Wednesday, December 28, 2011

Lời Rao Giảng Của THƠ (3) - Nguyễn Thùy

Ba Chặng Đường 
Một Hành Trình trong thơ Song Nhị


NGUYỄN THÙY

                                             
Ra đi điều biết tự trời
Ra đi cần thiết cho đời nhân gian (1)   

(Parting is all we know of heaven
And all we need of hell )
 (Emily Dickinson)

Hai tập thơ 'Tiếng Hờn Chiến Mã” và “Về Lối Đi Xưa” cùng một số bài trên giấy rời của Song Nhị đến với tôi hôm nay. Đọc thoáng qua một số bài và tên hai tập thơ, nhất là tựa đề tập thứ hai, cảm giác đầu tiên của tôi là hầu như thơ Song Nhị luôn chập chờn, lãng đãng những 'Đi', 'Về'  'Đến', 'Ở' khiến tôi liên tưởng đến lời thơ Emily Dickinson trích ở trên (1). 
                                          

Chiến mã lẫy lừng bao chiến trận
Đã đi là quyết một lần đi
   (Tiếng Hờn Chiến Mã)  

- Thì thôi, lòng hãy quên đi vậy
Đi, Ở, Về, Đi. Cũng số phần…
- Mai kia nếu phải ra đi nữa…..                   
Nếu phải đầu thai một cõi nào
   (Về đây – VLĐX)                                    
Ta về phố xá thời ma đạo
tìm thấy hồn ta trong cổ thi…
    (Tìm Lại Hồn Ta - THCM)

Toàn thể thơ Song Nhị qua số thơ tôi nhận được, theo tôi, tập trung vào từng chặng 'Đi, Đến, Ở, Về'  nầy. 'Đi' là 'ra đi'; 'Về' là 'trở về, về lại'; 'Đến, Ở' là 'ngụ cư nơi đất khách, quê người'. Điều nầy bàng bạc hầu hết nơi thi ca người Việt hải ngoại nhưng nơi thơ Song Nhị đậm nét và rõ ràng, súc tích không riêng nơi một số bài mà trở thành đề tài và chất liệu trong thơ anh. 'Đi, Đến, Ở, Về', những động từ thường xuất hiện trong thi ca, vẽ lên hành trình một kiếp sống, một thân phận; chân dung một lẽ đời với bao buồn, vui, khổ, sướng, phiền muộn, ưu tư, hân hoan, phấn khởi…., tất cả cảnh ngộ và tâm trạng  con  người trong vận hành lịch sử nhân sinh.
Cuộc chiến tương tàn dưới đủ mọi nhãn hiệu nhân danh, trên hai mươi năm lẻ đã cày nát hình hài, da thịt, óc tim đất nước và con người Việt Nam. Không cần thiết phải xác định ở vị thế nào – bên nầy hay bên kia chiến tuyến, địch, thù, ta, bạn - để nhận định, đánh giá ngay gian, phải trái về phía nào - điều nầy mọi người đã nói, đã viết và lịch sử đã đề cập cũng như đang còn và sẽ  xét  soi - Cái oái oăm, ngược ngạo, bi đát, phi lý và hài hước chưa hẳn ở nơi cuộc chiến mà chính ở lúc đã 'hòa bình', lúc cuộc chiến  đã tàn,  đã  ngã ngũ, đã kết thúc thắng bại, hơn thua'.
Hòa bình', danh từ đẹp quá đi thôi! Ấy thế mà, tiếng súng vừa ngưng, hàng trăm ngàn người đã phải 'trốn chạy hòa bình'! Và, liên tiếp sau đó, hàng triệu người khác, đủ mọi thành phần, có cảû những kẻ từng muốn mong, khao khát hòa bình và náo nức mừng vui đón chào ngày 'thống nhất hòa bình' lại phải lo toan, tìm mọi cách để 'đào tẩu hòa bình' dù biết có phải chết nơi rừng sâu, biển cả (hàng trăm ngàn người đã chết rồi!).. Ngay bây giờ, nếu có cơ hội, chắc cũng lắm người tiếp tục 'trốn chạy hòa bình' sau trên hai mươi năm 'hưởng thụ hòa bình'! Và cũng một số người bên phe 'chiến thắng', cùng thân nhân, con cái họ cũng đã 'đào tẩu hòa bình', tìm cách 'ty nạn hòa bình' mỗi khi ra nước ngoài hay không trở về lại nước sau thời gian tu nghiệp, du học nơi các 'đế quốc đầu sỏ' mà họ đã từng nhiếc mắng, lên án không tiếc lời.
'Trốn chạy hòa bình', nghe ra ngược ngạo, khiên cưỡng, trái tai, thế, nhưng cả thế giới năm châu, cả cơ sở quốc tế toàn cầu – Liên Hiệp Quốc - đều công nhận qua danh xưng hợp pháp 'tỵ nạn chính trị' và hao tốn bao nhiêu sức người, sức của, thiện chí, tình thương đùm bọc, chở che. Một thứ 'Hoà bình' nghiệt ngã, hòa bình trong máu và nước mắt, trong xiềng xích, tù đày, trong thân phận  khổ  sai, nô lệ! 
Một tình cờ hay oái oăm lịch sử hay một sắp đặt ẩn mật trớ trêu của dòng Sử Mệnh Việt Nam ra ngoài dự liệu của con người đã đẩy đưa đất nước đành lòng phó thác hàng  triệu đứa con yêu quí phải 'trốn chạy hòa bình',  xa rời khúc ruột thân thương, bơ  vơ nơi  xứ lạ, lạc loài, hiu hắt, buồn đau, để làm gì?   Lịch sử sẽ trả lời. Thơ văn người Việt hải ngoại đã ít  nhiều nhìn ra. Và, hơn ai hết, Song Nhị đã nhìn ra và đấy là những quặn đau cùng ước vọng nơi tâm thức qua cái 'Đi, Đến, Ở, Về' nơi các thi tập của anh.

'Tiếng Hờn Chiến Mã' - động lực  'Ra đi''
'Tiếng hờn”: hờn buồn, hờn tủi, hờn giận, hờn căm không hẳn là thù hận: hờn thời đại, hờn lịch sử, hờn tủi phận mình.                                
- Người rã ngũ rồi non nước đâu                                         
tim ta máu đọng khối thâm sầu                                        
hỡi ơi, trời đất cùng rơi lệ                                        
trang sử lật rồi cuộc biển dâu!                                                     
    (Ta Gục Giữa Hồn Ta)                                 
- Một phần tư thế kỷ                                       
Tiêu ma trong một ngày                                      
Ngày rừng thiêng bão lộng                                       
Đàn chim vỗ cánh bay                                        
Ôm gia tài lịch sử                                       
Ngậm lá bùa thiên di                                       
Trên nhánh đời chập choạng                                       
Ngồi hót thời biệt ly                                                     
    (Chặng Hai Ngàn Thời Chim Di Việt Nam)
“Cuộc biển dâu”. Vâng, một cuộc biển dâu. 'Trải qua một cuộc biển dâu”, Trăm điều thấy, nghìn điều đau não nề, Dân tộc đó, tỉnh mê mê tỉnh, Giang san đây, gan tím tím gan, Ba mươi tháng Tư bảy lăm… ! 'Trang sử lật rồi', lịch sử chấm dứt những trang đời chiến tranh thê thảm để lật sang những trang đời 'hòa bình' bi đát, nham nhở, điêu linh! Ôi, Hòa Bình! 
Nỗi tủi hờn theo sát lưng chiến mã. Chiến mã, con ngựa chiến, ngựa trận, ngựa sắt của Phù Đổng, ngựa Xích Thố của Quan Vân Trường, ngựa Ô Truy của Hạng Võ, ngựa Bạch Mã của César, ngựa Long Mã đã đưa thầy trò Đường Tam Tạng thỉnh kinh. Ngay cả những con ngựa đá điện Chiêu Lăng, chân cũng dính bùn vì như cùng xông pha ra trận đánh đuổi quân Nguyên đã là đề tài cho hai câu thơ bất hủ của Trần Nhân Tông:
“'Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
(đã có người dịch: Xã tắc hai phen bon ngựa đá, sơn hà nghìn thuở vững âu vàng).
Chiến mã nơi thơ Song Nhị không là ngựa mà là “'ngưỡi cỡi ngựa” tức người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong suốt cuộc chiến chống Cộng sản xâm lăng. Đoàn chiến mã anh hùng đó đã phải bị 'ngã ngựa', đã phải bị bắt buộc buông súng, buông gươm, phải nhận chịu bại trận theo 'mệnh lệnh' đầu hàng:                                       
Kim cổ đông tây hề! Chiến mã                                       
ào ào ngọn vó hề! Sa trường                                       
bao phen đất dội trời rung chuyển                                       
chiến mã dọc ngang hề! tứ phương                                        
Chiến mã lẫy lừng bao chiến trận                                       
Đã đi là quyết một lần đi                                       
Giang sơn, tổ quốc, lòng trung nghĩa                                        
Một phút, thôi đành! Lẽ thịnh suy....!

Không riêng 'đoàn chiến mã' mà gần cả hai mươi triệu nhân dân Miền Nam, từ ngày đó, cũng ôm 'hờn chiến mã' như Song Nhị, cũng phải 'một phút, thôi đành! Lẽ thịnh suy'. Người 'chiến mã' Song Nhị đã ngã ngựa, đã phải nhận chịu thất bại, không do mình mà do từ những lý do đâu đâu; nói chung Song Nhị đã phải đứng chung trong hàng ngũ 'phải chiến bại' (!).
Có những thất bại rất kiêu hùng dù thất bại vốn không hàm chứa kiêu hùng, và không ai, ít ra tự khởi đầu lại đi tìm kiêu hùng trong thất bại. Cái thất bại của phong trào Duy Tân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, của Nguyễn Thái Học, của Phan Bội Châu… là những thất bại kiêu hùng. Cái thất bại của Imre Nagy xứ Lỗ Ma Ni trước đoàn quân xâm lăng của Liên Xô (thời Nikita Kroutchev) là cái thất bại kiêu hùng. Cái thất bại của Miền Nam Việt Nam trước cuộc xâm lãng vũ trang của Cộng sản là một thất bại kiêu hùng. Vì thế, thất bại mà không nhục. Cái 'nhục' không ở nơi 'đoàn chiến mã' mà do từ 'Trang chiến sử đồng minh cờ giũ cuộc, Nửa sơn hà nghịch lũ cuốn trôi phăng' (Vẫn đợi mùa Xuân – THCM), do từ những lãnh đạo nhiều tham vọng mà bất tài, không tư cách cho dù trong 'thế chẳng đặng đừng', cho dù bị ép vào 'đường cùng, thế bí' thì ít ra cũng phải biết 'tự trọng', phải giữ được ít nhiều cái hào khí hùng anh của dân tộc như một Trần Bình Trọng, một Phan Thanh Giản, một Hoàng Diệu, một Nguyễn Tri Phương,… xưa kia hay như một Lê Văn Hưng, một Nguyễn Khoa Nam…. trong ngày toàn dân 'ngã ngựa'). Cái 'nhục' còn ở ngay cả bên 'chiến thắng' do từ cái 'Hòa bình' mà họ đem lại cho cả nước, đúng hơn là họ áp đặt, bắt nhân dân phải gánh chịu. Cái thất bại của Song Nhị và của bao nhiêu chiến hữu như anh không nhục mà kiêu hùng. Vì thế, anh chỉ 'hờn' mà không nhục. Cái 'thất bại kiêu hùng' đó theo anh mãi mãi:                                     
Sá chi sinh mạng thời binh lửa                                       
thì tiếc gì thân buổi bại hàng                                       
lê gót xích xiềng thời đại cổ                                       
ngậm ngùi chiến mã bước hiên ngang                                       
Bước đi trên nỗi buồn hoang phế                                       
Trên những cỏ cây cúi gục nhìn                                        
Trên những vệ đường người lạnh cóng                                       
Những hàng đinh nhọn cắm xuyên tim                                                            

"Sinh mạng thời binh lửa", coi nhẹ như "hồng mao" thì "buổi bại hàng’ tiếc thương gì "thân tứ đại". Mặc kẻ thù dày xéo, vẫn cứ hiên ngang dù có ngậm ngùi cho thân thế. Đoạn thơ cho thấy nét kiêu hùng cùng ý chí kiên cường của kẻ trượng phu giữa bao nhiêu nghiệt ngã còng lưng gánh chịu. 'Bước hiên ngang giữa những ngậm ngùi', ngậm ngùi cho cả một thời đại, cho cả loài người bày 'lối chơi hoang trò dã thú'; ngậm ngùi trước oan khiên của hồn sông núi gánh nặng trên vai oằn; trước cảnh 'nghịch thường' của đoàn chiến mã giờ đây phải ra sức nhọc nhằn 'xô trái núi' không để dựng xây công ích cho dân mà chỉ để 'dựng xà lim' giam nhốt con người: 
                                   
Ở đây trời đất vừa thu lại
còn một vòm đen chứa thế gian
và cả loài người như đổi lốt
bày trò dã thú lối chơi hoang

Tôi tưởng như mình vừa sống lại
Tự nghìn kiếp trước nối oan khiên
Oằn lưng gánh lấy hồn sông núi
Hiu hắt trong lòng đóm lửa thiêng                                    

Tôi đi núi đổ đè thân phận
Đá cứa vai trần máu rướm tim
Cả một đoàn người xoay trái núi
Dời non chuyển đá dựng xà lim
   (Tôi Đi Giữa Đoàn Tù Vác Đá – THCM )  
'Tiếng hờn chiến mã' không phải để 'mím miệng, cắn răng' gượng nuốt nghẹn ngào, đau khổ vì hoàn toàn bất lực trước nghiệt ngã, không là thái độ 'so gan' trước kẻ thù hoặc cam phận chịu đựng; ngược lại, với Song Nhị, với những người như Song Nhị, 'tiếng hờn chiến mã' chính là  để  thách thức  gian nguy, để  nhìn ra mình, ra người, ra cuộc cờ dâu biển, để 'hờn' mình không tròn nghĩa vụ, từ đó hướng đến một nghĩa vụ mai nầy phải gánh vác khởi đi từ 'tiếng hờn', tữ những đau buồn, mất mát cùng những bức bách của lịch sử hôm nay:                                      
Dưới vòm đen nộ khí                                       
đàn ngựa đứng nhìn lên
nhớ đường xa dong ruổi                               
mang tội hình không tên

Ngày từng ngày lửa nắng                                      
đốt cháy cánh đồng hoang
đốt trên làn da thịt
đốt trên nổi cơ hàn
đốt sao được tim óc
đàn ngựa hồng bất kham
(Đàn Ngựa Hồng Trên Cánh Đồng Hoang -THCM)
để 'trước họng súng trước lưỡi lê. Cùm kẹp, từng nụ cười vẫn nở rất tươi' (Một tù khúc cho em- THCM) vì luôn luôn nuôi dưỡng:                                    
ta chờ xóa vết chân hoang                                       
về đem huyết sử viết trang chuyện đời                                        
ta chờ người lại với người                                       
xóa tan huyền thoại những lời võng ngôn.                                                 
   (Từ Cõi Hồng Hoang – THCM)
Cái 'chờ mong' đó được nung nấu từ 'Tiếng hờn chiến mã' hôm nay để tự thâm tâm vọng lên lời kêu gọi thắp sáng niềm tin. Chờ gì? Chờ "xóa vết chân hoang" của bầy dã thú, chờ "người lại với người" để bao huyền thoại mang đầy võng ngôn được xóa sạch cho trang chuyện đời không còn những máu lệ tang thương, những trò mị dân, lọc lừa, man trá.                               
Hỡi bầy chim trên khóm rừng già                                       
hỡi bầy ngựa hoang trên cánh đồng khô                                       
hãy thức dậy từ giờ                                        
nghe tiếng hát và nghe lời giục giã                                    
.......                                      
Cuộc bể dâu làm vỡ vụn tinh cầøu                                      
thời gian qua chưa đủ mờ dĩ vãng                                      
nên lòng còn trên chóp đỉnh thương đau                                      
nên lòng còn trăm nghìn lời muốn nói                                      
nên tình còn trăm nghìn điều mến thương                                       
trong nỗi ngây ngất không cùng                                      
hãy ném hồn lên đỉnh ngọn sầu đông                                      
uống cạn sương mai giữa bầu trời lạnh giá                                 
.........                                      
Trời sẽ nắng cây rừng hoang sẽ dậy                                     
Bầy chim di sẽ vỗ cánh bay về                                     
Ngày sẽ tới và mặt trời sẽ mọc                                     
Hỡi loài người vội vã tĩnh cơn mê.                                                 
    (Tiếng Hát Loài Chim Di - THCM)
Cuộc bể dâu có làm vỡ vụn tinh cầu, có biến đoàn chiến mã thành đàn ngựa thồ thân tàn ma dại, cũng không thể nào đốt được tim óc đoàn ngựa bấùt kham vì còn trăm ngàn lời chưa nói hết, trăm ngàn mến thương chưa tròn, trăm ngàn điều chưa trọn với đất nước, quê hương, với tổ quốc, gia đình nên 'tiếng hờn'  luôn luôn vang vọng.

Lời thơ mạnh hùng, tràn đầy khí lực. Trên "chóp đỉnh thương đau", giữa bao u hoài, trăn trở, tiếng thơ vang vang lời kêu gọi đầy nhiệt huyết và đầy tin tưởng, như lời hịch giục giã mọi người can đảm nhận chìm bao khổ nạn, mạnh dạn, kiên cường "uống cạn sương mai giữa bầu trời lạnh giá", gọi nắng mai về, gọi mặt trời mọc sớm cho rừng hoang trổ lại xanh tươi, cho bầy chim di trở về tổ ấm và trên hết, cho con người "vội vã tỉnh cơn mê".
Song Nhị không nói riêng cho mình, không riêng cho đồng đội chiến hữu mà cho tất cả mọi người, đặc biệt cho lớp người đang gây hung hiểm cho đoàn chiến mã, cho cả loài người bằng đủ mọi loại huyễn ngôn, ma mị, giả hình. Cái "can trường hiện hữu" (the courage to be – mượn lời của triết gia Paul Tillich) nằm ngay nơi lời thơ của con người vừa là chiến sĩ vừa là một nghệ sĩ lãng mạn trong đấu tranh giữa trùng trùng gian khổ đè nặng trên vai oằn, trên lưng còng, trên tấm thân héo úa.
Thơ Song Nhị luôn khắc khoải trong niềm ưu tư đó; chính niềm ưu tư nầy đã nuôi dưỡng chí hùng anh, đã thôi thúc cái kiêu hùng của 'chiến mã' miên viễn dậy dàng để luôn luôn 'đi về phía trước' (Từ giữa ngục tù – THCM). 'Mang dấu tích một thời tao loạn,… đủ trăm nghìn nhức nhối từ một lần lịch sử sang trang' nhưng trong anh 'trăm nghìn ước mong chờ đợi', không phải những 'viễn vọng mơ hồ, tìm thần tiên ở một ảo tưởng sa mù' (Từ giữa ngục tù đi tới) mà ngay ở đất trời dương cảnh, ở ngay nơi cuộc sống thế gian, ngay trong song sắt và bốn bức tường vây hãm:                                      
Ta phải sống                                       
ta sẽ đến đó với em                                         
với nghìn lần trìu mến                                        
ta sẽ giang hết đôi tay                                        
trải rộng tâm hồn                                        
lăn vào cuộc sống                                         
với nhiệt huyết dư thừa                                                                
   (Từ giữa ngục tù đi tới)

"Ta phải sống" không chỉ là lời hứa hẹn mà là lời "đoan quyết"' với mình, với người, với lịch sử. Giữa muôn ngàn đớn đau, không một lần ngã quỵ, nhiệt huyết vẫn dư thừa để "lăn vào cuộc sống" với tâm hồn trải rộng, với giăng hết đôi tay nghìn lần trìu mến. Yêu đời, yêu người, sức sống nơi nhà thơ vững chắc như thành đồng, lời thơ như những mũi tên xuyên phá vùng vô minh, như những ánh lửa trời xua tan mọi vùng bóng tối. Đoàn chiến mã đó quả không hề nhục nhã dù có phải nhận chịu thất bại đắng cay.
'Thất bại không nhục nhã' vậy 'chiến thắng có vinh quang'? Không, với những người như Song Nhị 'bại không nhục mà thắng cũng không vinh'. Tại sao? Tại vì Song Nhị là nhà thơ, là một nghệ sĩ. Song Nhị và những nhà thơ như Song Nhị đi vào lính, vào chiến đấu không để tìm 'vinh' và không phải để phải 'nhục' vì không 'vinh'. Cuộc đời bắt buộc phải 'ra đi' dù chỉ là đi chơi, đi dạo, đi chợ, đi học, đi du lịch hay 'đi' theo nghĩa của gái giang hồ hoặc 'đi' vào một nghiệp nghề kiếm sống bình thường (đi cày, đi làm, đi buôn, đi ở đợ,…) hay 'ra đi' theo một khuynh hướng, chí hướng nào (đi lập nghiệp, đi tu, đi làm Cách mạng, đi chiến đấu, đi vào triết lý, khoa học, nghệ thuật,…), không một ai không một lần 'ra đi', 'Parting is all we need of hell'; khác nhau nơi sự việc, trường hợp, cảnh ngộ đã đưa đẩy việc ra đi, khác nhau nơi chủ đích, nơi ý hướng và tình tự lúc ra đi, trên hành trình ra đi. Song Nhị đã 'đi vào lính', làm thân 'chiến mã' vì nghĩa vụ, đã đành nhưng với tất cả tâm hồn nghệ sĩ nơi mình (điều nầy xin nói sau). Song Nhị đã 'trên nhánh đời chập choạng, ngồi hót thời biệt ly' (trích trên) và:                                  

ta đã ra đi từ một ngày như hãy còn quá mới                                        
có những khoảng thời gian                                       
tưởng như rỗng tuếch nhẹ hời                                       
nhưng lại ắp đầy trĩu nặng                                       
Ta không thể nói những gì hiện hữu                                       
Là nhất thiết tuyệt vời                                       
Như bên tai vẫn vang vọng rêu rao                                       
Đủ điều thiện mỹ                                        
Mà từ hiện hữu nầy ta mới thấy
những gì thực sự có                                                        
            (Từ Giữa Ngục Tù Đi Tới)
"Từ hiện hữu nầy ta mới thấy những gì thực sự có", đúng thế. Gặp phải thất bại, buồn đau, con người thường bi quan, chán nản hay quyết chí vùng lên xóa tan cái hiện hữu đang ê chề, tăm tối để tạo nên một hiện hữa khác đẹp đẽ, tốt tươi cho cuộc sống của mình. Thường mọi người đều như thế và ý chí, hy vọng con người quy tụ vào đấy.
Với Song Nhị, có nét gì khác hơn. Song Nhị đang chứng kiến, đang sống trong hai thứ "hiện hữu": hiện hữu của chính bản thân mình và của những thành phần chiến bại đang phải trải chịu đày đọa, khổ đau và cái hiện hữu phải nghe và bị bắt buộc phải tin, phải theo bao "điều thiện mỹ" liên tiếp vang vọng rêu rao ra rả đêm ngày. Hai hiện hữu trái ngược nhau nhưng chính cái hiện hữu thứ hai nầy lại làm cho cái hiện hữu ê chề kia có ý nghĩa và cũng chính cái hiện hữu thứ hai nầy càng giúp cho ta nhìn ra được những gì "thực sự có" cho con người, cho cuộc sống. Chính phải sống trong những điều giả mị, ta mới đòi hỏi, khát khao, tranh đấu cho những gì chân xác, đúng đắn, đẹp tươi.
Đoạn trích trên đủ cho ta thấy sự 'ra đi' của Song Nhị chất ngất tâm trạng nào và mang chở ý nghĩa ra sao. 'Tiếng hờn chiến mã' thúc giục 'ra đi'. 'Ra đi' để tiếp tục cuộc hành trình trong cõi thế vì còn phải 'oằn lưng gánh lấy hồn sông núi, heo hắt trong lòng đóm lửa thiêng'. Cũng như bao người, anh 'chạy trốn hòa bình', thứ hòa bình 'xã hội luông tuồng trong bệnh hoạn, con người con thú có gì hơn'  và 'lễ nghĩa thay bằng câu dối trá' (về đây), thứ hòa bình của bạo  quyền, bạo lực xoáy nát lương tâm,  chôn vùi đạo lý,  chà đạp quyền sống, phủ nhận tình người; thứ hòa bình khóa bịt miệng mồm, thắt đai dạ dày dân dã; thứ hòa bình trát trấu bôi tro, xéo dày, giẫm nát óc tim tâm hồn nghệ sĩ:                                           
Ngọn sóng cuồng lưu xóa vùi đạo lý                                       
Nhân loại ai còn tiếng gọi từ tâm                                        
Ngôn ngữ văn chương lời rao quỷ dữ                                       
Đâu đó hồn thơ máu chảy tim người                                                                              (Đổi đời – THCM)
Anh đã từng bị bắt buộc 'Ra đi' bởi bọn người chiến thắng, 'ra đi' để trả 'món nợ' (?) kẻ bại binh, mặc kẻ thù đày đọa. Và dù có phải 'ra đi' như thế nhiều lần thêm nữa thì vẫn không nguôi quên tiếng hờn chiến mã, vẫn luôn luôn là dòng máu Việt Nam, không bán lương tâm mình cho quỷ dữ, không bao giờ buông bỏ căn tính giống nòi.                                      
Mai kia nếu phải ra đi nữa                                       
nếu phải đầu thai một cõi nào                                       
xin mãi làm người con nước Việt                                        
dẫu lòng còn đó nỗi buồn đau.                                                        
            (Về Đây – THCM)   
Bây giờ, 'trốn chạy hòa bình', anh lại phải 'ra đi', tự bắt buộc mình 'ra đi', không để trở thành 'cái giá phải trả' trong tay phường 'chiến thắng' (?) mà với tâm nguyện tạo lập một 'hòa bình' đúng nghĩa thay cho thứ 'hòa bình' man trá, giả hình của kẻ thù tàn bạo, vô luân.
          
RA ĐI - HÀNH TRANG CHẶNG ĐƯỜNG ĐẾN, Ở
“Chạy trốn hòa bình” để 'Tiếng hờn chiến mã' có điều kiện mở phơi, vạch trần giai đoạn sử máu và thêm nung nấu can trường. 'Đến, Ở' xứ người, bơ vơ, lạc lõng như để 'nhận phần trả vay'nơi kẻ đã 'gieo mầm nhân quả'. Có thể Song Nhị không nghĩ như vậy mà hầu như do một 'căn duyên nào buộc', một 'cần thiết nơi đời cõi âm', một tất yếu của kiếp người 'từ nguyên là bụi cát, ghé bến rồi ra đi':                                    
Ta từ cõi lạ                                        
một lần đến đây                                        
gieo mầm nhân quả                                         
nhận phần trả vay

Ta từ cõi lạ                                      
một lần đến đây                                         
căn duyên nào buộc                                       
nhân sinh kiếp nầy                                                  
    (Chặng Dừng)
Chặng đường 'đến, ở' trong thân phận ly hương xay xát đêm ngày tấm thân lữ thứ. Chiến mã ngày nào 'lẫy lừng bao chiến trận, dọc ngang hề! tứ phương' giờ nầy co rút lại giữa cảnh đất trời xa lạ, giữa cách sống, cách nhìn chẳng chút đồng điệu, đồng tâm. Một cách biệt, khác xa: ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, thói quen, cả thân xác, hình hài,… một hoài nghi lạnh giá, 'hoài nghi hiện sinh, hoài nghi lý lịch' (doute existentiel, doute identitaire) xâm chiếm cõi lòng để hầu như thấy 'tuồng đời hư ảo, phận mình  hư không':                                     
Ngày qua theo bóng                                      
đời xuôi theo dòng                                       
bóng đời chập choạng                                        
phận người rêu rong                                     
Ta từ cõi lạ                                       
một lần đến đây                                       
ôâm toàn hư ảnh                                       
thả vào khói mây                                                 
    (chặng dừng)
Ai không ngậm ngùi trong cảnh tha hương? Ai không héo hắt trong hoài thương, tưởng nhớ? Chặng đường 'đến, ở' ngun ngút buồn đau; tương lai hun hút dặm ngàn, mờ mịt, lạnh căm:
                                    
Xuân này có người viễn xứ                                       
hăm lăm năm biệt quê nhà                                  
lang thang chân trời góc biển                                       
ngậm ngùi đất tổ quê cha
.......                                                                             
bốn phương không là quán trọ                                       
ơi người viễn xứ về đâu?                                                                         
            (Người viễn xứ)           
Thời gian lạnh lùng trôi, không đoái hoài thân phận kẻ ly hương 'trên lưng dày quá khứ, từng vết hằn bầm đen' (Chặng Hai Ngàn Thời Chim Di Việt Nam), đã sang thiên kỷ mới mà những đợi chờ lịch sử đổi thay vẫn là một chuyện buồn, vẫn chưa một dấu vết vơi tan:                                    
Một phần tư thế kỷ                                      
hoàng kim như bóng mây                                       
chặng hai nghìn đến hẹn                                      
chuyện buồn còn trao tay                                                    
   (chặng hai ngàn...)

Và, bẽ bàng sao! Bao nhiêu đồng bạn cùng đoàn chiến mã bao thuở hiên ngang, bao thời oanh liệt và trong bao năm tháng ngày dài trong lao lung khổ nhục vẫn kiên cường bất khuất, thế mà, giờ đây.... Và, bao kẻ khác, không trong đoàn chiến mã, nhưng cũng đã phải bao đọa đày khổ nhục, đã phải liều chết ra đi, thế mà, giờ đây...
Một ngày tôi ra ngõ
phố xá người xôn xao
cờ giăng và biểu ngữ
chính nghĩa mình giương cao

Một ngày tôi cúi mặt
giọt nước mắt rơi mau
giữa lằn ranh thù hận
phất cờ vàng chọi nhau

Một ngày tôi ngồi hát
cảm nghĩa tình dạt dào
lời trao nhau giòn dã
đồng hương tố đồng bào

Một ngày tôi câm lặng
cuộc “tranh luận” dài dài
mở toang các làn sóng
âm thanh thật vui tai

Một ngày tôi thức dậy
thấy đàn ông đàn bà
ném tiền vào thầy cãi
vác chiếu ra hầu tòa
(Chuyện Mỗi Ngày Của Tôi)       
Giữa cảnh 'chợ trời chính trị' hổ lốn, bon chen, tranh giành nhau chút quyền, chút lợi, chút danh nham nhở, rẻ tiền; trước bao thủ đoạn nham hiểm, gian ngoan của kẻ thù cố tạo nên cảnh 'chợ trời bung xung' nhốn nháo đó, Song Nhị như thấy mình chỉ còn biết 'co lại trong xác con ve sầu', đành câm nín, im lìm ngày ngày 'lái xe vào hãng Mỹ, an phận làm cu li’ để 'một ngày tôi lội bộ, ra bờ Thái Bình Dương, đọc lời kinh sám hối, tạ tội cùng quê hương' (Chuyện Mỗi Ngày Của Tôi).
Việc làm đẹp nhưng chỉ để tự thân an ủi mình. 'Tiếng hờn chiến mã' không bằng lòng thái độ tiêu cực. 'Tiếng hờn chiến mã' buộc anh cũng như bao người như anh phải chiến đấu, chiến đấùu cho một ngày về, chiến đấu cho một lẽ sống hiền hòa, cao quí, cho một mùa Xuân của đất nước thực sự đẹp tươi, 'cả dân tộc sẽ bừng lên sức sống, xóa hết nhục nhằn xây dựng một ngày mai'! (Phải Nói Lại Những Điều Đã Nói – VLĐX):                                      
đoạn cuối hành trình đêm đen sẽ hết                                       
ở đó sẽ là một mùa xuân                                       
những mùa xuân                                       
ta sẽ trang trọng cắm những bông hoa                                       
cho em                                       
cho cả cuộc đời...                                              
(Từ Giữa Ngục Tù – THCM)

'RA ĐI LÀ ĐỂ TRỞ VỀ'
'Trở về' cũng 'cần thiết cho đời nhân gian'. Bước 'Ra đi' nào cũng mặc nhiên hứa hẹn bước 'Trở về'. 'Trở về' để phục thù bao oan khiên đã phải từng gánh chịu hay để tu bổ mái nhà khang trang, ấm cúng hơn xưa, hay để xây dựng trang sử mới chung vui hoặc chỉ để sống lại những kỷ niệm một thời. Thượng Đế đã phải ra đi để lại trở về; Đạo thể chân như từ 'Vô Dư Niết Bàn', đã phải 'ra đi' đắm mình vào Diệu hữu (cõi tục đế) để được trở về trong Hữu Dư  Niết Bàn lộng lẫy hơn xưa. Con người cũng phải 'ra đi' vì điều đó tự trời, và thiết yếu cho vận hành nhân sinh nơi cõi thế (xin xem đôi bài thơ nơi phần chú thích).
Sử mệnh Việt Nam đã hối hả xua hàng triệu con dân đất nước 'ra đi' vào lạnh lùng, hiu hắt để chuẩn bị cho một 'trở về' đẹp đẽ nay mai. (Xin không dài dòng điều nầy để khỏi rơi vào Đạo học và Chính trị).                       
Từ nơi 'đến ở', Song Nhị cũng như bao người luôn nuôi dưỡng một 'Trở về'. Anh đã từng 'trở về' không từ nơi đất Mỹ mà từ nơi trại tù cải tạo của Cộng sản.  Sau bao tháng ngày bầm giập tái tê, nhục nhã, anh đã 'trở về' lại với làng xưa, phố cũ, trở về lại 'những lối đi xưa'. Những 'lối đi xưa' nay không còn sắc màu diễm ảo, mộng mơ, xinh đẹp mà tiêu điều, hiu hắt do một 'đổi đời' kỳ quặc, do “trang sử lật rồi cuộc biển dâu” :                                       
Về đây đời bỗng ngu ngơ lạ                                        
Quanh quất như chừng lạc lối xưa                                        
Phố mất tên, đường, nhà đổi chủ                                        
Người nhìn nhau thoáng mắt thờ ơ               
Về đây. Về lại từ luân lạc                                        
Chưa trả dứt xong nợ quỷ thần                                        
Cảnh cũ người xưa chừ tản mác                                        
Thấy người mà buốt cả tâm thân….                                                    
    (Về đây – VLĐX)         
Song Nhị đã về lại quê nhà Hà Tĩnh vào năm 1988 (sau 32 năm kể từ khi cả gia đình vượt thoát qua Lào, nạn nhân của cuộc “cải cách ruộng đất”, đấu tố hung tàn, man rợ 1956), nhìn cảnh cũ người xưa mà lòng chao đảo, ngỡ ngàng:                                      
Tôi về Hà Tĩnh chiều nao                                        
Dưới chân Hồng Lĩnh máu đào chưa khô                                        
Quê người (ở Lào, ở Mỹ) tôi nhớ Nguyễn Du                                        
Quê tôi tôi đứng giữa mù mịt xa                                                      
    (Ba mươi hai năm về lại quê nhà – VLĐX)
.......
tôi về còn thấy gì nào
những cặp mắt lạ liếc chào: lạ thêm
tôi về ngày tưởng là đêm
từng cơn ác mộng bập bềnh thuở xưa
Tôi về “kẻ đón người đưa”
Bước lên tàu chạy tưởng vừa thoát thân.
             
Và cũng một lần 'trở về' quê Nghệ Tĩnh cùng Hà Nội, Song Nhị ngậm ngùi ra sao:
                                      
Ngày trở về thăm quê Nghệ Tĩnh                                       
Đất cằn sỏi đá ruộng đồng khan                                       
Con trâu đứng đợi hờ rơm cỏ                                       
Em bé ngồi trông miếng khẩu phần                                      
.........
                                      
Và buổi đi tàu ra phía bắc                                      
Tìm về văn hiến bốn nghìn năm                                      
Thương ôi, Hà Nội tiêu điều quá                                       
Năm cửa ô buồn ngõ tối tăm                                                        
    (Nước non thuở ấy – VLĐX)
rồi trĩu nặng u hoài như Bà Huyện thuở nào “nước còn cau mặt với tang thương” để “nghìn năm gương cũ soi kim cổ” ; nhìn 'lăng Bác', nhìn tượng Lê Nin,... nhìn những anh công an khu phố sẵn sàng tri hô 'phản động' nhưng cũng vui vẻ tử tế nhận chút tiền hối lộ để 'phản động' được vào Tòa Đại sứ Úc có việc cần. “Lối đi xưa” bây giờ là thế đó, làm sao không quằn quại đau lòng cảm thấy “đồng hương mà vẫn đứng ở hai miền, đồng hương mà phải cùng nói chung ngôn ngữ khác”. Từ nơi xứ Mỹ, Song Nhị đã chứng kiến bao “trở về” của bao người để càng thêm tủi cực, ê chề:                                      
Người về. Ừ nhỉ về mà hưởng                                        
phú quí vinh hoa hậu đổi đời                                       
đã khuất nẻo rồi thời bão loạn                                       
sá gì vàng đỏ một trò chơi                                       

Người về kẻ đợi người đưa đón                                       
mừng rỡ thay vì tiếng mặn chua                                       
rủng rỉnh đồng dô la nặng túi                                       
dại gì ai kẻ đuổi người xua….                                                       
    (Người về – THLCD)
Lý do viện dẫn cho những 'trở về', tất cả nghe ra 'hữu lý' nhưng thực sự chẳng hợp tình, hợp cảnh chút nào dù 'trở về' để thăm viếng thân nhân, để nhìn lại quê hương xưa cũ, để hợp tác làm ăn xây dựng đất nước (?) với người Cộng sản hay tệ hơn và tàn nhẫn hơn là để hưởng thụ thân xác gái tơ tuổi đời non choẹt. Mọi “trở về” đều kết thúc bằng một 'ra đi trở lại' ngay cả 'trở về hợp tác, dựng xây' (!)
Song Nhị, một chiến sĩ, một nhà thơ – một chiến sĩ nghệ sĩ - không thể 'trở về' theo kiểu cách đó. Không thể trở về với tâm lý của kẻ 'phàm phu', hoặc với cái nhìn của một ngoại nhân du lịch. Trở về giờ nầy có khác gì với 'trở về' trước đây:                                     
Ngó lại                                        
Buồn                                       
Và tủi nhục                                       
Nỗi đau như cắn xé thịt da người                                       
Đất nước về đâu sau thế kỷ Hai Mươi                                                       
     (Về đâu Đi đâu – THCM)
Những “lối đi xưa” giờ đang héo hắt, lịm mình trong những 'độc tố bọc đường' man trá, giả hình. Không thể 'trở về' “khi bạo lực còn trên ngôi thống trị, Khi nhân loại bước vào tân thế kỷ, Đất nước mình lùi lại mấy trăm năm?” (Phải nói lại những điều đã nói – VLĐX). Chỉ 'trở về' trên những 'lối đi xưa' thuần hậu, hồn nhiên, tươi vui, trong sáng, đẹp đẽ thât sự cho con người, cho lẽ sống:                                      
Mai anh về em nhé                                                                         
Mùa xuân bừng nắng tươi                                       
Cây đơm chồi lộc mới                                       
Hoa thắm lại môi cười                                       
....                                       
Mái nhà xưa ấm lại                                       
Bếp lửa hồng reo vui                                       
Mẹ già thôi nước mắt                                        
Con thơ rộn tiếng cười                                       
......                                      
Hồn thơ anh chắp cánh                                       
Tình em hồng nắng mai                                        
Đời thênh thang rộng mở                                                 
(Mai anh về em nhé – THCM)
'Trở về' là để đi vào tương lai; 'trở về' là để dựng lại 'Cội Nguồn' mà dù cuộc sống có 'vô thường' đến đâu thì trên cái 'vô thường' đó, Cội Nguồn cũng luôn luôn thắp sáng khối óc, trái tim những người không mất gốc: “Du cư suốt cõi vô thường, Trăm năm về, ở ngọn nguồn cõi chung” (Nghĩ về Nguồn Cội – VLĐX) để tất cả, chết, sống, bạn, thù cùng nhìn ra:                                     
Trên mộ bia ai kẻ thua người được                                        
Có nhận ra nhau chung một cội nguồn                                                          
(Phải nói lại những  điều đã nói – VLĐX)
Cái Cội Nguồn nguyên khởi, từ đó vạn hữu đã 'ra đi' đắm mình vào cõi thế để một ngày, sau bao trầm luân dâu bể của hiện hữu vô thường, lại 'trở về' với Nó, với 'ngôi nhà Hằng Thể' (la Maison de l’ Être). 'Trở về' là tìm lại, sống lại thời tuổi mộng nguyên sơ trong một thế giới không sai biệt, không còn đếm đo, chia cắt, tính toán thị phi, tranh giành hơn thiệt. Song Nhị chỉ 'trở về' trong ý đó, với tâm nguyện đó (anh đã đớn đau đành cam bất hiếu không về phục tang mẹ mất ở Việt Nam tháng 4/2002).
'Trở về' không phải để 'trả thù, rửa oán' mà chỉ để góp phần đưa lịch sử sang trang, để đổi chiều lịch sử, để chấm dứt một giai đoạn lịch sử bi thương, mở ra những trang đời tươi đẹp cho mẹ, cho cha, cho đất nước non sông, cho người, cho đời, cho em: “Sẽ làm lại. Sẽ bắt đầu cuộc sống, Em góp nụ cười chung nỗi hân hoan“ (Bài đầu tháng giêng – VLĐX). Còn riêng anh, chỉ một ước mong bé nhỏ: “Anh về hái hạt mùng tơi, làm ve mực tím viết lời yêu thương' (Mực tím mùng tơi – THCM). 'Viết lời yêu thương', vâng, chỉ có thế, chỉ chừng ấy thôi; lời thơ giản dị chẳng chứa đựng gì cao xa nhưng không phải là chuyện dễ làm, không phải ai cũng làm được nếu không có 'tấm lòng' thực sự biết yêu thương. 'Lời yêu thương viết bằng mực tím từ hạt mùng tơi'. 'Hạt mùng tơi', sản phẩm của quê hương, một sản phẩm của tự nhiên hiền hòa, đạm bạc, bình dị, đơn sơ. 'Mực tím', màu tím, màu của suy tư, suy tư về tình yêu thương, do tình yêu thương để hành động vì yêu thương, phục vụ yêu thương hầu cuộc sống, cuộc đời thoát khỏi mọi thứ 'võng ngôn' chia cắt tình người, đã dùng yêu thương làm nhãn hiệu, chiêu bài che đậy bao ý đồ gian manh, biến yêu thương thành thù hận, hờn căm xéo nát tình người.
'Trở về'. Vâng, trở về nhưng bao giờ? Chưa ai trả lời. Song Nhị không xác quyết lúc nào, nhưng:
                                    
Lịch sử bước đi bằng đôi hia bảy dặm                                       
lịch sử sẽ trở về                                       
như bào thai đến chu kỳ của nó                                       
và sẽ dừng lại ở những chặng đường                                    
                                        
Dù thời gian có bao lâu                                       
dẫu cuộc đời có vội vã                                       
hối thúc ta                                       
xin em đợi chờ.                                                
(Xin Em Đợi Chờ – THCM)
Xin em đợi chờ. Sớm muộn thế nào cũng sẽ đến 'tự cuối thiên thu nghìn vạn hướng, Quay ngược thời gian sử đổi chiều':                                    
Ngày đi. Ngày đến. Ngày về lại                                        
Vẫn hẹn. Vẫn mong. Dẫu trễ tràng                                     
......                                     
Xin hẹn với nhau cùng lượt nhé                                       
Quê hương xứ sở đón ta về                                        
Cờ bay rợp nắng mùa xuân mới                                       
Người gặp lại người nỗi hả hê                                              
    (Phố xưa đốt pháo đón Giao Thừa - VLĐX -                                                                             
     kính tặng Hoàng Tử Bảo Ân)
Bởi vì 'Quê hương đâu mãi vùng đất cấm, Đời sẽ rộn ràng những bến sông' (Sang mùa - VLĐX).  Xin hẹn, xin chờ: 'Ai đó thương nhau chờ hội mới, Sang xuân sẽ nở rộ hoa hồng' (Sang mùa). Vì rằng 'ĐOẠN CUỐI HÀNH TRÌNH ĐÊM ĐEN SẼ HẾT' (từ giữa ngục tù), vì rằng 'Phút giờ tăm tối nhất của đêm đen lại chính ngay vào lúc bình minh hiển hiện' (2) và 'Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu' (Tân ước Mathieu: 24: 12-13).
Xin hẹn, xin chờ. Ngày đó chắc hẳn không xa. Ngày đó "người gặp lại người", không chỉ trong tình nghĩa cố tri mà trong tình người hảo hợp không còn thù hận, hờn căm, không còn buồn đau, thống khổ mà tất cả hân hoan dù lạ hay quen cũng cùng hoan hỷ trong nghĩa tình " bằng  hữu, anh em".
Ba chặng đường 'Ra đi, Đến ở, Trở về' của hành trình Song Nhị, ba chặng đường đầy gian khổ, bi thương, cô đơn, buồn đau, u uất nhưng không thiếu vắng niềm tin, vẫn tràn đầy khí lực và chan chứa tình người. Hiểu theo Đạo Học, Ba chặng đường, một hành trình không của riêng Song Nhị, không của riêng ai, không của riêng người Việt nơi hải ngoại hiện nay, mà chính là hành trình chuyển dịch của dòng vận hành của Lẽ Đạo, của Thượng Đế, của Thể tính Chân Như  từ 'Chân Không' đi vào 'Diệu Hữu' để trở về với 'Diệu Hữu trong Chân Không'. Đấy là ẩn dụ 'Tổ quốc – Kiều địa – Cố hương' của nhà tư tưởng M. Heidegger (3).
Song Nhị không nói gì về tư tưởng, về triết học nhưng lời thơ đã hàm ngụ tính tư tưởng nơi cõi lòng luôn luôn thiết tha hướng vọng về Cội Nguồn, về mái ấm của ngôi nhà Hằng Thể óng mượt yêu thương. Từ trong cảm thức, Song Nhị đã từ lâu mơ màng âm thầm nuôi dưỡng cái hướng vọng đó, mượn hành trình 'Ra đi, đến ở, trở về' của riêng mình diễn tả tâm trạng, tâm tình và ý hướng vọng về cái lẽ hoằng viễn, thâm sâu bằng lời thơ đơn giản nhưng chất ngất niềm tin.     
Song Nhị yêu thơ và làm thơ từ thuở còn thư sinh. Thơ theo anh suốt cả cuộc đời. Thơ theo anh vào chiến trận, vào ngục tù, sống với anh trong chặng đường 'đến ở' lạnh buồn, 'ngao du' cùng anh suốt mọi ngã đường đất nước trên những 'lối đi xưa' và trên những 'lối đi ngày tới' trong ngày về. Suốt đời anh sống với thơ; suốt đời thơ 'ăn ở' với anh. Thơ cho mẹ, cho cha, cho chiến hữu, cho đồng hương, cho bạn bè, cho cô em nhỏ, cho bé thơ, cho cụ già, cho quê hương, đất nước, cho cuộc đời, cho nhân loại đầy đủ mọi cảnh ngộ, mọi sắc thái của hành trình nhân thế. Thơ là 'chất sống' một người, điều nầy dễ hiểu. Nhưng không chừng đó. 'Chất sống' nơi thơ – với những người thực sự là nhà thơ - mang chở một 'sứ mạng' cao cả, thiêng liêng. Thơ không chỉ là 'tiếng nói của con tim', không chỉ là những biểu hiện của thực tại, không chỉ là những rung động của tâm tư về phận mình hay vận nước mà còn là một 'thăng hoa' ý chí và tâm tình, một thăng hoa dể đạt được cái bản thể tinh anh, thuần khiết của con người nằm sâu trong vô thức hướng về hòa nhập với cái 'bản thể của tự nhiên' (le naturel de la nature).. Song Nhị đã viết: 
                                     
Tôi sẽ mãi làm thơ                                                                              
Ngôn từ vụng dại                                       
Sẽ lang thang gom gió sớm mây chiều                                       
Để đem về xây tổ ấm thương yêu                                       
Cho hồn tôi hồn em ngủ ngoan trong đó                                       
Tôi sẽ mãi làm thơ                                       
Để cùng em đời đờøi trăng sao hội ngộ                                        
(dẫu bầu trời sương khói mùa đông)                                       
Tôi sẽ đốt thơ thắp sáng ngọn nến hồng                                       
Soi tỏ lòng tôi – Lòng em                                       
Nếu muốn
                                       
Có thể thơ tôi làm em phiền muộn                                       
Làm mọi người ghét bỏ tôi thêm                                       
Nhưng không ai có quyền                                       
Vắt trái tim lấy máu làm độc dược                                       
Bởi máu tim là dòng suối ngọt                                       
Mãi mãi luân lưu nuôi mạch sống không cùng                                       
Mà thơ là tiếng nói của lòng                                        
Tiếng nói trăm năm vào đời cứu rỗi
     (Một đời với thơ – VLĐX)

Bài thơ như một 'thông điệp'. Thơ là ngôn ngữ của mọi ngôn ngữ, là nghệ thuật của mọi nghệ thuật. 'Thông thường, thi sĩ được tạo dựng vào khởi điểm hay tận cùng của một thời đại của thế giới. Chính do từ các thi khúc mà mọi dân tộc từ sơ sinh đã từ trời xuống đất để đi vào cuộc mưu sinh, vào địa bàn văn hóa. Chính do từ các thi khúc mà mọi dân tộc trở về với cảnh sống nguyên sơ. Nghệ thuật thiết lập mối chuyển tiếp từ bản thể tự nhiên vào văn hóa và từ  văn  hóa vào bản  thể tự nhiên' (4).
THƠ, 'Tiếng nói trăm năm vào đời cứu rỗi'. Thơ cứu rỗi con người. Không có thơ, Nguyễn Chí Thiện đã rữa xác trong tù; không có thơ, chàng sẽ không có một công trình sáng giá góp cho đời. Thơ đã cứu sống Nguyễn Chí Thiện; Thơ đãø làm 'địa ngục nở hoa' nơi chàng (nhan đề tập thơ 'Hoa địa ngục' của NCT). Thơ đã biến Nguyễn Chí Thiện thành nhân vật lịch sử một thời. Nguyễn Chí Thiện làm thơ không để trở thành thi sĩ. Thơ đến với anh, bắt anh phải 'đảm đương' một vai trò lịch sử  trong dòng lịch sử dân tộc, qua thơ. .
Một câu thôi 'Tiếng nói trăm năm vào đời  cứu rỗi', Song Nhị đã nói lên cái hoằng viễn, thâm sâu, u trầm, kín nhiệm, muôn đời của Thơ.  Song Nhị đã vào đời với thơ, vào quân ngũ, vào chiến trận với thơ.  Nơi anh, người dân, người lính, người thơ quyện vào nhau. Người 'chiến sĩ nghệ sĩ' không đi tìm vinh quang trong chiến thắng. Cái vinh quang của họ ở nơi trọn vẹn nghĩa vụ, ở nơi cái 'sứ mạng lịch sử ' của thời đại dù có phải vì bắt buộc mà dù có phải bị bắt buộc, họ cũng đã sống với thơ. Toàn bộ thơ anh không nói gì đến chiến thắng, chiến công, đến những hãnh diện, tự hào, oanh liệt ngày qua sau một 'thành công' nào đó đánh bại quân thù. 'Tiếng hờn chiến mã' là tiếng hờn vì nghĩa vụ không tròn, vì tình yêu không trọn vẹn để phải đau thương cho dân, cho nước, cho nhà. Người 'chiến sĩ nghệ sĩ' đi vào chiến trận với hình ảnh 'người dân nơi người lính' chứ không phải 'người lính nơi người dân' hay chỉ là người lính đơn thuằn. Người 'chiến sĩ nghệ sĩ' chiến đấu để bảo vệ người dân qua người lính. Điều nầy thường không mấy ai để ý và khó rõ ràng nói ra. Đi vào thơ, không phải để trở thành thi sĩ; đi vào chiến đấu không phải để tìm vinh quang. Mộng trở thành thi sĩ sẽ giết chết thơ; mộng tìm vinh quang sẽ giết chết ý nghĩa chiến đấu, hay sẽ khiến chiến thắng không còn vinh quang mà là cuồng bạo. Nhà khoa học ra công tìm tòi, nghiên cứu không để mong trở thành nhà thông thái; nhà triết học mong tìm một hướng đi, một giải quyết nhân sinh không phải để được là triết gia. Người làm thơ cũng thế; người chiến sĩ cũng thế. Người hiệp sĩ trở thành hiệp sĩ vì đã cứu người chứ không phải muốn được là hiệp sĩ nên mới cứu người. “Bảo vệ người dân qua người lín”, ý nghĩa chiến đấu nằm ở đấy. Và, có thể phần nào đấy là cái 'triết lý' ẩn tàng nơi thơ Song Nhị dù anh chẳng bao giờ triết lý:                                     
Xin từng đốt ngón tay mỏi mòn lời hứa hẹn                                       
Xin ngày tháng dài ao ước đơn sơ                                        
Xin một lần gõ cửa gọi tên người còn đáp lại                                       
Xin cho quay về nhận diện ấu thơ                                                                              
Xin bồng súng chào mừng đồng loại                                       
Nhận huấn lệnh đi vào cuộc đời                                       
Sự khởi đầu bằng vết hằn ký ức                                       
Và gió mưa luân vũ quay cuồng                                        
Những đứa bạn nằm yên dỗ giấc                                       
Cũng thôi                                       
Hạnh phúc vẹn toàn                                     
.............                                      
Xin bài kinh cầu trổi thành nhạc khúc                                      
Một phút an ủi vỗ về                                      
Một phút bình yên trên vùng ảo tưởng                                      
Ôm tròn hoài niệm quay đi                                       
Sự có mặt của những ngày dẫy đầy triệu chứng.                                                               
            (Tình ca nhập cuộc – VLĐX)
“Nhận diện ấu thơ” trong sự “có mặt dẫy đầy triệu chứng”, giữa “luân vũ quay cuồng”, giữa “vòm trời ảo tưởng”. “Nhận huấn lệnh đi vào cuộc đời”, huấn lệnh nơi đây không hẳn là 'mệnh lệnh' của cấp chỉ huy hay của Đảng và Nhà Nước, nếu nói về phía những người bên kia. 'Huấn lệnh đi vào cuộc đời' là sự 'bắt buộc phải 'ra đi' do “thiết yếu của cõi đời nhân gian”, do 'điều biết tự trời'; huấn lệnh đó là cái nghĩa vụ phải gánh vác do đòi hỏi của thiết yếu lịch sử. Làm tròn nghĩa vụ đó là vinh; không làm tròn được không là nhục. Cái 'nhục' ở nơi tránh né cái nghĩa vụ đó hay đưa cái nghĩa vụ đó đi sai đường lịch sử. Hân hoan nhận cái nghĩa vụ lịch sử đó (bồng súng chào mừng đồng loại) đi vào cuộc đời. “Chào mừng đồng loại”: chào mừng thân nhân, bạn bè, chiến hữu, chào mừng mái ấm gia đình thân thương, có thể chào mừng cả nhân loại trong việc 'ra đi' do sứ mạng lịch sử đó, do từ 'vết hằn ký ức'. Ký ức nào? Gần gũi là ký ức Quê hương, Tổ quốc; cao rộng, thâm sâu hơn, đấy là ký ức về Cội nguồn mà Song Nhị đã nói. Victor Hugo cũng đã nói trước đây:                                  
Mọi điều đã được nói.
Điều xấu cáo chung; lệ buồn chấm dứt; không còn xiềng xích tù gông, không còn tang ma, không còn báo động. Hố thẳm khắt khe không còn câm nín, (mà) bập bẹ lên lời: tôi nghe gì?                                   
Đau khổ nhân sinh tan đi trong mọi vùng bóng tối; Thiên sứ từ cao lớn tiếng gọi mời : Nguồn cội! (5)
      “Xin cho quay về nhận diện ấu thơ”; nhận diện là nhìn ra, thấy lại, sống lại. Tuổi ấu thơ con người cùng cái Cội nguồn nguyên khởi bao giờ cũng bình                      dị, đơn sơ, thuần nhiên, thánh khiết, vô ưu. 'Xin được như vậy'(Ainsi soit-il, bốn câu thơ đầu trích trên). Và những người nằm xuống? Họ còn mãi ôm 'hằn ký ức', 'ôm tròn hoài niệm'; họ đã không may mắn nhìn lại được 'tuổi ấu thơ' của Quê hương, Dân tộc, của chính mình, của Cội Nguồn nguyên thể thì xin “bài kinh cầu” (requiem) đừng cần thiết gọi hồn họ siêu thăng mà hãy trở thành tiếng nhạc, lời thơ vỗ về họ một phút bình yên giúp họ được 'quay đi', không còn phải đối diện với 'sự có mặt của những ngày dẫy đầy triệu chứng' đang còn phải diễn ra.
Song Nhị 'ra đi', - 'đi vào chiến đấu' - với ý tình như thế. “Xin tiếng nói đây em, Một lần từ biệt, Xin tiễn đưa bằng nỗi nhớ xa xôi, Xin con tàu vào viễn lộ hoàng hôn, Sương mù biển lặng, Gom hết đau thương đốt lửa giữa trời” (Tình ca nhập cuộc). Bài thơ được viết năm 1969 giữa lúc súng giặc vang rền khắp nẻo quê hương. Ba mươi ba năm sau (năm 2002) nơi xứ Mỹ, ý tình đó vẫn theo anh:                                      
Sông với núi và trăng sao cây cỏ                                       
Em và tôi và tất cả muôn loài                                       
Đã hiện hữu trước ý đồ tạo hóa                                        
Đã căn phần tự thuở mới phôi thai                                       
Tôi đã đến, đã đi và sẽ tới                                         
Cuộc trăm năm đoái tưởng chữ vuông tròn                                       
Khi nhân ảnh khuất sau vừng nhật nguyệt                                       
Xin gửi người còn lại khoảnh lòng son                                                            
    (Lời Mặc Khải Của Tiền Thân)
Hiện hữu không do từ ý muốn của riêng ai mà do 'ý đồ tạo hóa', do từ 'căn phần tự thuở mới phôi thai'. Đi vào cuộc đời là đi vào 'viễn lộ của hoàng hôn', nói theo Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều: 
                                    
Cái quay búng sẵn lên trời                                       
Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm                                                           
    (Cung oán ngâm khúc)
thì phải lần mò bước đi trong đêm tối bủa vây. Cái quay phải quay, không được từ chối ngưng quay. Nhưng không phải vì thế mà không chịu nhìn ra hướng mình quay và điều chỉnh dòng quay thế nào cho thuận theo ý mình, thuận theo cái lý vận hành của Tạo hóa. Thuận Nghiệp chính là để 'Cải Nghiệp'. Cải nghiệp bằng: “Gom hết yêu thương đốt lửa giữa trời”. 'Đốt lên, đốt cho bừng sáng giữa trời bao la chất lửa yêu thương' để mai kia vĩnh viễn ra đi giã từ cõi thế, “khi nhân ảnh khuất sau vừng nhật nguyệt”  (parting is all we need of hell) được “gửi người còn lại khoảnh lòng son”. “Khoảnh lòng son”, vâng, chỉ thế, đơn sơ chỉ thế nhưng khó khăn thay và mấy ai chịu nghĩ, chịu làm. 'Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh'  (lưu lại tấm lòng son cùng sử sách – Nguyễn Công Trứ : Chí làm trai).
Giản dị quá đi thôi! Nhưng giữa cảnh 'chợ trời' nham nhở tranh đoạt lợi danh, quyền uy, chức vị, nào mấy ai đủ nghĩa khí, can trường thực hiện, ngoài một số ít người luôn nuôi dưỡng nơi mình 'khí hạo nhiên chí đại chí cương' (Nguyễn Công Trứ: Kẻ sĩ) và ngoài nhà thơ, những nhà thơ thực sự là nhà thơ, những nhà thơ đi vào cuộc đời với cả tâm hồn người dân chất phác, người chiến sĩ kiên cường và người nghệ sĩ lãng mạn, bát ngát yêu thương trang trải tình người thanh tân, thánh khiết đem 'Thơ vào đời trăm năm cứu rỗi' . Đấy  là sứ  mạng của Thơ,  của nhà thơ, những nhà thơ lớn của thời đại nguy nan (poètes en temps de détresse - M. Heidegger), những nhà thơ lớn vào thời tận cùng của một giai đoạn lịch sử bi thương của thế giới (lời Holderlin, trích trên). 
Lời thơ có sức mạnh thuyết phục, nâng cao ý chí, khí lực con người, gieo tin tưởng vào cõi lòng đang sầu héo trong mọi bất hạnh đang diễn ra cho mình, cho nước, cho dân. "Tôi đã đến, đã đi và sẽ tới", lời thơ tuôn chảy, không chút vấp váp nào như một xác quyết, khẳng định với mình, với người. Cuộc sống là một hành trình "Ra đi, Đến ở, Trở về"  lúc bế tắc, lúc hanh thông nhưng bao giờ cũng dẫn đến thời điểm 'tới nơi" với những ai bền tâm, tráng chí kiên trì trong chí hướng làm đẹp người, đẹp đời, đẹp đạo,...
Bao nhiêu bài nữa nhưng xin dừng. Bàng bạc trong thơ Song Nhị những ý tình xa xôi, hoằng viễn đó, những ý tình triết lý về ý nghĩa làm người, ý nghĩa cuộc sống, có thể do xuất thần cảm ứng mà anh không biết, không ngờ. Nhưng dù do xuất thần thì cũng đã do từ lâu rồi tiềm tàng nội tại trong tâm tư phát sinh từ bản chất nghệ sĩ vừa hạo nhiên vừa lãng mạn. Xin sống với cái tâm hồn 'chiến sĩ - nghệ sĩ' nơi anh để nhận ra phần nào kín nhiệm nơi thơ anh.  
Với tâm hồn đó, Song Nhị đã đi vào chiến trận với hình ảnh 'người dân nơi người lính'. Điều nầy, người lính Mỹ đồng minh không thể nào hiểu được (6). Cả những lính Việt Nam bên kia chiến tuyến. Họ - những người Cộng sản - đi tìm vinh quang không cho người dân, có thể không cả cho người lính mà chỉ cho họ, cho tập đoàn Cộng sản, cho chủ nghĩa, cho cái 'ý thức hệ' riêng tây của họ. Họ đã biến người dân thành người lính, họ bảo vệ người lính hơn người dân. Họ đã xua hàng trăm, hàng ngàn người dân đi trước lính trong những cuộc tấn công. Chiến thuật 'biển người' đã giết hàng loạt nguời lính và người dân. Họ - người Cộng sản - biến người lính không còn là người dân để họ tìm vinh quang trong chiến thắng và để người lính được nhận phần thưởng 'liệt sĩ, anh hùng' (!). Họ biến người lính thành từng cầu thủ bóng tròn, thành từng võ sĩ  quyền anh, những 'sát thủ' hay những 'giác đấu' phải thắng mọi đối thủ để được Đảng tặng thưởng tiếng 'anh hùng' đem vinh quang (!) về cho Đảng (7). Tất cả đều thuộc về Đảng và Nhà nước, nằm trong vòng tay, khuôn khổ của Đảng và Nhà nước, cả đất nước, tôn giáo, pháp lý và lịch sử cũng thế. Xin không dông dài để khỏi bị gán ghép là 'tố Cộng'. Quang Dũng, một chiến sĩ nghệ sĩ thời chống Pháp đã không theo văn nghệ của Đảng nên bị đánh giá là 'lãng mạn tư sản' nên bị thất sủng. Và bao người như thế cho mãi đến nay, không cần kể nói nơi đây. Người lính không mang theo hình ảnh người dân nơi mình, không 'bảo vệ người dân nơi người lính' thì chỉ là người lính đánh thuê, người lính của lực lượng xâm lăng hay công cụ trong tay kẻ độc tài. bá đạo.
Song Nhị không đề cập đến điều nầy nhưng qua thơ anh, ta mơ màng nhận ra tính cách chiến đấu theo tinh thần 'hiệp sĩ  hùng anh' nơi người lính, nơi người 'chiến sĩ' đúng nghĩa là 'chiến sĩ '.     
Do bản chất 'người dân, người lính, người nghệ sĩ', quyện vào nhau, thơ Song Nhị kết hợp cả hai tính chất cổ kính của thơ xưa với tính lãng mạn của thơ nay. Trong “Tiếng hờn chiến mã”, lời thơ phảng phất không khí Đường thi qua các bài Thất ngôn, ngũ ngôn tứ tuyệt hay những bài ít nhiều theo lối cổ phong. Ta đọc ra cái phong thái hạo nhiên, cái khí tiết kiên cường của kẻ sĩ phu yêu nước trước đây, cái dũng của con người hào kiệt, nguy nan, gian hiểm dạ chí không sờn. Có buồn đau vì nghĩa vụ không tròn, vì lâm vào thế phải 'gãy kiếm cung' thì cũng là cái buồn đau, than thở, ngậm ngùi chung do thời không xuôi, thế không thuận chứ không rũ liệt, nát tan, nhục nhã để phải tự mình đánh mất khí tiết hùng anh. Qua thơ Song Nhị, ta như sống cái không khí 'Kẻ sĩ' của một Nguyễn Công Trứ ngày nào.
Những bài làm theo thể thơ mới, tự do và nhất là Lục bát, phần lớn nơi 'Về lối đi xưa' chan chứa tình cảm ngọt mát tính chất trữ tình, tha thiết, mặn nồng, cảm động. Lời thơ như tuôn chảy, dàn trải, mở phơi tình tự. Hình ảnh trong thơ không nơi từ ngữ mà nơi văn ảnh tức hình ảnh của toàn bài chứ không chú trọng nơi một ẩn dụ, một biện pháp tu từ nào. Bài “Sáng lại lòng con” là một điển hình. Mượn một hình ảnh hiện thực “Cặp kính viễn mẹ cha cho con”  chuyển thành văn ảnh mang tính chất ẩn dụ vừa nói lên tình cha nghĩa mẹ đậm đà, cùng công khó và ý tình mẹ cha vừa mang chứa ít nhiều tính chất triết lý. 'Cặp kiếng' mẹ cha trao cho không chỉ để giúp con nhìn đọc tỏ tường mà trở thành 'cặp kiếng của lương tâm', của 'trí tuệ', của 'tấm lòng' nhìn rõ mình, rõ người, rõ nhân tâm, thế sự, rõ tình đời, vận nước; cặp mắt già vì số tuổi, vì buồn đau, vì truân chuyên, nhục nhằn, khổ nạn, cặp mắt đã mờ, cặp mắt sáng lại:                                    
Con đã thấy đã nghe đã hiểu rồi                                       
Thưa mẹ                                       
những gì rất đáng yêu                                       
những gì rất ghê sợ                                       
con đã đến đã đắm mình trong đó                                       
tha thiết trong yêu thương                                                      
dạn dày trong đau khổ                                       
sôi sục trong hờn căm                                       
con lớn lên theo năm tháng nhục nhằn                                       
mắt con đã mờ                                        
mắt con sáng lại.                                                      
    (Sáng Lại Lòng Con – THCM) 
Tính chất trữ tình nơi đây, phần nào do tính cách hạo nhiên của kẻ sĩ, đã vượt lên trên 'mặt bằng tình cảm' thường ngày, hướng đến một thứ tình yêu lung linh, diệu vợi, thiêng liêng nào khác: 
                                 
Tôi trải lòng mình                                                             
tiếng yêu thương mời gọi                                                     
xin mặt trời soi                                    
vườn tỉnh ngộ nở hoa                                                                          
   (Thông điệp từ địa chỉ New York 9/11 Gởi loài người)

Thơ Song Nhị là loại thơ chiến đấu, không phải cổ vũ đấu tranh vì hận thù mà chiến đấu cho một lẽ sống không còn gian trá, giả hình, một cảnh sống trong tình thương, trong Lẽ Thật, trong cái "ĐẸP" của tình người đôn hậu, thuần nhiên, chiến đấu cho một cảnh đời ngọt ngào ân ái, luôn luôn an bình, hạnh phúc, đâu đâu cũng là Đất Trời Quê Hương luôn mùa Xuân hoa nở. Cái "lãng mạn" nơi thơ anh không là cái "lãng mạn  tư  sản", cái  lãng  mạn  của "tình tự mặt bằng" mà là thứ "lãng mạn chiến đấu”, thứ lãng mạn hào hùng của người  chiến sĩ nghệ sĩ đấu tranh cho nhân đạo, nhân quyền.
Ngoài một số bài ngậm ngùi về  cảnh phải 'ngã ngựa' và một số bài nói về cảnh 'đổi đời tê tái' của Cộng sản phủ trùm lên đất nước, nhân dân, nhìn chung, thơ Song Nhị luôn luôn nói đến 'tình người', không chỉ giới hạn nơi những mối tình thiết tha cao quý ai cũng hằng mong trong cuộc sống hằng ngày (yêu mẹ cha, chồng vợ, con cái, bạn bè, yêu Tổ quốc, nhân dân,...) mà còn hướng đến một tình yêu thăng hoa con người cùng cuộc sống, cuộc đời để cả mặt đất bình yên, cả nhân loại không còn trong bóng tối quỷ ma. Xin mượn lời thơ của Victor Hugo trong bài “Bên bờ vô hạn” (au bord de l'infini) để kết thúc bài viết nầy và cũng để phần nào nói lên cái 'Tình Yêu' thánh thiện, thiêng liêng mà Song Nhị ước mong được thấy dựng xây cho tất cả mọi người nơi cõi thế, thứ tình yêu Song Nhị đã đem theo mình trong chiến đấu, trong ngục tù cải tạo, trong thân phận lưu dân nơi xứ người qua suốt cuộc hành trình 'Ra đi, Đến ở, Trở về' biểu hiện qua Thơ “Tiếng nói trăm năm vào đời cứu rỗi”:
Giờ đã đến. Hy vọng lên.
Thắp sáng lại linh hồn lịm tắt                                 
Thương yêu nhau! Thương yêu nhau!
Vì là lửa ấm thiêng liêng                                             
Lửa của ngày thực sự bình yên,                                  
Vũ trụ mịt mờ, giá buốt, ăm ắp đảo điên                                  
Đang hỏi đòi nhân thế thăng hoa bởi
ngọn lửa thiêng                                            
Và con người bởi tình yêu vô hạn. (8)
                                                                                                                               
NGUYỄN THÙY                                                                             
Grenoble (France) 15/11/2002

---------------
Chú thích:
1) Hai câu thơ, tôi không nhớ được chép lại nơi sách nào (có thể từ một sách của Bùi Giáng). Ngày ở Pulau Bidong (1989), tôi có đọc một 'Tuyển tập thơ tiếng Anh'. Không biết tiếng Anh, tôi chỉ 'nhìn' qua số vốn liếng tiếng Pháp ít oi và nhờ vào Tự Điển. Từ 'Parting' có thể dịch là 'chia ly, biệt ly, từ ly, vĩnh ly'; tôi dịch theo tiếng thuần Việt là 'Ra đi'. 'Hell' có nghĩa là 'địa ngục', có thể dịch là "cõi âm", "âm cảnh" hoặc "đời nhà ma". Nhưng đã vào địa ngục thì không còn 'ra đi' nữa; do đó từ 'hell' nơi đây chỉ cõi sống trần gian dẫy đầy tội lỗi khổ đau, nên tôi dịch là 'đời nhân gian' phỏng theo lời thơ Nguyễn Du trong truyện Kiều: "Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian".. Lời thơ Emily Dickinson đã gợi ý tôi làm đôi bài thơ, xin trích đôi đoạn:
a) Hỡi Thượng Đế, u sầu chi quá đổi  
Chẻ chia mình để giải tỏa cô đơn    
Tự chứng quả giữa dòng đời trôi nổi    
Đi tìm yêu trong đáy thẳm tình buồn…..

Người tìm lại dung nhan Người buổi đó
Trải u sầu đen tím gót nhân gian
Bước dịch chuyển theo trang đời lổ đổ
Để dời đô lên ngự đỉnh Thiên đàng. 
            
b) Em giả từ nguyên sơ
Vào nằm dòng sử máu
Gieo linh hồn nghiệp báo
Sầøu nhân quả bơ vơ….. 
2) L' heure la plus sombre est juste avant l'aurore – Arnaud Desjardins : 'Regards sages sur un monde fou', édt. La Table Ronde, No 2938, Paris 1997, trang 280, câu cuối cùng của sách
3) 'Tổ quốc, Kiều địa, Cố hương' (Patrie, Colonie, Sol natal). Xin không đi vào Đạo học vì quá dông dài và khó hiểu. Xin nói về người Việt hải ngoại hiện nay. Chúng ta đã phải rời Tổ Quốc (Quê Hương, Đất nước) ra đi, 'đến ở' nơi miền Kiều địa (đất khách, quê người), luôn luôn khao khát và quyết tâm 'trở về' với 'Cố hương' (cố quận) để làm đẹp Tổ Quốc, Quê Hương với bao hành trang tích lũy qua chuổi ngày phiêu lưu nơi đất khách. Về mặt Đạo học (Ontologie, Philosophie de l' Eâtre), Tổ Quốc chính là Cội Nguồn phát sinh vũ trụ hiện tượng, Kiều địa là cõi sống thế gian (cõi Diệu hữu theo Phật giáo) với vô vàn hiện thể vật và người luôn luôn biến đổi vô thường; Cố hương hay Cố quận là sự quy hồi, hồi phục của Tổ Quốc, Cội Nguồn trong một trạng thái tròn đầy, viên mãn, tốt đẹp hơn thưở ban đầu.  Phần nào lời thơ Emily Dickinson và tấm 'gương cũ' trong lời thơ Bà Huyện Thanh Quan (nghìn năm gương cũ soi kim cổ) mang ý nghĩa đó. Thơ Song Nhị tiềm tàng ý nghĩa cao rộng nầy. 
4) En général, les poètes se sont formés au début ou à la fin d'un âge du monde. C'est avec les chants que les peuples descendent du ciel de leur enfance pour entrer dans la vie active, au pays de la culture. C'est avec des chants qu'ils s'en retournent à la vie originelle. L'art constitue la transition de la nature à la culture, et de la culture à la nature – Holderlin – Trích dẫn bỡi M.Heidegger trong tác phẫm 'Holderlin Hymnen', bản dịch Pháp ngữ "Les Hymnes de Holderlin" của Francois Fedier và Julien Hervier, nrf, Gall. Paris 1988, trang 33. (Từ 'nature' nơi đây, xin không hiểu là 'thiên nhiên' mà là 'bản thể của tự nhiên' (le naturel de la nature).

5) Đoạn cuối bài trường thiên 'Au bord de l'infini' (Bên bờ vô hạn) của Victor Hugo:
Tout sera dit. Le mal expirera; les larmes
Tariront; plus de fers, plus de deuils, plus d'alarmes;
L'affreux gouffre inclément
Cessera d'être sourd, et bégaiera: Qu' entends-je?  
Les douleurs finiront dans toute l' ombre; un ange
Criera: Commencement!
('Commencement' không nên hiểu là 'bắt đầu' hay 'khởi đầu' (début) mà là 'Khởi nguyên' hay 'Cội Nguồn'. Sự khác biệt giữa 'khởi đầu' và 'khởi nguyên', xin không nói nơi đây vì sẽ dông dài).
6) Một số phim Mỹ cho ta thấy người lính Mỹ hầu như chỉ được huấn luyện trở thành 'đấu thủ' để quật ngã hết mọi đối thủ như trong phim Rambo với tài tử  Sylvester Stalone. Một số phim Mỹ khác chỉ chiếu cảnh chiến đấu của lính Mỹ với đối thủ của họ là Việt Cộng mà không đề cập gì đến những chiến đấu của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Người lính Mỹ cùng cấp tướng tá và ngay cả các viên chức Chính quyền Mỹ ở Nhà Trắng, ở Ngũ Giác Đài không bao giờ nhìn ra cái khó chịu của người lính Việt Nam Cộng Hòa bị bắt buộc phải tuân theo những kế hoạch hành quân, những kỹ thuật chiến đấu nhà nghề theo lối 'đấu thủ', 'giác đấu' của họ. Người lính Việt Nam Cộng Hòa cũng kiên cường, gan dạ, bất khuất, hiên ngang nhưng không trong tính cách 'đấu thủ' và 'đối thủ' trong 'đọ sức' để tìm vinh quang cho cá nhân. Họ - người Mỹ - không bao giờ nhìn ra cái tính cách 'người dân nơi người lính' của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (dĩ nhiên, tôi không nói đến những hạng 'lính kiểng', những cấp tướng tá di sản của Quân đội Pháp cùng những thứ tướng tá do hối lộ hay cách nào khác để được lên lon đều đều).
7) Như  những 'Nguyễn Văn Trổi, Nguyễn Văn Bé' và bao bao nữa qua sách báo Cộng sản.
8) Đoạn thơ cũng trong trường thiên 'Bên bỡ vô hạn' của Victor Hugo:                              
L' heure approche. Espérez. Rallumez l' âme éteinte!                    
Aimez-vous! Aimez-vous! Car c' est la chaleur sainte,
C'est le feu du vrai jour,            
Le sombre univers, froid, glacé, pesant, réclame    
La sublimation de l'être par la flamme,
 De l'homme par l'amour!
(Victor Hugo: Les Contemplations; nrf Poésie/ Gallimard, Paris  2002, trang 407)


 

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...