Sunday, October 13, 2013

TƯỚNG GIÁP VÀ HUYỀN THOẠI ĐIỆN BIÊN PHỦ (3)




Kỳ 3  

Trần Nhu (*)  

CHƯƠNG 10
VAI TRÒ CỦA TƯỚNG LÃNH TẦU TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Trong hồi ký cố vấn Trung Quốc, Chiến Dịch Điện Biên Phủ được chia làm ba chương:
1-“ Quyết chiến Điện Biên Phủ Thượng.”
2- “ Quyết chiến Điện Biên Phủ Trung.”
3- “ Quyết chiến Điện Biên Phủ Hạ”. (đăng trong Thượng tướng Phong Vân Lục nhà xuất bản Đại Bách Khoa toàn thư, ấn bản năm 2000, của tác giả Vương Chấn Hoa, bút danh là Vũ Hóa Thẩm. (Bản dịch của Dương Danh Dy)).

Phần trích dẫn dài dòng vì nó mang đầy những tư liệu thuộc về lịch sử tác giả dẫn những đoạn quan yếu trong “Hồi k‎ý cố vấn Trung Quốc” đối chiếu với Hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên là bộ trưởng quốc phòng, kiêm tổng tham mưu trên danh nghĩa là người chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và người lãnh đạo đảng, chính phủ cao nhất là Hồ Chí Minh có đúng vai trò và sứ mệnh của họ không? Xem hồi ký cố vấn Tầu dưới đây bạn sẽ có câu trả lời đích thực.

“Quyết chiến Điện Biên Phủ Thượng”
“Mùa thu Bắc Kinh trời cao lồng lộng, nắng gió chan hoà. Trong Phong Trạch Viên – Trung Nam Hải những cây tùng bách cao vút thẳng tắp xanh tốt um tùm, tràn đầy sức sống. Chiều một ngày trung tuần tháng 10, Mao Trạch Đông đi đi lại lại trong phòng sách của Người, đang suy nghĩ tình hình chiến sự Việt Nam, suy nghĩ tình hình Việt Nam La Quý Ba điện về.
Tiếng báo cáo của cán bộ bảo vệ cắt ngang luồng suy nghĩ của Người: “Chủ tịch, Bành tổng và đồng chí Vi Quốc Thanh đến.”
“Mời các đồng chí vào” Mao Trạch Đông nói.

Vi Quốc Thanh theo sát Bành Đức Hoài bước vào phòng sách cũng là phòng tiếp khách của Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông bắt tay từng đồng chí và mời họ ngồi. Bành Đức Hoài nói: “Thưa Chủ tịch, đồng chí Vi Quốc Thanh gần đây sắp trở lại Việt Nam, lần này đến xin Chủ tịch chỉ thị trực tiếp”.
Mao Trạch Đông: “À! Tôi cũng đang muốn gặp các đồng chí cùng bàn tình hình và chiến sự của Việt Nam”. Sau đó, Người nói với Vi Quốc Thanh: “Đồng chí đã xem kế hoạch quân sự của Navarre chưa?”

Vi Quốc Thanh trả lời: “Bộ Tổng Tham mưu có cho tôi xem rồi”. Mao Trạch Đông lại hỏi: “Đồng chí có ý kiến gì không?” Vi Quốc Thanh trả lời: “Đây là sự tiếp tục của kế hoạch De Lattre, tiền nhiệm của ông ta. Điểm chung của họ là ra sức phát triển nguỵ quân, thay quân Pháp chốt giữ cứ điểm, dùng người Việt đánh người Việt, làm cho quân Pháp có thể tập trung tổ thành lực lượng đột xuất làm nhiệm vụ tác chiến cơ động, để giành lại quyền chủ động chiến tranh. Ông ta nêu ra, trước hết giành thế thủ ở Bắc Bộ và ráo riết càn quét và tiến công ở Nam Bộ và Trung Bộ, sau khi ổn định hậu phương chiến lược, ông ta sẽ tập trung binh lực quyết chiến với chủ lực quân đội Việt Nam ở Bắc Bộ. Phương châm quân sự Nam trước Bắc sau này là sự phát triển của Navarre cũng là do tình thế bắt buộc ông ta như vậy”.

Mao Trạch Đông hỏi tiếp: “Cuối tháng 8 Trung ương có điện cho La Quý Ba, đồng chí đã xem chưa?” Bành Đức Hoài trả lời: “Tôi đã cho người đưa đồng chí xem rồi”. Vi Quốc Thanh nói: “Phương châm chiến lược của Trung ương vạch ra cho Việt Nam mâu thuẫn gay gắt với kế hoạch của Navarre. Thực thi phương châm chiến lược này sẽ hoàn toàn đập tan tính toán chỉ tính đến một phía của Navarre”.

Vi Quốc Thanh chú ý lắng nghe mỗi lời nói của Mao Trạch Đông, và ghi lại vào quyển nhật ký bằng những từ ngữ giản đơn mà chỉ có đồng chí mới hiểu hết được ý nghĩa. Mao Trạch Đông nói tiếp: “Tôi thấy hướng tác chiến của Việt Nam trong suốt thời kỳ từ nay về sau là nên hướng vào Trung, Nam Bộ”. “Để thực hiện kế hoạch chiến lược này, trước mắt cần áp dụng một số biện pháp thiết thực. Tôi nghĩ đến ba biện pháp thế này: một là dùng hai đại đoàn bộ binh và nửa đại đoàn pháo binh, trước tiên giải quyết địch ở Lai Châu, giải phóng toàn bộ vùng Tây Bắc, căn cứ chiến lược quan trọng này. Sau đó chuyển quân sang Thượng Lào, mở thêm chiến trường Thượng Lào. Đồng thời với tiến quân lên Tây Bắc, đưa một bộ phận binh lực xuống Trung Lào và Hạ Lào. Hai là kiên quyết khai thông con đường Nam tiến (chỉ con đường từ nam Liên khu 4 Trung bộ lên Trung, Thượng Lào, qua quốc lộ 9 đến Tây Nguyên). Đó là đường giao thông huyết mạch của bộ đội, đánh xuống phía nam sau này, quan hệ rất lớn đến tình hình chiến sự tương lai. Nên đo đạc thật nhanh, xây dựng kế hoạch, chia giai đoạn hoàn thành. Có thể nói với các đồng chí Việt Nam, thái độ đối với làm đường tức là thái độ đối với chiến tranh. Làm đường không tích cực, không nghiêm túc tức là không tích cực, không nghiêm túc giành lấy thắng lợi chiến tranh. Ba là liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, 4 mỗi nơi nên điều động một số cán bộ đảng, chính quyền, quân đội đến Trung, Hạ Lào và Nam Bộ Việt Nam làm công tác mở vùng mới, làm cho bộ đội đánh được nơi nào, thì củng cố nơi ấy. Giống như thời kỳ sau chiến tranh giải phóng, chúng ta điều động cán bộ miền Bắc theo Đại quân xuống miền Nam. Nói tóm lại, ba biện pháp này tức là 12 chữ: hai đại đoàn rưỡi, một đường quốc lộ, ba lớp cán bộ ”.

Nói xong Mao Trạch Đông đưa ánh mắt thăm dò nhìn vào hai người Bành Đức Hoài và Vi Quốc Thanh. Vi Quốc Thanh nói: “Chỉ thị của Chủ tịch rất quan trọng. Sau khi tôi sang, sẽ truyền đạt tỉ mỉ cho phía Việt Nam và các đồng chí cố vấn, nghiêm chỉnh quán triệt chấp hành”. Mao Trạch Đông nói: “Có thể nói với các đồng chí Việt Nam, đó là kiến nghị của tôi”. Mao Trạch Đông quay sang Bành Đức Hoài nói: “Bành Tổng cũng nói ý kiến đi chứ!”.

Bành Đức Hoài nói: “Tôi đã nói với đồng chí Quốc Thanh ý kiến của tôi về tình hình chiến tranh Việt Nam và tác chiến Tây Bắc rồi. Xin nói thêm một việc. Bản tiếng Pháp kế hoạch quân sự Navarre mà Cục tình báo Bộ tổng tham mưu lấy được, có thể mang sang cho các đồng chí Việt Nam xem, điều đó giúp ích cho các đồng chí ấy tìm hiểu kẻ địch, phân tích tình hình. Có điều phải chú ý bảo mật ”.( Trich dẫn HKCVTQ tr 43-46)

Sự quan sát kỹ lưỡng của Mao Trạch Đông về tình hình chiến sự ở Việt Nam, và nỗi bận tâm của ông về việc chọn tướng lãnh, cố vấn bên cạnh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Các cuộc họp Chính Trị Bộ phản ảnh rõ mưu đồ thâm hiểm của họ với đất nước ta. Một hệ thống tư tưởng xâm lăng liên tục từ tiền bối của họ đến Mao Trạch Đông hiện còn tiếp tục tồn tại Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào.

Tác giả chỉ căn cứ theo Hồi Ký Cố Vấn TQ đã ghi lại các cuộc họp của Chính Trị Bộ ĐCSTQ, để làm sáng tỏ các vấn đề. Nối kết các đoạn đã trích dẫn trong HKCVTQ chúng ta đọc tiếp đoạn dưới đây:

“Sau khi đến Nam Ninh, dừng lại có chút việc, Vi Quốc Thanh và các đồng chí cùng đi lại lên ôtô ra Mục Nam Quan (nay gọi là Hữu Nghị Quan), về nơi ở của Đoàn cố vấn quân sự trong rừng Việt Bắc.
Ngày 26/10, trước hết Vi Quốc Thanh truyền đạt chỉ thị của Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài cho La Quý Ba, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm và cố vấn quân sự, đồng thời nghe các cố vấn báo cáo tình hình. (…)

Ngày 27, Vi Quốc Thanh được Võ Nguyên Giáp đi cùng, cưỡi ngựa đến “dinh rừng trúc” của Hồ Chí Minh, cách hàng chục dặm. Hồ Chí Minh vừa thấy Vi Quốc Thanh lập tức ôm hôn thắm thiết. Cùng dự có Trường Chinh cũng ôm hôn đồng chí, Vi Quốc Thanh chuyển kiến nghị của Mao Trạch Đông về chiến lược Nam tiến và mấy biện pháp quan trọng và ý kiến của Bành Đức Hoài về phương pháp tác chiến và vấn đề xây dựng quân đội trong tình hình chiến tranh hiện nay, đến Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp và trực tiếp đưa cho Hồ Chí Minh bản tiếng Pháp kế hoạch quân sự Navarre.

Cách một hôm, Hồ Chí Minh hành trang gọn nhẹ, bất ngờ đến thăm Vi Quốc Thanh. Người hồ hởi nói với Vi Quốc Thanh: “Cám ơn đồng chí từ Bắc Kinh mang đến cho chúng tôi hai món quà rất tốt. Một là kiến nghị của Mao Chủ tịch đối với tác chiến về sau, giúp chúng tôi rất lớn. Tôi và các đồng chí Bộ Chính trị đều cho rằng ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là đúng đắn. Thực hành những phương châm và biện pháp đó nhất định có thể đập tan kế hoạch Navarre. Tôi đã gửi điện cho đồng chí Mao Trạch Đông, tỏ rõ thái độ của chúng tôi, kiên quyết làm theo. (…)

Hồ Chí Minh nói luôn: “Rất tốt, rất tốt, hoàn toàn nhất trí với suy nghĩ của tôi; đồng chí phải giúp đồng chí Võ Nguyên Giáp vạch ra kế hoạch tác chiến thật nhanh, đưa Bộ chính trị thảo luận thông qua. Việc này giao cho đồng chí”.

Vi Quốc Thanh nói: “Xin Hồ chủ tịch yên tâm, tôi sẽ cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp bàn bạc kỹ lưỡng, vạch ra kế hoạch này nhanh nhất”. Hồ Chí Minh cám ơn và từ chối mời cơm của Vi Quốc Thanh, vội ra về. Với sự giúp đỡ trực tiếp của Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh, kế hoạch tác chiến tấn công mùa đông 1953-1954 của quân đội Việt Nam được vạch ra rất nhanh. Ngày 3/11, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thảo luận thông qua kế hoạch này. Vi Quốc Thanh điện báo cho Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nội dung chủ yếu của kế hoạch này và được đồng ý.”

“Tôi đã gửi điện cho đồng chí Mao Trạch Đông, tỏ rõ thái độ của chúng tôi, kiên quyết làm theo…” ( HKCVTQ tr. 49)

Đó là lời Hồ Chí Minh, Chủ Tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chủ tịch Đảng cộng sản, đồng thời là người lãnh đạo tối cao cuộc kháng chiến chống Pháp.
“Cương quyết làm theo.” Đó là Tư Tưởng Hồ Chí Minh ngoài cái đó ra không có chi gọi là tư tưởng cả trong cương lĩnh của ĐCSVN 1951 có ghi rõ: “Lý luận Mác-Lenin-Tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho hành động.”

ĐCSVN bây giờ “chơi trội” dựng lên Thần tượng HCM. Gây rắc rối cho kẻ chết, làm phiền toái cho người sống. Họ phải biết và hiểu rằng: Cái Đuôi luôn luôn ở sau (Đít) Con Lừa. Cái đuôi con vật mãi mãi vĩnh viễn ở đằng sau. (Xem phần tư liệu Chúng ta để biết rõ hơn.)

Từ nhiều thập niên qua, ban lãnh đạo ĐCSVN không ngừng tuyên truyền ồn ào về chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhưng cái chiến thắng lẫy lừng quang vinh ấy vẫn còn cái bề trái ẩn khuất rất chua chát, nhục nhã, và đê hèn che giấu. Cứ theo báo chí, sách vở lề phải thì tướng Giáp trở thành người hùng thế kỷ. Ngạn ngữ Pháp có câu “Toute medaille a son revers” nghĩa là “tất cả tấm huân chương đều có mặt trái của nó”. Nguyễn Huy Thiệp trong truyện “Ngàn Vàng Và Biển Lửa”. Cũng có một câu khá hay: “Vinh quang nào mà không xây trên điếm nhục.”

(còn nữa)

-----------------------------
(*) Trần Nhu, nguyên là Giaó sư sử học taị Hà Nội. Ông vượt biên và định cư tại California vào giữa thập niên 80s. Ông là tác giả tác phẩm biên khảo Thăng Long Xưa Hà Nội Nay (in năm 2000) và các tác phẩm lịch sử, trong đó có quyển Đại Họa Diệt Chủng mà tác giả trích dẫn gửi cho chúng tôi trong loạt bài này.

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...