Ai vẽ nỗi
cô đơn đầy lòng chỉ bàn tay
Trên cánh đồng cuộc đời thân con cò con vạc
(À ơi cánh cò – Hương Giang)
Trên cánh đồng cuộc đời thân con cò con vạc
(À ơi cánh cò – Hương Giang)
Chẳng biết
tại sao và tự bao giờ người ta ví người phụ nữ qua hình ảnh một con cò. Con cò
mình hạc sương mai, con cò khẳng khiu gánh gồng mọi nỗi oan khiên của cuộc đời.
“Con cò lặn lội bờ sông gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” và “Cái cò đi đón
cơn mưa / tối tăm mù mịt ai đưa cò về”. Con cò dường như luôn luôn một mình, cò
gắn liền với nỗi cô đơn. Và phải chăng vì thế mà con cò lại vẽ rất đủ nét về
người phụ nữ Việt. Sống trong một đất nước chiến tranh, tôi tin rằng rất nhiều
người trong chúng ta đều mang trong ký ức tuổi thơ mình hình ảnh một người mẹ
đơn độc. Cái hình ảnh tôi nhớ nhất về mẹ tôi là hình ảnh bà một mình, một mình
tảo tần nuôi con, đơn độc cùng nén nhang cháy khuya cùng ngọn đèn dầu lạc.
Nếu ngay từ thế kỷ thứ 19 thế giới đã chọn ngày 8 tháng 3 để
vinh danh người phụ nữ. Nếu “Bánh mì và Hoa hồng” đã được trao tặng cho các phụ
nữ của nhiều quốc gia khác, thì cho đến tận ngày hôm nay bản thân người phụ nữ
Việt Nam
đang tiếp tục bị bạc đãi và xúc phạm. Các bé gái và hàng ngàn phụ nữ tiếp tục
bị bán đi ngoại quốc để làm lao động hay làm nô lệ tình dục đến nỗi chính phủ
Hoa Kỳ đã phải cảnh báo về tệ nạn buôn người tại Việt Nam. Nếu “Bánh mì và Hoa hồng” bài
thơ của thi sĩ James Oppenheim, được hát đi hát lại bằng nhiều ngôn ngữ khác
nhau trong ngày Quốc Tế Phụ Nữ thì cũng xin được hát lên hôm nay cho thân phận
những bé gái, những phụ nữ VN đang lạc loài trên xứ người:
Cuộc sống
sẽ chẳng còn nhọc nhằn
từ lúc sinh thành cho đến ngày nhắm mắt
Trái tim đói cũng như thân xác đói,
hãy cho chúng tôi ăn và cho những hoa hồng
từ lúc sinh thành cho đến ngày nhắm mắt
Trái tim đói cũng như thân xác đói,
hãy cho chúng tôi ăn và cho những hoa hồng
(Bánh mì và Hoa hồng – James Oppenheim)
Thi ca và âm nhạc gọi người phụ nữ của chúng ta là cô Tấm.
Người đàn bà bước ra từ quả thị lặng lẽ nấu cơm, dọn dẹp, lặng lẽ chăm sóc cho
chồng rồi biến vào quả thị. Những cái bóng phía sau người đàn ông luôn đằm
thắm, dịu dàng, nhưng họ cũng chính là những dấu lặng trong bài trường ca của
quê hương tôi. Bài trường ca chất chứa những đoạn đường dâu bể của dân tộc.
Phía sau tình yêu tha thiết dành cho chồng con là cả một tấm lòng sắt son đối
với đất nước. Sự can trường của họ, sự hy sinh trong im lặng như một nét khắc
sâu vào lịch sử. Nó nằm ở tình yêu và niềm cảm thông lạ thường dành cho chồng
nơi bà quả phụ Lê Văn Hưng. Nó là tình yêu mãnh liệt của người thiếu phụ đã gom
góp chút gia sản ít ỏi làm lộ phí đưa chồng về chiến khu của phu nhân Phó Đề
Đốc Hoàng Cơ Minh. Nó nằm ở câu nói của cụ bà Phan Bội Châu khi giáp mặt chồng
trên đường cụ Ông bị giải từ Hà Nội vào Huế. Bà bảo: “Vợ chồng ly biệt nhau hơn
hai mươi năm, nay được một lần giáp mặt Thầy, trong lòng tôi đã mãn túc rồi. Từ
đây trở về sau, chỉ trông mong Thầy giữ được lòng Thầy như xưa. Thầy làm những
việc gì mặc Thầy, Thầy không phiền nghĩ tới vợ con.”
Một người phụ nữ trước cảnh chồng bị giải đi đày mà còn thốt
lên những lời sắt đá như vậy đủ thấy tấm lòng của bà dành cho đất nước thắm
thiết đến dường nào! Những tình cảm dâng hiến thầm lặng chỉ có trời biết, đất
biết, ai bảo rằng người phụ nữ Việt Nam không mạnh. Họ chính là câu trả
lời đầu tiên cho bất cứ ai muốn tìm hiểu vì sao một đất nước nhỏ bé vẫn đứng
vững suốt mấy ngàn năm bên cạnh một cường quốc hung hãn.
Đau xót thay, người phụ nữ với những phẩm hạnh hiếm có đã
không được quí trọng và bảo vệ!? Cách đây không lâu, một thiên phóng sự của đài
truyền hình NBC đã làm thế giới bàng hoàng về hiện trạng những bé gái Việt Nam
ở độ tuổi lên năm lên tám trong các động mãi dâm ở Cam Bốt. Sau hơn ba mươi năm
xây dựng đất nước, rất nhiều thiếu nữ ở những vùng quê, vì nghèo đã phải bán
thân để nuôi gia đình. Lớp khác, số phận của họ được đọc trên những bản tin “126
cô gái VN bị rao bán như hàng hoá ở Malaysia”, “70
cô gái chen chân dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc”. Nhìn tấm hình chụp các thiếu
nữ ghi danh dự tuyển lấy chồng Hàn thật đáng thương. Trước ống kính, nhiều em
đã quay mặt đi, có em lấy tay hoặc lấy khăn che mặt. Vậy mà chỉ một lát nữa
thôi, chính các em phải phải cởi bỏ quần áo, để một hoặc hai gã đàn ông ngoại
quốc xem xét dị tật, sẹo cũng như khả năng sinh nở trước khi đưa ra quyết định
tuyển chọn cuối cùng!
Hỏi rằng có ai không phẫn nộ với những phát biểu vô tội vạ
của bà tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, phó trưởng Ban Tuyên giáo thuộc Hội Liên
hiệp phụ nữ Việt Nam. Trước Hội nghị tập huấn về công tác phòng chống tệ nạn
mại dâm diễn ra ở Hà Nội, bà Hoa đã lên án những phụ nữ hành nghề mại dâm và
kết luận một cách cay nghiệt: “Gái bán dâm sẽ không biết xấu hổ khi cần tiền”.
Ngày xưa tệ nạn mại dâm được quy trách cho tàn dư Mỹ Ngụy. Nay, những vấn nạn
của người phụ nữ sẽ quy trách cho ai? Chiến tranh đã thuộc về quá khứ, nhưng
chính người mẹ ngày xưa mất chồng, mất con trong chiến tranh lại trở thành mẹ
dân oan dầm mưa dãi nắng hàng chục năm trời đi đòi đất đòi nhà. Những thiếu phụ
ngư dân ôm nỗi oan khuất của mình khi chồng chết mà không có xác chôn! Chưa kể
đến những tệ nạn xã hội khác như nạn bạo hành trong gia đình. Tại Bắc Giang một
người chồng đã đánh đập vợ, lột quần áo, và nhốt vợ mình vào cũi chó …
Chúng ta thấy rõ người phụ nữ ngày nay không trông mong được
gì vào các cơ cấu của xã hội. Cứ nhìn những bạo hành được dung túng qua thái độ
của công an khi hành hạ vợ anh Vươn, thúc vào bụng chị dù được nói rằng chị
đang mang thai; hoặc ra tay giựt xập căn lều dựng tạm của mẹ con chị khi anh
Vươn đang ngồi tù. Thêm vào đó, sự hy sinh của người phụ nữ lại bị lợi dụng
trắng trợn khi các quan chức nắm quyền tìm cách kiếm tiền qua công trình dựng
tượng đài mẹ liệt sĩ ở Quảng Nam!
Ngày nay, phụ nữ các quốc gia tây phương sẽ chưa được quyền
đi bầu, nếu năm 1857 các nữ công nhân ngành dệt thuộc thành phố New York không
đấu tranh cho chính bản thân của họ. Ngày Quốc Tế Phụ Nữ là điểm khởi đầu cho
các quyền bình đẳng của phụ nữ sau này. Nếu chính chúng ta hôm nay không trực
tiếp góp tay xoay chuyển thời cuộc, dưới chế độ này thân phận người phụ nữ VN
sẽ tiếp tục như thế trong vài thập niên nữa. Chúng ta sẽ không có một nữ khoa
học gia Dương Nguyệt Ánh trong một đất nước như vậy.
Bạn có nhìn thấy những nỗ lực cho một đổi thay tốt đẹp hơn
cho xã hội của những người đang sống quanh bạn? Bạn có nhìn thấy những hy sinh
của Lê thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Trần thị Thuý… Bạn nghĩ
gì trước cảnh chị Bùi Minh Hằng bật khóc trước phòng thăm của trại giam. Bạn đã
làm gì khi Đỗ Thị Minh Hạnh bị giam chung với những bịnh nhân “liệt kháng”
(HIV) vào thời kỳ cuối? Người thiếu nữ ấy đã nói với mẹ rằng: “nếu lỡ con có
lây bịnh xin mẹ đừng ghét hay ghê sợ con”. Quả thật câu nói của Washington
Irving phải dành riêng cho người phụ nữ Việt: “Cả cuộc đời của người phụ nữ là
một bài lịch sử về những yêu thương”.
Yêu thương, hy sinh, thầm lặng, dịu dàng, can trường, thủy
chung... là những tiếng ngân tuyệt diệu giữa hai nốt nhạc của bản trường ca.
Gạch bỏ những khoảng trống đó, chắc chắn ta sẽ có một bản nhạc “câm”. Xin đừng
để những phụ nữ ấy phải hy sinh trong vô vọng. Xin đừng để họ cô đơn ...
Hãy Lên Tiếng. Hãy hành động cùng họ.
Nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, một lần nữa chúng ta khẳng định
rằng: “Người phụ nữ Việt Nam
luôn có mặt và là một phần sức mạnh quyết định sự sống còn của dân tộc tại mọi
khúc quanh của lịch sử.”
Nguyệt Quỳnh
No comments:
Post a Comment