Di tản trên một cao ôc, trụ sở của CIA tại đường Gia
Long, Sài Gòn ngày 29/4/1975.
[Ảnh của ký giả nhiếp ảnh Hòa Lan Van Es]
[Ảnh của ký giả nhiếp ảnh Hòa Lan Van Es]
VIET
DIASPORA
Hai máy bay C-130 Hercules từ căn cứ
không quân Clark tại Philippines
đang bay phía trên sân bay Tân Sơn Nhất. Họ được lệnh không hạ cánh. Trinh thám
báo tin về sân bay: 2 trung đội bộ binh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã được
tăng viện cho công binh.
Một phi công Việt Nam Cộng Hòa đã
hạ cánh máy bay chiến đấu F-5 trên đường băng và bỏ lại phương tiện trong khi
máy vẫn chạy. Một chiếc xe jeep toàn lính Việt Nam Cộng Hòa cố chạy tới một chiếc
máy bay trước khi nó cất cánh.
"Có khoảng 3.000 thường dân rất
lo lắng đang ở đường băng", tướng Homar Smith báo cáo. "Tình hình có
vẻ như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát".
Graham Martin ngồi một mình trong
phòng làm việc, nhìn thấy cây đổ và nghe thấy tiếng trưởng văn phòng CIA thét ở
ngoài sân. Khi Kissinger gọi điện thoại ngay sau đó để thông báo ý của Tổng
thống Ford là đại sứ Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng về chuyện di tản, ông lắng
nghe giọng mệt mỏi, kiệt sức và ốm yếu của Graham Martin một cách kiên nhẫn.
10h43': Lệnh tiến hành "Option
Four" (di tản bằng đường biển và đường hàng không) được đưa ra. Tuy nhiên,
Martin vẫn tin chắc rằng vẫn "còn thời gian" để đàm phán và có một
"giải pháp danh dự".
John Pilger
[ Sài Gòn ngày 30 tháng Tư 1975 trong mắt một phóng viên Anh ](*)
John Pilger
[ Sài Gòn ngày 30 tháng Tư 1975 trong mắt một phóng viên Anh ](*)
==
Đó là một ngày dài nhất trong đời tôi. Từ 8 giờ sáng, tôi bắt đầu ngồi đợi giờ thứ 25. Tôi bước ra hành lang lầu 3 của cơ quan đứng nhìn sang, xem hoạt cảnh những chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ thay nhau lên xuống trên nóc tòa nhà sứ quán Hoa Kỳ, trên đại lộ Thống Nhất.
Năm giờ chiều hôm đó, ngày 29 tháng Tư, tôi rời khỏi nhiệm
sở sau khi thẩm quyền cao nhất của cơ quan cho biết một cuộc di tản như kế
hoạch được thỏa thuận và sắp xếp trước với phía Mỹ đã hoàn toàn hết hy vọng.
Tôi lái xe ngang qua Tòa Đại sứ Hoa Kỳ để tận mắt nhìn thấy những chiếc trực
thăng kia chở đi bao nhiêu định mệnh may mắn ưu tiên, và bỏ lại bao nhiêu số
phần tuyệt vọng. Một con số không thể nào đếm được. Giờ phút đó, nơi đó có hàng
trăm người nhưng còn các nơi khác, con số ấy là hàng trăm ngàn, hàng triệu...
Một khoảng đường phía trước sứ quán Mỹ số người tụ tập khá
đông, tình hình không còn kiểm soát được nữa. Mọi người hốt hoảng tìm đủ cách
để có thể thoát thân. Một người Mỹ lái chiếc xe hơi bóng loáng tấp vào lề, vừa
mở cửa bước xuống, một đám thanh thiếu niên bụi đời xúm vào làm thịt chiếc xe.
Người Mỹ tay cầm cái samsonite vừa leo lên khỏi bức tường rào, một người lính
Marine từ phía trong khuôn viên sứ quán ôm súng xốc tới nhảy lên đạp người Mỹ
kia rơi xuống.
Tất cả hy vọng, niềm tin và lý tưởng người Mỹ đưa tới nơi
đó, từ giờ phút đó cũng rơi theo! Tôi lái xe chạy thẳng về nhà, hệ thần kinh
không phải căng ra mà chùng lại.
Đoạn tường thuật trên đây của phóng viên John Pilger có lẽ
là sự kiện của những ngày giờ trước khi chiếc trực thăng đầu tiên đáp xuống và
rời khỏi nóc nhà,bay ra hạm đội ngoài khơi.
Người dân miền Nam sau những ngày hỗn loạn; và người dân Sài
Gòn sau mọi cố gắng đi tìm con đường di tản vượt thoát bất thành, tất cả bàng
hoàng trước cơn ác mộng đổ ập xuống mỗi con người, mỗi gia đình khi chứng kiến
cả một chế độ, cả một giềng mối quốc gia sụp đổ. Người dân ngơ ngác hoang mang
trước một cuộc đổi đời khốc liệt. Nỗi ám ảnh, sợ hãi một quá khứ còn tươi máu
chưa rời: những tàn bạo trong thời chiến, những vụ bắt cóc, ám sát, phá đường,
giựt sập cầu, giựt mìn xe đò, pháo kích, bắn tỉa...
Nỗi ám ảnh đó đã thẩm nhập vào tim óc mọi người, từ thôn quê
đến thành thị, mà không cần phải học tập, tuyên truyền. Bởi người dân miền Nam
đã từng chứng kiến, từng trải qua, từng chịu đựng, từng là nạn nhân, kẻ mất
con, người mất cha, mất chồng, mất vợ....
Người ta tưởng rằng hàng chục triệu người dân miền Nam
chỉ hoảng loạn trong những ngày Sài Gòn thoi thóp và thất thủ. Khi “cách mạng”
về thành thì biến động coi như đã xong, đời sống sẽ trở lại bình thường. Nhưng
kể từ ngày đó, cơn ác mộng mới thực sự đổ ập xuống, âm ỉ nhưng kinh hoàng hơn,
trên từng gia đình, từng thân phận mỗi con người, từ em bé cho đến người già
yếu gần đất xa trời.
Sau khi mọi chuyện đã đâu vào đó, người ta không còn hoảng
hốt, tứ tán tìm đường trốn chạy. Ai đã về nhà nấy. Lặng lẽ, âm thầm chuẩn bị
cho một cuộc vượt thoát liều mạng kéo dài liên tục trong gần 20 năm. Một bộ
phận hàng triệu con người đã phải tách rời khỏi cộng đồng dân tộc. Đó là cuộc
trốn chạy bi thảm nhất trong lịch sử năm nghìn năm của dân tộc Việt. Từ
đó một “Diaspora Vietnam”
rải rác khắp nơi trong cộng đồng nhân loại.
**
VIET
DIASPORA
Đi theo dấu vết thời gian và lần giở tài liệu cho tới hôm nay, chúng ta đã có được một bản “thống kê đại cương” như sau:
Đi theo dấu vết thời gian và lần giở tài liệu cho tới hôm nay, chúng ta đã có được một bản “thống kê đại cương” như sau:
Trước năm 1975 chỉ có khoảng 3000 người Việt sinh sống tại
Hoa Kỳ, gồm nhân viên Ngoại giao VNCH, và sinh viên du học sống rải rác tại
vùng Hoa Thịnh Đốn và các đại học thuộc các tiểu bang Maryland, Virginia, New
York, Massachussets, Wisconsin, Michigan, Minnesota, Illinois...
Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, tiếp theo các đợt di tản là
những cuộc vượt thoát, người Việt ào ạt đổ vào Hoa Kỳ, mở đầu cuộc trốn chạy bi
thảm, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc dưới tên gọi di tản (evacuation),
thuyền nhân, ODP và HO ... để trở thành những refugees trôi nổi khắp mọi miền
trên trái đất.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc và Cơ quan American Census
Bureau, nhân số trong đợt đầu di tản là 135,000, trong đó 40% thuộc Thiên chúa
giáo, 48% có bằng cấp và 7% biết nói ít nhiều tiếng Anh.
Kết quả cuộc điều tra của Nhật báo Los Angeles Times năm
1990 thì sau khi Cộng sản mở các đợt tịch thu và quốc hữu hóa tài sản ở miền
Nam vào những năm từ 1978 đến 1984 và khi cuộc chiến tranh biên giới Việt Hoa
bùng nổ vào tháng 2 và tháng 3 năm 1979, có 276,000 người Việt gốc Hoa thoát ra
khỏi Việt Nam.
Và từ tháng 7-1978 đến cuối tháng 12-1980 nhiều đợt thuyền
nhân vượt biển qua các nước Asean.
Tài liệu của Cao Uy Tỵ nan Liên Hiệp Quốc đưa ra con số thống
kê, có 650,000 người đến được bến bờ, nhưng nhiều chục ngàn người (khoảng 30%
của tổng số thuyền nhân đã thiệt mạng). Theo thống kê này thì từ năm 1975 đến
1985 có khoảng 1 triệu người Việt liều chết bỏ nước ra đi.
Trước thảm trạng khủng khiếp đó, tháng 7 năm 1979 Liên Hiệp
quốc đã triệu tập môt cuộc họp tại Geneve, Thụy Sĩ, gồm 46 quốc gia tham dự
nhằm tìm biện pháp để giải quyết tình trạng. Ngày 20 tháng 7-1979 các quốc gia
đã ký kết một thỏa thuận chung buộc Hà Nội phải hợp tác để giải quyết vấn đề.
Cũng xin nhắc lại, sau 25 năm, lịch sử lại một lần tái diễn
tại cùng một địa điểm, cùng thời gian để giải quyết về một thực trạng bi thảm
của Việt Nam. Ngày 20-7-1954 Hiệp định Geneve ký kết giữa Pháp và Việt Minh
chia đôi đất nước, khoảng hai triệu người dân miền Bắc trốn chạy cộng sản di cư
vào Nam. Ngày 20-7-1979 Hiệp định Geneve ký kết gữa LHQ, cùng 46 quốc gia với
CS Việt Nam để đưa hơn một triệu người Việt ra khỏi nước đến định cư tỵ nạn tại
các quốc gia không cộng sản.
Qua thỏa hiệp Geneve, quốc tế đã áp lực chính quyền Hà Nội
phải chấm dứt những vụ vượt biên, ra đi “bán chính thức” bằng đường biển và
chấp nhận một chương trình ra đi có trật tự – Orderly Departure Program (ODP),
cùng với kế hoạch cho ra đi vì nhân đạo – Humanitarian Operation.
Từ thỏa hiệp này, chương trình ODP và H.O lần lượt hình
thành và đi vào hoạt động. Đến cuối năm 1992 đã có 380,00 người Việt rời quê
hương ra đi bằng đường hàng không. Phần lớn là tù chính trị được thả ra
từ các trại tập trung cải tạo. 60% trong số này định cư tại Hoa Kỳ, 40% đến các
nước khác như Úc, Canada, Pháp, Đức..... Cũng theo nhật báo Los Angeles Times,
chỉ trong một thập niên (1981 đến 1990), số người Việt bỏ quê hương chạy trốn
Cộng sản từ con số 272,561 người năm 1981 vượt lên đến 845,725 người, trong số
đó, 800,000 người định cư ở Hoa Kỳ.
Từ năm 1975 đến 1990 có 128,000 trẻ Việt sinh ra tại Mỹ,
cộng với 38,885 con lai Amerasian nhập cư từ 1988 đến 1990.
Theo ước lượng của Giáo sư Xã Hội học Ruben G. Rumbaut thuộc
đại học San Diego, tính đến năm 1991, số người Việt tại Hoa Kỳ là 1,034,159
người. Tính đến năm 1997, số “Diaspora Việt” trên thế giới có khoảng
2,300,000 người. (**)
SongNhị
----------------------
(*) John Pilger là phóng viên chiến tranh kỳ cựu, nhà làm phim và biên kịch người Anh. Hai lần đoạt "Nhà báo của năm" - giải báo chí cao nhất nước Anh - cho những hoạt động ở Việt Nam và Campuchia. Giải "Phóng viên quốc tế của năm" và "Giải Liên minh báo chí Liên Hợp Quốc.
(*) John Pilger là phóng viên chiến tranh kỳ cựu, nhà làm phim và biên kịch người Anh. Hai lần đoạt "Nhà báo của năm" - giải báo chí cao nhất nước Anh - cho những hoạt động ở Việt Nam và Campuchia. Giải "Phóng viên quốc tế của năm" và "Giải Liên minh báo chí Liên Hợp Quốc.
(**) Theo tài liệu của IRCC- Giao Chỉ - San Jose).
No comments:
Post a Comment