Tuesday, March 20, 2012

Công Chúa Huyền Trân Trong Hành Trình Đại Việt



Bài viết này cùng một số đoạn thơ minh họa riêng cho vở kịch thơ “Huyền Trân công chúa”, cùng với nữ nghệ sĩ Kiều Loan bảo trợ phần văn nghệ trong chương trình ca vũ nhạc kịch của Hội Sinh Viên Đại học Berkeley, trình diễn tại Henry J. Kaiser Convention Center, thành phố Oakland chủ nhật 21-4-96. - Ghi chú của SN. 
= Bích chương buổi văn nghệ của SV Berley, California.
                                                                     
Chiêm Thành là vương quốc Champa, một quốc gia hùng mạnh có lãnh thổ từ núi Hoành Sơn, Quảng Bình kéo dài đến đồng bằng sông Đồng Nai ở phía Nam (Champaka No 1-1999*). Các sử liệu trước đây cho rằng Chiêm quốc chỉ kéo dài tới Phan Thiết, Bình Thuận. Vương quốc này đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới sau cuộc Nam tiến ồ ạt của lân quốc phía Bắc, kéo dài trong hơn sáu thế kỷ (từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 17). Cuộc xung đột giữa Chiêm Thành và Đại Việt khởi sự từ năm 982 khi quân Đại Việt tiến vào chiếm đóng thủ đô Indrapura ở Quảng Nam (* tr.14 sđd). Và đất nước Chiêm Thành mở đầu thời kỳ suy yếu kể từ sau cái chết của Chế Bồng Nga, một vị vua lừng lẫy với nhiều chiến công oanh liệt trong suốt 30 năm trị vì (1360-1390). Đến đầu thế kỷ thứ 19 Chiêm Thành thực sự bị xóa tên trên bản đồ thế giới dưới triều Vua Minh Mạng, sau cuộc nổi dậy bị dập tắt của Kartip Sumat (1834-1835).

Có thể nói lịch sử Chiêm Thành gắn liền với vận mệnh mất còn của hai triều đại Chế Mân và Chế Bồng Nga. Nhưng nguyên nhân chính yếu đưa đến nạn diệt vong của vương quốc Chàm là chính sách Nam tiến của triều đình Đại Việt.
Nói về cuộc tình giữa Chế Mân và Huyền Trân Công chúa, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: "Tháng ba năm Tân sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, hiệu Hưng Long thứ 9. Thượng hoàng đi tu ở núi Yên Tử, thường muốn lịch lãm núi sông, ngao du sơn thủy trong thiên hạ, ngài đi đến phía Nam, rồi sang tới Chiêm Thành". Dừng bước tại vương quốc Chiêm Thành hoang sơ, hoa ngàn cỏ nội nhưng không kém phần hùng tráng trong nét uy dũng của đền đài ảnh hưởng nền văn minh Ấn độ, Thượng hoàng không khỏi bồi hồi nghĩ đến trang quốc sắc thiên hương đất Chàm, nàng Vương phi Mỵ Ê. Mỵ Ê là Hoàng hậu Chiêm quốc vào thời vua Sạ Đẩu (Hari Varman III), kinh đô là Phật Thệ (Vijaya).

Vào đời nhà Lý, Chiêm Thành và Đại Việt thường dấy loạn can qua. Năm 1044, vua Lý Thái Tông (1028 -1054) ngự giá đánh Chiêm, thúc quân tràn vào Phật Thệ, chiếm kinh đô Chàm, bắt được hơn 5000 người và 30 con voi. Tướng Chiêm là Quách Gia Gi chém đầu vua Sạ Đẩu rồi xin hàng. Lý Thái Tông ca khúc khải hoàn, bắt Vương phi Mỵ Ê và các cung nữ đem về. Khi thuyền vua xuôi theo sông Đáy đến sông Lý Nhân, Thái Tông cho lệnh đòi Mỵ Ê sang hầu. Mỵ Ê than rằng "Vợ mọi quê mùa, khôn sánh những bậc Cơ Khương, nay nước mất nhà tan, chỉ còn một thác mà thôi ..." Nàng tắm rửa, xông xạ hương rồi quấn chăn gieo mình xuống sông mà chết. Lý Thái Tông cảm kích lòng trinh tiết, phong nàng Mỵ Ê là "Hiệp Chánh Hộ Thiện Phu Nhân", nay ở phủ Lý Nhân (Phủ Lý, Hà Nam) còn có đền thờ .
Từ khi nhà Trần lên ngôi, giữa Đại Việt và Chiêm Thành đã có phần yên ổn. Tại kinh đô Phật Thệ, Hoàng tử Hari Jit lúc ấy đang ở ngôi, tức là vua Chế Mân (Jaya Simha Varman III ). Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Chế Mân là người ở Tượng Lâm, thành Điển Xung, đất Việt Thường. Nhà cổ học L. Aurousseau ghi lại Tượng Lâm là một huyện nằm ở phía Nam quận Nhật Nam (về sau là Đại Việt). Người Tàu gọi Tượng Lâm là Siang Lin (Rừng Voi) tồn tại từ năm 192 đến năm 758, về sau đó chính là nước Chiêm Thành. 

Theo nhà khảo cổ học Jean Yves Claèys, vương quốc Lâm Ấp trải dài từ Đèo Ngang đến Thuận Hải, chia làm bốn vùng: Amarâvaty từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Vijaya, từ Bình Định đến Phú Yên. Kauthàra là Khánh Hòa và Panduranga là Phan Rang, Ninh Thuận. Po Dharma trong Champakar gọi đó là những tiểu vương quốc trong vương quốc rộng lớn Champa. Hai vùng phía trên là miền Bắc nước Chiêm (septentrionale), thuộc thị tộc Cau (Kramukavamsa), tiếng Chàm là Pi Năng, hậu duệ người miền núi (Atâu Chơk). Hai vùng dưới là miền Nam (Méridionale), thuộc thị tộc Dừa (Narikelavamsa), tiếng Chàm là Li u, hậu duệ người miền biển (Atâu Thik) .

Lịch sử Chiêm Thành là cả một chuỗi dài chống đỡ những cuộc xâm lăng từ Trung quốc, Kampuchea và Đại Việt. Khoảng năm 400 Lâm Ấp dựng kinh đô ở Trà Kiệu (Simhapura), xây nhiều tháp Kalan và đền đài hùng vĩ bằng gạch đỏ tại thung lũng Mỹ Sơn (Quảng Nam). Sử liệu Trung Hoa cho rằng nghệ thuật xây dựng và điêu khắc với lối kiến trúc bằng gạch đỏ của người Chàm thời bấy giờ đã xứng đáng là bậc thầy. Năm 446, tướng Tàu là Tan Hezhi (Đàn Hòa Chi) xâm lăng Champa, kinh đô Trà Kiệu bị thiêu hủy cùng với các công trình kiến trúc đồ sộ và hàng ngàn tài liệu viết về lịch sử Chiêm quốc. Từ đó không còn bóng dáng nào của lịch sử Lâm Ấp được chiếu rọi lại mãi cho tới năm 875 vào đời vua Indra Varman II (875- 898), dưới sức tấn công của người Trung quốc, dân nước Hoàn Vương phải dời đô từ Trà Kiệu về Đồng Dương (Indrapura, Quảng Nam). Cũng vào năm 875, lần đầu tiên trong biên niên sử Trung Hoa xuất hiện tên nước Chiêm Thành, viết theo tiếng phạn là Champapura, có nghĩa là "Thành của người Chàm".

Tại An Nam phủ, vào năm 939, Ngô Quyền (897- 944) giành được độc lập từ tay người Tàu, xưng vương và dựng đô ở Cổ Loa. Năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp xong loạn Nhị Thập Sứ quân, dựng nước tự chủ, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Mãi đến đời nhà Lý (1010 - 1225) mới đổi tên là Đại Việt và nhà Tống bên Tàu mới công nhận là An Nam quốc.
Trong 42 năm vào đời vua Indra Varman III (918 - 960), dân tộc Chàm liên tiếp bị sự tấn công từ mọi phía của người Java, người Khmers và người Trung quốc. Năm 982, vì vua Chiêm là Parameavara Varman I bắt giam sứ thần của Đại Việt nên Lê Đại Hành tiến quân chiếm Đồng Dương, bắt Chiêm quốc phải triều cống. Hari Varman II (988 - 998) lên ngôi, dời kinh đô về Phật Thệ (Chà Bàn).

Vào cuối thế kỷ thứ X cho đến thế kỷ thứ XIII là khoảng thời gian đen tối trong lịch sử vương quốc Chiêm Thành. Những cuộc chiến tranh triền miên với Đại Việt và Khmers đã liên tiếp xẩy ra, đưa đất nước Chiêm Thành vào cảnh tượng hoang tàn đổ nát. Năm 1069 người Việt tràn qua đèo Ngang tiến vào tiếp nhận Quảng Bình do vua Chế Củ dâng tặng. Đến năm 1306 người Việt tới Huế. Hơn ba trăm năm sau, năm 1697, cuộc Nam tiến đã kéo dài tới Ninh Thuận, Phan Thiết.
Cũng kể từ năm đó đất nước Chiêm Thành đã hoàn toàn thuộc về Đại Việt.

Lịch sử vong quốc của người Chiêm Thành được đánh dấu đầu tiên bằng hành động của vua Chế Củ dâng Đại Việt ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để cầu xin hữu nghị. Tiếp đến là một sự kiện trọng đại khác xảy ra dưới thời vua Chiêm khi Chế Mân, vào năm 1306 dâng Đại Việt hai Châu Ô Lý làm sính lễ để cưới một giai nhân nước Việt, công chúa Huyền Trân. Nàng công chúa yêu kiều ấy là sứ giả trọng yếu, mở đầu thời kỳ bang giao hữu nghị lâu đài nhất giữa hai quốc gia Đại Việt - Chiêm Thành.
Chế Mân tên chữ Phạn là Sinhavarman, vị vua Chiêm quốc vào đầu thế kỷ thứ mười bốn, đã có vợ là Hoàng Hậu Tapasi, người xứ Java, trước khi cầu hôn công chúa nước Đại Việt.
Nói về Huyền Trân, ... Vào triều Lý, Huệ Tông có bệnh mãi không khỏi, lại không có con trai, nên tháng 10 năm Giáp thân (1224) truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa (tên là Phật Kim), sau đó vào tu ở chùa Chân Giáo. Chiêu Thánh lên ngôi lúc 7 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng. Được một năm, vào tháng 12 năm Ất dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (lúc ấy mới có 8 tuổi, là cháu của Trần Thủ Độ), sau đó truyền ngôi lại cho chồng. Từ đó giang sơn nhà Lý vào tay nhà Trần. Ba đời sau truyền đến Trần Nhân Tông. Nhân Tông thành hôn với Khâm Từ hoàng hậu, có được hai hoàng tử là Thuyên và Quốc Chân, một công chúa là Huyền Trân. 

Vào đầu năm 1301, Thượng Hoàng của Đại Việt là Trần Nhân Tôn sau khi đã thoái vị, truyền ngôi cho con là Trần Anh Tôn, hiệu Hưng Long, nhân dịp có một phái bộ Chiêm Thành sang thăm nước Việt để kết tình giao hảo, Thượng Hoàng đã đi theo phái bộ đến thăm Chiêm Quốc. Ở lại chín tháng trong cung điện của vua Chiêm, ngài được Chế Mân trọng vọng, kính nể và hậu đãi. Khi cáo biệt ra về, Thượng Hoàng cảm động đã hứa gã công chúa cho Chế Mân.
Tiếng đồn về nhan sắc của Huyền Trân làm bồi hồi trái tim nhà vua trẻ Chiêm quốc, dù Chế Mân đã lập gia thất với nàng con gái xứ Java, Hoàng hậu Tapasi. Chế Bồ Đài được giao phó dẫn theo bộ hạ hơn 100 người, tiến về Thăng Long mang theo vàng bạc, châu báu, hương liệu quý, báu vật lạ cùng dâng biểu xin làm lễ cầu hôn. 
Cả triều đình Đại Việt hoang mang, hoàng thân quốc thích lên tiếng phản đối. Làm sao có thể gả nàng công chúa yêu quý nước Việt về xứ Chàm man rợ ? Nhưng Thái Thượng Hoàng đã trình bày rõ ràng ý định của mình với Trần Anh Tông. Việc gả Huyền Trân về đất Chiêm là một đường lối chính trị có tầm vóc quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đại Việt.
Cuộc hôn nhân không xuôi chèo mát mái vì triều thần Đại Việt kẻ đồng tình, người phản đối. Quan niệm và thành kiến của người Đại Việt thời bấy giờ vẫn coi thường xứ Hời Chiêm tộc. Trong thời gian năm năm liền, cả hai triều đình Chiêm Việt liên tiếp phái các sứ giả qua lại trao ý kiến nhà vua của mỗi nước để thương thuyết về cuộc hôn nhân. Đoàn Nhữ Hài, vị đặc sứ Đại Việt lúc bấy giờ do bất phục vua Chàm, Khi yết kiến Chế Mân đã đặt quốc thư trước mặt mà lạy, tỏ ý cho vua Chàm biết là ông lạy vua nước Việt chứ không phải lạy vua Chàm.

Đến tháng 6 năm Bính Ngọ 1306, niên hiệu Hưng Long thứ 14, vị vua trẻ đa tình Chiêm quốc Chế Mân dâng hai châu Ô - Lý làm sính lễ và vua Trần Anh Tôn ban chiếu chỉ quyết định gả em gái là Công Chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Từ đó Hai Châu Ô Lý không những mãi mãi thuộc về đất Việt mà còn đi vào tình tự Việt Nam qua ca dao và văn học.
“Hai Châu Ô Lý vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi?” (4)

Châu Ô và Châu Lý là phần đất từ Cửa Viêt kéo dài tới quận Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo sử liệu, Châu Ô tức là Châu Thuận và Châu Lý tức là Châu Hóa. Châu Thuận thuộc phần đất của tỉnh Quảng Trị kéo dài tới quận Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên. Châu Hóa là phần đất thuộc tỉnh Thừa Thiên bao gồm quận Hòa Vang Thuộc Quảng Nam.

Lịch sử Trung Hoa có ghi lại, Tây Thi, gái nước Việt, sắc nước hương trời, chim sa cá lặn, đã được đem dâng vua Phù Sai của nước Ngô để Câu Tiễn, vua nước Việt (phía Nam Trung Quốc) mưu đồ quốc sự. Nhan sắc của Tây Thi đã dẫn triều đại nhà Ngô đến chỗ cáo chung. Sử Đại Việt không nói nhiều đến nhan sắc của Huyền Trân, nhưng sử sách có ghi lại người anh của Huyền Trân là vua Anh Tông nổi tiếng là đẹp như tiên. Các sứ thần Trung Quốc thời đó cứ muốn được yết kiến để chiêm ngưỡng sắc đẹp “thần tiên” của vị vua này. Các nhà viết sử đã góp nhặt các sự kiện mà cho rằng hẳn nhiên Huyền Trân là một công chúa diễm kiều tuyệt mỹ, nhan sắc lẫy lừng, tiếng tăm đồn đại vang dội bốn phương khiến trong dân dã đã ví nàng:
“Tiếc thay cây quế Châu Thường
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”
khiến Chế Mân đã biến cuộc hôn nhân ấy thành quốc sự, đã dày công theo đuổi trong năm năm trời, đã dâng một phần lãnh thổ của Chiêm quốc để cưới bằng được một gái “Tây Thi” Đại Việt. Sau hôn lễ, khi về đến Chiêm Thành, nàng công chúa Đại Việt đã được phong làm Hoàng Hậu Paramecvari của Chiêm quốc.

Phận gái mười hai bến nước. mà thuyền tình của Công Chúa Huyền Trân đã cặp bến vinh hoa. Thói thường, các cô dâu khi về nhà chồng dù tâm trạng thế nào đôi mắt cũng rưng rưng nhỏ lệ. Nàng Huyền Trân dù trước mắt là cuộc đăng quang tuyệt đỉnh huy hoàng, nhưng làm sao người công chúa thoát ra khỏi cái tình cảm thường tình; nhớ thương, bịn rịn, lo lắng, bâng khuâng. Do đó người đời đã truyền tụng hai câu ca dao nói lên tâm sự Huyền Trân khi qua đèo Hải Vân:
“Chiều chiều gió thổi Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân em buồn.”

Thế là nàng công chúa nhà Trần đã về làm dâu Chiêm quốc, đã trở thành Hoàng Hậu. Thì lúc đó, trong nước Đại Việt, giới văn nhân thi sĩ xầm xì, chế giễu. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã ví cuộc hôn nhân này tương tự như việc nhà Tiền Hán Trung Hoa 33 năm trước Tây lịch đã đem Chiêu Quân cống Hồ để mưu cầu hòa bình cho trăm họ. Ông cho rằng vua Anh Tôn vì để giữ lời hứa Thượng Hoàng mà gả Huyền Trân, chứ cuộc hôn nhân không tương xứng.
Trong dân gian người ta truyền tụng những câu hát ví von để mỉa mai như:
Tiếc thay cây quế Châu Thường
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.”
Hoặc:
“Con vua lấy thằng bán than
Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo.”

Nhưng thương thay! Cuộc hương lửa vừa nồng thì chỉ một năm sau, vào mùa Hạ, tháng 5 năm 1307 Chế Mân Băng hà. Huyền Trân giờ là một góa phụ lẻ loi trong cung điện thành Đồ Bàn nhìn về cố quốc mà thấy lẽ sắc sắc không không mầu nhiệm.
Dư âm của cuộc tình vương giả ấy đã phảng phất đến muôn đời tưởng như là huyền thoại.
Ngày Chế Mân băng hà, theo tục lệ Chiêm Thành, Hoàng Hậu phải lên giàn hỏa táng để chết theo chồng. Vua Trần Anh Tôn đã cử vị quan Nhập Nội Hành Khiển Thượng Thư Tả Bộc Sạ là Trần Khắc Chung sang Chiêm quốc để điếu tang với mưu sự cứu công chúa thoát nạn. Các cung nữ của Huyền Trân trong cung điện Đồ Bàn khi thấy Trần Khắc Chung đã hát lên:
“Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa lên thang mà ngồi.”

Trần Khắc Chung bày kế giải cứu được công chúa khỏi phải lên giàn hỏa táng, đem công chúa về nước bằng đường biển. Cuộc hải hành đó đã kéo dài đến một năm. Trong một năm ấy, Khắc Chung đã tư thông với công chúa (?) Dư luận trong dân gian xầm xì:
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vò nước đục lại vần lửa rơm”
Cuối cùng Huyền Trân đã được trả về cho nước Việt và hai Châu ô Lý cũng vĩnh viễn là lãnh thổ Việt Nam. Từ đó lại có hai câu cao dao:
“Của trời, trời lại lấy đi
Giương hai con mắt làm chi được trời.”

Lại nói về cuộc tình lãng mạn giữa nàng công chúa với vị tướng trẻ Trần Khắc Chung, có giai thoại nói rằng Huyền Trân càng lớn, nhan sắc thêm đậm đà. Tiếng cười nói hay giọng ngâm thơ đọc sách như giọng oanh vàng của nàng vẫn vang lên đây đó ở vườn Ngự Uyển trong Tử Cấm thành. Một hôm, Khâm Từ hoàng hậu cho phép Huyền Trân được cùng bà đi dâng hương lễ Phật nơi chùa Trấn Quốc. Đoàn xa giá rời hoàng cung trong tiếng lễ nhạc. Lần đầu tiên được rời Cấm thành, công chúa Huyền Trân say sưa chìm đắm trong sắc nước hương trời, nàng không để ý đến cái nhìn sâu kín thầm lặng, đầy vẻ say đắm đam mê của vị tướng trẻ tuổi Trần Khắc Chung. Giai thoại không nói về những cuộc gặp gỡ hẹn hò nào giữa đôi trai tài gái sắc ấy, mà chỉ nghe khi triều đình quyết định gả Huyền Trân cho vua Chiêm, “Huyền Trân công chúa thấy cõi lòng tan nát. Riêng về Trần Khắc Chung nghe tin như sét đánh ngang tai”??. 

Cuộc hôn nhân vương giả ấy tựa như bông hoa sớm nở tối tàn, nàng công chúa Huyền Trân của Đại Việt, một năm sau khi về đất Chàm, Chế Mân khi vừa dựng xong tháp Po Kloong Girai tại Phan Rang thì vào mùa hạ, tháng 5 năm 1307 đã “từ trần trong một khung cảnh vô cùng mờ ám”, và “chưa ai hiểu được nguyên nhân nào để giải thích cho sự  hiện diện của Trần Khắc Chung trong bối cảnh lịch sử này. Cũng chưa có nguyên nhân nào giải thích cho mưu mô chạy trốn của công chúa Huyền Trân khỏi kinh đô Chiêm Thành vì theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép hủy thân trên giàn hỏa với chồng của mình mà thôi...” (Champaka. tr.18-19).  

Nhưng theo Khâm Định Việt Sử thì vào tháng 9, thế tử là Chế Đa Đa sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng để cáo việc tang. Theo tục lệ Chiêm quốc, vua mất thì các cung phi phải lên hỏa đàn để tuẫn táng. Trần Anh Tông sai quan Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung cùng An phủ sứ Đặng Vân đi điếu tang. Khi thấy Trần Khắc Chung tới, các cung nữ của Huyền Trân hát lên hai câu ca dao như đã dẫn.

Câu hát ngụ ý công chúa sẽ phải lên hỏa đàn. Trần Khắc Chung nói với thế tử Chiêm Thành rằng: "Sở dĩ bản triều gả công chúa cho quốc vương vì hai đất nước liền nhau, nên muốn được yên phận để cùng hưởng thái bình hạnh phúc, cũng vì thương dân, chứ không phải mượn má phấn để giữ trường thành. Nay Quốc vương từ trần, nếu đem công chúa tuẫn táng ngay thì việc tu trai không người lo liệu. Theo tục lệ bản quốc, trước hết hãy đưa công chúa ra bãi bể chiêu đón linh hồn, rồi mới vào hỏa đàn sau".
Người Chiêm Thành nghe theo lời. Khi thuyền công chúa ra giữa biển, Trần Khắc Chung đem thuyền chạy theo cướp Huyền Trân. Theo Khâm định Việt sử, Trần Khắc Chung cùng Huyền Trân tư thông quanh quất trên biển hơn một năm mới về đến kinh. Sư Hưng Nhượng Vương Quốc Tăng rất ghét chuyện ấy, nên hễ trông thấy Khắc Chung thì mắng: "Họ tên người này không tốt, có lẽ nhà Trần mất vì hắn chăng !" Bởi vậy Khắc Chung khi trông thấy Quốc Tăng thì tránh mặt. Huyền Trân công chúa về đến Thăng Long vào ngày 18, mùa thu năm Mậu Thân 1308, hiệu Hưng Long thứ 16, từ đấy sống trọn đời trong hiu quạnh bẽ bàng. Có sách viết nàng đã vào chùa nương thân nơi cửa Phật.

Lại theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, khi Chế Mân dâng lễ cầu hôn thì "... triều thần nước ta đều nói là không nên, duy một mình Văn Túc Vương Đạo Tái chủ trương việc gả cưới ấy. Chủ trương đó được Trần Khắc Chung tán thành". Nếu quả vậy, mối tình lãng mạn giữa nàng công chúa và TKC, vị tướng quân nước Đại Việt phải chăng chỉ là một huyền thoại dệt gấm thêu hoa?

Đến nay xấp xỉ bảy trăm năm, một trang sử bang giao quốc tế đã mờ dần theo bóng thời gian. Đất nước Chiêm Thành chỉ còn để lại sau lưng mình một số di tích lịch sử với hai cộng đồng nhân chủng xuất thân từ dân tộc Champa thời trước. Cộng đồng đầu tiên gồm vào khoảng 300 ngàn người dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên miền Trung và khoảng 100 ngàn người Chăm ở vùng Phan Rang Phan Rí, với 30 ngàn ở khu vực Châu Đốc và Tây Ninh, hơn 150 ngàn lánh nạn ở Kampuchea. (* Champaka sđd. tr. 33). Hiện nay ở hải ngoại, sau năm 1975 cũng đã hình thành một cộng đồng người Champa có tổ chức các cơ cấu văn hóa, xã hội tại Pháp và Hoa Kỳ.
Nơi đất nước và quê hương cũ, nền văn minh và văn hóa huy hoàng của dân tộc Chàm ngày nay chỉ còn là một bóng hình dĩ vãng mờ nhạt, mong manh. Những ngọn tháp Chàm rải rác đâu đó từ Quảng Nam vào tới Phan Rang, Phan Thiết, trong nhiều thế kỷ đã là nơi để những lớp thế hệ người Chàm thưa thớt tìm về hội tụ, bái vọng tổ tiên của họ. Nền văn minh cổ kính ấy đã nói lên một trình độ vật chất và tinh thần tiên tiến của một dân tộc mà định mệnh không cho họ được trường tồn.

Về phía nước Đại Việt, vâng lệnh Thượng Hoàng, vua Anh Tông đã bất chấp mọi lời dè bỉu gièm pha trong thiên hạ, dùng người em gái của mình như một mỹ nhân kế vào một nghị trình quốc sự, thu về cho Tổ Quốc một lãnh thổ trải hàng nghìn dặm, khởi đầu bằng sự tự giác, thuận tình của Chế Mân dâng vua Đại Việt hai Châu Ô Lý.
Có ai biết được tâm sự của người công nương đài các ấy. Nàng đã ra đi và nàng đã trở về tưởng chừng như trong im lặng, để lại hàng trăm năm sau những tình cảm bịn rịn, tưởng nhớ, biết ơn của hàng bao thế hệ con người Việt Nam.

Ngoài số lượng văn chương bình dân, nhiều văn thân thi sĩ đã chạnh lòng xúc cảm về cuộc tình lâm ly bất hủ ấy để dệt thành những khúc nhạc, bài thơ, lưu lại với thời gian.
 Người viết trong khi đọc sưu khảo mấy chồng tư liệu, cả một quá khứ xa xăm hiện về, tâm hồn như chìm vào dĩ vãng xôn xao của tổ tiên thời kỳ dựng nước. Nghĩ về non nước Chiêm Thành, nghĩ về cuộc tình vương giả ấy, lòng không khỏi trắc ẩn, ngậm ngùi mà xuất ý mấy vần sau đây. Xin được mượn bài thơ như một dấu chấm hết.

LỜI CẦU HÔN CỦA CHẾ

Nàng hỡi Huyền Trân Đại Việt ơi
Nước non Chiêm quốc đợi mong người
Mỹ nhân dẫu phải là khuynh quốc
Trẫm của Chiêm và trẫm của ngươi

Chiêm Việt đôi bờ bao dặm ấy
Tiền duyên hò hẹn mấy nghìn sau
Đồ Bàn cung điện ngôi Vương Hậu
Để có khanh và để có nhau

Ô Lý hai châu về xứ ngoại
Bao đời xử sở một quân vương
Là đây tình sử trong thiên hạ
Rồi mấy nghìn sau hậu thế lường?

Rồi mấy nghìn sau đời kể lại
Cơ đồ Chiêm Quốc một Công Nương
Một trang sử viết thời Chiêm-Việt
Một cõi sơn hà cũng khói sương

Tiếng trống Đồ Bàn khai yến tiệc
Cung nghinh gái Việt mở Hoàng thành
Xin mời Công Chúa về cung điện
Chế của Chiêm và Chế của khanh... 

Song Nhị
Hiệu chính tháng 3/2012

----------------------
Tài liệu tham khảo:
(1) Tập San “Nghiên Cứu Lịch Sử Và Nền Văn Minh Champa”: Champaka No. 1-1999 IOC – Campa San Jose, California, USA 1999
(2) “Đất Việt Trời Nam”, Thái Văn Kiểm Nguồn Sống - Sài Gòn 1960.
(3) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
(3) PhuSa.net
(4) Theo Ngô Kim Khôi, hai câu này trích trong bài thơ sau đây của Trần Cao Khải, nhưng theo Học giả Thái Văn Kiểm trong Đất Việt Trời Nam” {Nguồn Sống xb, Sài Gòn 1960] thì bài thơ này là của nhà thơ Thái Xuyên viết vào khoảng thập niên 20):
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười
Vốn đà không mất lại thêm lời
Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi
Lòng đỏ khá khen lo việc nước
Môi son phải giống mãi trên đời
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẩn nhìn nhau mấy đứa Hời./


1 comment:

  1. Tại sao nên sử dụng Fine pure Collagen ?

    - fine pure collagen gia bao nhieu có công nghệ Gien là công nghệ vượt trội giúp trẻ hóa các tế bào cách làm chè khúc bạch uyen thy từ trong ra ngoài. Giúp cho da không nhăn, trẻ hóa và khỏe mạnh
    - Ngoài ra còn có Co.Q10 giúp da trắng sáng, chống lão hóa và collagen shiseido loại nào tốt giúp tốt cho tim mạch, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật.
    - Chrodroitin, giúp da không bị nhờn, không chảy xệ. Tốt cho mắt & cơ khớp gối.thực đơn cho sản phụ sau sinh mổ
    - Vitamin C giúp da không bị khô & da dẻ mịn màng. Tăng sức đề kháng cho cơ thể.
    - Collagen chống nhăn, giúp tăng độ đàn hồi cho da.
    - Với collagen của nước nào tốt nhất cho phụ nữ Việt Namnhững tính năng vượt trội , độc quyền công nghệ tinh trùng gặp trứng sau bao lâu thì thụ tinhGien hơn hẳn những loại Collagen khác trên thị trường vừa không nhăn, vừa trẻ hóa vừa khỏe mạnh từ bên trong ra tới gương mặt thì Fine Pure Collagen rất nên được sử dụng thường xuyên. mang thai tháng thứ 4 có nên uống nước dừa

    ReplyDelete

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...