Saturday, April 19, 2014

Trương Vĩnh Ký - Thiên Tài Và Nhân Cách




Tác giả: LÊ TÙNG MINH
Tóm Lược Và Biên Tập: SONG NHỊ

Lời Tòa Soạn
Lê Tùng Minh quê ở tỉnh Sóc Trăng. Năm 1948 ông bỏ học tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1963 đậu bằng Phó Tiến sĩ Sử Học tại Hà Nội. Năm 1964 đươc đưa vào Nam hoạt động trong Cục tình báo R của CS. Một thời gian ngắn sau đó ông hồi chánh về với VNCH. Năm 1975 bị CS bắt, giam trong phòng tối suốt 15 năm. Năm 1991 được thả, thị lực của ông chỉ còn 10 đến 15%. Hiện ông phải dùng lính lúp khi đọc và viết (gõ bàn phím) bằng tay trái. Tay phải bị liệt. Với tình trạng sức khỏe, tuổi tác và thân bệnh như vậy, nhưng ông viết rất cần mẫn, cống hiến nhiều bài viết rất giá trị về lịch sử. Ông đã xuất bản cuốn PHAN BỘI CHÂU.
Trước 75 ông viết cho tạp chí Bách Khoa, tuần báo Văn Nghệ, nhật báo Chính Luận... Tại hải ngoại ông cộng tác với một số tờ báo Việt ngữ tại Mỹ và  Canada.
Tác giả Lê Tùng Minh cộng tác với tạp chí Nguồn từ năm 2006. Trong thời gian cộng tác với tạp chí Nguồn, tác giả gửi cho chúng tôi bản thảo Tác phẩm biên khảo: TRƯƠNG VĨNH KÝ VÀ LỊCH SỬ CỔ ĐẠI VN. Nhận thấy đây là một “pho sử liệu” phong phú, sưu tầm công phu và trình bày thuyết phục, tạp chí Nguồn xin giới thiệu với bạn đọc một phần nội dung của tác phẩm. Sau bài tóm lược này, chúng tôi sẽ phổ biến toàn tập tại địa chỉ: http://songnhicoinguon-thienly.blogspot. com/                (Trích tạp chí Nguồn số 54, tháng 1- 2014)

LỜI NÓI ĐẦU
 
Danh nhân Trương Vĩnh Ký là một nhân vật lịch sử mang tính đặc trưng trong lịch sử danh nhân của dân tộc Việt Nam, vào thời kỳ lịch sử mà nhà Cách mạng Dân chủ tiền phong Nguyễn An Ninh gọi là “Đêm Đen Thuộc Địa”!
Trương Vĩnh Ký trưởng thành trong sự nuôi dưỡng và giáo dục bởi nền văn hóa Thiên Chúa, do sự chăn dắt của Giáo Hội Phương Đông, đúng vào lúc các giáo sĩ phương Tây đang giúp cho chủ nghĩa thực dân Pháp tiến hành dọn đường xâm lược Việt Nam (1848-1859). 

Năm 1859, đúng lúc quân Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam, cũng là khi Trương Vĩnh Ký đã hoàn tất chương trình học tập văn hóa và tu học ở Trường Giáo Hoàng, tại đảo Polou Penang (Mã Lai). Nhưng Trương Vĩnh Ký đã từ chối công việc “phục vụ Chúa” do Giáo Hội Phương Đông sắp xếp. Trương Vĩnh Ký đã âm thầm trở về quê hương Nam kỳ Việt Nam giữa lúc đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp!

Trương Vĩnh Ký – nhà trí thức yêu nước thầm lặng, nhà văn hóa dân tộc vĩ đại, một Thiên Tài Việt Nam có đầy đủ nhân cách của một danh nhân trong lịch sử! Hơn trăm năm nay. kể từ sau ngày danh nhân Trương Vĩnh Ký lìa khỏi dương trần (1-9-1898), đã có biết bao lời khen và cũng không ít lời chê! Hơn 30 năm qua, nhờ có điều kiện nghiên cứu nhiều tư liệu gốc, và đọc được nhiều ý kiến của các học giả Đông-Tây về Trương Vĩnh Ký, chúng tôi nhận thấy sự thật về Thiên Tài và Nhân Cách của Danh Nhân họ Trương!  

Thực tế lịch sử đã minh chứng hùng hồn rằng: “Danh nhân Trương Vĩnh Ký là người có công lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc Việt Nam ở đầu thế kỷ XIX. Ông là một trí thức yêu nước chân chính, nhưng vì sống và hoạt động trong thời thế hỗn mang, vàng thau lẫn lộn, nên lòng yêu nước thầm lặng, tinh thần cứu nước, cứu dân của ông đã bị dư luận khắc nghiệt vùi lấp theo thời gian của “đêm trường nô lệ”! 
[Lê Tùng Minh/ Mùa Xuân 2006]                                                  

THÂN THẾ VÀ THỜI ĐI HỌC
1.
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 16 tháng Chạp năm Đinh Dậu (1837), tại ấp Cái Mơn, làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lệ, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (ngày nay thuộc tỉnh Bến Tre). Thân phụ là ông Trương Chánh Thi, một võ quan phục vụ cả hai triều vua - Minh Mạng và Thiệu Trị, đã qua đời vì bạo bệnh năm 1840, khi đang làm sứ thần của triều Nguyễn bên cạnh vua Cao Miên ở Nam Vang. Lúc ấy Trương Vĩnh Ký mới lên 3 tuổi. (1)
Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu, người đàn bà hiền thục, chuyên lo công việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái. Khi lên 9 tuổi (1846), Trương Vĩnh Ký được mẹ cho vô đạo Thiên Chúa, mang tên rửa tội là JEAN BAPTISTE, còn có thêm tên thánh là PÉTRUS, nên sau này thường được gọi là PÉTRUS KÝ. Pétrus Ký đã được học chữ Nho với một ông thày đồ ở trong làng từ lúc 5 tuổi (1842).

Năm 1848, Trương Vĩnh Ký được xứ đạo Cái Nhum đưa sang Cao Miên, đến thủ đô Nam Vang, để vào học trong chủng viện Pinhalu, nơi thu nhận, đào tạo chủng sinh từ Trung Hoa, Xiêm La (Thailand) và ba nước Việt Miên Lào.
Sau ba năm theo học ở chủng viện Pinhalu, Trương Vĩnh Ký đã nói thông thạo trong giao dịch thông thường, bằng  năm thứ tiếng Việt, Hoa, Miên, Lào, Thái!

Năm lên 14 tuổi (1851), Trương Vĩnh Ký đã hoàn tất các lớp học của chủng viện Pinhalu, và tốt nghiệp với hạng ưu tú (Excellence). Hội Đồng Giáo Phẩm của giáo phận Cái Nhum đã quyết định cấp dưỡng cho Trương Vĩnh Ký đi học tiếp, lên cấp cao hơn, ở Giáo Hoàng Chủng viện (Roman Catholic Collège) tại đảo Poulo Penang, ngoài khơi Ấn Độ Dương, thuộc quyền cai trị của Anh Quốc. 
Cuộc hành trình từ Cái Nhum lên Bến Nghé (Sàigòn), đến đảo Poulo Penang, của Trương Vĩnh Ký là một hành trình đầy gian nan, vì đây là một cuộc trốn chạy chính sách kỳ thị tôn giáo và khủng bố dân theo đạo Thiên Chúa của triều đình Huế. Trương Vĩnh Ký càng khốn khổ hơn vì đã bị bọn quan lại địa phương chụp cho cái tội là “làm gián điệp cho Pháp, là tên đại Việt gian cần phải tru di cửu tộc” (2)

Pétrus Ký, Một Thiên Tài Ngôn Ngữ
Trong 8 năm làm “tu sinh” tại trường Nhà Chung nổi tiếng một thời ở Viễn Đông (Seminaire Général des Missions Étrangères en Extrême Orient), từ năm 1852-1859 - tức năm 15 tuổi đến năm 22 tuổi - Trương Vĩnh Ký đã tích lũy môt khối kiến thức lớn lao của nhân loại văn minh: Thần học, Triết học, Ngôn ngữ Hy Lạp (Latin), và nhiều bộ môn khoa học khác...
Trong một kỳ thi luận văn bằng chữ Latin, với đề tài: “Le Fils de L’homme est-il Dieu?” (Đức Gia Tô có phải là Chúa không?), Trương Vĩnh Ký đã được chấm đậu giải nhất trên tổng số hơn 300 tu sinh.        

Tại Poulo Penang, ngoài những ngôn ngữ do nhà trường giảng dạy, Trương Vĩnh Ký đã tự học thêm một số ngôn ngữ khác như Anh ngữ, Nhật ngữ... và cả tiếng Hindu nữa. Trương Vĩnh Ký đã bước lên đài danh vọng, và được cả văn giới quốc tế ngưỡng mộ là một Thiên Tài Ngôn Ngữ!

2. Việt Nam Mở Đầu Thời Kỳ
Bị Đô Hộ
Năm 1847, Tự Đức lên ngôi vua   cũng là năm đầu tiên quân xâm lược Pháp liên tiếp đưa tàu chiến đến bắn phá cửa biển Đà Nẵng, châm ngòi lửa chiến tranh xâm lăng đất nước Việt Nam! 
Cuộc Cách mạng Tư sản Pháp bùng nổ năm 1848, và đế chế thứ II của vương triều Napoléon được thành lập vào năm 1852, tuy kế hoạch đánh chiếm Việt Nam của thực dân Pháp có bị chậm lại.... Nhưng, công cuộc xâm lăng Việït Nam sau đó, càng được thực dân Pháp chuẩn bị khẩn trương hơn.
Giữa thế kỷ XIX, các giáo sĩ Pháp, như Giám mục Retord, Giám mục Pellerin... đã hối thúc Napoléon đệ III phải “gấp rút xua quân chiếm lấy Việt Nam” (3)
Đầu năm 1857, Napoléon III đã cho thành lập “Ủy Ban Nghiên Cứu Vấn Đề Việt Nam”, và đưa ra quyết định tiến hành gấp rút cuộc xâm lược!

Năm 1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam, lấy lý do “Triều đình Huế ngược đãi các giáo sĩ và cự tuyệt không nhận quốc thư của chính phủ Pháp đòi cho thương nhân Pháp tự do buôn bán trên xứ Annam.”
Đúng vào lúc tổ quốc đang lâm nguy, thì bà Nguyễn Thị Châu - mẹ của Trương Vĩnh Ký đã trút hơi thở cuối cùng, không chờ được đứa con trai thân yêu từ Poulo Pénang trở về (!)
Nhận hung tin mẹ già qua đời, cùng với tin quân Pháp đang tấn công Đà Nẵng (31-8-1858). Thay vì sang Pháp theo sự khuyến dụ của Giáo Hội Phương Đông, Trương Vĩnh Ký quyết định không chấp nhận sự sắp xếp của Giáo Hội Phương Đông, theo tiếng gọi của con tim ông âm thầm trở về quê hương!

Mục đích cao cả của Trương Vĩnh Ký khi trở về quê hương Cái Mơn là đem vốn liếng kiến thức văn hóa đã học được để giúp đời, đào tạo nhân tài cho đất nước. Trương Vĩnh Ký bắt tay ngay vào công việc dựng trường, mở lớp để dạy học cho những đứa trẻ con của dân nghèo ở Cái Mơn.
Phải chăng chí sĩ Bùi Hữu Nghĩa, bằng những câu thơ tâm huyết sau đây, đã nói thay tâm trạng của Trương Vĩnh Ký, ở vào thời điểm lịch sử 1859, rằng:

“Ai khiến thằng Tây tới vậy hả?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba!
Hẳn hoi ít mặt đền non nước,
Nháo nhác nhiều tay bạân việc nhà.
...............

Nam Kỳ chỉ thiếu người trung nghĩa,
Báo quốc Cần vương để một ta.”

Muốn hiểu tấm lòng yêu nước chân chính của Trương Vĩnh Ký, phải nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp Văn chương, Y hóa, Giáo dục và Chính trị, Xã hội của ông, chúng ta mới nhận ra chân giá trị của một trái tim yêu nước và tinh thần cứu nước thầm lặng của Trương Vĩnh Ký!
Sau này, khi viết về lịch sử nhà Nguyễn, Trương Vĩnh Ký đã có ý kiến nhận xét xác đáng như sau: “Gia Long thống nhất đất nước đấy, nhưng ông làm bá chủ xứ sở hoang tàn. Dầu vậy, đất nước vẫn còn khả năng trở thành giàu có, vì tài nguyên phong phú, nếu có một chánh quyền sáng suốt biết lo cho dân. Tiếc thay, sự cố chấp mù quáng của các vua triều Nguyễn đã làm mất Nam kỳ, nền hành chánh bê bối của họ đã làm mất lòng dân...”(16)

Tháng 12-1859, đô đốc R. de Genouilly, chỉ huy quân xâm lược Pháp, sau khi chiếm đóng khu vực Sàigòn; hắn quyết định lấn chiếm toàn bộ khu vực Chợ Lớn. Để thiết lập bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại hai thành phố đầu não của xứ Nam Kỳ, Genouilly qua tiến cử của Giám mục Lefebvre, Pétrus Trương Vĩnh Ký, vì tình thế bắt buộc, vì cuộc sống và nhất là vì sự nghiệp văn hóa-giáo dục của dân tộc trong tương lai, đã nhận làm Thông ngôn cho Soái phủ Pháp tại Sàigòn.
Năm 1862 giữa lúc phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ đang dâng cao, tiêu biểu là cuộc Kháng Chiến do Trương Định lãnh đạo! Cũng là lúc Thực Dân Pháp đang trong cơn lúng túng trước sự thất bại ở Méhico, cộng thêm sự hao tài tốn của trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc và Việt Nam thì triều đình Tự Đức lại vội vã ký Hiệp ước giao 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa-Gia Đinh-Định Tường) và đảo Côn Lôn cho thực dân Pháp.

Đau nỗi đau cắt đất nhượng quyền cho thực dân Pháp của triều đình Huế, (Hiệp ước ngày 5-6-1862), Cử nhân Phan Văn Trị đã phải cảm thán, thốt lên rằng:

“Tan nhà cảm nỗi câu ly hận,
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa”

Cũng từ sau bước ngoặt lịch sử này, Trương Vĩnh Ký đã thực sự bước vào con
đường chính trị bất đắc dĩ! Do Lễ Bộ Thượng Thư Phan Thanh Giản đề cử, vua Tự Đức đã chọn Trương Vĩnh Ký làm thành viên thông ngôn của phái bộ của triều đình Huế sang Pháp, để thương lượng việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Phái bộ của triều đình Huế do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Tả Tham Tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ làm Phó sứ, Trương Vĩnh Ký, thành viên đàm phán kiêm Thông ngôn. Phái đoàn đáp tàu Européen của Pháp vào ngày 4-7-1863, rời bến cảng Sàigòn. Ngày 11-9-1863 tàu cặp bến cảng Marseille. Hai ngày sau (13-9-1863) phái bộ của Phan Thanh Giản đến thủ đô Paris. Nhưng mãi đến ngày 7-10-1863, Hoàng đế Napoléon III mới cho phép phái bộ Việt Nam vào yết kiến tại Điện Tuilleries và trình quốc thư của vua Tự Đức.

Trong buổi tiếp kiến phái bộ Việt Nam, Trương Vĩnh Ký “đã dịch trực tiếp lời phát biểu của Phan Thanh Giản, thành một bài diễn văn có sức cảm hóa mạnh, đến nỗi đã thuyết phục được hoàng đế Napoléon Đệ III gật đầu chấp nhận, hứa sẽ cử phái đoàn Pháp sang triều đình Huế để ký một hiệp ước mới!”

Trương Vĩnh Ký đã được Hoàng đế Napoléon III và các triều thần Pháp hết lời khen ngợi về thái độ nhã nhặn, khiêm tốn, nói năng lễ độ, mực thước, nhưng với một phong thái bình tĩnh, chủ động, nói tiếng Pháp trôi chảy và tinh thông như trí thức Pháp chính cống. 

Trong chuyến đi ngoại giao lịch sử này, Trương Vĩnh Ký có cơ hội tiếp xúc với với các nhà văn hóa, giáo dục, các chính khách nổi tiếng của Pháp như văn hào Victor Hugo, Ernest Renan... Littré và Paul Bert...

Sau khi về nước ông vẫn viết thư qua lại bàn luận văn chương với đại văn hào Victor Hugo, viết thư trao đổi về công việc biên soạn Tự Điển với nhà Tự Điển học Littré, viết thư trao đổi các vấn đề về Tôn giáo với nhà nghiên cứu Tôn giáo Ernest Renan. Đặc biệt đối với nhà Giáo dục học và Nghiên cứu Chính trị - Paul Bert, Trương Vĩnh Ký không chỉ thường xuyên viết thư trao đổi về Giáo dục, mà còn luận bàn về Chính trị... Qua đó Trương Vĩnh Ký đã khẳng định được tài năng văn hóa và chỗ đứng của ông trong văn giới quốc tế!

Trong thời gian 8 tháng công du Âu Châu (7-1863/ 3-1864), phái bộ của Phan Thanh Giản đã đi thăm các thành thị nổi tiếng của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tại La Mã, phái bộ của Phan Thanh Giản đã được Giáo Hoàng tiếp kiến một cách thân mật. Nhờ có Trương Vĩnh Ký am tường văn hóa Thiên Chúa giáo và thông thạo Latin ngữ, nên không trở ngại khi tiếp xúc với Giáo Hoàng!

Với Trương Vĩnh Ký, chuyến công du ấy là một cơ may đem lại cho ông nhiều điều thích thú và lợi ích để đời. Ông đã viết trong “Nhật ký những sự việc xảy ra trong đời”, rằng: “Trong dịp đó, tôi trở về nước với một tâm hồn sung sướng vô cùng. Thành phố Ba Lê, một đô thị uy nghi nhất hoàn cầu mà tôi có dịp thăm viếng vào năm 1863, và tôi cũng đã có dịp gặp gỡ nhiều thân hữu danh tiếng và bác học, nhất là trong giới văn học và khoa học... Sau những lần gặp gỡ và trao đổi cao quí đó, tôi đã thu thập được nhiêu khinh nghiệm và nhiều kiến thức.”(4)

Cuộc đời của Trương Vĩnh Ký gắn liền với giòng lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam, trước cuộc xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp!
Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định-Định Tường-Biên Hòa) Đến trung tuần tháng Sáu 1864 - ngày 21-6-1864, một phái đoàn Pháp đến Huế, Aubaret và Phan Thanh Giản ký hòa ước trả lại ba tỉnh miền Đông, nhưng cuối cùng chính phủ Pháp nuốt lời hứa, không phê chuẩn hòa ước vừa ký; đồng thời, quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long-An Giang-Hà Tiên).
Trước sự tráo trở của thực dân Pháp, Hiệp Biện Đại Học Sĩ Phan Thanh Giản cất tiếng than:

“Cũng tưởng một lời yên bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.” (5)

Nhà chí sĩ họ Phan ôm nỗi khổ đau và lòng yêu nước mà chỉ có những ai đồng tâm đồng chí như Trương Vĩnh Ký mới thấu hiểu! Bởi vậy, sau này khi nhận xét về việc tự tử của cụ Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký đã viết như sau: “Ông Phan Lương Khê (6) nghĩ chẳng cần phải đổ máu cũng có thể thu hồi lại 3 tỉnh miền Đông, mà rồi đành phải mất luôn 3 tỉnh miền Tây, bởi vì ông biết cự không cự lại thì cam nuốt hận mà bàn giao ba tỉnh miền Tây cho Pháp Lang Sa để sanh linh khỏi bị đồ thán... Thương vì làm tôi vua đã hết lòng ngay, giúp việc nước đã hết sức bền, mà già không trót đời, chết không an phận, vì nước vì nhà mà quên sống.” (7)

Sự nghiệp giáo dục của Trương Vĩnh Ký bắt đầu.
Trước khi bước vào ngành giáo dục, trong ba năm (1866-1868) làm Trợ Bút rồi “Rédacteur” (Chủ Bút) cho tờ “Gia Định Báo”, Trương Vĩnh Ký đã khôn khéo lợi dụng tờ báo Việt ngữ này để nhắc lại truyền thống văn hóa, lịch sử dựng nước và cứu nước của dân tộc Việt! “Truyền bá chữ Quốc ngữ cho dân chúng Nam kỳ”. Do đó, tờ “Gia Định Báo” đã được người bản xứ (Nam kỳ) rất hoan nghênh, đặc biệt là giới có học!

Cùng hợp tác đắc lực với Trương Vĩnh Ký có những trí thức dân tộc như: Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trần Văn Khánh, Trần Văn Thông... Chính nhóm trí thức Nam kỳ này cùng với Trương Vĩnh Ký đã âm thầm tạo dựng nền tảng căn bản của nền văn hóa mới - nền văn hóa được chuyên chở bởi một thứ ngôn ngữ mới - Quốc ngữ!

Trước khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ... Trương Vĩnh Ký đã được Chính quyền Pháp ở Nam Kỳ, trong 3 năm, phong liên tiếp các chức vụ như sau:
- Giáo sư Trường Sư phạm Thuộc địa (1-1-1871)
- Chức “Huyện” (hàm) kiêm chức “Thư ký Hội Đồng Thành phố Chợ lớn” (1-6-1872)  
- Năm 1873, Giám Đốc Điều Hành Trường “Collège des Stagiaires” (Cao đẳng Tham Biêïn - tức trường Tham Biện Hậu Bổ).

Nếu các chức vụ trên đây của Trương Vĩnh Ký dính chặt với nền chính trị thuộc địa của thực dân Pháp, thì các các Danh Vị dưới đây (từ năm 1871) đã nâng Trương Vĩnh Ký lên tầm quốc tế trên lĩnh vực văn hóa - khoa học, như:
- Hội viên Hội Nhân Văn và Khoa Học vùng Tây Milé (Pháp)
- Hội Viên Hội Nhân Chủng Học (Pháp)
- Hội Viên Hội Giáo Dục Học (Pháp)
- Hội Viên Hội Á Châu Học (Pháp)
- Hội Viên Hội Địa Lý Học (Pháp)
- Thông Tín viên của Trường Ngôn Ngữ Á Đông (Pháp)

Ngay sau khi được phong danh vị Giáo sư, Trương Vĩnh Ký đã cho ra mắt hai cuốn Sách Giáo Khoa Ngôn Ngữ:
1/- “Abrégé de Grammaire Annamite” (Yếu lược về Văn phạm Annam)
2.- “Grammaire de la Langue Francaise” (Văn phạm tiếng Pháp). 
Trên đây, là 2 cuốn sách giáo khoa đầu tiên, làm nền tảng cho công việc giảng dạy hai ngôn ngữ Việt và Pháp, cho học viên Trường Cao đẳng Thông ngôn (gọi tắt là Trường Thông Ngôn). Học viên là người Việt học tiếng Pháp và người Pháp học tiếng Việt.

Có thể nói: Giáo sư Trương Vĩnh Ký là người trí thức Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đã được các Hội Văn hóa-Khoa học quốc tế mời tham gia nghiên cứu! Chính việc nghiên cứu văn hóa-khoa học mới là lý tưởng vĩ đại của nhà bác học Trương Vĩnh Ký, là niềm vinh dự lớn lao của dân tộc Việt Nam trong nền văn minh của nhân loại, vào những năm cuối thế kỷ XIX!
Cũng trong năm 1874, trong khi triều đình Huế cúi đầu chịu nhục, thì học giả Trương Vĩnh Ký đã đem lại vinh quang chưa từng có trong lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam từ trước đến cuối thế kỷ XIX.

Năm 1874, Tổ Chức Văn Hóa Quốc Tế đã bầu chọn nhà văn hóa Đông phương Pétrus Ký (khi ông vừa tròn 37 tuổi) vào trong danh sách “TOÀN CẦU BÁC HỌC DANH GIA”. Tên tuổi của Trương Vĩnh Ký đã được xếp vào hàng thứ 17 trong số 18 nhân vật mà thời ấy gọi là “Thế Giới Thập Bát Văn Hào”.   

---------------
CHÚ THÍCH:
1)- Theo “Pétrus J.B. Truong Vinh Ky (1837-1898) and dissemination of Quoc ngu” của Christine Nguyen, New York, December 26, 1995, trang 3 – thì cha của Pétrus Ký chết vào năm 1845, vào lúc P. Ký lên 8 tuổi (?)
2)- Có người cho biết: Sau này, ông Trương Vĩnh Ký đã có ghi lại cuộc hành trình gian nan này bằng bài thơ lục bát (?)
3)- Theo J. Marquet và J. Nord, trong “Loccupation du Tonkin Par la France (1873-1874) d’après les documents inédits” (Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ qua những tài liệu chưa công bố) B.S.E.I.  Saigon, 1936, XI, No. 1, p.105
- Xem thêm thư của giáo sĩ E. Hue gửi Napoléon III vào tháng 1-1857 (trong tác phẩm “La geste Francaise en Ondochine” của G. Taboulet, Paris, 1955, T.1, p.405).                 
4)- Lê Thanh, “Trương Vĩnh Ký” (biên khảo), Tân Dân xuất bản, Hànội, 1943.
5)- Phan Thanh Giản – “Khi tuyệt cốc” (thơ)
6)- Bút hiệu của Phan Thanh Giản.
7)- P. Trương Vĩnh Ký – “Phan Lương Khê tự thuật thế sự”, “Thông Loại Khóa Trình” số 9 , năm thứ hai, 9-1889.
= =


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...