Thursday, April 4, 2013

KHÚC NHẠC TRƯƠNG CHI












BIỆN THI THANH LIÊM
 
 Nữ sinh Trưng Vương (niên khóa 1968- 69)
 Sinh viên Đai Học Văn Khoa ban Triết Tây.
 Thành viên Ban Chấp Hành Sinh Viên Văn Khoa từ 1972 - 75
 Khởi viết với bài tùy bút đầu tiên "NỖI CHẾT" đăng trên tuần báo Văn Hoc Nghệ Thuật KHỞI HÀNH/Saigon 1969 của Viên Linh.
 Cộng tác với tạp chí Văn Học Phật Giáo “Phương Trời Cao Rộng”, Los Angeles  Chánh Pháp, tạp chí Văn Học Phật Giáo của nhà văn Vĩnh Hảo  trietvan.com  dunglac.net  vietcatholic.net 
 Cộng tác thường xuyên tạp chí Nguồn 


KHÚC NHẠC TRƯƠNG CHI

Trăng hạ huyền mỏng, dịu dàng như lá lúa treo lửng lơ ngoài Tây hiên. Tiết thu, trời phơn phớt lạnh. Sau hàng liễu xanh như ngọc bích đứng khép nép trong hoa viên thoang thoáng hương lan... Bên chiếc rèm lụa màu hồng thẳm là đôi mắt vời vợi của thiếu nữ họ Trần tên gọi Mỵ Nương.
Trăng khuya, đêm lạnh… ngoài trời xa… là sóng nước mênh mông… Vậy mà nàng vẫn ngồi đó bên khung cửa Tây lâu nhìn ra dòng Tiêu Tương lặng lờ…. thăm thẳm. Chiếc thuyền nan đơn độc và tiếng sáo diệu kỳ của khách lãng du nào đó tại sao… thoắt nhiên vắng bặt? Lòng dạ nàng rối bời mong đợi, nỗi niềm lẻ riêng ngày đêm canh cánh không biết tỏ thấu cùng ai đã khiến nàng sắc ngọc hao gầy nét xuân héo rũ. Phút chốc, người tiểu thư trong chốn gác tía lầu son bỗng nhiên cảm thân rơi lệ. Phải chi sinh là con nhà dân giã thì nàng đã rảo gót vào chốn phường chài để phăng ra manh mối. Xưa nay cát vẫn trộn lẫn vàng ròng, ngọc cũng hay nằm im trong đá là lẽ thường tình. Đàng nầy nàng là con nhà quan tước lá ngọc cành vàng vốn dĩ gia luật rất nghiêm nên khuê môn bất xuất, mỗi bước đi đều có kẻ hầu người giúp. Ngay cả sách vở chất đầy trong thư trai của cha nhưng muốn đọc quyển nào cũng phải có sự đồng ý của Trần tướng công hay đôi mắt quan phòng của vị thầy già dạy học.
Mỵ Nương, tiểu thư khuê các ngoài “cầm kỳ thi họa” nàng các còn rất thích đọc cổ thi, thêu thùa và họa tranh khi ngắm cảnh trên sông Tương. Những bình minh rực rỡ trên sông tấp nập ghe thuyền tới lui buôn bán, hay xa khơi… bọn phường chài tung lưới thả câu… cho chí đến những chiều hoàng hôn trên bến vắng cô liêu nhan nhác từng đàn chim lượn là về tổ… Và rồi, một đêm vào khuya, trăng non nhếnh nhác. Trời - nước như nở bừng giao ngộ.
Mặt sông như ngừng thở, mây trời như ngừng trôi. Gió bỗng im. Sóng bỗng lặng. Khi tiếng tiêu được cất lên từ một chiếc thuyền câu ẩn hiện lững lờ trong sương khuya đơn độc. Ban đầu tiếng sáo vi vu từng đoản khúc như lời chào thân hỏi làm quen cùng cỏ cây mây nước… phút chốc bỗng vút cao thanh thản. Vạn vật đã chuyển mình cùng ngân nga hoà điệu vào tiếng nhạc sáo diệu kỳ như từ cõi trời của trăng sao vằng vặc tỏa hương thanh khiết xuống trần gian. Giây lâu tiếng sáo thoắt dịu xuống cung Hồ trầm thiết… như kéo trăng lả lơi xuống từng đợt thủy triều lấp lánh sóng vàng ấm nồng. Rõ ràng tiếng gió lao xao cũng đồng tình với lá hoa cây cỏ như thiếp mê trong đêm trăng ngọt mây lành. Rồi âm điệu thần kỳ luyến láy sang cung Cống ngất ngưởng gợi ý một con thuyền vượt qua muôn trùng sóng dữ đầy dẫy những thác ghềnh bẫy rập để hạnh ngộ với bến bờ uớc vọng. Nhưng kìa. Chiếc thuyền bỗng chao nghiêng rẽ nước và tiêu lang chợt đổi khúc thăng trầm, âm nhạc vỡ bùng như tiếng vó ngựa xôn xao lâm trận với cờ bay trống lệnh… rồi dịu dặt nỉ non như nỗi lòng cô phụ bi ai trong đêm trắng đợi tình. Lúc nan thuyền lững lờ giữa sông nước… thì âm hưởng cung bậc như tràn ý niệm con người lóng lánh hương yêu mà nghe như chen chúc giữa những muôn ngàn của nôn nao giận hờn thương ghét …
Thanh âm vẫn lan nhẹ trên sông mà Mỵ Nương nghe cõi lòng như trùng trùng xao động. Sự bình yên trong khiêm cung gác ngọc đã bị tiếng sáo nhẹ nhàng khua vỡ. Khi “tâm” Mỵ Nương rỗng rang đã chấp cánh cùng “ý tình” cho suối nhạc trong suốt như mây trời nhẹ len vào tâm khảm nàng lắng sâu bất tận. Nàng nghe lòng mình bừng lên lẽ sống mới, đó là một tình yêu thuần khiết giao cảm với âm thanh như có một ma lực quyến rũ lạ kỳ. Nhưng thời đang tuổi cập kê nên Mỵ Nương ấp ủ lòng yêu thành những mộng tưởng thêu dệt tuyệt vời từ nơi những trang Kinh Nhạc, Cổ Thi mà nàng đã đọc bấy lâu về hình ảnh người dạo trúc tiêu hẳn phải là một trang tu mi nam tử mới ngao du một mình với sông nước khuya hôm. Manh thuyền nàng nghe lời đồn là xuất từ chốn làng chài xóm Hạ… nhưng tiêu lang chắc phải bậc siêu phàm? Khi tiếng sáo cứ trong đêm rong chơi cùng sóng bạc trăng thanh thì nàng cũng canh khuya thức trắng để bầu bạn cùng tiếng sáo theo gió len vào tân thư phòng ấm áp. Nay tiếng sáo bỗng mất dạng âm hao lòng nàng chơi vơi đơn lạnh, và từ khắc ấy Mỵ Nương đã biếng nói biếng cười hay viện lẽ sách đèn mà vào Tây lâu tránh mặt.

Đêm nay, bên chánh dinh Trần tướng công cũng đang thao thức. Ánh bạch lạp soi rõ vầng trán rộng của một viên tướng từng cầm quân xông pha trận mạc giờ thoáng nét đăm chiêu tư lự. Một khắc nhíu mày, ngài gọi người hầu cho vời phu nhân vào để ngài bàn việc vì nơi hậu dinh ánh nến vẫn còn thắp sáng… Chắc hẳn là Trần phu nhân cũng vì con mà… thao thức như Ngài?                              
Khi Trần phu nhân bước vào... tướng công thoắt thấy nhân dáng bà đã tiều tụy khác nhiều khiến lòng ngài cũng bâng khuâng khôn xiết. Việc trào ca tướng phủ nhìn thoáng bên ngoài những tưởng an nhàn nhưng nội tình thì bề bộn đa đoan. Thời chiến cũng như khi bình vua tôi noi bước tiền nhân trên dưới một lòng chăn dân trị nước.
Vua lãnh ý quốc sư mở kho phát chẩn vật thực vải vóc ở những nơi mất mùa hay hạn hán, giảm thiểu những nghi thức nơi cung đình làm tổn hao công quỹ. Vua ban chiếu lệnh không xây thêm cung điện lăng tẩm mà lập văn miếu nhằm chiêu dụ nhân tài, dựng bia trụ để ghi nhớ những công thần dựng nước, tạc tượng xây chùa khắp nơi để dạy dân những điều lễ nghi đạo đức. Vua lại dùng tiền thuế tuyển phu khai khẩn đất hoang cấp phát ruộng nương cho những lính già trong chinh chiến. Nội phủ thì tiết giảm việc đàn ca xướng hát mà chú tâm học đạo thánh hiền, cung phi mỹ nữ đều được cắt đặt theo thứ lớp để làm việc hẳn hoi. Ngoài việc chăm lo huý kỵ cho các tiên đế hàng năm các phu nhân còn phải vấn an sức khoẻ lẫn nhau trong những ngày sóc vọng...
Thế nên tướng công cũng có phần xao lãng trong việc chăm sóc phu nhân cho phải đạo, nhất là khoảng thời gian gần đây Trần tướng công đã ưu tư đến những biến chuyển khác thường của cô con gái yêu là Mỵ Nương. Ngài đã cho người dò la và đã nắm rõ nguồn cơn ….
- “Phu nhân hẳn cũng đã thấy gần đây Nương nhi sắc diện đổi thay, trí thần lơ láo nói năng đi đứng không còn linh hoạt như xưa.”
Trần tướng... chưa dứt lời thì phu nhân nước mắt đã lưng tròng:
- “Tướng quân ơi, thật thiếp vô cùng có lỗi với phu quân khi nơi chính triều đã bề bộn việc công mà nội thất thiếp lại không chu toàn việc mọn. Nhưng quả tình thiếp cũng chưa dám tỏ cùng phu tướng về nỗi lo của thiếp e phu tướng thêm bận lòng, là thiếp cũng đã cho vời danh y của nội phủ để chẩn mạch cho con. Họ đều không tìm thấy bệnh tình vì mạch vẫn an tuy thần sắc có phần sụt giảm kém tươi… chắc do nơi tuổi cập kê… nhiều tư lự...”
Trần tướng công bỗng cười ha hả: “Phu nhân đừng quá lo, ta tuy bộn bề việc lớn nhưng vẫn trải lòng đến việc gia tư. Có điều ta chưa tiện nói cùng phu nhân đó thôi, trước đó ta cũng cho vời các thiện tài thanh luật đến thử xướng âm hoà nhạc với Nương nhi thì nó đều từ chối chê bai. Trong yến tiệc gặp gỡ các vương tôn công tử ta lại thử dợm ý con về họ thì nó cũng kiếm cớ thối thoát... Những việc trên trước đó chưa hề ta thấy nơi Nương nhi.”
Trần phu nhân chớp mắt ngỡ ngàng, quả tình bà chưa hề nghĩ ra được cách tìm hiểu con sâu sắc như phu tướng của bà ngoài việc hỏi han thường tình rồi lại lâm vào phiền muộn âu lo.
- “Phu nhân có biết là Nương nhi đã lâm bệnh tương tư đó chăng. Ta đã cho gia nhân theo sát Nương nhi và biết con đã vì nhớ nhung tiếng sáo của anh chàng lưới cá tên gọi Trương Chi ngụ nơi Làng chài bên xóm Hạ...”.
Phu nhân vẫn chưa hết ngỡ ngàng và ngồi lặng yên mà nghe   Trần tướng công nói tiếp: ”Đó là một gã chài côi cút nghèo nàn chỉ độc một chiếc thuyền nan nhỏ bé lưới cá trên sông độ nhật qua ngày. Khi đêm xuống rong chơi với nước trăng sóng bạc, bầu bạn chỉ có ống tre tiêu để trút thoắt nỗi lòng cô lẻ.”
Phu nhân như chợt tỉnh:
- ”... Rồi phu quân định liệu lẽ sao?.. Hay là cho người cấm sông ngăn nước không cho bọn phường chài bén mảng đến ven dinh để anh chàng họ Trương không cớ mà thổi tiêu phô diễn tấc lòng. Hoặc... tướng công xua bắt chàng ta phải rời bến Tiêu Giang mà trôi đi nơi khác? Thiếp trộm nghĩ có được vậy chăng?”
Trần tướng khẽ cau mày sắc giận thoáng qua khuôn mặt đầy cương nghị nhưng không vắng nét nhân hậu của người từng giúp vua chăm dân trị nước.
- Phu nhân theo ta bấy lâu mà vẫn còn chưa hiểu rõ lòng ta và giòng họ nhà Trần, luôn lấy nhân nghĩa làm đầu mà bình dân an nước. Đừng vì lợi việc tư riêng mà vô cớ hà khắc dân oan, ngăn sông cấm chợ. Phu nhân há chẳng nhớ tổ tiên ta khởi nghiệp nhà Trần là Nhân Tông từ năm 16 đã tu thiền khi ngồi trên ngai mà vẫn trường chay thanh tịnh, ngày lâm trào thảo bàn việc nước đêm thì lui về chùa Tư Phúc trong nội thành học đạo với ngài Tuệ Trung Thượng sĩ. Vua thương dân như con đẻ khi trời hạn hán dân chúng mất mùa đói kém là ngài ngủ không yên, dân lâm nạn vì chiến tranh ròng rã thì lòng ngài ruột đau như cắt...”
Rồi phút chốc... khuôn mặt lão tướng như trầm tư đắm chìm trong quá khứ. Thứ ánh sáng của một trời rực rỡ vẫn còn phủ lấp giang sơn và soi rọi đến hôm nay cho con cháu soi theo khuôn mẫu. Ngài rời chiếc đôn nơi bàn thạch đứng lên đi đi lại lại trong tư dinh... và tiếp tục câu chuyện với phu nhân nhưng nghe âm vang như ngài nói với chính mình khua động váng vất thời gian bây lâu yên lắng.
Ngẫm hai chữ ”thiên tử” để tôn xưng vua là con Trời nhưng vua Nhân Tông đời Trần nhà ta đã coi “ý dân” là “ý trời” nên mới có “Hội nghị Diên Hồng” để hỏi ý dân từ các bô lão là “Nên hoà hay nên chiến”, trên dưới một lòng quyết tâm chống giặc Nguyên từ Bắc phương sang xâm lấn. Vua cũng hội ý các tướng lãnh bàn mưu kế trong Hội nghị ở Bình Than để chia xẻ trọng trách chung lo việc nước. Và hai lần ra quân là hai lần vua Trần Nhân Tông đã chiến thắng vẻ vang. Đó là do nơi biết dựa vào lòng dân lấy dân làm gốc.”
Rồi như cảm khái với khí phách tiền nhân lão tướng cất cao giọng ngâm: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Vì đất nước hai lần ngựa đá ra quân/ Núi sông ngàn năm vững như âu vàng”). Trần tướng công ngừng lại nhìn phu nhân với nét rạng ngời đầy phấn kích: ”Vậy mà phu nhân có biết, khi yên giặc ngài truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông rồi lên dựng thảo am để tu theo khổ hạnh ở ngọn Tử Tiêu trên núi Yên tử chứ không thọ hưởng vinh hoa phú quý khi đất nước đã an bình. Chính ngài là Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã khai sáng ra dòng thiền Việt Nam mang trái tim và hơi thở của dân tộc khi dành trọn cuối đời Ngài cùng tôn giả Pháp Loa đi du hành mọi nẻo, xiển dương chính pháp với tâm nguyện dựng xây một xã hội đạo đức “nhân gian tịnh độ”.
Phu nhân như lặng thiếp người trong suối nguồn dạt dào của cơn mơ dĩ vãng. Rất “thật” mà cũng rất “hư”. Lượn lờ trong những vang vọng từ quá khứ như đã không có ranh giới của ”ngày qua” và “hiện tại” mà bằng trái tim và chính hơi thở của phu tướng họ Trần: “Ta ơn phu tướng... với thiếp ngài vẫn là người mà thiếp phải thọ ân đã nhắc nhở thiếp qua dòng đời xuôi ngược đảo điên...”
Trần công đặt tay trên vai bà chia xẻ cảm thông: “Ta cũng biết lòng yêu thương đôi khi biến con người thành nhỏ nhoi hẹp lượng, phải luôn tỉnh thức với lòng “từ“ bằng khối óc tinh khôi mới mở khai được tâm lượng nơi chính mình phu nhân ạ. Mỵ Nương, con ta đã “tự buộc mình” để gieo lấy sầu não cho chính mình thì phải để nó “tự cởi trói”. Ba hôm nữa ta sẽ cho mở cuộc xướng âm nơi sảnh đường và phu nhân sẽ thấy lời ta không sai. Bây giờ thì phu nhân có thể lui về hậu phòng mà an tâm ngơi nghỉ. Mọi việc để yên cho ta sắp đặt.”

Sáng hôm sau gia đồng đã gõ cửa tây lâu của tiểu thư Mỵ Nương vui mừng thông báo lệnh của Trần tướng là 3 hôm nữa nơi tư dinh sẽ có một cuộc hội ngộ hòa âm giữa tiểu thư và một danh tiêu trên sông nưóc Tiêu Giang. Trần phu nhân đã y theo lời dặn của chồng cho gia nhân kết hoa giăng đèn để gia trang cùng đón khách tao nhân vui âm xướng họa.
Ngoài Tây hiên của Trần gia trang… ánh trăng vằng vặc… con thuyền đã mất hút tự hôm nao. Tiếng sáo gã thuyền chài bỗng nhiên trở thành là niềm bí ẩn. Nó xoáy hút tâm tư Mỵ Nương xuyến xao trong cơn khát khao nỗi sống… rồi nhẹ tênh như cuộn cả nỗi buồn bay vút trên không. Cõi lòng nàng bỗng trống không như mặt nước. Mênh mông. Thăm thẳm.
Tiếng sáo như một ma lực. Người con gái chốn khuê môn bất xuất bấy lâu như con mèo ngoan ủ mình trong chăn gấm… bỗng choàng mình thức giấc. Ngỡ ngàng.
Tiếng sáo..!... thánh thót như tơ trời nhưng vang động trái tim yên ấm bấy lâu. Trái tim nàng bát ngát không gợn chút buồn phiền hay thù hận. Đó là trái tim trắng. Trái tim thắm tràn mật ngọt thuơng yêu của một tiểu nữ chốn cung son gác ngọc được bao phủ bởi quyền uy gia thế….
Tiếng sáo… đã làm trái tim nàng nhuốm màu trăn trở. Ưu tư và phiền muộn đã khiến nương tử sắc ngọc võ vàng. Và tiếng sáo… Đó là sự lưỡng lự giữa đời thuờng và mộng mị…
Nếu tiếng nhạc trời ấy không xuất từ bậc siêu phàm đại thánh như thi tiêu Lý Bạch với bầu rượu túi thơ ngao du cùng sơn thủy để nơi Tróc Nguyệt Đài trên bến nước Thái Trạch xưa kia tiên sinh đã chẳng ôm trăng mà cứ nghĩ là ngã vào giường thất bảo nơi đế điện cung son…. Thì ắt hẳn cũng phải là trang hiệp sĩ phong lưu… cứu khốn phò nguy xem nhẹ bã vinh hoa chỉ thích đưa mình vào chốn tịch yên sông nước? Hay họa chăng… trang tu mi nam tử ấy cũng lại là đồ đệ của Trương Lương, một sĩ tộc thời Hán Sở tranh hùng… với tiếng sáo thần sầu trên núi Kê Minh trong đêm thu heo hắt đã làm xao động cả ba quân tướng sĩ nản cảnh chiến chinh mà rời bỏ Hạng Vương kéo về quê quán.  
Rồi Mỵ Nương thầm nghĩ, ta cũng không thẹn mình là khách tao nhân, cũng cầm kỳ thi hoạ… nếu gia pháp không quá ngặt nghiêm ta đã xin mẹ cha một phen cùng người xướng âm thưởng nhạc. Vì biết đâu chàng há chẳng là Bá Nha mong tao ngộ khách tri âm nên chẳng nệ nhọc lòng đem đàn ra sông Hán Dương mà gảy. Ta chẳng thể là Chung Tử Kỳ gợi hứng cho đại nhân hay sao?
Qua tiếng sáo dịu dặt… khi thì u trầm như sông quê quạnh vắng lúc thì như mây trắng lãng đãng ở đầu non… Mỵ Nương đã thêu dệt bao nhiêu là hình ảnh của nghệ nhân lãng tử. Đến khi tiếng sáo hốt nhiên ngưng bặt thì trái tim nàng cũng xao xuyến vỡ tan. Nàng hoang mang không hiểu là mình đang mơ hay tỉnh. Vì tiếng sáo như một ma lực vẫn lẫn khuất đâu đây. Nhưng khi chiếc màn trên Tây lâu hé mở…. thì khoảng sông vẫn lặng lẽ đìu hiu. Giấc mơ trong lòng Mỵ Nương trữ tình như hình ảnh Tiên Dung vượt cung cấm rong chơi trên biển cát. Nàng thấy mình hóa thân cùng đoàn thị nữ rũ bỏ xiêm y như cởi buông xiềng xích, hồn nhiên đùa bỡn với cây lá và sóng xanh. Và rồi chàng xuất hiện… dưới đụn cát trồi lên… không mảnh vải che thân. Hồn hậu và ngây lòng. Thản nhiên mà cương quyết. Chữ Đồng Tử là hàn sĩ bần dân thì cũng như người nàng mơ trên bến vắng với khúc nhạc tiêu tương. Và hai người đã từ giã lầu son gác tiá để hưởng hạnh phúc trong đời thường dân giã.
Giấc mơ đôi lúc cũng biến thành cơn ác mộng bi thương. Hình ảnh một Sư Khoáng chọc mắt cho mù để tập trung cái “tâm” của mình vào “ý“ nhạc mà khiến được gió mưa và làm rũ liệt lòng người… Như nàng giờ đây cũng rã rời khi tỉnh khi mê.

Mỵ Nương đã tỉnh giữa cơn mơ. Ba ngày trôi qua đằng đẵng. Thị nữ đã trang hoàng thư phòng cho nàng vui mắt, cây cổ tranh đã được so giây nắn phím…. đợi chờ. Và nàng, Mỵ Nương như cánh hoa héo rũ đã bừng sáng dưới ánh mặt trời.
Thừa lệnh Trần lão gia, Mỵ Nương chỉ được ngồi trong kiệu hoa đặt tại sảnh đường mà hoà âm xướng nhạc với tiêu lang dưới sự quan sát của Trần tướng và phu nhân.
Khi khách vừa đến thì gia đồng vào thông báo có Trương lang đã tới cổng gia trang, bấy giờ Mỵ Nương mới tường được tên chàng là Trương Chi, ngoài ra không biết hơn điều gì…
Tiếng sáo dạo đầu trỗi dậy… hân hoan như phượng hoàng đang vẫy cánh và réo rắt như ngọn nắng xuân giao mùa. Mỵ Nương mừng vui khôn xiết. Nàng cũng bắt đầu ôm đàn hòa điệu. Nàng thoáng nghe âm thanh của “Kim” biểu hiện mùa thu phảng phất chút gió mùa se lạnh, Mỵ Nương như váng vất trong cảnh sắc thu vàng. Chưa dứt bàng hoàng… nàng lại cảm nghe như âm sắc của mùa Xuân ấm áp với muôn ngàn những lộc non đang bừng nở và tiếng chim như ríu rít trên cành. Khoảnh khắc, tiếng tiêu trầm mặc đã chuyển sang cung “vũ“, biểu tượng cho âm thanh của nước nghe sóng sánh tràn bờ và tiếng suối reo trong vắt như đổ từ non cao xuôi về thôn bản. Mỵ Nương không so nổi giây đàn. Người nàng như có lớp tuyết băng đang nhẹ nhàng vây phủ… Nhưng kìa… thanh âm của “chủy” đổ rào… diễn đạt cho lửa hạ tan dần băng tuyết …
 Nàng đã bị khuất phục bởi cảm nhận từ những âm thanh đang hòa quyện lẫn nhau với cảnh sắc tuyệt vời huyễn mộng. Khi tiếng sáo chợt dừng thì nàng cũng vừa bừng tỉnh nỗi dạt dào kỳ thú du nàng vào những bốn mùa của xuân hạ thu đông. Nàng liều lĩnh bảo con thị nữ xin lệnh ông cho nàng được mở rèm diện kiến tiêu lang.
Khi chiếc rèm lay động, người ngọc bước xuống kiệu hoa để tiến đến thi lễ với danh tiêu thì Mỵ Nương bất giác như rơi vào đêm thẳm dù tiếng tiêu đã đoạn dứt từ lâu.
Trước mặt Mỵ Nương sừng sững như khối đá dị hình mọc trên non cao hay rừng dại. Đó là một anh ngư dân chân trần thô kệch với khuôn mặt đen đủi gió sương, đầu đội nón tơi bươm rách, mũi tẹt miệng hô đang ngẩn ngơ nhìn Mỵ Nương mặt hoa da ngọc  khoan thai thả bước trên thảm vàng.
Mỵ Nương bất thần ngã quỵ. Chiếc sáo tre trong tay ngư phủ họ  Trương cũng rớt xuống mặt đất… Vỡ tan.
Trời lúc ấy chớm đông. Bên ngoài… Vài bông tuyết như bắt đầu rơi. Lác đác……                                    

Trương Chi gặp Dị nhân

Cái khối đá đen đủi… chết sững trước nét đẹp thiên kiều bá mị  của tiểu thư họ Trần tên gọi Mỵ Nương… đó là gã lưới cá họ Trương tên Chi ở xóm Hạ nơi làng Chài, trên bến Tiêu Tương.
Trương vốn mồ côi từ tấm bé và lớn lên một thân tứ cố không ai họ hàng thân thích. Thuở nhỏ đã theo dân chài đi biển nên khi lớn lên biết rành mặt nước gió mùa. Trương có thể nhìn sóng mà đoán được con nước nào đưa cá rong chơi hay nghe mùi gió mà tính nước xuôi đi sẽ lành hay dữ. Bọn chài ưa Trương vì tính Trương không thích tranh đua hơn thiệt, được mất không phiền lòng. Có người chê Trương ngốc nghếch vì làm nhiều mà hưởng ít, Trương chỉ cười vì cho điều ấy mình không màng. Với Trương, một mớm cá phơi khô cũng đủ cho dăm ba hôm nghỉ ngơi no bụng… rồi lại nhớ nước nhớ sông mà ra thuyền quăng lưới thì của cải giữ làm chi cho nặng lòng mệt trí. Cái chòi phên trống trước hở sau không thể cất dấu được gì ngoài tấm thân bao năm đã quen cùng trăng khuya sương lạnh. Tánh khí Trương lại dị kỳ, khi thích thì cùng bọn chủ thuyền ra lưới nhưng khi lòng không ưa thì hậu hĩnh mấy cũng chối từ. Trong làng, Trương được tiếng rất cần cù chăm việc… không hề to nhỏ chuyện người nên lớn bé thảy đều ưa. Cả đời dường chừng họ Trương chỉ thích bầu bạn với trời cao mây nước… một thuyền một lưới với chiếc nón lá tơi quanh quẩn nơi bến đá nầy hay khúc sông kia mà nghêu ngao ca hát...
Trong làng Chài cũng có một lão già cổ quái hệt Trương. Người lão gầy đét, mặt mày thì nhếch nhác khốc khô. Dân làng không rõ tên họ lão là chi… mà chính lão cũng chẳng nhớ nỗi tên mình... và họ gọi tôn lão là Bành Tổ. Lâu ngày rồi họ gọi lão là lão Bành vì lão sống quá lâu trong khi những cụ già như lão đã ra đi mấy thuở còn lão thì cứ trơ ra mà sống…
Lão Bành cứ đi rong trong xóm… hễ ai cho gì thì ăn nấy từ Xóm Trung ngược lên Xóm Thượng rồi về lại cái miếu hoang nơi xóm Hạ lăn ra mà ngủ. Nhưng lạ một điều, lão tuy nghèo xác xơ nhưng không một ai dám khinh thường hay chế nhạo. Không hiểu cớ sao nhìn lão bên ngoài trông biếng nói hiếm cười, thong dong mà sống   mặc thế sự nhân tình đổi thay đen trắng… vậy mà chuyện chi lão Bành cũng biết cũng tường. Từ mụ đàn bà nạ dòng trắc nết đến đứa con gái thay tính lẳng lơ… đều không lọt qua đôi mắt kèm nhèm của Bành lão. Nhưng họa hoằn lắm khi cần thì lão mới bộc bạch răn đe những đứa hư hỏng trong làng còn bằng không thì cạy miệng khảo tra đến đâu cũng đừng hòng lão hé môi nhếnh mép.
Lão Bành một hôm bỗng cao hứng kể rằng: Tiểu tử họ Trương kia quả là một tên cổ cổ quái… quái quái cổ.! Dạo kia hắn được chủ thuyền khi trúng mẻ cá lớn đã thưởng cho hắn một bầu rượu nhỏ. Bình sanh Trương không phải kẻ đắm rượu nhưng khi sảng khoái thì cũng mượn tửu sinh tình mà gõ thuyền rẻ sóng hát ca. Khi ánh  tà dương đã sẩm màu khuất sau rặng núi phía tây thì Trương giựt mình mới hay rằng thuyền đã lạc lối. Trương cho thuyền tắp vào bờ men hướng đồi đi miết tới định sẽ nhắm hướng mà về. Đi khoảng độ ăn xong bữa cơm thì bỗng thấy trước mặt có động núi chắn ngang, đông tây thảy đều cây rừng mịt mờ chằng chịt. Không thể phân định trước sau Trương đang loay hoay chưa tính được phải rẽ lối nào… thì bỗng thấy sau hang núi một dị nhân đang đi tới phía Trương. Người thấp… đầu to… dáng đi nặng nề da dẻ xám thẩm khô cằn như đá núi, nhìn Trương cười bảo:
  - Bao năm nhọc thân chỉ vì chút cơm chút rượu… nay mới một ngày xa vắng mà đã lo sợ đến thế hay sao?
Trương thẹn mà rằng: “Ngoài thân nầy tôi không có gì để giữ để lo nhưng hiềm một nỗi chốn lạ… nên không biết dừng lại chỗ nào nghỉ ngơi cho đỡ mệt…”
 - Chốn nầy đã khá xa nơi thôn ấp, đường trở lui cũng đầy hiểm trở… nhưng ta có thể chỉ cho ngươi không hề gì. Ngươi giam thân chốn ấy bấy lâu ngẫm cũng chẳng được chi… nay nhân tiện ta mượn sóng… đưa ngươi đến gặp ta để hỏi xem ngươi có muốn… ở lại với ta… mà bầu bạn cùng chăng?..
Trương trong lòng rất đỗi ngạc nhiên nhưng nghe tâm mình an nhiên kỳ lạ vì dị nhân có vẻ là một người khác thường và chừng như đã thấu rõ tâm can.
Trương bối rối thưa rằng:
- Người… là ai mà hạ mình cùng tôi đến vậy. Từ nhỏ tôi vốn là kẻ nghèo hèn thất học thân xác lại cục mịch vụng về sớm tối chỉ thích sống đơn độc một mình… Lẽ nào dám bầu bạn cùng đại nhân sao?
Dị nhân bật cười khanh khách:
- Chính lẽ ấy… ta mới vời ngươi đến đây. Khối gì kẻ ắp đầy kiến thức mà tâm địa tà mị… thiếu chi những kẻ mang danh trí thức mà đầu óc đặc sệt bùn nhơ… họ chỉ mong lạm dụng cái bên ngoài để giao du tìm cách tiến thân hầu tranh danh đoạt lợi. Như vậy há có ích chi… phường câu cơm móc áo? Còn ngươi? Thong dong một chốn, uống ăn tùy tiện, rảnh rang vào chợ ra sông chẳng lo ai hãm hại tranh tài. Ngươi không nhọc công tìm cầu mà hạnh phúc vẫn đang ở bên ngươi đó vậy….
 Trương nghe như có trăm ngàn ngọn sóng lấp lánh trong từng đường gân sớ thịt, đầu óc Trương tợ như lóe sáng bởi sấm chớp trên non cao. Trong lúc Trương đang bỡ ngỡ nửa tin nửa ngờ thì giọng dị nhân vang lên như tiếng kiếm sắc chém ngọt len vào khối đá mịt mùng: 
 - Ngươi tuy là kẻ thất học nhưng bởi tâm địa rỗng rang thanh tịnh nên mới sản sinh ra được tiếng hát trong trẻo gợi tình. Ta đã đợi ngươi… vì chút tình cảm mến bấy lâu. Nay, ngươi có thuận cùng ta lấy gió núi trăng khuya làm bạn, hang động thanh vắng kia là nhà thì ta sẽ truyền ban cho ngươi tiếng sáo thần kỳ.
Trương cúi đầu lễ tạ:
- Người đã hiểu rõ lòng tôi thì lẽ nào tôi lại chối từ. Nếu được vậy thì xin người cho tôi được sống thác nơi đây …
- Tiểu tử ơi! Dù có muốn, ta thật tình cũng không dám can dự vào “nhân-quả“ của đời mi. Ta chỉ mong trao truyền thanh sáo như món quà tặng đến ngươi vì biết ngươi có biệt tài về thanh âm. Ta khuyên ngươi khi trở về chốn cũ chỉ nên lấy tiếng sáo vui đùa cùng mây nước cho cõi lòng thanh thản… Nhớ. Chớ có dùng nó để sở cầu đoạt ý… thì e tiếng nhạc trời sẽ đổi sắc thay âm. Vậy ngươi có thuận cùng chăng?
Trương suy nghĩ giây lâu… rồi đáp:
- Tôi nào giờ chỉ thích có rong chơi ca hát. Buồn cũng hát mà vui cũng hát… đến nước nằm mơ cũng thấy mình ca hát. Bụng dạ lại trống trơn thì có gì mà tranh cầu mong cạnh.
Dị nhân lại cười:
- Ta hiểu ngươi chứ! Tâm bằng hạnh thẳng… ngươi sống trong cảnh đời tuy duyên sinh nhưng tâm không khởi, tịnh lành như đất thương ghét chẳng để lòng tỉnh-mơ chỉ một. Tâm ngươi cũng gần tâm Phật. Người đời ai nấy đều lưu tâm đặng thất, yêu ghét khắc tạc cõi lòng, ngằn mé thảy cân phân so tính…
Dị nhân chợt nhìn thẳng Trương rồi chậm rãi mà rằng.
- Bao người giam thân giữ ý, thúc liễm tu hành chấp kinh thủ pháp rồi nghĩ rằng mình sách tấn tu hành. Hóa ra thân tuy ở chùa mà tâm vẫn rong chơi cảnh chợ, Động-Tĩnh chưa phân… hoài công trôi nổi đảo điên mãi trong đắm mê chấp trước... Nghĩ cũng chẳng có chi hơn ngươi đâu.
Trương nghe từng mảnh đá như đang vỡ nứt trong đầu:
 - Dám hỏi… vậy chứ người… là ai mà lời lẽ khác thường. Và nơi đây là nơi nào mà vắng lặng thênh thang?
 - Hừm, tiểu tử họ Trương kia ơi, nơi đây không là cảnh giới của tầng trời cũng không thuộc về địa giới mà là cảnh sắc lưu trú của các thần đã được thiên tử sắc phong, hay những công tướng đã chết vì an dân báo quốc. Ta là thần núi hằng trăm năm trấn giữ cõi bờ điều mưa thuận gió. Ta lưu ngươi nơi đây hầu giúp ngươi gạn lọc ý tâm để khi trở lại chốn xưa sẽ có dịp mà trắc nghiệm bổn tâm mình….
Tiểu tử! đã đủ rồi. Thôi hãy theo ta vào thạch thất….

***
Từ ấy, dị nhân và Trương khi thì nghiêm khắc như thầy trò lúc thân thiết như bằng hữu cố tri. Tối trời nghỉ ngơi trong thạch thất, sáng đông đã lên tận trên đỉnh đồi cùng mà hòa nhạc giao âm.
Dị Nhân dạy Trương học “quên” chứ không dụng cách “nhớ”, vì nhớ thì sẽ có lúc ắt  quên. Dùng lẽ đạo theo bản đồ tâm ý mà tâm duyên tâm, cảnh hòa cảnh để khế hợp thanh vào tâm, tâm hòa cảnh, khi tâm-ý thong dong không ngằn mé thì nhạc là mây nối mây, sóng tiếp sóng rừng liền rừng. Trương học nhạc theo Nhân trong cái tâm vốn không để thấy được cảnh vốn tịnh, khi tâm không duyên cảnh để khởi sinh phiền trược thì nhạc là tâm mà cảnh cũng là tâm. Tâm-cảnh nhứt như thì ý nhạc sẽ bao la diệu dụng.
Nhân cho rằng nhạc vốn lâu nay là nguồn suối uyên nguyên của vạn hữu mà khi tâm thức con người đã thật sự vươn lên hòa nhịp cùng thiên nhiên thì tâm giới bao la ắt nhiên khai mở để hội nhập về bổn thể của vạn vật vốn đã chưa hề bị chia cắt phân ly. Nhân cho rằng ngài Khổng Khâu khi soạn Kinh Nhạc dạy cho môn sinh thì cũng như người học vần ghép chữ cốt mưu sinh cầu lợi, chỉ quần thảo nhau trong giữa chốn nhân sinh. Ý nhạc do lẽ trên đã bị kềm thúc giam hãm chỉ nhằm phục dịch trong chốn cung đình cho đúng nghi hợp thức mà lãng quên, đoạn lìa đi cái tâm nhạc hằng có năng lực vươn cao cùng khắp.
Nhân tập họ Trương ngồi lắng yên trong thạch thất cho tâm yên ý bặt và thần trí rỗng rang. Lần hồi Trương có thể lắng nghe tiếng sương rơi trên lá cỏ hay mạch nước thì thầm tìm suối xuôi nguồn, cho tới hơi thở trong từng thớ gỗ chuyển mình thay lá. Khi tiếng nhạc sáo vang lên, khởi từ tâm giới tọa tĩnh, vượt thoát không gian hòa cảm vào từng nhịp sống với thanh âm bổng trầm kỳ diệu, thì năng lực tâm linh của Trương có thể chuyển nhịp được tâm ý người nghe. 
Lúc tiếng sáo khoan thai thì ý nhạc gợi mở ra một vùng trời sông nước mênh mang với những cánh chim lượn lờ trên sóng bạc. Khi nhạc chuyển sang cung trầm-mặc thì hoàng hôn như chợt về.… từng dãy núi  sẫm màu và mây cao trở bước, nghe lẫn tiếng gió ru lá vào đêm cũng ngọt ngào nồng ấm. Tiếng nhạc vút cao vội vã thì gợi cảnh bình minh, muôn thú chuyển mình ngàn hoa nở cánh…. chim có thể đập cánh lên núi cao và bướm cũng khẽ khàng tìm hoa say nhụy
Nhưng rồi… bỗng một hôm, Trương nhìn thấy từng đợt mây trôi trên đỉnh núi xa gợi lòng thấy giống như màu khói nơi quê nhà lãng đãng nhớ thương.
Dị Nhân đã biết, chợt thở dài: “Từ bấy lâu, nhạc đã nuôi dưỡng tâm ngươi nhưng nay thì cảnh đã bắt đầu chuyển khởi tâm ngươi rồi. Đó là dấu hiệu ngươi nên trở về để tự mình trắc nghiệm lại bổn tâm.
Trương về lại chốn xưa, tấc dạ buồn hơn vui, lòng lại cứ mãi bâng khuâng. Chỉ có lão Bành là người duy nhất bình thản đón Trương như vừa mới đi đâu đó, chợt về. Bấy giờ lão đã là sư trụ trì trong am tranh bên chân núi, cũng vẫn chỉ một mình. Trương ở cùng với sư, thầy trò lặng lẽ bên nhau. Chùa chỉ gồm độc nhất tượng Đức Bổn Sư tĩnh tọa bằng gỗ mít cao khoảng 3 gang tay và tràng chuỗi 108 hạt luôn đeo trên ngực, sư không đánh chuông hay gõ mõ mà sư chỉ trì chú. Sư đón Trương với lời dạy một lần:
“Mọi sự thảy do ngươi, lý đạo không nghịch lẽ đời, trước ngươi ở trên non hay nay ngươi dưới núi, cảnh dù đổi dời biến dịch nhưng tâm không trụ bám  nơi đâu thì tự khắc duyên bặt lòng an…”
….Rồi cũng chính sư lại đón Trương trở về từ dinh Trần lão sau khi diện kiến Mỵ Nương. Sư vẫn an nhiên như khi Trương từ núi quay về, sư đã biết trước những lần cửa mà Trương sẽ trải nghiệm qua với nghiệp thức đã tích tụ sâu dầy khó bề phai nhạt, chỉ tiếc một điều là thời gian Trương học đạo với dị nhân quá ngắn.
  Giờ thì Trương đã không còn là Trương nữa, chàng thổi sáo nghèo hèn đã héo khô trơ xác. Tiếng sáo bây giờ chỉ là độc khúc thê lương của cơn lũ cuốn rừng, sấm chớp đã vang rền trong vùng trời tĩnh lặng. Ý nhạc đã trói chặt tâm thức Trương trong bóng hình người ngọc với khối tình vô vọng đơn phương và Trương đã thác trong nỗi oan khiên cô độc.
Mộ chàng Trương được dân chài dựng ghé bên am tranh, thấp thoáng bóng sư cụ chậm rãi thường đi kinh hành nhiễu quanh ngôi mộ trì chú Vãng Sanh cho Trương. Chẳng bao lâu người ta thấy bên mộ mọc lên một cây bạch đàn thẳng tắp, cành lá sum xuê. Lạ một điều, mỗi khi gió từ biển thổi về cây lá như chuyển mình, ai nấy thảy đều nghe âm thanh nhẹ nhàng của tiếng sáo réo rắt trầm buồn như từ đâu nương gió lượn lờ. Sư cụ bấm đốt tay tính ngày, nhờ dân làng đẵn cây gọt thành bộ tách trà tuyệt đẹp đem lên dâng biếu Trần công.
Mỵ nương thấy cha có bộ tách lạ sinh lòng ưa thích, hay ngắm nghía trầm trồ. Muốn con vui, Trần lão sai gia đồng đem bộ tách truyền lại con mình. Đợi đêm rằm, trăng sáng, Mỵ nương dạy gia nhân bày tách thưởng trà để nàng ngắm cảnh trên Tây hiên.
Tiết xuân, trời trong gió ấm. Bóng trăng thượng tuần vằng vặc trên non cao… đan trải những vệt sáng như sương mờ trên mặt nước nhấp nhô khiến Mỵ Nương nghe tâm tư xao xuyến lạ thường. Tiếng sáo như từ cõi trời  nào huyễn hoặc bay về … Hương trà bát ngát trong chiếc tách bạch đàn bỗng lung linh bóng anh chèo đò cô độc, hắt hiu... Nàng ngậm ngùi nâng tách mà không sao ngăn được những giọt lệ cảm thương người chài lưới tài hoa nhưng mệnh bạc.
  Chiếc tách chợt rơi xuống nền gạch. Hương trà mơ hồ gió thoảng giữa đêm, những cánh đào bỗng run rẫy ngẩn ngơ và Mỵ Nương như vừa tỉnh cơn huyễn mộng. Đêm chợt Vô Cùng.
Sáng hôm sau, dân trong làng truyền tai nhau là từ đêm khuya đã nghe tiếng chuông mõ vang lên từ am tranh của Sư cụ tụng kinh siêu độ cho Trương. Có người thấy chuyện lạ vấn sư, tại sao Trương thác đã lâu mà nay sư mới khai mõ cầu siêu? Sư dạy, “Vạn pháp thảy duy tâm, lời kinh tiếng kệ khó bề chiêu cảm được thân trung hữu về cõi an lành khi thần thức Trương bám chờ ứng duyên để được Mỵ Nương đoái tưởng. Nay sở nguyện đã thành, Trương thuận nương theo kinh kệ khai thị mà siêu. Thế mới hay chúng sanh quả thật ngoan cường….”

Biện thị Thanh Liêm

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...