Trong suốt dọc dài lịch sử Việt Nam, từ một nghìn năm trở
lại đây có hai vụ án được ghi chép, truyền tụng và nhắc nhở với tất cả mối
thương cảm, bất bình đến phẫn hận
.
Vào giữa thế kỉ thứ 15, Nguyễn Trãi, một nhà văn hóa và là
một chiến lược gia lỗi lạc, vị khai quốc công thần của dân tộc, cùng với dòng
họ ba đời, đã bị bức hại oan khiên trong vụ án Lệ Chi Viên, mà lý cớ là cái
chết của nhà vua trẻ Lê Thái Tông, 20 tuổi, băng hà trong một đêm khuya khoắt,
nơi vườn vải đất Kinh Bắc.
Và Thị Lộ, 30 tuổi, phu nhân của vị khai quốc công thần, với
tước vị Lễ Nghi Học sĩ, có mặt trên đường phò giá nhà vua về cung, đã bị khép
tội giêtÙ vua. Thời đại nào cũng vạây, cũng có bọn này, bọn gian thần trong
triều đình nhà Lê, đã giàn dựng vụ án tru di tam tộc dòng họ Nguyễn Trãi và từ
đó, đến mấy nghìn năm sau nữa, hậu thế khó có thể khuây nguôi nỗi bất bình đối
với triều đại nhà Lê...
Sáu trăm năm sau, ở thời đại chúng ta, vụ án Nhân Văn Giai
Phẩm, môt vụ án văn học làm kinh thiên động địa. Vụ án Văn Học này khởi đi từ
tập Giai Phẩm Mùa Xuân do nhà xuất bản Minh Đức ấn hành tháng 1 năm 1956 tại Hà
Nội. Tháng 8 năm 1956, trong một khóa học kéo dài 18 ngày do Hội Văn nghệ Việt
Nam tổ chức, các văn nghệ sĩ miền Bắc đã mạnh mẽ phê phán sự lãnh đạo khắc
nghiệt của nhà cầm quyền cộng sản, và đòi hỏi được tự do sáng tác.
Để đè bẹp đội ngũ những người cầm bút, dập tắt tiếng nói
bằng lương tri của giới văn nghệ sĩ, Trung ương đảng và giới cầm quyền đã đóng
cửa các tờ báo Nhân Văn, Trăm Hoa, và các tạp chí Giai Phẩm Mùa Đông, Giai Phẩm
Mùa Thu. Cuộc khủng bố trắng kéo dài trong suốt hai năm, đến năm 1958 thì có
304 văn nghệ sĩ đươc tập trung lại tại Thái Hà Ấp qua cái gọi là “khóa học tập
nghiên cứu”, mà mục đích là để tẩy não, răn đe và khống chế tư tưởng người cầm
bút. Sau đó một số nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, trí thức lần lượt bị bắt bớ, tù
đày, lao động cải tạo.
Hơn 40 năm sau, giờ đây chúng ta đã bước sang thế kỷ 21, một
thế kỉ mới mở đầu, những người từng sống qua thời kỳ đó, ký ức còn in hằn những
rung động xót xa. Thời gian lùi xa đã nửa đời người, mỗi lần nhắc đến, thế hệ
chúng ta hôm nay vẫn còn nhớ rõ tên từng người, những Trần Dần, Phùng Quán,
Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Quang Dũng, Văn Cao, Lê Đạt,
Tạ Hữu Thiện, Nguyễn Sáng, Phùng Cung, Sĩ Ngọc, Đặng Đình Hưng, Chu Ngọc... đó
là những tinh hoa đang mùa nở rộ của dân tộc đã bị thành kiến chính trị và
quyền uy độc tôn, làm thui chột, héo tàn.
Trong số những tài năng thuộc phong trào Trăm Hoa Đua Nở
Trên Đất Bắc đã để lại cho người, cho đời, cho kho tàng văn học nước nhà những
thơ văn giá trị, chúng tôi xin giới thiệu thi sĩ Hoàng Cầm, một trong số người
hiếm hoi còn ở lại với chúng ta đến hôm nay, cùng chúng ta và cả nhân loại đón
chào thiên niên kỉ mới.
Thi sĩ Hoàng Cầm là tác giả của những vở kịch thơ Hận Nam
Quan, Kiều Loan, Lên Đường, Cô Gái Nước Tần, Viễn Khách và những bài thơ, đã
đưa tên tuổi ông đi vào bất tử như: Đêm Liên Hoan, Bên Kia Sông Đuống, Lá Diêu
Bông, và nhiều, rất nhiều bài thơ khác nữa. Ngoài những vở kịch thơ viết trong
khoảng thập niên 40, mãi đến 50 năm sau ông mới ấn hành được thêm bốn tập thơ
khác: Men Đá Vàng (1988), Mưa thuận thành
(1990), Lá Diêu Bông (1991), 99 Tình Khúc (1995).
Kiều Loan là vở kịch thơ có nội dung ca ngợi những lý tưởng
xã hội cao đẹp của Tây Sơn, thông qua một bi kịch gia đình. Vở kịch được khởi
viết từ năm 1942 khi tác giả vừa tròn 20 tuổi, và viết xong trước năm 1945. Vở
kịch được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 11 năm 1946 tại Nhà Hát
lớn, Hà Nội.
Kiều Loan là đứa con tinh thần, và cũng là đứa con máu thịt
của nhà thơ. Nghệ sĩ Tuyết khanh, người thủ vai Kiều Loan của vở kịch, những
năm sau là phu nhân của nhà thơ, và ông bà đã đặt tên cho ái nữ, đứa con đầu
lòng là Kiều Loan.
Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cùng với
lớp thanh niên nhiệt tình yêu nước, Hoàng Cầm đi theo kháng chiến, năm 1954 thi
sĩ trở về Hà Nội thì vợ con đã theo dòng người tìm tự do, di cư vào Nam.
Năm 1975, thêm một khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử đất
nước, cơn lốc chính trị cuốn theo định mệnh của mỗi gia đình và mỗi con người.
Khi nước nhà thống nhất, cũng là lúc, sự
tan hợp bẽ bàng đến với biết bao gia đình. Sau hơn 20 năm chờ đợi một ngày, thì
ngày đó nữ sĩ Tuyết Khanh đã theo dòng người di tản ra nước ngoài. Kiều Loan
kẹt lại sống lao đao giữa một xã hội nhập nhòe tranh tối tranh sáng, mãi tới 6
năm sau cô mới vượt biên đến được bến bờ tự do.
Kiều Loan đến Mỹ, như một cơ duyên, vở Kiều Loan cũng đã
“nhập cảnh” Hoa Kỳ và đã xuất hiện trên sân khấu hải ngoại, với sự khuyến
khích, nâng đỡ của nữ sĩ Tuyết Khanh và nhạc sĩ Phạm Duy, cùng sự đóng góp
nhiệt tình của đạo diễn Nguyễn Công và các văn nghệ sĩ khác.
Kiều Loan đã thành công. Vở diễn được sự đón nhận nồng nhiệt
của mọi tầng lớp khán giả. Từ đó vở kịch thơ Kiều Loan của tác giả Hoàng Cầm
được hâm mộ nhắc nhở; và ái nữ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm cũng bước vào
diễn đàn nghệ thuật, đảm nhận vai trò của một nữ nghệ sĩ diễn xuất, nổi bật
nhất là giọng ngâm thơ truyền cảm, thu hút tâm hồn người nghe.
Khi được hỏi về vở kịch Kiều Loan, Hoàng Cầm đưa hai tay lên
trời mà than: “Định mệnh! Vở kịch đã vận vào cả cuộc đời, kinh quá!”
Có một quan điểm xưa nay vẫn cho rằng thơ vận vào người.
Thực ra đó chỉ là hệ luận của tính thần giao cách cảm, với thời gian và sự kiện
mà chỉ ở một số người nào đó bắt đươc “làn sóng” này. Chúng tôi gọi đó là khả
năng tiên tri của một nhà thơ, của một thi sĩ. Thi sĩ Hoàng Cầm đã “thấy”
trước, thấy rất rõ, hay đúng hơn, ông đã tiên tri được cuộc đời của ông, và của
cả đất nước hôm nay, cách đây gần 60 năm, khi ông viết vở kịch Kiều Loan:
Kiều Loan ơi khi mưa rụng đầu non
Quê hương ấy mịt mù bao tâm sự
(trích màn I vở Kiều Loan)
Hoặc lớn lao hơn, phổ quát hơn, về đất nước, và con người
hôm nay:
Hỡi ai múa kiếm trên lưng ngựa
Giờ đã nằm yên dưới suối vàng
Chí lớn từ xưa chôn chặt đất
Riêng đàn đom đóm lại thênh thang
(trích màn
II vở Kiều Loan)
Chúng ta đón xuân năm mới Canh Thìn ở thời điểm mở đầu một
kỉ nguyên mới của nhân loại, từ chặng đường này nhìn về, giữa thế kỉ thứ 19,
Cao Bá Quát đã cất tiếng than bi ai, nhưng ngạo nghễ, như nhổ vào mặt bạo
quyền, trước khi lên đoạn đầu đài, cùng với dòng họ ba đời bị tru di tam tộc:
Ba hồi trống giục đù cha kiếp
Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời
Và Nguyễn Công Trứ, một thi sĩ với chí nam nhi hào hùng, một
công thần của chế độ cũng đã cất tiếng than mỉa mai chua chát:
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch
Người quân tử ăn chẳng cầu no
Rồi đến Tú Xương từ cuối thế kỉ thứ 19 sang đầu thế kỉ 20 đã
vẽ lên bức chân dung của chính mình:
Một phường rách rưới con như bố
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng
Cùng thời với Tú Xương là Nguyễn Khuyến, vị Tam nguyên Yên
Đổ của thời đại, lúc bấy giờ cũng không thoát ra ngoài cái thân phận chung của
giới sĩ phu nghèo túng:
Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi
Lịch sử là một cuộc tái diễn không ngừng, đến giữa thế kỉ
20, cho tới khi thế kỉ này, đếm bước cuối cùng, với sự tiến bộ vượt bậc về mọi
mặt của nhân loại, thì thân phận của những kẻ sĩ thời đại vẫn không có một chút
mảy may thay đổi nào. Hình ảnh của những thi sĩ, của những sĩ phu thế kỉ 19
cũng là hình ảnh của giới kẻ sĩ Bắc Hà vào giữa thế kỉ 20 mà tiêu biểu là những
nhà văn, nhà thơ trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm.
Hoàng Cầm, một nạn nhân trong phong trào Trăm Hoa Đua Nở
Trên Đất Bắc(*), từ khí phách và hào khí ngất trời của một chàng thanh niên yêu
nước, đi theo kháng chiến, rồi đã trở về với hình ảnh tiều tụy, xác xơ, sau
những khống chế, cách ly, tẩy não, treo bút, tù đày.
Sau lần ra tù mới nhất vào năm 1982, người thĩ sĩ tài hoa
này chỉ còn là một thân xác già nua bệnh hoạn, với một tâm hồn chán chường đến
điên loạn. Nhờ vào sự xoa dịu của thời gian và sự an ủi của người thân, bạn
hữu, Hoàng Cầm đã đứng dậy được và ông đã tiếp tục vịn thơ mà đi, mà tồn tại
với năm tác phẩm, xuất bản vào đầu thập niên 90.
Vở kịch thơ Kiều Loan mở đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của thi
sĩ Hoàng Cầm, tiếp sau đó là những bài thơ yêu nước. Bên Kia Sông Đuống, viết
năm 1948. Đây là một bài thơ chính khí nói lên cái khí phách của những chàng
trai thời loạn, đem chí tang bồng và lòng nhiệt thành hiến dâng cho quê hương,
dận tộc.
Bên Kia Sông Đuống nổi tiếng vì nó làm nôn nao lòng người,
không phải chỉ một thế hệ những năm 1950, mà hàng hàng thế hệ nối tiếp, mãi mãi
theo dòng lịch sử dân tộc, và lịch sử văn học nước nhà, bên cạnh Màu Tím Hoa
Sim của Hữu Loan, Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, Đôi Mắt người Sơn Tây của Quang
Dũng, Ông Bình Vôi của Phan Khôi... Bên Kia Sông Đuống, như nhận định của nhà
phê bình văn học Hoàng Tiến ở trong nước, đã làm Hoàng Cầm vinh quang, và cũng
đã làm Hoàng Cầm tai vạ.
BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong
kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tác về đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm thẻ đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em xột xoạt quần nâu
Bây giờ đi đâu? Về Đâu?
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Tràm chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu? Về Đâu?
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Dăm miếng cau khô
Mấy lọ phẩm hồng
Vài thếp giấy dầm hoen sương sớm
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gãy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc
Tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp bên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu?
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu díu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quay tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc giày vò những nét môi xinh
Đã có đất này chép tội
Chúng ta không biết nguôi hờn
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai? – Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao lóe giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như xéo trên đống lửa
Mà cánh đồng ta còn chan chứa
Bao nhiêu nắng đẹp mùa xuân
Gió đưa tiếng hát về gần
Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa
Tiếng bà ru cháu buổi trưa
Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu
“À ơi... cha con chết trận từ lâu
Con càng khôn lớn càng sâu mối thù”
Tiếng em cắt cỏ hôm xưa
Hiu hiu gió rét mịt mù mưa bay
“Thân ta hoen ố vì mày
Hờn ta cùng với đất này dài lâu...”
Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau
Mẹ ơi! Đừng khóc nữa! Dạ con sầu
Cánh đồng im phăng phắc
Để con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
Vì nắng sắp lên rồi
Chân trời đa tỏ
Sông Đuống cuồn cuộn trôi
Để nó cuốn phăng ra bể
Bao nhiêu đồn giặc tơi bời
Bao nhiêu nước mắt
Bao nhiêu mồ hôi
Bao nhiêu bóng tối
Bao nhiêu nỗi đời
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
(Việt Bắc tháng 4-1948)
**
Song Nhị
San Jose tháng 7. 2009
(*) “Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc”, Hoàng Văn Chí, Sài Gòn
1959