Wednesday, February 22, 2012

NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM Ý Kiến. Nhận Định (6)


THANH THƯƠNG HOÀNG - Nhà Văn/ Chủ Tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả VNCH

1.
Song Nhị dành tất cả đời sống của mình cho “nghiệp” Thơ Văn. Cũng cần nhấn mạnh ở đây là phần lớn thơ văn của Song Nhị đều nói lên nỗi đau của con người, nỗi đau của dân tộc, nỗi đau của đất nước dưới gông cùm cộng sản. Anh đã viết bằng chính máu của mình như lời triết gia Nietzsche khuyên: “D’écrire avec notre propre sang”. 
 
2.
Đọc hết cuốn bút ký tự truyện “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của Song Nhị dầy trên 400 trang, thú thật tôi đã buồn càng buồn thêm, đã đau càng đau thêm. Tôi thấy tôi, bạn bè tôi (và cả thế hệ tôi) hiển hiện trong cuốn sách. Chẳng biết chúng tôi có “sinh nhầm thế kỷ” không, nhưng điều chắc chắn chúng tôi đã bị đánh mất tuổi trẻ, đã bị cuốn hút vào trận bão thời đại và nhận lãnh những thua thiệt, bất hạnh về mình. Có thể nói cả thế hệ chúng tôi “mộng tan tành”(như lời than của Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn). Nỗi đau này không phải chỉ riêng Song Nhị mà là của tất cả chúng ta - những người sống sót trong cuộc chiến và sau đó trong tù đầy.
                                                                                                                                    
Ở phần kết cuốn sách, Song Nhị có đặt vấn đề là tại sao và nếu như...
Vâng, nếu như không có Hồ Chí Minh, không có đảng cộng sản VN (bọn người buôn ảo mộng, cuồng tín, tàn bạo) thì làm gì có cuộc chiến tranh Việt Nam với con số hơn mấy triệu người hai miền Nam Bắc bị chết, máu chẩy thành sông xương chất thành núi cùng với bao gia đình tan nát đau thương. Và sau gần nửa thế kỷ cuộc chiến chấm dứt, nước mắt vẫn chưa ngưng chẩy. Đất nước bị xâm lấn, dân tộc vẫn quặn mình trong tủi nhục, trong khốn cùng

Theo tôi, cuốn “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của Song Nhị là những trang sử ghi đậm nét thảm họa của dân tộc ta trong suốt nửa thế kỷ 20. Nỗi đau này biết bao giờ nguôi?
San Jose, 11/2009
Thanh Thương Hoàng
(Việt Tribune, Vol IV. No. 205 April 2-8/ 2010)


DIÊN NGHỊ - Nhà Văn/ nhà Thơ

Sau Hiệp định Geneve 1954, họ Hồ dựng lên bức tường thép che giấu, lấp liếm bạo lực man rợ, thực hiện chính sách tiêu diệt giai cấp trí, địa, phú, hào trên miền Bắc qua chiến dịch đấu tố, gieo tang tóc, đau thương, giết người cướp của hàng vạn lương dân... nhà văn Song Nhị, một nạn nhân, và là chứng nhân trong cuộc, đã cùng gia đình vượt thoát, đã lìa quê quán ra đi từ đó. Và từ đó, ước vọng tự do sáng ngời phía trước của Sài Gòn đang đợi chờ, hứa hẹn.

20 năm sống dưới chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Công Hòa, bản thân người trai Hà Tĩnh đã nổ lực không ngừng, vươn lên cùng ý chí nỗ lực phục vụ, thắp sáng ngời lý tưởng bảo vệ quê hương, không khoan nhượng bất cứ hành động nào của kẻ thù... nhưng cuộc chiến ý thức hệ ngày càng quyết liệt từ tham vọng và bản chất thôn tính của tập đoàn Mác-xít miền Bắc, đã xâm nhập, tạo biến cố khuynh đảo lũng đoạn xã hội miền Nam, để cuối cùng định mệnh của một dân tộc yêu tự do, nhân bản được an bài trong bất công phi lý.
Như một biên niên sử thời đại, qua ghi nhận trung thực của người trong cuộc đầy trách nhiệm, Song Nhị chẳng những đóng góp sự thật vào dòng lịch sử, còn cho thấy rằng: rủi ro bất hạnh của cả một dân tộc chỉ do một bàn tay tàn bạo, một não trạng bệnh hoạn, một tham vọng quá mức, chỉ nhìn thấy góc cạnh hẹp hòi quyền lợi của một bè đảng vô sản chư hầu nô lệ, mà chẳng hề quan tâm đến nguyện vọng và quyền lợi của cả  một dân tộc khát khao cường thịnh, tự do.

Diên Nghị, 11/2009

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...