Saturday, August 15, 2015

Ý KIẾN BẠN ĐỌC . TIẾNG NÓI DƯ LUẬN (3)



Nhà Văn PHONG THU

TIẾNG KÊU CỨU CỦA TÁC GIẢ “BIỂN ĐỎ”
HAY LÀ PHƯƠNG THỨC LY GIÁN CỦA BỘ NỘI VỤ HÀ NỘI?
                    
Ông Nguyễn Quang vì xót ruột với
đồng tiền bỏ ra hay có bàn tay sắt của CS Hà Nội?

Tiếng kêu cứu của tác giả Biển Đỏ Nguyễn Quang đã được phóng lên trên mạng lưới toàn cầu gây một chấn động lớn trong văn đàn hải ngoại. Và chẳng bao lâu tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồng xa. Dù rất bận nhưng tôi đã gọi điện thoại cho nhà thơ Song Nhị. Giọng anh xúc động, pha lẫn chua xót. Anh đã bị trúng thương rất nặng. Khi mở website Cội Nguồn, trang web chỉ còn duy nhất tiếng “Kêu Cứu” của Nguyễn Quang, tác giả tập truyện Biển Đỏ.

Lời kêu cứu nầy đúng vào thời điểm 30 tháng 4. Ngày đánh dấu những khúc quanh đau khổ và tang tóc của người Miền Nam Việt Nam. Và theo như quyển sách tác giả viết ông cũng là nạn nhân của chế độ CS phi nhân và là một người tù lương tâm đã bị cộng sản lưu đày hơn 17 năm tù. Có sự trùng hợp nào không? Nếu quan sát sự việc thì có hai vấn đề nổi cộm trong lá thư kêu cứu nầy:

Thứ nhất: Tất cả bài vở của CSTV Cội Nguồn đã biến mất.
Thứ hai: Wesite của CSTV Cội Nguồn đầy VIRUS.

 Trong lá thư ông Nguyễn Quang viết gởi cho tôi ngày 4 tháng 5 lúc 6:50 am (giờ VN), ông viết rằng: “Xin cảm ơn Bà về sự quan tâm đến webcoinguon, là một người phụ trách kỹ thuật trước đây, thú thật tôi không ngăn nổi virus mỗi khi nhận bài, bao nhiêu ổ đĩa cứng bị hư do virus, về sau tôi tìm chính trong chỗ lưu trữ của ông Song Nhị đầy các phim sex, có thể do ai gửi đến và thâm nhập vào máy cũng như các chương trình và tôi cũng cảnh báo ông ấy liên tục trong sự tế nhị này. Ở VN, ngay chính chỗ lưu trữ của ai, nếu là nhân vật quan trọng thì gọi là 'đại nhân dâm dục', còn bình dân với nhau gọi là những con quỹ râu xanh”.

Ít dòng để Bà rõ tình trang virus của coinguon, cái băng hoại nào cũng đến từ bên trong, như kinh Vô Úy Uẩn của nhà Phật đã nói”.

Tôi ở Mỹ gần 20 năm, chỉ học điện toán cũng sơ sài. Tôi chưa đủ trình độ tưởng tượng giỏi như ông Nguyễn Quang để giải thích chuyện virus tràn ngập máy điện toán. Nhưng tôi biết chính xác rằng khi tôi click vào WebsiteCoinguồn thì máy điện toán của tôi báo động có virus xâm nhập và tôi biết phải làm gì. Trò nầy chỉ dành cho bọn lưu manh, nhỏ nhen, hèn hạ. Ăn được thì hả hê, ăn không được thì toa rập với những bọn tiểu nhân, tàn độc đạp đổ. Tôi thành thật khen ngợi ông đã có cách biện luận và lý giải sự việc có lồng vào thí dụ về các phim sex y hệt ông viết những chuyện về nhà tù có nhân vật thật cao thượng, đạo đức mang tên Thiện Nam.

Ai đã nhúng tay vào sự việc nầy? Ông Nguyễn Quang vì xót ruột với đồng tiền bỏ ra chưa thu lại được như mong muốn hay có bàn tay sắt của CS Hà Nội? Một quyển sách viết về chế độ CS khủng khiếp như vậy mà CS đã để cho ông yên hay sao? Ông đã nhìn thấy Điếu Cày, Phạm thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghiã,Vũ Hùng, Phạm văn Trội, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài... đâu có ai viết sách tố cáo ghê gớm như ông.

Tại sao họ phải bị bắt vào tù? Hay ông là một người có vị trí quan trọng trong chính quyền CS Hà Nội. Và có thể ông là người đã được CS giao cho trọng trách là phải huỷ diệt CSTV Cội Nguồn? Ông trách ông Song Nhị không dám đến thăm hỏi Phạm Cung. Nhưng ông cũng hiểu rằng một người sĩ quan đã từng học tập cải tạo, làm biên tập cho một Tạp Chí chống cộng nổi tiếng đã in sách của ông, của bà Trần Khải Thanh Thuỷ thì việc về thăm gia đình phải hết sức thận trọng. May là ông Song Nhị không đi, nếu đi có thể bây giờ ông đã ngồi trong tù đếm lịch.

Tôi đã đọc Biển Đỏ. Đây là một quyển sách tố cáo bản chất chế độ cộng sản phi nhân đã đào tạo, sản sinh ra những con người mới XHCN có lòng tham không đáy, độc ác, đạo đức giả và chỉ biết nói láo. Và với thời gian 17 năm bị giam cầm trong ngục tối, Nguyễn Quang đã quan sát, chiêm
nghiệm, khái quát khá đầy đủ cảnh địa ngục trần gian của nhà tù cộng sản. Nhà tù của CS không phải cải tạo để cho con người trở nên tốt hơn mà nó huỷ diệt thể xác và tinh thần và biến con người trở thành thú vật.

Ở hải ngoại có rất nhiều người viết về nhà tù của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội. Nhưng chỉ có hai quyển sách mà tôi thấy cần phải đọc, phổ biến và dịch sang Anh Ngữ là “Tôi Phải Sống” của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ và “Thép Đen” của tác giả Đặng Chí Bình.  Biển Đỏ là quyển thứ 3 tôi được hân hạnh đọc do nhà thơ Song Nhị gởi sang tặng. Nguyễn Quang có lối viết triết lý, phê bình, gạn lọc. Người đọc cần phải có trình độ suy luận mới có thể hiểu được phương pháp viết của tác giả.

Khi đọc xong quyển sách, tôi không ngạc nhiên khi nhà thơ Song Nhị đã in quyển sách nầy.
Tôi quen nhà thơ Song Nhị trong một trường hợp khá hy hữu. Ông đọc một truyện ngắn của tôi đăng trên website Vietnam Review và viết những dòng ngắn ngủi rất chân tình muốn liên lạc tôi. Một người vô danh, tiểu tốt như tôi mà được một nhà thơ có tên tuổi chiếu cố cũng là một vinh hạnh.

Nhưng tôi vẫn chưa vội viết thư cho ông vì tôi thấy ông là một trong những người sáng lập ra CSTV Cội Nguồn. Những người cộng tác với ông là văn nghệ sĩ danh giá, nổi tiếng trong nhiều thập niên qua như nhà thơ Cung Diễm, Hà Thượng Nhân, Diên Nghị, Thanh Thương Hoàng. Nguyễn Trung Dũng, Triều Nghi, Đông Nghi, Du Sơn, Huệ Thu, Đỗ Bình, Diệu Tần, Nguyễn Văn Lục, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh...v..v... Tôi ngại và sợ người ta cho rằng mình muốn trèo đèo, dựa hơi những người nổi tiếng nên tôi lờ luôn.

Cho đến khi quyển sách “Viết Từ Hang Đá Nhỏ Lệ Cùng Dân” của Trần Khải Thanh Thuỷ ra đời, tôi mới nhận được một lá thư của nhà văn Song Nhị xin được đăng bài của tôi trong tạp chí Cội Nguồn. Tôi theo dõi tình hình của ông và cảm thông cho nỗi đau của ông. Vì anh em QGNT Heritage cũng đã bị Take2tango đánh phá một cánh bẩn thỉu và tàn độc.

Tôi từng nói với anh Song Nhị rằng ở hải ngoại không có nhà xuất bản nào bỏ công không ngồi sửa bản thảo, đem tiền đi in rồi ra mắt sách rồi gom tiền công không hết. Nhà xuất bản chỉ in cho những tác giả tiếng tăm và tặng họ 200 quyển sách làm tiền bản quyền. Thế thôi chấm hết. Tác giả muốn làm gì với 200 quyển sách đó thì làm. Muốn ra mắt sách, muốn bán, tặng tự ý, cứ bỏ tiền túi ra mà làm.

Ngay cả tôi, nếu ai bảo tôi ngồi bỏ công chùa ra làm vì lý tưởng chống cộng thì tôi sẽ nói “NO”. Thời gian đối với tôi là vàng bạc, không ai có thể lạm dụng để kiếm tiền trên mồ hôi của tôi. Ngày xưa khi tôi còn là cô bé 12 tuổi, tôi đã từng nghe thầy tôi, một thượng toạ Phật Giáo đã răn dạy một cách thực tế và chân tình về hai từ Lý Tưởng. Nó là một hố sâu thăm thẳm nằm sâu trong tâm trí của con người. Nó cũng là một vực thẳm mà ai té xuống cũng sẽ mất xác. Tôi không thích dùng những lời Phật dạy hay kinh thánh ra răn đe để rồi sống đạo đức giả. Có dịp tôi sẽ kể cho quý đọc giả nghe câu chuyện cuả thầy tôi.

Thời gian ở Mỹ  là vàng bạc. Và quan trọng hơn nếu người ta thu lợi được thì mình sẽ được khen là người tốt, ngược lại sẽ bị họ bắn một phát súng vào đầu. Thay vì ông Cung Diễm ngồi làm những bài thơ chua hay tuyệt cú mèo thì phải ngồi còng lưng sửa bản in? Ông Song Nhị thay vì in sách của chính ông thì lại phải biên tập cho ông Nguyễn Quang nào đó. Rồi Bà Triều Nghi, bà Ngọc Bích, Diễm Hương, Lê Diễm, các ông Trần Dật, Trần Hữu Từ phải vận động phát hành. Một công việc hết sức khó khăn mà thật sự là phải bỏ tiền túi ra ủng hộ. Thật lòng, tôi ganh tị với ông Nguyễn Quang vì Cội Nguồn chắc chắn sẽ từ chối in sách của tôi dù tôi viết không đến nỗi tồi lắm.

Khi tôi nghe anh Song Nhị nói với tôi rằng anh sẽ in quyển sách Biển Đỏ của một nhà văn trong nước tôi đã la lên (tôi là dân Miền Nam ruột để ngoài da): “Trời đất ơi! Anh bị một lần chưa tởn sao mà còn tiếp tục in với ấn. Lo làm CSTV Cội Nguồn thôi đã muốn chết rồi. Đừng có dính vô nữa. Lợi thì không thấy chỉ thấy lãnh đạn”. Anh nhỏ nhẹ trả lời với tôi rằng “quyển sách đáng đọc lắm PT. Tôi cố gắng giúp ông ấy vì ông cũng là một người tù cải tạo như tôi”.

 Tôi thở ra và y như lời tôi cảnh cáo anh. Lòng tốt và nhiệt tâm của anh đã hại anh. Lần nầy, CSTV Cội Nguồn bị trúng tên tẩm độc. Chết chùm một đám. Như lời chị Ngọc Bích nói “Song Nhị đã tự tay cầm dao cắt cổ của mình”.

Khi đọc bản tin Kêu Cứu số 1, tôi vẫn còn nghi ngờ và hy vọng lá thư nầy không phải là của ông Nguyễn Quang. Bởi với trình độ nhận thức, với lời văn ông viết, với đức độ trong sáng mà ông tạo dựng nhân vật Thiện Nam hay chính là tác giả thì ông phải là người cao thượng, biết suy nghĩ, biết cư xử, xem trọng tình bạn, biết ơn người đã giúp đỡ mình, biết sống và xem nhẹ đồng tiền. Ngược lại nếu ông là tác giả của hai lá thư “Kêu Cứu” thì quyển sách nầy sẽ trở thành vô nghĩa. Nó không xứng đáng để mọi người đọc và nó phản ánh bản chất cuả một người thiếu suy xét, nông cạn, háo danh và ham tiền.

Thật lòng tôi không biết ông là ai vì tôi chưa bao giờ nghe ai nhắc đến tên ông dù chỉ một lần. Tôi chỉ biết nhóm 8604 với “đoá hồng thép - Lê Thị Công Nhân”, Nguyễn Văn Đài, dũng cảm và can trường, LM Nguyễn Văn Lý ba lần bị bắt và tù tội, với Đỗ Nam Hải, Điếu Cày... tên tuổi của họ có gây cho đồng bào hải ngoại một ấn tượng khó quên. Nếu họ viết lại những ngày gian lao trong tù thì tôi tin rằng sách của họ sẽ trở thành best seller.

Tên tuổi của ông đã được nhiều người biết đến nhờ CSTV Cội Nguồn. Và với tài năng của ông, tôi tin rằng trong một thời gian không xa ông sẽ thành công. Người Việt hải ngoại rất kén chọn đọc sách. Họ say mê đi tìm con đường cứu cánh cho dân tộc Việt Nam. Họ thao thức với nỗi đau của
người dân thấp cổ bé họng nên họ sẽ đón nhận những tác phẩm nói về nỗi trầm luân của kiếp làm người dưới chế độ cộng sản Hà Nội. Ông đã có một kinh nghiệm dày đặc, có tâm huyết và có kiến thức và rồi đây người Việt hải ngoại sẽ đứng bên cạnh ông, tặng cho ông nhiều vòng hoa và cả vật chất mà ông mong muốn.

Tôi xin nhấn mạnh với ông rằng “tấm lòng của họ rất rộng mở, hào phóng thương quê hương, tổ quốc nên bao nhiêu năm qua họ đã vực dậy, nuôi sống một chế cộng sản độc tài nghèo đói, dốt nát đến tận cùng” mà ông là một nhân chứng sống. Đó là một nghịch lý của những người từ chối sống dưới chế độ CS bất nhân nhưng lại không thể quên đi bà con ruột thịt, quê hương, tổ quốc.

 Ông đừng vì $1000 chưa kịp bán sách lấy lại mà đã phỉ báng bạn mình. Còn nếu ông than rằng ông Song Nhị lấy của ông $100 làm giấy bảo lãnh, thư mời thì cũng không đáng là bao. Và nếu tôi là ông Song Nhị, tôi cũng sẽ không bao giờ bỏ tiền vớ vẩn cho một người tôi mới vừa quen biết.

Anh Song Nhị và một số văn nghệ sĩ trong CSTV Cội Nguồn đã hưu trí từ lâu. Tôi thương CSTV Cội Nguồn nên lâu lâu gởi vài chục đồng cho anh in Tạp Chí. Anh làm gì có tiền để bảo bọc nhiều thứ cùng một lúc cho một người chưa hẳn đã là bạn nối khố của anh. Âu đó cũng là một bài học cho nhà thơ Song Nhị. Từ nay, ông nên sống ích kỷ, cuộn mình trong chăn rung đùi và uống cà phê, mệt thì đi ngủ, tập thể dục. Ông Song Nhị và ông Cung Diễm có buồn tình thì ngồi làm thơ rồi gởi cho tôi đọc. Tôi thích đọc thơ chua của ông Cung Diễm để hiểu thế thái nhân tình đen hơn mõm con chó mực.

Ở hải ngoại có rất nhiều người có tài và có tiếng tăm. Nhưng họ rất ngại in sách. Sách in ra bán không ai mua chỉ có đem đi tặng. Tặng nhiều khi người ta cũng không có thời gian để đọc và có khi bỏ vào thùng rác.

Ở Washington D.C có trên 200 ngàn người Việt Nam nhưng chỉ có một nhà sách duy nhất của BS Trần Long Hồ. Thị trường sách thu hẹp đáng báo động. Người Việt Nam ngày xưa mê đọc sách bao nhiêu thì ngày nay họ sợ sách bấy nhiêu. Người có tâm huyết và hoài bão lớn thì in sách ra để hy vọng bảo tồn tiếng Việt trên xứ lạ quê người và ghi lại một dấu ấn lịch sử về cuộc di dân đầy đau thương của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ 20. Họ không có mong ước kiếm tiền bằng cách bán sách.

Một buổi ra mắt sách rất công phu và tốn kém. Nó không dưới $1500. Ngày ra mắt sách Biển Đỏ mà CSTV Cội Nguồn bán được $750 là quý lắm. Có người bán chỉ được $100 mà thôi. Ông may mắn hơn nhiều người là được anh em văn nghệ sĩ tiếng tăm giúp đỡ. Như nhiều văn nghệ sĩ ở đây có muốn được CSTV Cội Nguồn in ấn không phải là chuyện dễ dàng.

Có thể ở Việt Nam ông là người có tầm cở nên viết sách giùm những người háo dánh và được trả tiền nhưng ở hải ngoại chiếc bóng của ông còn thấp thoáng đâu đó ở ngọn cây. Tôi và bạn bè tôi không biết ông là ai? Và kể từ hôm nay, khi bài viết nầy được tung trên khắp hoàn cầu. Những gì ông ấp ủ, tưởng tượng, mơ ước sẽ trôi theo dòng nước. Tiếc rằng cái duyên và lòng ngưỡng mộ của tôi đối với ông khi đọc Biển Đỏ đã tan biến. Tôi không trách ông nếu ông viết những lời đó vì bị bức bách, bị cưỡng chế. Nhưng nếu đó là chính lòng của ông viết ra thì Biển Đỏ đã trở thành một câu chuyện cười ra nước mắt mà những người hải ngoại sẽ ghi nhớ suốt đời.

Thật đáng buồn là từ nay sẽ không còn ai dám đưa bàn tay ra đón nhận, nuôi dưỡng những đứa con tinh thần từ trong nước.

Thưa ông Nguyễn Quang, thật lòng tôi không muốn dính vô câu chuyện của ông và CSTV Cội Nguồn nhưng thấy chuyện bất bình mà không ra tay là bất nhân, thấy người ta vu oan bạn của mình mà bình chân như vại là bất nghĩa nên tôi buộc lòng phải lên tiếng.

Và thưa ông, đây là bài viết đầu tiên và cuối cùng tôi dành cho ông.
Đáng tiếc thay!!

Phong Thu
Washington D.C, đêm 4 tháng 5 năm 2009
=


   


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...