó đã hằn vào tim óc mọi người dân Việt. Do đó nhiều người đã kiếm sách của Song Nhị, đọc để tìm lại mình những ngày qua, đọc để thương cho mình, vì ai cũng chỉ có một cuộc đời với số năm tháng ngắn ngủi, trong khi các dân tộc khác cố thăng hoa cuộc sống, cố hưởng thụ nhiều hơn, thì chúng ta bị đắm chìm trong các cảnh đọa đầy, bị nhục mạ, bị hành hạ, bị dồn vào cảnh ngày đêm chỉ còn nghĩ tới làm sao cho bớt đói.

Như thế, tác phẩm của nhà văn Song Nhị viết về đất nước Việt Nam nửa thế kỷ qua, sẽ giúp cho người đời sau, nhất là với những người trở thành gốc Việt ở quê hương mới, hiểu biết về một giai đoạn đen tối cùng cực của đất nước. Cuốn sách đã thành công vì tác giả đã trình bầy trung thực nhiều hiện tượng của mỗi chủ đề.
Nhưng theo tôi hiểu, chủ đích của ông Song Nhị khi nêu lên những hiện tượng nghiệt ngã của dân tộc, hoàn toàn không phải chỉ để độc giả giải trí như đọc một tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm đường rừng mà trong đó thay vì hùm beo rắn rít là công an là cán bộ là đảng viên lúc nào cũng gây nghẹt thở, lúc nào cũng rình rập từng bước ta đi, và lúc nào cũng thích ăn thịt người dân.

Cho nên, khi đọc Nửa Thế Kỷ Việt Nam, xin đừng qúa chú ý vào hiện tượng mà quên bản chất.  Đi tìm bản chất của cộng sản mới chính là chủ đích của ông Song Nhị, cụ thể như ông đã bỏ công sưu tầm những văn kiện của cộng sản Việt Nam về cải cách ruộng đất về tù cải tạo và Ông đã dành nguyên một chương sách, chương 17 để sưu tầm  chương trình H.O. đưa cựu tù nhân cộng sản sang Mỹ định cư. 
Quả thế, nếu chỉ hiểu “cải cách ruộng đất” là những cảnh đấu tố, cướp nhà cướp đất, nếu chỉ hiểu “Học tập cải tạo” là đi học tập hay cho dù hiểu thêm đó là đi tù, bị bỏ đói, bị lao động kiệt sức, và nếu chỉ hiểu “chương trình HO” là do lòng nhân đạo, thì theo tôi, chúng ta mới nhìn hiện tượng mà chưa hiểu bản chất thâm độc của cộng sản. Thành ra sẽ có người hiểu sai, chẳng hạn tù cải tạo bị đói là vì sau chiến tranh, lương thực bị thiếu, cả nước ai cũng đói thì tù cải tạo phải chung số phận đó thôi.

Tác giả cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam đã cho chúng ta thấy rõ hơn bản chất của chủ nghĩa cộng sàn Mac-xit Le-nit-nit và bọn tàn dư Hà Nội. Cộng sản như rắn độc, con nào càng độc thì màu da càng sặc sỡ. Cũng thế, các nghị quyết khát máu bao nhiêu thì chúng lại có những cái tên hiền lành bấy nhiêu, như cải cách, cải tạo, khoan hồng, nhân đạo.
Cái gọi là Cải cách ruộng đất đến cái gọi là học tập cải tạo, chủ trương của cộng sản khẳng định là xóa bỏ văn hiến truyền thống của dân tộc để thay thế bằng học thuyết tam vô của cộng sản độc tôn.
Chúng xúi giục con tố cha vợ tố chồng không phải chỉ để giết hại một cá nhân đó, mà để phá vỡ vai trò trụ cột trong gia đình của người cha, để rồi Đảng và Bác sẽ thay thế vai trò đó. Chúng đánh phá tôn giáo cũng không ngoài ý đồ tạo cơ hội để Đảng và Bác thay thế Chúa, thay thế Phật trong lòng nhân dân.

Tất cả những người từng bị bắt đi “học tập cải tạo” đều xác nhận, cộng sản không hề thực hiện điều gì để gọi là “học tập” hay “cải tạo”. Một cán bộ cao cấp của cộng sản đã nói với đám tù chúng tôi tại Phú quốc năm 1976 rằng: “Đầu các anh đã có sạn cả rồi thì còn cải tạo con mẹ gì nữa? Thực tế là đảng nhốt các anh lại để cải tạo xã hội”. Cải tạo xã hội có nghĩa là biến cái sung túc của miền Nam xuống ngang hàng cái nghèo đói của miền Bắc, biến cái sinh hoạt tự do dân chủ của Miền Nam vào cái sinh hoạt kìm kẹp của cộng đảng.
Để đánh phủ đầu, Cộng sản tròng lên nhân dân miền Nam tiếng “ngụy” kèm với bản án “nợ máu” để gây ấn tượng cho mọi người cái mặc cảm có tội mà rồi không dám phản ứng chống đối các trò hành hạ, bóc lột của chúng.
Trước hết chúng bắt các ông bố đi cải tạo với ý đồ tạo cơ hội cho Đảng và Bác chiếm chỗ của những ông bố, quàng khăn đỏ vào cổ những đứa trẻ cho chúng trở thành “cháu ngoan Bác Hồ”. Khi nào các con cái nhà ngụy hăng hái báo cáo với thầy cô giáo những ai tới nhà ngày hôm qua, hay mẹ cho ăn món gì, thì được Đảng coi là có “tiến bộ”. Với em nào không tiến bộ sẽ không được lên lớp, không được vô đại học mà đi thanh niên xung phong.
Đối tượng thứ hai của chính sách cải tạo là Đảng tìm mọi cách đẩy các bà vợ người tù gia nhập các tổ chức ngoại vi của đảng ở phường khóm cho đến khi xung phong đi kinh tế mới, thì đưọc coi là “tiến bộ”.
Mục tiêu thứ ba của đảng là cải tạo tài sản. Đảng không chấp nhận người thắng trận lại nghèo hơn người thua trận.. Vì thế chúng ra tay trù ếm, bao vây kinh tế, làm tiêu hao của cải tiền bạc dành dụm được, để vợ người tù phải bán dần từ đồng hồ, ti vi tủ lạnh, phải cạy cả gạch men lót nền nhà đem bán, và cuối cùng là bán nhà, chấp nhận mang  con lên khu kinh tế mới.
Bản chất của cái gọi là “học tập cải tạo” ác độc như thế mà người ngoại quốc dịch là re-education thì thật là mỉa mai cho hàng trăm ngàn quân dân cán chính đả bị cộng sản bắt vô tù.. Nếu không nhìn rõ bản chất của nó, thế hệ sau sẽ tự hỏi cha ông chúng “được” đi học lại như đi tu nghiệp thì có gì mà kêu khổ?
Cũng thật là mỉa mai khi Chương trình cựu tù nhân chính trị được Mỹ nhận định cư  gọi là chương trình “nhân đạo”. Tác giả Song Nhị đã cho độc giả thấy bản chất của chương trình này rõ ràng là cộng sản đã dùng các cựu tù như một món hàng để đổi chác với Mỹ, đồng thời chúng còn mong đạt được ý đồ quan trọng khác là tống ra khỏi nước một khối lượng người có khả năng chống lại chúng. Hậu qủa rõ ràng là ngày nay, ở trong nước, số người ở miền Nam công khai đấu tranh quyết liệt cho dân chủ ít hơn ngoài miền Bắc. 

Cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam viết dưới thể bút ký tự truyện tức là trình bầy sự thực của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Nếu cuốn sách càng hấp dẫn, càng lôi cuốn thì điều đó chứng tỏ quê hương dân tộc của chúng ta đã trải qua quá nhiều cảnh ai oán, đau đớn.
Nơi đầu Chương I của cuốn sách, ông Song Nhị than “Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu”. Theo tôi, mai sau nếu còn tái bản, ông Song Nhị nên sửa lại câu này rằng: “Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao tốt”. Vì sinh ra dưới một ngôi sao tốt nên hàng triệu đồng bào đồng đội đồng hương của ông te tua mất mạng, ông vẫn sống mạnh khoẻ tới ngày nay. Và quan trọng hơn nữa, ngày nay, với cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam, ông còn vinh dự được hàng triệu người sinh ra đời dưới ngôi sau xấu kia vô cùng cảm ơn vì ông đã nói thay họ những điều họ muốn nói với nhân loại.

Thưa qúi vị, thưa anh chị em,
Nhưng những thảm kịch đó, sau nửa thế kỷ, nếu có chấm dứt đối với tác giả Song Nhị thì những thảm kịch đó ngày hôm nay vẫn còn diễn biến trên quê hương chúng ta. Bởi vì như đã trình bầy, hễ còn người cộng sản thì chắc chắn vẫn còn cái bản chất duy vật ác độc, cá nhân chủ nghĩa tham lam, độc tài độc tôn ngạo mạn.
Nếu trong trại tù cải tạo, tác giả Song Nhị chứng kiến một tù nhân bị bộ đội đạp ngã sấp mặt xuống hố phân, thì giờ đây một thanh niên đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, bị công an bắt vô đồn, chỉ hai tiếng đồng hồ sau đã chết vì những cái đấm cái đạp hoàn toàn không thù không oán. Nếu trong trại tù cải tạo, hay trong thời cải cách ruộng đất, nhiều người bị bỏ đói thì bây giờ ở Việt Nam vẫn có những trẻ thơ bị người lớn thản nhiên vặn răng, tống khúc củi vô miệng, gí bàn ủi nóng lên thân thể cho cháy từng mảng da thịt, cũng không thù không oán. Hàng ngày ở Việt Nam ngày nay đều đều có năm bẩy người chết thảm rất tình cờ chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt hay chỉ vì một đôi bông tai trang sức không đáng giá. Trẻ nít mới năm bẩy tuổi đã bị hiếp dâm có đáng để loài người phải kêu trời chưa?
Những lời kêu gọi thương yêu như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” hoàn toàn vô nghĩa trước bản chất cùng hung cực ác và vô cảm dưới thời đại cộng sản.
Do đó, chúng tôi rất hoan nghênh những cuốn sách như cuốn Nửa thế kỷ Việt Nam của nhà văn Song Nhị. Tôi mong cuốn sách sẽ trở thành niềm hứng khởi cho tất cả những ai từng là nạn nhân cộng sản, chúng ta hãy bỏ thì giờ ngồi viết lại những gì mình đã nhục nhã và đau đớn trải qua cho con cháu đọc như một bản “Gia Huấn Ca”.

Thưa qúi ông bà và anh chị em,
Cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam được nhiều người khen hay. Vâng, “rằng hay thì thực là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.  Cái ngậm đắng nuốt cay của cô Kiều chỉ vì hồng nhan đa truân đã khiến người đời thương xót. Như thế còn cái ngậm đắng nuốt cay của hàng triệu nạn nhân cộng sản đã và đang vật vờ trên quê hương Việt Nam chẳng lẽ chúng ta nỡ làm ngơ sao cho đành?

Đỗ Tiến Đức


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...