Wednesday, March 26, 2014

Cao Mỵ Nhân - Đưa Người Tình Đi Tu




  Dòng Tâm Thơ Nồng Nàn Lãng Mạn 
Cao Mỵ Nhân, tên thật cũng là bút hiệu, sinh trưởng tại lâm nguyên Chapa, một thắng cảnh du lịch hiện nay tại miền Bắc VN. Nhà thơ với một tâm hồn tràn ngập tứ thơ nhưng “sự nghiệp ngoài đời” lại là một sĩ quan cấp Tá QLVNCH, tốt nghiệp Cán Sự Xã Hội.

Làm thơ từ thuở mười ba, đến nay đã có khoảng mười tập thơ. Thi phẩm đầu tay “Hoa Sao” ấn hành năm 1959. Về Văn có hai tập “Chốn Bụi Hồng I & II. Trước 1975 là hội viên Thi Đàn Quỳnh Dao và tại hải ngoại là thành viên CSTV Cội Nguồn. Tác giả đã đến với Cội Nguồn rất sớm, cộng tác thường xuyên với tạp chí Nguồn. Và nổi trội hơn cả là hai thi phẩm do Cội Nguồn ấn hành vào những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai: “Đưa Người Tình Đi Tu” (2001) và “Sau Cuộc chiến” (2003) là hai thiên tình sử thể hiện tâm hồn “nồng nàn lãng mạn” của nhà thơ nữ này.

**
ĐƯA NGƯỜI TÌNH ĐI TU
Hình như có một thoảng trầm hương từ một không gian xa thẳm tỏa mùi thơm ngào ngạt, kéo sập hồn người chìm vào những miên man tưởng nhớ.  Một khung trời của tiếng kinh ngân nga chậm rãi ...

Hình như tôi vừa nhấp một hơi men nồng. Không hẳn, có cái gì đó còn hơn thế nữa. Sâu lắng hơn, nồng nàn hơn, ngây ngất hơn. Tưởng như vừa qua một cơn thiếp đồng, dưới ánh đèn vừa đủ nhìn nét chữ, một không gian tĩnh mịch lúc về khuya. Tất cả mọi ồn ào đã lắng xuống. Tất cả mọi chộn rộn đã lắng chìm. Tôi xả hết mọi thứ ở cõi tâm thường tình, vọng động để còn là một khoảng thinh không thu hết vào một khung trời có mái chùa cong, có vầng trăng cổ nguyệt, có vạt áo cà sa, có màu áo lam thấp thoáng, ẩn hiện chập chờn trong mưa gió, trong tâm thức không rời. Có cả hạnh ngộ, luân hồi trong tâm tưởng của người tín nữ rụt rè trước cổng tam quan, trước cánh cửa chùa khi nào cũng đón mời rộng mơ,û mà sao như khắt khe, như ngăn cách. Phía trong thiền viện có trang sách bồng bềnh, có lời tụng Nam Mô. Trước mái hiên chùa có vầng kim ô, có nắng vàng rực rỡ, nhưng rồi là bóng tà huy nhàn nhạt; là sương, là gió, là đưa tiễn ngậm ngùi.

Con người đứng trên tất cả mọi đẳng cấp của vạn vật. Đức Thích Ca đã vượt ra ngoài cái ngã mà nhìn thấu suốt ba cõi ta bà. Chúng sinh thì chưa rời khỏi vòng mê lộ. Có kẻ mê lầm, có người thức tỉnh. Cuộc sống đâu là thứ hưởng thụ vật chất phù hoa. Còn cả một cõi tâm hồn dạt dào mơ mộng. Mơ mộng không chỉ với tình ái thú vui. Tâm hồn lắm khi chùng lại lâng lâng ngây ngất trước một mái chùa cong, trước vầng trăng lạnh, trước ánh trăng vàng. Nhà thơ mãi mãi miên man trong cõi vô thường, ngập ngừng tại nơi tìm đến, rụt rè như thờ ơ lãnh đạm với chỗ hẹn của lòng.

Đời là một cõi hợp tan, cả cái Tâm kia cũng vô thường chuyển hóa, huống chi duyên nợ hẹn hò, huống chi hữu duyên mà không nợ. Rồi một người ra đi, một người ở lại, hai bên, giữa ranh giới cuộc đời “Phật có bao giờ muốn xiết tay” cho nên:
Thôi nhé người vô miền tĩnh lặng
Tôi về thương nhớ áo màu lam 

Từ đó hình như có một hồn thơ khi thấp thoáng, khi chực chờ trước cửa cổng tam quan, trước cổng chùa vắng lặng, để “thơ buồn ướt cánh dưới sương lam”.
Thế rồi làm sao vượt ra ngoài cái lẽ hợp tan, tan hợp. Một người ra đi, một người ở lại. Từ một góc trời thăm thẳm trong hồn thơ, kẻ viễn hành vẫn ắp đầy hình ảnh của những cảnh cũ người xưa:
Áo người vẫn đậm màu lam
Hay phai từ độ tôi sang Hoa Kỳ
Áo màu lam vẫn nguyên trinh màu của nó. Hỏi làm chi màu lam y của người nơi thiền viện? Có phải cứ mãi băn khoăn cái lẽ “cách mặt xa lòng” mà nghĩ lan man sang màu áo? Biết rồi, màu lam y như một ám ảnh hồn thơ. Cả một khoảng trời chỉ còn lại một hình ảnh lam y, để mà tưởng tượng, để mà hình dung, để mà mơ tưởng.
Hiên sau chỉ có áo lam
Phơi trên dây đợi nắng sang, phai màu

Thật tội nghiệp cho tâm hồn thi sĩ:
Chan hòa lệ ướt tóc mây
Tờ thư nước mắt trong tay nghẹn ngào
Chao ôi, bạn chẳng nhớ sao
Người đi khấn nguyện xưa, sau một lời
Năm xưa trường hạ xa vời
Ai về Vạn Hạnh cho tôi bái từ.

Nỗi nhớ như quay quắt, niềm xót xa như quặn lòng. Nhưng không! Tâm hồn thi sĩ không chỉ dành cho những cảm lụy sụt sùi mà còn bao nhiêu những cảnh huống của tha nhân cũng đầy thương cảm. Cho nên lại bồi hồi về nơi quê mẹ bão bùng mưa lụt, ở nơi quê người thì thương nhớ quạnh hiu. 

Đã nói mà! Chỉ một sợi râu bạc cũng đủ xoáy vào lòng người, làm rung nhịp giao thoa của tâm hồn đa cảm. Nhưng không, vòng tay đã trống vắng, lạnh tanh như lời tự thú. Có gì có thể thay thế được cái bóng dáng như vô hình mà hiển hiện dưới mái tam quan. Biết là vậy. Biết là như thế. “Tất cả là khói sương”. Thế mà mấy ai vượt ra khỏi cái ngã vô minh. Và nhà thơ tự hỏi: Tại sao ta không rất bình an, rất đại thừa như người sư nữ với nụ cười dung dị, với ánh mắt đăm chiêu:
Có chi tất cả trong đời sống
Biến diễn qua cô rất mỹ miều.

Biết vậy mà lòng ta vẫn không bắt nhịp được với cái tâm pháp kia của nhà sư nữ. Cõi tâm là cả một kho tàng chứa đầy sức huyền diệu. Nghệ thuật của sự sống là làm đẹp cho đời bằng vô số mầm gốc thiện mỹ chất chứa ở mỗi tâm hồn. Từ cõi tâm, từ cái vô ngã, từ cái huyền nhiệm mà chiếc bóng lam y kia cứ trên đường bước tới tự tại an nhiên. Người đã bỏ lại phía sau tất cả. Người để mặc phía sau mọi thứ rộn ràng, mọi điều hệ lụy mà thảnh thơi bước tới trên con đường vô ngã, rọi ánh hào quang. Thì người tín nữ hãy cứ đứng nhìn theo như nàng chinh phụ trong huyền thoại ngàn xưa đứng nhìn, dõi theo một bóng hình từ muôn dặm quan san, vẳng bên tai khúc nhạc truyền hịch “lệnh vua hành quân trống kêu dồn” rồi quay về bế con đứng đợi. Đó cũng là hình ảnh mà tôi bắt gặp hôm nay: Nàng thơ đưa người tình đi tu để để lại di sản một áng thơ và một cõi tâm hồn rất đẹp.

Với cái nhìn từ góc cạnh “sống gửi thác về”, với cái thiền niệm có từ tâm đạo, nhà thơ lại sững sờ suy nghĩ: Tại sao ai cũng biết cả thế gian này là cõi tạm. Tất cả là vô thường, tất cả là biến hiện, kể cả cái hình hài, cái châu thân kia cũng là sắc không, không sắc mà không tìm lấy một cõi tâm an nhàn thanh tịnh; mà cứ mãi ngụp lặn trong cõi thất tình “hỉ, nộ, ái ố, dục, ai, cụ”. Mà cứ phải đợi cho đến khi nhìn lại mình qua một dung nhan tàn héo, một mảnh hình hài nằm bất động trước lúc di quan? Nhà thơ chợt giật mình:
Chao ôi, ai cũng rồi như thế
Mà vẫn đua tranh đến tận cùng

Tôi vừa “bám” theo tác giả suốt trên chặng đường “Đưa Người Tình Đi Tu”, lượm nhặt những dòng cảm nghĩ, sao chép lại những ngôn ngữ, ý từ của nhà thơ, của “Đưa Người Tình Đi Tu” mà viết nên đoản văn này. Cách đây hơn năm năm tôi đã từng ngồi sững người “trầm ngâm như tượng đá” khi đọc Thơ Mỵ:
Hình như chính khách làm thi sĩ
Cũng dễ như đang ở chính trường
Thi sĩ một thời mê chiến sử
Đã từng lập quốc dựng ngôi vương

Có thể, có một lúc nào đó, có ai đó gọi tôi là thi sĩ, nhưng chưa bao giờ tôi là chính khách. Thế mà không hiểu tại sao tôi lại “nhập vai” đến lạ lùng. Trong cuộc sinh tồn và phát triển của dân tộc, các bậc tiền nhân thiếu chi những trang anh hào thi sĩ từng mê chiến sử, từng lập quốc và dựng ngôi vương, những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông... Tôi say mê từng trang sử Việt. Tôi yêu thích thơ Mỵ từ đó. Từ đó tôi vẫn đọc và đã đọc tiếp những tập thơ khác của chị nhưng lần này có lẽ do ma lực của thơ, của thiền, tôi đã bị dẫn dắt đi theo suốt chặng đường “Đưa Người Tình Đi Tu”. Đó là tựa đề tập thơ thứ Năm của nhà thơ nữ Cao Mỵ Nhân. Cái tựa đề thoạt nghe có cái gì như là lạ, khó ưa, nhưng lại gợi tò mò. Và khi đọc một bài, rồi hai bài thì không thể nào buông quyển sách xuống.

Đưa Người Tình Đi Tu là cả một dòng xúc cảm cuộn lên từ trái tim son trẻ và từ tận đáy tâm hồn nồng nàn lãng mạn, từ ngôn ngữ và cách nhìn của một con người già dặn, từng trải. Tác giả đã rào đón với tôi rằng “đó chỉ là một thiên tình ca tưởng tượng”. Thì có sao đâu. Ước gì “thiên tình ca” đó là một “kịch bản” dựa vào một câu chuyện thực ngoài đời.

Bản sắc của tập thơ từ bài đầu đến cuối sách toàn một màu thiền bao phủ. Hồn thơ nhập vào tâm đạo. Tâm đạo trở thành cứu cánh giải cứu những hệ lụy tục trần. Tình yêu do đó trở nên lẽ huyền nhiệm của cuộc sống. Khi xếp tập sách lại tôi còn nghe đâu đó tiếng ngân vọng của hồi chuông chùa, có cả mùi trầm hương quyện lấy tâm hồn tôi. Lâng lâng mà thanh thản.

Song Nhị

***
SAU CUỘC CHIẾN 
“HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU”
“Sau Cuộc Chiến”, như tên gọi là một thi phẩm đã được sáng tác vài ba năm sau khi cuộc chiến tranh VN kết thúc – điều đó có nghĩa là tập thơ này đã được sáng tác cách nay 25 năm (tính tới 2003) với ý nghĩ và tình cảm xác thực, tựa như  bài bút ký ghi lại sự kiện từ một hiện trường. 
Nhà thơ đã từng “thông báo” trên các bìa sách của chị về tên gọi tập thơ này từ nhiều năm trước. Nhưng mãi cho tới mấy tháng trước đây như một cơ duyên, tập thơ được giao cho CSTV Cội Nguồn ấn hành. Tôi được tác giả trao vinh dự viết tựa cho tập thơ và giới thiệu thi phẩm này trước cử tọa trong lần ra mắt tại San Jose.

Cùng với sự phân chia hai miền Nam Bắc, cuộc chiến ý thức hệ, kéo dài trong 20 năm, đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Kết cuộc đó đã đánh động lương tri loài người; làm tỉnh ngộ những kẻ từng tiếp tay cho tội ác. Một Jane Fonda, nữ minh tinh màn bạc Mỹ từng lên tiếng xin lỗi chiến binh Hoa Kỳ, xin lỗi nhân dân miền Nam Việt Nam vì sự lầm lạc của bà khi đứng vào hàng ngũ phản chiến; một Eddie Adam, ký giả tờ Newsweek, người nhận giải Politzer với tấm ảnh chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên VC giữa mặt trận, hơn hai mươi năm sau đã tìm đến đứng bên giường bệnh nói lời xin lỗi vị cựu tướng QL/VNCH và trong lễ tang tướng Loan, Eddie Adam gửi vòng hoa phúng điếu với hàng chữ: “General, I am so, so... sorry. Tears are in my eyes” (Thưa vị Tướng, tôi rất, rất lấy làm tiếc. Lệ đã tràn trong mắt tôi).

Sau cuộc chiến ấy là cơn chấn động lịch sử đã đẩy đưa hàng chục triệu số phận mỗi con nguời Việt Nam vào một khúc ngoặt nghiệt ngã. Hàng trăm ngàn nguời vào chốn lao tù; hàng triệu người liều chết bỏ nước ra đi; hàng chục ngàn người bỏ xác nơi rừng sâu, đáy biển.
Sau cuộc chiến ấy đã có hàng trăm, hàng ngàn những truyện kể, những tác phẩm thơ văn của các chứng nhân, của người trong cuộc ghi lại điều mắt thấy tai nghe.

Cao Mỵ Nhân, nhà thơ nữ vào làng văn từ tuổi mười ba, nguyên là một sĩ quan cấp tá, một cán sự xã hội cũng không thoát khỏi lưới định mệnh của biến cố 30 - 4 - 75.

Sau cuộc chiến ấy cùng với hàng chục ngàn quân cán chính VNCH, nhà thơ cũng bị đưa vào trại tập trung cải tạo. Sau ba năm ở trại tập trung, bà được chuyển sang lao động tại nông trường Tây Nam, nằm giữa khu tam giác Sắt Đồng Xoài - Rạch Bắp - Bình Dương. Cùng với bà, một số sĩ quan viên chức chế độ cũ cũng được gom về đây trong một toán kỹ thuật, đem chất xám xây dựng nông trường. Nhà thơ nghiễm nhiên trở thành y tá bất đắc dĩ và là “chị nuôi” cho toán chuyên viên này. 

Lịch sử đã sang trang, nhưng lịch sử cũng là sự tái diễn không ngừng (L’histoire est perpétuel recommencement). Có một chàng trai trong toán kỹ thuật vẫn ôm bầu nhiệt huyết với hoài bão và lý tưởng của một Nguyễn Trãi, của một Kinh Kha, mơ xoay chiều lịch sử.  Chàng trai đó là một Th/úy hai mươi lăm tuổi - là người em, cả về tuổi đời lẫn cấp bậc trong quân ngũ. Mối đồng điệu trong suy nghĩ, trong tâm tư cùng những chia sẻ gian lao khốn khó trong cùng cảnh ngộ, người “chị nuôi” mới ngoài ba mươi này, lúc ấy đã dành hết tình cảm quan tâm cho người em, người đồng đội – một chàng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.

Đọc hết tập thơ tôi cảm nhận đây là một tập nhật ký ghi lại những suy nghĩ, những tình cảm đang làm xốn xang, chộn rộn trong cõi lòng từng ngày, từng giờ, từng phút của tâm hồn  thơ Mỵ. 
Trái tim, tự bản chất vốn yếu mềm và đầy ham muốn. Có một lúc chúng ta cảm thấy hình như là những lời nói, những cử chỉ vỗ về chăm sóc của người chị dành cho đứa em:
Nghe em kể chuyện ấu thời
Chị thương đứt ruột những lời trẻ thơ

Một góc khác là chuyện giữa những người chiến hữu, cùng lý tưởng, chung màu cờ, chung lời ước nguyện:
Tôi vừa thoát khỏi đam mê
Lại thêm vướng bận lời thề vừa trao
Bên cạnh đó là tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, Tổ quốc:
Non sông hiu quạnh nỗi mình
Sang trang lịch sử trở thành ước mơ

Và với vai trò người chị, tác giả đã trao gửi đến chàng trai những lời nhắn nhủ dặn dò:
Như dòng máu đỏ về tim
Em ơi giữ mãi ảnh hình quê hương
(Về Tim)
.....      
Hỡi em Tổ quốc mênh mông
Lửa thiêng em đốt cho hồng chí trai
(Những lần ngồi bên bếp lửa)

Một khoảnh góc khác, nhìn vào “hình như là tình yêu”. Sự quan tâm gần gũi, sẻ chia, chung đụng dành cho nhau giữa cảnh đời cá chậu chim lồng, bên những mầm chồi niềm tin, hy vọng đã nảy nở đóa hoa lòng, như lời thú nhận: “Phải rồi mình đã si mê”; Và chàng tuổi trẻ đã đi vào thơ Mỵ:
Đêm ơi, đêm tự bao giờ           
Và em, hiển hiện trong thơ tôi hoài

Một sự nhập nhằng đắn đo giữa lý trí và tình cảm, giữa con tim và khối óc, nhưng chắc chắn trong tình yêu, sự lựa chọn bao giờ cũng dành phần quyết định cho nhịp đập của trái tim:
Nhiều lần thổ lộ cùng thơ
Thương yêu nhưng lại giả vờ là không

Có sum họp là phải có chia ly. Người trai trẻ ấy, để thực hiện hoài bão của mình, để có thể tìm cách thoát thân, đã mượn cớ xin đi đánh “bá quyền” Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Hoa năm 1979. Người cộng sản cũng mượn cớ này để đem chàng trai đi biệt tích. Tình chị dành cho em, tình người chiến sĩ cho non sông Tổ quốc, và hơn hết sự trống vắng của “đôi bạn” chung lòng đã khiến tác giả dội lên nỗi dày vò, thao thức, nhớ nhung, để không còn úp mở:
Mấy hôm nay khóc thật nhiều
Thương em hay chỉ là yêu cuộc tình

Có lúc tác giả thấy mình như lỡ làng, như ân hận:
Nhưng đã lỡ thương em thành khờ dại
Tôi thả em đi lặng lẽ một lần

“Tôi thả em đi” để rồi tôi thơ thẩn, tôi cô đơn, như vừa đánh mất một cái gì mơ hồ ảo thực, không hình, không bóng, lãng đãng nơi cuối đất, cùng trời:     
Tôi đi giữa lối hoa tươi
Tìm em khắp nẻo chân trời buồn tênh
Và để rồi chung cuộc:
Hai năm kể chuyện sông hồ
Người quen lặng lẽ ngó gò mối cao!

Đóa Hoa Lòng này đã choán phần lớn tập thơ “Sau Cuộc Chiến” với gần như toàn tập là những bài Lục Bát có những đoạn những câu đắt giá. “Sau Cuộc Chiến” có giá trị đặc biệt là một tác phẩm đặc thù của hoàn cảnh và giai đoạn hình thành mà người viết là nhân chứng sống của một thời đoạn lịch sử.
“Sau Cuộc Chiến” là một kỷ niệm quý, đáng trân trọng của tác giả và của cả chúng ta.  

Song Nhị


Wednesday, March 19, 2014

Về Đi Thôi


















 











ĐỪNG ĐỂ QUÁ TRỄ!

Nguyệt Quỳnh

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không ?
   (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)

Câu hỏi trên có lẽ là câu hỏi nhức nhối của bất kỳ người Việt Nam nào trước cảnh tượng nhà nước cho tổ chức nhảy đầm, múa hát dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày tưởng niệm 35 năm cuộc chiến biên giới. Cả báo chí ngoại quốc, tờ Washington Post cũng đăng tải hình ảnh đáng xấu hổ này. Hành động thiếu lương tâm, chỉ cốt làm vui lòng Bắc Kinh mà không quan tâm gì đến nỗi đau của người dân, của thân nhân các liệt sĩ là một thái độ khá tàn nhẫn của lãnh đạo Hà Nội. Nó không những làm tủi hổ vong linh các chiến sĩ đã khuất mà còn sỉ nhục đến danh dự của nhân dân Việt Nam. Đây là giọt nước làm tràn ly, có bao nhiêu người nữa đang âm thầm rời bỏ đảng trong những ngày sắp tới?

Rõ ràng vận mạng đất nước đang nằm trong tay của mỗi chúng ta, người trong lẫn ngoài nước, kể cả những đảng viên CS. Và rõ ràng vận mạng đó đang như chỉ mành treo chuông. Thử hỏi ta có còn kiểm soát được những cánh rừng đầu nguồn ở biên giới phía Bắc và các vùng trọng yếu ở Tây Nguyên nữa không? Thử hỏi quân đội đã làm được gì khi biển đảo của ta bị xâm chiếm dần dần? Thử hỏi do đâu mà trên khắp đất nước của mình lại có hàng trăm những khu hoàn toàn biệt lập của "công nhân" Trung Quốc? Chỉ cần nhìn những dữ kiện nhức nhối và tự mình đặt các câu hỏi trên, bất cứ ai cũng phải giật mình kinh sợ trước hiểm hoạ mất nước, đâu cần phải chờ để nhìn thấy chiến xa của Trung Quốc ở ngưỡng cửa biên giới.

Nhưng đâu phải chỉ có dân tộc và nhân dân VIệT NAM mới phải đối diện với hoạ ngoại xâm. Năm 1969 khi hồng quân Liên Xô tràn sang Tiệp Khắc, chàng thanh niên ái quốc Jan Palach chỉ vừa tròn 20 tuổi. Anh và một nhóm sinh viên đã tình nguyện hy sinh tính mạng để phản đối cuộc xâm lăng trên. Nhưng Jan Palach tự thiêu không chỉ để phản đối việc chiếm đóng của quân đội Xô Viết trên quê hương anh, mục đích của anh còn nhằm phản đối sự nản chí, thờ ơ, và buông xuôi của nhân dân Tiệp Khắc. Người y sĩ trị bỏng cho anh ở bịnh viện cho biết - Jan Palach nhìn thấy sự im lặng, những cặp mắt buồn thiu của người dân Tiệp trên đường phố, anh cảm thấy mọi người dường như đang sắp sửa thoả hiệp và anh tự thiêu để phản đối sự buông xuôi đó.   

Chúng ta thấy gì qua những suy tư của Jan Palach, chúng ta có nhìn thấu những nỗ lực trong cô đơn của người trẻ hôm nay? Chín năm tù cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, mười ba năm tù cho Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu... Người dân Việt có thờ ơ với những gì đang xảy ra trên quê hương mình hay không? Có thể không hoàn toàn như vậy, nhưng cay đắng hay bất bình thì vẫn chưa đủ, vẫn chẳng giúp ích được gì cho một đất nước đang mấp mé trên bờ vực. Đọc tâm sự của những đảng viên vừa rời bỏ đảng chúng ta có thể phóng chiếu để nhìn thấy những thao thức của hầu hết các đảng viên hiện thời. Ở lại hay ra đi, tất cả đều tin rằng sự sụp đổ của chế độ là chắc chắn và không thể tránh khỏi. Tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian nhanh hay chậm. Nhưng tại sao còn do dự khi những cái phao mà chúng ta đang bám víu vào thật mong manh so với tình hình thực tế hiện nay. Và càng thụ động thì đau thương của dân tộc càng kéo dài và thảm hoạ mất nước càng đến gần.

Tôi vẫn tin rằng quê hương là nơi chốn buộc chặt trái tim của con người. Những nhân vật Cộng sản hàng đầu như cố thủ tướng Nagy Imre của Hungary và Tổng bí thư Dubcek của Tiệp Khắc đã vì tổ quốc mà làm nên những đổi thay lịch sử cho đất nước họ. Khi quân đội Liên Xô tràn sang Tiệp Khắc bắt giam Dubcek để ngăn chận những cải cách theo hướng tự do hoá chính phủ của ông, tên của Dubcek được ghép thành lời ca “Dubcek! Svoboda!” và được hát lên trong các cuộc tuần hành của sinh viên trên đường phố. Cuộc cách mạng năm 1956 tại Hungary và năm 1986 tại Tiệp Khắc đã ghi đậm hình ảnh những đảng viên Cộng sản dám đứng về phía nhân dân, về phía dân tộc trước quân xâm lược. Họ đã vĩnh viễn đi vào sử sách với lòng biết ơn của toàn dân và sự kính phục của thế giới.

Vậy thì đâu rồi những người con ái quốc của mẹ Việt Nam? Suốt một chiều dài lịch sử đầy gian nan họ chưa từng vắng mặt. Phải chăng đây chính là thời điểm mà những đảng viên còn lương tâm phải mạnh dạn rời bỏ đảng để về với dân tộc. Trước kia chúng ta không có đủ thông tin để nhận ra được rằng Đảng đang đi ngược lại quyền lợi của tổ quốc, đang dần đưa đất nước thân yêu đến những thảm hoạ khôn lường. Nhưng đến nay thì mọi việc đã quá rõ ràng. Cơ chế hiện thời không bảo vệ được quê hương. Những ai không coi mình là kẻ bàng quan, những ai thực sự quan tâm đều phải có một chọn lựa dứt khoát. Và phải hành động để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chính mình và các thế hệ tương lai.

Nhân cái chết bất ngờ, nhiều nghi vấn của ông Phạm Quý Ngọ, nhiều người đã bắt đầu so sánh: nên chết như Lê Hiếu Đằng hay chết như Phạm Quý Ngọ? Một người thanh thản ra đi trong sự thương tiếc của bao người, kẻ thì từ giã cuộc đời trong điều tiếng xấu xa. Bia miệng đó đến ngàn năm không rửa sạch. Đây chính là lúc mà nhiều đảng viên đặt lên bàn cân những gì còn lại của cuộc đời. Nghĩ đến tương lai con cháu và đặc biệt sự kính trọng của con cháu để rời bỏ đảng, hay tiếp tục để thân nhân phải gánh chịu những hậu quả về sau? Ở các quốc gia Đông Âu, khi sự thật về hồ sơ tàn ác, phá hoại, và hèn kém của đảng cộng sản lọt ra ánh sáng sau ngày đổi đời, các đảng viên đã bị cả dân tộc khinh bỉ, bị coi là những kẻ đã cố ôm lấy đảng để hưởng quyền lợi đến cùng, bất kể số phận đất nước và bao nhiêu người khác. Dù giải thích thế nào thì sự hổ thẹn của các gia đình có đảng viên cộng sản vẫn không thể nào tẩy xóa được, cho dù trước kia họ có quyền chức hay chỉ là một đảng viên bình thường.

Với những đảng viên đang nắm quyền hiện tại, câu hỏi phải trả lời là số của cải bòn rút đến thế nào nữa mới gọi là đủ? Còn bòn rút là còn tăng thêm hồ sơ tội ác với nhân dân. Nợ máu tới khi nào mới dứt? thử nghĩ đến một ngày trong tương lai gần, khi không còn quyền lực trong tay, họ có thể mang núi tiền chạy đi đâu trong thế giới ngày nay? chạy đến các nước Cộng sản đầy thủ thuật du đảng ư? Hay các nước dân chủ, nơi có pháp luật hẳn hòi đối với những tài sản phi pháp? Chạy đi đâu? Chi bằng trả thẻ đảng quay về với dân tộc.

Hơn thế nữa, trong tình hình Việt Nam đang bị dâng nhượng từng phần chủ quyền cho Trung Quốc hiện nay, giữ thẻ đảng là chia luôn cái trách nhiệm bán nước với lãnh đạo đảng. Đây là điều đã rất rõ trong nội bộ đảng viên và tại thời điểm này mà sự tự khinh bỉ đã được thể hiện ngay trong hàng ngũ các đảng viên. Một độc giả của trang Dân Luận kể lại, trong một buổi họp chi bộ ở tổ dân phố, một đảng viên lớn tuổi đã góp ý thẳng giữa chi bộ rằng: “Cả Đảng Cộng sản Việt Nam là một chi bộ của Trung quốc, tôi đéo thèm ở trong Đảng, giỏi thì khai trừ đi, khai trừ tôi là mất danh hiệu "chi bộ trong sạch vững mạnh" đấy”.

Ngay từ cuối năm 2013, hưởng ứng lời tuyên bố từ bỏ đảng của Luật gia Lê Hiếu Đằng và TS Phạm Chí Dũng mà Bs Nguyễn Đắc Diên, một bác sĩ nha khoa đã công khai tuyên bố từ bỏ đảng với đầy đủ chi tiết bản thân cùng số hiệu thẻ đảng. Bước sang đầu năm 2014 lại có thêm những người khác như ông Nhất Nam, ông Đỗ Như Ly, ông Tống Văn Công và đáng kể nhất là cán bộ ngoại giao đang tại chức như ông Đặng Xương Hùng. Ông Hùng không những chỉ rời bỏ đảng mà còn tuyên bố là ông bỏ đảng để bắt đầu cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Nói tóm lại, dù là đảng viên đang nắm quyền hay đã bị đẩy ra ngoài lề, dù vì những cắn rứt lương tâm hay chỉ vì số của cải bòn rút được đã quá đủ, dù vì các thế hệ tương lai hay chỉ vì chính mình, ai ai cũng đều có lý do để gấp rút rời bỏ đảng. Về đi thôi ĐỪNG ĐỂ QUÁ TRỄ !

(Viết vào ngày giỗ chung thất nhà yêu nước Lê Hiếu Đằng)

Tuesday, March 18, 2014

Thêm Một Lần Nói Chuyện Cũ Với Em























Tưởng sang Mỹ rồi lòng thanh thỏa
sang Mỹ rồi sẽ trả được cho em
trả những năm em lặn lội đi tìm
vượt núi băng rừng
từ Nam ra Bắc
gói đường, gói bột
con cá khô, muối mè, muối sả
vượt nghìn cây số đường xa lắc xa lơ
trên toa-xe-lửa-già khập khễnh
cứ sợ anh chết bụi chết bờ

Mỗi năm được phép một lần
găp nhau năm, mười phút
để biết còn có nhau
cho anh còn hơi thở sống
để anh được ngắm được nhìn
được nghe em nói
được mềm lòng trong mắt em rưng rưng
hai hàng lệ chảy

Ít ra năm mười phút có nhau
mặc tên cai tù ngồi kề bên canh giữ
ta cứ nói cứ nhìn
anh được một bữa no cơm
no lòng tin

Rồi em quay về giữa bầu trời ảm đạm
giữa hoang vu móng vuốt rập rình
mười năm em như con thoi
đi thăm tù - về phố
tuổi chập hai mươi em hóa thành chinh phụ
hóa thành truyện kể dân gian
anh thì cứ mãi băn khoăn
tự hỏi:
làm gì để bắt em cùng gánh tội?

mười mấy tuổi
anh đã đi cùng sông cuối suối
lênh đênh theo mệnh nước vận nhà
anh quý vô cùng xương máu của ông cha
anh yêu vô cùng quê hương tổ quốc
anh yêu con người
anh yêu non nước
đó là tội hình?
em phải gánh chịu cùng anh!

Tuổi xuân em
giữa hoang vu móng vuốt rập rình
bóng chiếc thân đơn đi về thấp thỏm

Tưởng sang Mỹ rồi sẽ trả được cho em
những lược gương và màu son phấn
trả em một thời lận đận
dậy sớm thức khuya chiếu giường hiu hắt
trả em bàn tay choàng bờ vai
những chiều dạo phố
bờ vai một thuở
mái tóc che không đủ ấm đêm dài

**
Tưởng sang Mỹ rồi sẽ gánh vác thay em
chiều hôm sớm mai
trả em thuở khúc khích hồn nhiên
em sẽ dạy các con lễ nghĩa thánh hiền
dạy các con học bài
đánh vần tiếng Mẹ
như lớp học rộn ràng thỏ thẻ
quên một thời vất vả truân chuyên.

Anh sẽ bên em viết lại cuộc tình
kể chuyện một thời dâu bể
một thời non nước điêu linh
chuyện những con người Việt Nam
vượt muôn nghìn gian khó
chuyển hóa cuộc hồi sinh
những tấm gương trung kiên
tiết liệt
nghĩa tình
ơi! những nàng chinh phụ.

SONG NHỊ


Wednesday, March 5, 2014

TÌM VỀ VĂN HOÁ VIỆT - VƯƠNG NHÂN



 Sc Truyn Cảm Thu Hút Qua Đ Tài,
Kỹ Thut, Âm Điu, Và Ngôn Ng, Trong Tác Phm 

Năm 2005, Cội Nguồn xuất bản thi phẩm Dấu Xưa của Vương Nhân, tập thơ được thân hữu và giới thưởng ngoạn đón nhận với cảm tình trân trọng. Tác phẩm cũng đã được đưa vào thư viện Quốc Hội (Library of Congress) và một số thư viện khác tại Hoa Kỳ.

Nhà thơ cũng là tác giả cộng tác với tạp chí Nguồn từ nhiều năm qua. Phần nhiều bài ông đóng góp cho Nguồn là Thơ. Và nhiều người vẫn gọi ông là nhà thơ Vương Nhân.
Lần này tác phẩm Vương Nhân ủy thác Cội Nguồn ấn hành gồm hai phần Văn và Thơ.

“Văn là người”. Đọc Vương Nhân người ta dễ dàng cảm tình với tác giả - một nhà mô phạm. Mô phạm là một khuôn mẫu đạo đức trong xã hội miền Nam trước 1975. Vương Nhân đã thể hiện “văn là người” trong văn cũng như trong đời sống mà những ai, là thân hữu hay người quen biết đều nhìn nhận như thế.

Vốn tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, xuất thân là một Giáo sư Trung Học dạy Việt Văn, sang Mỹ định cư, ông lại tiếp nối “nghề mô phạm” trong ngành giáo dục  Hoa Kỳ. Những bài tản văn, những tiểu luận, nghị luận của tác giả đều tập trung nội dung vào chủ đề Truyền Thống, Nền nếp  Văn Hóa, Cương thường Đạo lý, và Ngôn Ngữ Việt. Những bài viết này được trình bày với một bố cục chặt chẽ, lập luận sắc bén và thuyết phục.

Trong phần văn, sau các tản văn, tiểu luận, là phần truyện ngắn. Truyện của Vương Nhân, phần nhiều trình bày cảnh ngộ và tâm trạng của những “mảnh đời” trôi nổi từ quê nhà ra hải ngoại trên những phần đất tự do nhưng lại trống vắng một khoảng lớn trong tâm hồn, nhất là vào những ngày giáp Tết, vào những dịp xôn xao của dĩ vãng nơi quê nhà. Hầu hết các truyện ngắn của Vương Nhân, được xây dựng từ chuyện thật từng đi qua trong đời lồng vào những chi tiết hư cấu khiến câu chuyện trở nên gần gũi với người đọc.
Với thể loại tùy bút, giọng văn của tác giả như tiếng thầm toát ra từ tâm sự của lòng, mơ hồ mà tha thiết:

“Một con chim nhỏ chuyền qua chuyền lại giương cổ cao hơn, mắt chớp để giã từ se lạnh. Một chút nắng yếu ớt vương trên màu hoa lãng đãng trong mây mù khiến tôi lại nhớ đến em…
“…. Tuyết trắng vẫn vây quanh, tôi kéo cổ áo cao hơn bước lần về con phố nhỏ. Như lệ thường tôi đến quán cà phê đó mỗi khi tuyết bay bay ngập trời. Chỉ có tuyết mới tạo cho làn khói từ ly cà phê kết thành sợi mỏng. Sợi khói ấy càng lên cao càng cong kết hình chữ S. Khi lên cao trên tầm mắt, chữ S hòa vào không gian lần vào tâm tư những kẻ tha hương phiêu bạt, buồn như những cánh chim cô đơn xa bầy, xa xăm hoài vọng”. (Nàng Tiên Bốn Mùa, tr. 100).

Tất cả các truyện ngắn của Vương Nhân đều là những mẩu chuyện liên quan cuộc sống từ trước bảy lăm, bỗng ngẫu nhiên tái hiện trên quê hương mới một cách tình cờø thú vị. Đó là truyện nối lại cuộc tình của Dung và Hùng trong “Đoản Khúc Tái Ngộ”, là liên hệ bạn bè của Phương dù trong “Chiến Sĩ Vô Danh”; là người láng giềng “Gia Đình Bác Tám”; là sự xuất hiện của giọng ca “Thằng Mặt Choắt” tại một giáo đường ở thành phố San Francisco mà tác giả đã từng nghe “nó” hát tại một nhà thờ ở Sài Gòn trước 1975.

Trong truyện ngắn “Mộng và Thực”, tác giả kể lại câu chuyện mối tình với một nhân vật nữ tên là Hoàng – một câu chuyện tự sự rất thật mà tất cả bạn hữu, người quen thân với tác giả đều biết và đều cảm nhận được tâm tình tác giả qua đoạn văn:

“Phải nói rằng niềm hân hoan sống động thời trai trẻ trong tôi từ hơn 40 năm nay tưởng đã chai đá, nào ngờ lại sôi nổi khi nhìn thấy cử chỉ, nghe được những lời lẽ chân tình, dáng dấp người con gái, một người đàn bà rất Việt Nam ở Hoàng tại xứ người. Thực mà không kịch. Tôi gật đầu và ôm chầm lấy nàng sung sướng.
Tình yêu vẫn là tình yêu. Tình không biên giới. Nó không bị ràng buộc tuổi tác, sắc tộc, giàu nghèo, mới cũ… Già trẻ giống nhau. Khi cảm nhận được lòng mình, được lòng người mình yêu, qua cử chỉ, qua ngôn từ thì tình yêu tự nó được tinh luyện trở thành những cái bóng không thể thiếu. Nó được đặt trong một góc kín rất thâm sâu rất trân trọng trong tâm khảm của chúng ta.
Tôi và Hoàng cũng không ra ngoài quỹ đạo ấy. Cái bóng mà chúng tôi tạo cho nhau bằng những kỷ niệm êm đềm, ngây thơ, duyên dáng, bằng những cử chỉ vô cùng lãng mạn, e thẹn, trong sáng, bằng những ngôn từ âu yếm, dịu dàng, bao dung”. (Mộng Và Thực, tr. 106).

Thơ Vương Nhân, như nhận định của Giáo sư Duy Khang Đinh Khang Hoạt: Nội dung cũng giống như bao thi sĩ khác đều viết lên tình yêu trai gái muôn thuở, tình yêu đất nước, tình yêu xóm làng, nghĩa bạn bè, tình thầy trò, công ơn cha mẹ, vẻ đẹp thiên nhiên... (Dấu Xưa, Cội Nguồn 2005 tr.118)
Theo cảm nhận của chúng tôi, trong thi văn hợp tuyển này, thơ của Vương nhân từ hình thức đến nội dung có một bước đi xa hơn về kỹ thuật, âm điệu, thi ngữ, đề tài và sức truyền cảm thu hút.
Xin mời các bạn hãy cầm quyển sách lên để thưởng thức hết được vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt trong văn và trong thơ Vương Nhân.

SONG NHỊ
San Jose, Xuân Giáp Ngọ 2014


Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...