T Ự A
VAI TRÒ VĂN NGHỆ SĨ
TRONG ƯỚC NGUYỆN CỐNG HIẾN SỰ THẬT
Tâm hồn, cốt cách một dân tộc biểu hiện qua nội hàm văn hóa
– Văn hóa đậm nét đặc thù. Dưới vòm văn hóa, văn học nghệ thuật là trụ cột
trung tâm, vai trò chủ đạo.
Văn học nghệ thuật hình thành bắt nguồn từ sinh hoạt xã hội.
Thực tế cuộc sống phơi trải rõ nét con người, chủ thể tác động, tổng hòa trong
tương quan nhân quả.
Không một ai đứng ngoài lề xã hội, lại đương nhiên nhận một
nghĩa vụ theo trí năng chính mình. Nhà kinh tế gắn bó với con số thống kê toán
học để nhận biết thành quả thu đạt, phát triển. Nhà chính trị cổ vũ, tuyên
truyền cho một lý tưởng, chủ nghĩa này, nọ. Nhà giáo dục giương cao tấm gương
soi rọi luân lý, đạo đức thánh thiện v.v…
Người nghệ sĩ, trong sinh hoạt xã hội được coi như một chứng
nhân, quan sát và khám phá dưới ánh sáng hiện thực, tự do.
Trải nghiệm thông suốt xã hội, lý và tình, chịu thử thách
giữa vô thường hệ lụy, nhà văn Song Nhị nắm bắt nhiều sự việc đáng quan tâm,
chia sẻ tình cảm cùng cảnh ngộ; đồng thời cũng là nguồn hứng khởi chân thành
cống hiến Sự Thật mà bất cứ nghệ sĩ chân chính nào cũng từng một lần ước mơ
thực hiện.
Tập hợp nhiều bài viết liên quan thời thế, con người, xã
hội, quá khứ lùi xa và hiện tại sôi nổi, tập sách đã nói lên nhiều điều đáng suy
gẫm.
Cổ nhân truyền tụng “Làm chính trị mà sai lầm, giết hại một
nước; Làm văn hóa mà sai lầm, giết hại muôn đời”. Văn hóa tồn tại trường cửu,
là ngọn đuốc soi chiếu tâm thức con người giữa mặt bằng đa diện của xã hội, chứ
không là chính trị, quân sự… cũng không phải là quyền lực, triều đại nào khác.
DIÊN NGHỊ
Tháng 4/2015
***
CHƯƠNG DẪN NHẬP
VÀI MẨU CHUYỆN RỜI
MỘT.
Nhà thơ Hà Thượng Nhân trong bài tựa cho tập thơ Tiếng Hờn
Chiến Mã của tôi, ông viết:
“... Mỗi con người, nhất là những người cầm bút đều có ít
nhiều kỷ niệm đáng trân trọng. Viết chính là để “trang trải nỗi lòng”. Con
người vốn là một con vật xã hội. Chúng ta ai cũng cần bạn bè, cần chia sẻ nỗi
ước mong, biến cái khoảnh khắc hết sức phù du và hữu hạn là cuộc đời thành một
cái gì trường cửu.
“Thơ đối với Song
Nhị, như một cái nghiệp. Mười chín, hai mươi tuổi đã làm thơ. Từ đó cho đến bây
giờ, do một sự ngẫu nhiên lạ lùng, dù ở học đường, dù trong quân ngũ, ở đâu
công việc của Song Nhị cũng gắn liền với báo chí, văn chương...”
**
Năm mươi năm sau, kể từ ngày tôi thực sự dính dáng vào
nghiệp viết lách, nhìn lại, quả đúng như tiền bối Hà Thượng Nhân đã nói.
Như một nghiệp dĩ, năm 1965, tại giảng đường Đại học Vạn
Hạnh, tôi được đề cử làm Trưởng Ban Báo chí Tổng Hội Sinh Viên. Mấy tháng sau
tôi được giao Chủ biên đặc san Xuân Văn Khoa Vạn Hạnh với sự góp mặt của Sinh
viên và các giáo sư của trường. Năm 1966, tôi được đề cử làm Chủ bút Bán nguyệt
san Hướng Đi SV Vạn Hạnh.
Tiếp đến, năm 1968 làm chủ bút đặc san Máu Lửa. Năm 1969 vào
quân trường tôi được mời vào Ban Báo Chí/ Biên tập viên Nguyệt san Bộ Binh. Ra
trường, biệt phái về cơ quan dân sự, tôi đang làm việc tại Sở TB Quốc Ngoại,
hơn nửa năm sau được điều về Sở An Ninh Nội Chính để chuẩn bị công việc ấn hành
một tờ nhật báo của chính quyền - nhật báo Quật Cường.
Định mệnh đẩy đưa từng bước như thế, tôi chẳng bao giờ nghĩ
đến, hay có dự tính.
Trước ngày khởi sự công tác cho tờ báo này, chúng tôi có một
buổi họp mặt trong một bữa cơm trưa tại nhà khách cơ quan, do Thiếu Tướng Nguyễn
Khắc Bình khoản đãi. Thực khách gồm một số nhân sự trong cơ quan và các ký giả
nhóm “Nồi Niêu Soong Chảo” (*) gồm Anh Quân, Trịnh Viết Thành và Hoàng An.
Trong bữa cơm, tướng Bình nói rõ mục đích “bữa cơm thân mật”
và chỉ thị “nhờ cậy” chúng tôi đảm trách một tờ nhật báo. Tướng Bình cho biết,
tờ báo được ấn hành dưới hình thức báo tư nhân, vốn do cổ đông đóng góp, có sự
hỗ trợ tài chánh của Phủ Tổng Thống. Giám đốc Trị Sự là chủ nhân nhà thuốc tây
Vườn Xoài (đường Trương Minh Giảng/ Lê Văn Sỹ), không là một giới chức dân
chính hay quân đội.
Việc đặt tên cho tờ báo, có nhiều tên được đề nghị, Tướng
Bình chọn Quật Cường, và chắc là vị tướng có đệ trình, thỉnh ý Tổng thống.
Tôi được cắt cử làm việc với ký giả Anh Quân tại một phòng,
thuê trên tầng lầu thứ tư khách sạn Mỹ Lệ (đường Gia Long, nay là Lý Tự Trọng, Saigon). Trong hai tháng, hai người chúng tôi phải hoàn
tất manchette tờ báo, trình bày hình thức và các tiết mục trên trang nhất. Chọn
lọc và phân bố các tiết mục cho 23 trang trong (số ra mắt có 24 trang). Phần
chính của manchette, quan trọng ở kiểu chữ và màu của tên tờ báo, phải mướn họa
sĩ vẽ. Bản vẽ và bản kẽm hoàn tất, trình thượng cấp, được chấp nhận. Tòa soạn
đã có một bộ phận thuê mướn và thiết trí phòng ốc làm việc cho ban biên tập, cũng
trên đường Gia Long, gần ngã Sáu SG. Tôi cùng vài ba viên chức cơ quan được cử
ra làm việc tại tòa soạn cùng với các ký giả Anh Quân, Trịnh Viết Thành, Hoàng
An và phóng viên Đường Thiên Lý (bên nhật báo Chính Luận).
Hai tháng sau, tôi được điều về cơ quan nhận Chủ Sự phòng
Báo Chí, thay thế Trung tá Châu Quan Sỹ. Ông Sỹ thuyên chuyển đi đâu tôi không
rõ. Nghe nói ông có bà con với bà Thiệu. Trước khi rời phòng Báo Chí, ông
được truy tặng một Chương Mỹ Bội Tinh của
Tổng Thống.
Cuối tháng 3-75, tôi và Nguyễn Việt Chước, anh bạn cùng khóa
Sĩ Quan Thủ Đức biệt phái về Phủ, nhận Nghị định thăng cấp Chánh Sự Vụ, theo
ngạch hành chánh, thay vì lên Đại úy, phải do Tổng Thống ký, phải chờ đợi và
khó khăn. Trước đó Bộ Tổng Tham Mưu đã có thông tư quy định những sĩ quan biệt
phái về hành chánh phải dừng lại ở cấp bậc Trung úy. Nghị định thăng cấp này
(và riêng tôi cũng có một Chương Mỹ Bội Tinh) sẽ công bố vào ngày 5 -5 - 75,
ngày thành lập Phủ Đặc Ủy, nhưng vào ngày đó tất cả chúng tôi thay vì nhận nghị
định thăng thưởng thì phải đến trình diện Việt Cộng.
hai
Trở lại chuyện về lại cơ quan nhận coi phòng Báo Chí, tôi
thật sự không bằng lòng, không vui, khi phải rời tòa soạn. Ông Giám đốc biết ý,
ông kêu tôi ra hành lang tầng Một của Phủ, ông quàng vai tôi, nói lời khuyến dụ
nhẹ nhàng: “chúng tôi biết các anh đã chọn nghề dạy học, nhưng nhu cầu cấp trên
đang cần các anh. Các sếp cần các anh làm việc. Anh nào muốn đi dạy có thể lấy
giờ dạy thêm”.
Sở dĩ ông Giám đốc đưa ra việc dạy học của chúng tôi, vì
ngay những tuần lễ đầu biệt phái về cơ quan, chúng tôi có ba người là giáo
chức, Nguyễn Việt Chước, Phạm Hữu Đàm và tôi, đã yêu cầu được trả về Bộ Giáo
Dục.
Cảm kích trước lời nói và cử chỉ của ông Giám đốc, có quyền
hành thực sự như một Thứ trưởng An ninh, tôi vui vẻ về phòng làm việc. Tôi nói,
“có quyền hành thực sự như một Thứ trưởng An ninh”, vì là một Trưởng Ban như
các Trưởng ban khác, nhưng chỉ ông Trưởng Ban A10 có tài xế, xe riêng, có một
Trung úy Cảnh sát thường phục, một Trung sĩ Biệt Động quân là body guard, xe
Jeep và xe Honda moto hộ tống khi đi công tác vào ban đêm. Có những lần mười một, mười hai giờ đêm, ông
phone về cơ quan bảo tôi gọi về nhà ông cho bà vợ ông biết, “Ông đi công tác,
đêm nay về trễ”.
Một dạo có tin ông sẽ sang Bộ Nội Vụ làm Thứ trưởng và có
người xầm xì nói, tôi sẽ là chánh văn phòng của ông. Đó chỉ là tin hành lang.
Có những việc tưởng như thật nhưng... “nghe qua rồi bỏ”. Một lần, vào khoảng
sau 11 giờ đêm, ông Trưởng ban cho tùy phái đến nhà gõ cửa, gọi tôi vào gặp
ông. Đến nơi ông hỏi tôi –Trước đây anh ở Lào mấy năm? Anh nói được tiếng Lào
phải không? Nếu anh sang Lào công tác dài hạn có gì trở ngại không? Ông còn nói
thêm: Anh mới cưới vợ, chắc xa nhà cũng nhớ? Nhưng mỗi năm được về phép một hai
lần, mỗi lần hai tuần lễ. Tôi chợt bất ngờ, hơi bối rối. Điều tôi nghĩ đến đầu
tiên là phải bỏ ngang mấy lớp tôi đang dạy ở Phan Sào Nam. Nhưng tôi đáp mà không suy
nghĩ: “Chắc không có gì trở ngại. Tôi hỏi ý nhà tôi rồi sẽ trả lời”.
Câu chuyện chỉ bằng ấy, nhưng phải vào cơ quan trình diện
lúc nửa đêm. Tôi tưởng như sắp sửa thu xếp hành lý đến nơi, nhưng một tuần rồi
hai tuần, một tháng rồi hai tháng trôi qua trong “im lặng dễ sợ”. Sau đó có tin
anh Lê Quang Pháp ở nha TB Quốc Ngoại đã “trúng tuyển”. Tôi thật sự lấy làm vui
vì được ở nhà và tiếp tục đến với các lớp học tôi đang phụ trách.
Chúng tôi đi dạy học là do “khẩu lệnh” cho phép của ông
Trưởng Ban. Hơn một tháng, sau khi được gợi ý, tôi đến trường Trung học Phan
Sào Nam, nơi tôi đã dạy học ở đó từ niên khóa 1966 - 1967, gặp ông Giám Học và
được nhà trường chia cho thời khóa biểu dạy 10 giờ mỗi tháng.
Về sau số giờ tôi phụ trách tăng lên gấp hai lần. Tôi tiếp
tục “nghiệp dư” này cho tới tháng 4-75. Nguyễn Việt Chước về dạy ở Trung học Lê
Bảo Tịnh, Phạm hữu Đàm về dạy trường Anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh.
Sở dĩ chúng tôi được phép và yên tâm đi dạy học, vì giờ làm
việc của chúng tôi không cố định trong 8 giờ hành chánh. Có những ngày tan sở,
tôi được lệnh ”ở lại có việc”. Có khi ra quán Bà Cả Đọi, trên đại lộ Nguyễn Huệ
ăn cơm, rồi trở vào làm việc đến mười hai giờ đêm, một giờ sáng. Những lần có
“biến”, tôi được chỉ thị ở lại suốt đêm (như lần bắt DB Nguyễn Tấn Đời, lần bắt
ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ tá Tổng Thống hay lần bắt Huỳnh Văn Trọng v.v.). Năm
1973, sau hiệp định Paris, phái đoàn Quốc Hội Mỹ đến Sài Gòn thẩm định tình
hình để... cúp 300 triệu Mỹ kim viện trợ, tôi phải thường trực 24 giờ nhiều
đêm. Những giờ “over time” này không được trả lương phụ trội.
ba
**
Trước khi rời tòa soạn tôi đã nhận phụ trách mục THƠ và mục Chuyện Phiếm. Sau đó tờ báo mở thêm
trang Dịch Thuật, Văn Hóa Xã Hội, thù lao 100 ngàn cho trang báo, mỗi người 25
ngàn, trong khi lương Trung úy với phụ cấp chức vụ, phụ cấp đắt đỏ tôi chỉ lãnh
hơn 32 ngàn/tháng. Anh chủ nhiệm mời tôi, bốn người chia nhau viết. Sau mấy
tháng vừa viết báo, vừa dạy học, vừa làm việc tại cơ quan, tôi dần dần thấm
mệt, bèn xin anh chủ nhiệm tìm người thay thế tôi trong trang dịch thuật và mục
Chuyện Phiếm. Anh chủ nhiệm nói với tôi rằng, khi tôi rời tòa soạn là đã xa
nhau, có khi một hai tháng không gặp lại. Trang báo là nơi để anh em hàng tuần
gặp nhau (nộp bài và lãnh lương, ra quán ngồi “lai rai” với nhau. Ngày nào kẹt
quá anh ấy sẽ viết giùm tôi. Nể bạn, tôi tiếp tục cố gắng cho đến ngày tòa soạn
bị... giải phóng.
Quật Cường là tờ báo của chính quyền, nhưng không có Tổng Biên Tập quyền hành ghê gớm như báo
Nhân Dân của Hà Nội. Cũng có một “Giám đốc chính trị” ở cách xa tòa soạn, quyền
hành trên chủ bút, cử một “phụ tá chính trị” ngồi ở tòa báo làm việc với Ban
Biên tập. Cùng là anh em với nhau nên rất thoải mái. Tôi nói “Giám đốc chính
trị”, nhưng thật ra không hề có danh xưng này và chỉ vài ba người trong tòa
soạn biết có “nhân vật” này thôi. Khi có một vấn đề thời sự nóng bỏng nào đó,
chính quyền cần lên tiếng, thỉnh thoảng nhân vật này kêu tôi viết bài xã luận
cho tờ báo. Chẳng hạn khi chính phủ VNCH tố cáo Hoàng thân Sihanouk cho Hà Nội
sử dụng lãnh thổ Cambode chuyển quân và vũ khí vào miền Nam VN, Sihanouk chối
và còn tố ngược VNCH xâm phạm chủ quyền Cambode, Tổng Thống Charlles de Gaulle
và thủ tướng Pháp Pompidou lên tiếng bênh vực Cambode, tôi được yêu cầu viết
một bài xã luận cho đề tài này. Môt lần khác, TT Nguyễn Văn Thiệu trên đường từ
Hoa Kỳ về ghé châu Âu, muốn yết kiến thủ tướng Đức nhưng ông Willy Brandt không
tiếp, tôi lại được chỉ định viết bài xã luận “có thái độ” với thủ tướng Đức
Willy Brandt.
Mục chuyện phiếm khiến tôi mất nhiều thì giờ và nhức đầu hơn
cả, vì mỗi tuần lễ phải có một đề tài cho một bài trên trang báo cuối tuần. Đề
tài cạn, sức viết chẳng dồi dào bao nhiêu, thì giờ kín khít.
Niên học 1971-72 thể lệ thi Tú Tài thay đổi, bãi bỏ lối thi
concours, “kiểu Pháp”, áp dụng từ năm 1955-56, chuyển sang thi Test kiểu Mỹ, a, b, c khoanh. Tôi vớ đề tài này viết
liền ba kỳ “Than ôi Tú Tài”! Trước đó
các kỳ thi Tú Tài I và Tú Tài II, còn gọi là Tú Tài Toàn Phần thật là căng. Thí
sinh vừa thi vừa run. Có đậu Tú Tài I (lớp đệ Nhị) mới được lên lớp Đệ Nhất, có
đậu Tú Tài II mới được vào đại học. Rớt Tú Tài Một đi Trung sĩ, đậu Tú Tài Một
đi Sĩ Quan. Dân gian ngày đó có câu ca dao: “Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ/ Em ở
nhà lấy Mỹ nuôi con”.
Ngày đó đậu thi viết Tú tài II xong còn phải qua cửa ải thi
vấn đáp. Thi vấn đáp, mặc sức Giám Khảo muốn hỏi gì thì hỏi. Khi vui, trông mặt
thí sinh dễ coi thì cho đậu, trả lời câu được, câu mất, lại trông “khó ưa”
thì... “em về thi lại kỳ sau”, kỳ sau “ao” nữa thì vào Thủ Đức, thế nào cũng ra
trường, mang lon Chuẩn Úy, rồi Thiếu Úy, rồi biết đâu lên vù vù, xui xẻo, đến
số thì... “Tổ Quốc Ghi Ơn”!
Thi theo kiểu Mỹ a, b, c khoanh, nếu có học, có “gạo bài”
thì trong ba câu có một câu đúng, dễ dàng cho thí sinh nhận biết. Chẳng phải
làm nguyên một bài luận văn dài, giải một bài toán kèm theo chín mười câu hỏi
nữa. Mà có khi, đề thi là những câu đố, thử sức thông minh của học sinh chứ
không phải kiểm tra học lực. Ngày tôi thi Tú Tài II ban Toán, phòng tôi chỉ có
5/35 thí sinh trúng tuyển. Đó là lý do tôi “bất mãn” với concours và “phân bì” với a,b,c khoanh. Nhưng
rồi chính tôi cũng đã soạn đề thi Tú Tài I a,b,c cho học sinh lớp luyện thi tôi
phụ trách.
Một trong số 5/35 thí sinh trúng tuyển nói trên là bạn học
cùng lớp với tôi, kết quả “oanh liệt” đúng như tên cha mẹ anh đặt cho: Liêu
Sanh Oanh Liệt, đậu hạng ưu, được học bổng du học Hoa Kỳ, sau là Giáo Sư tại
đại học Havard. Cuối tháng Tư/ 75 anh về
Sài Gòn đưa mẹ và em gái di tản thì bị kẹt lại, bị bắt đi tù, vì ở Mỹ về “phải
là CIA”. Người bạn dạy cùng Phan Sào Nam với tôi, không bị đi cải tạo
cho tôi biết Liêu Sanh Oanh Liệt chết trong tù !!
**
Sau mục “Than ôi Tú Tài”, tôi men sang đề tài thời sự đang
rất sôi nổi trên làng báo và trong dư luận lúc đó, khi BS Hà Thúc Nhơn tử thủ
tại bệnh viện Nha Trang chống tham nhũng, và BS Phạm Văn Lương tuyệt thực trước
thềm tòa nhà Quốc Hội đòi điều tra tham nhũng, tôi viết hai bài phiếm “Tham Nhũng, Ông Ở Đâu?”, đưa ra tòa
soạn trao cho người “phụ tá chính trị”. Anh này cầm lên thấy cái tựa hơi… lạ,
đọc khoảng nửa trang thì nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên, cất triếng hỏi: - Anh viết
bài này cho ai? Cho báo nào? Anh muốn tôi và anh cùng đi ra khỏi đây à. Tôi
nói, cả làng báo đang ầm lên chuyện này. Mình không có tiếng nói chẳng hóa ra
đồng lõa. Vả lại, chuyện phiếm thôi mà! Tôi có kể tội ai đâu. Anh ta dịu giọng
thân mật, “thôi bỏ đi”, rồi kêu tôi ra quán uống cà phê, tôi từ chối vì phải
vào cơ quan.
Ngày BS Lương tuyệt thực, lại chính anh “phụ tá chính trị”
này tại Quật Cường gợi ý, chắc không phải là đùa, rủ tôi và anh chủ nhiệm, ba
người cùng ra tuyệt thực hỗ trợ BS Phạm Văn Lương. Bàn đi tính lại, đưa ra cái
giá phải trả (cho việc làm bốc đồng bậy bạ ấy) cả ba im lặng giải tán.
Rất may, ngày đó tuổi trẻ bồng bột, nhưng không quá nông
nổi, nếu không hậu quả sẽ là, giá thấp nhất, ra vùng giới tuyến ôm súng canh
chừng Việt cộng, hoặc ra trước vành móng ngựa Tòa Án Quân Sự Biệt Khu Thủ đô…
Thật ra, ngày đó chúng tôi không thấy “ông tham nhũng” ở đâu
cả. Thỉnh thoảng gặp một anh tài xế xe Lam giúi mấy chục bạc vào tay một Cảnh
sát kiểm soát lưu thông, tuy khó chịu, tôi nghĩ “làm thế ấy thì mất lòng dân
lắm”, nhưng lại nghĩ là chuyện nhỏ và thông cảm, họ túng thiếu.
Bốn mươi năm sau, nhìn hiện trạng tham nhũng có hệ thống,
thành quốc sách của đảng CSVN thì phải khẳng định chế độ VNCH quá trong sạch.
**
bốn
Tôi không nhớ chính xác năm tháng khi tôi làm bài thơ đầu
tiên vào năm nào, nhưng có thể vào thời mười
lăm, mười sáu, khi bắt đầu biết liếc trộm những cô nữ sinh cùng lớp và
khi tan trường về đã biết lẽo đẽo theo sau, dù
hãy còn rất nhút nhát. Những bài thơ làm lúc ấy, bây giờ nếu còn, đọc
lại chắc ngây ngô lắm.
Năm 1960 - 61, tôi đã có thơ đăng báo tường. Thơ vào độ tuổi
lúc bấy giờ là thơ tình. Tình yêu học trò, đầy chất lãng mạn. Tình yêu như hạt
sương lơ lửng trên những đài hoa, “thánh thiện” thanh khiết. Chỉ một cái tình
cờ chạm tay là hai luồng âm dương giao thoa xúc cảm, tựa hồ như chạm khẽ vào
một sợi giây đàn. Năm 1964 - 65 tôi đã có thơ gởi đăng ở nhiều báo… Từ năm 1967
đến năm 1974 tôi đã có ba tập thơ viết, in… để mà chơi.
Có hai bài thơ tình sớm nhất tôi còn giữ được, bài “Lời Cảm
Tạ Một Tình Yêu”, sáng tác năm 1962 cho một “mối tình” học trò, một thời mơ
mộng. Năm năm sau tôi làm bài thơ thứ hai cho “cuộc tình” ấy, bài “Chạnh Niềm
Yêu Dấu”. Bài thơ này đã được Nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc trong một album phát
hành ở Singapore
vào năm 1997 hay 98...
Tôi sẽ in hai bài thơ này vào chương sáng tác như để cắm vài
bông hoa, thêm chút tươi mát giữa một cánh đồng không mấy bóng râm trong tuyển
tập này. Hai bài thơ có âm điệu buồn như hai câu thơ tiếng Anh diễn tả:
Love is a garden full of flowers
Nobody enters without falling his tears!
Trường Tình là cánh đồng hoa
Ai đi qua đó chẳng sa lệ sầu!
Sau cuộc đổi đời, tôi cùng đoàn quân rã ngũ lê thân qua các
trại tù cải tạo, trả nợ quỷ thần từ Nam Ra Bắc. Trong tám năm lao động khổ sai,
cái chết luôn luôn rập rình đó, tôi vẫn bám lấy ngòi bút “làm thơ chui”, giấu
diếm, cất giữ trong đầu. Nhờ đó, ra khỏi
tù, ra hải ngoại tôi in tập thơ “Tiếng Hờn Chiến Mã” 1996, tái bản năm 2002,
với hai thi phẩm khác: “Về Lối Đi Xưa” 1999 và “Tiếng Hót Loài Chim Di” 2003.
Sang Mỹ chưa được bao lâu, tôi sinh hoạt với Thi Đàn Lạc
Việt của nhà thơ Dương Huệ Anh, biên tập, viết tựa tuyển tập “Một Phía Trời
Thơ” 1995, cộng tác với tờ Dân Ta bên Texas, làm chủ bút tờ Độc Lập ở bang
Georgia. Gửi bài và cộng tác với các báo Chánh Đạo của GS Nguyên Trung, Việt
Nam nhật báo, Sài Gòn Nhỏ, rồi cộng tác lâu dài với Thời Báo, trang Văn Học
Nghệ Thuật Cội Nguồn của nhà báo Vũ Bình Nghi ở California từ năm 1998 đến
2015, khi tờ báo tự đình bản; đồng thời sinh hoạt với CSTV Cội Nguồn và tạp chí
Nguồn cho tới hôm nay.
NĂM.
ĐẶT TÊN ĐỨA CON TINH
THẦN
Đặt tựa cho một bài viết, đặt tên cho một tác phẩm, có khi
cũng là một điều trăn trở. Tập Bút Ký Tự Truyện Nửa Thế Kỷ Việt Nam
khi đến tay bạn đọc, có mấy nhận xét về tựa đề quyển sách. Một cựu Luật sư/ nhà
văn, khi nhận quyển sách tôi ký tặng, ông buột miệng: “Nửa Thế Kỷ Việt Nam mà
chỉ có bằng này thôi à”! Nhưng sau khi đọc, trong một bài nhận định tác phẩm,
ông đã nêu ra một số ý kiến tích cực: “Nửa Thế kỷ Việt Nam” của tác giả Song
Nhị rõ rệt là một đóng góp rất giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về cái thời
đại nhiễu nhương của dân tộc chúng ta trong suốt nửa thế kỷ qua.... tác giả đã
cống hiến cho bạn đọc một tác phẩm biên soạn rất công phu, gọn gàng chu đáo, mà
lại hết sức trung thực…”.
Và một nhà thơ, thân hữu lâu năm trong sinh hoạt Cội Nguồn,
sau khi nhận được quyển sách tôi gửi tặng đã viết thư gửi cho tôi qua bưu điện,
với nhận xét (khi chưa đọc) mà cho rằng cái tựa “rộng lớn quá, to tát quá
…”, nhưng sau khi đọc một hai chương
đầu, nhà thơ này đã viết cho tôi ý kiến nhận định:
“… Chương đoạn này như tôi đã nói, chỉ mới là phần dạo đầu
của một nhạc khúc đại bi thiết của “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” đã hấp dẫn đến vậy,
trung thực đến vậy, còn nói chi đến toàn bộ tác phẩm... Tôi tin chắc đây là một
pho tài liệu hiếm, quý, có giá trị vĩnh cửu sẽ giúp các nhà viết sử và và các
thế hệ mai hậu thật nhiều…”.
Tôi suy nghĩ và dè dặt khi đặt tên cho quyển sách này: “Năm
Mươi Năm Cầm Bút”, tựa đề có “rộng lớn quá, to tát quá…” không?.
Đặt tựa cho một tác phẩm, có những tác giả căn cứ vào nội
dung, hay dựa vào một sự kiện, một biến cố đáng nhớ – Nhã Ca/ Giải Khăn Sô Cho
Huế. Có tác giả lấy một giai đoạn lịch sử làm dấu mốc: “Bên giòng Lịch Sử”
1940-1965/ LM Cao Văn Luận. Có tác giả nhằm bày tỏ tâm tư của chính mình:
Nguyễn Mạnh Côn/ “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”. Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đặt tựa
cho một tập hồi ức: “Ta Đã Làm Chi Đời Ta” v.v…
Năm 2010, trên một tấm poster do một nhóm Sinh viên đại học
San Francisco thực hiện, nhằm quảng bá cho buổi RMS quyển Nửa Thế Kỷ Việt Nam
tại San Jose, có ghi dòng chữ: “Celebrating 45 years of Song Nhi’s Writing
Career”. Chính chi tiết này đã là cảm hứng cho tôi lấy tựa đề “Năm Mươi Năm Cầm
Bút”.
Tôi nghĩ, cầm bút cũng như người nông dân cầm cày, người thợ
nề cầm bai, người họa sĩ cầm cọ, tất cả để nói lên công việc làm của mỗi ngành
nghề.
Cầm bút là việc làm của một nhà văn. Thực ra, khi viết, tôi
không có ý nghĩ viết để trở thành nhà văn, hay để được người ta gọi mình như
thế. Tôi không sống bằng nghề viết văn. Tôi viết văn, làm thơ như một nhu cầu
tiêu khiển, do sự thôi thúc từ những sự việc luẩn quẩn trải qua trong đời, muốn
được nói ra, viết ra.
Trong tác phẩm này có những bài viết từ năm 1965 còn tìm lại
được. Phần lớn bài viết trước năm 1975, sau cuộc biển dâu 30 tháng Tư đã hoàn toàn bị thất lạc.
Tôi không muốn và cũng không thể kể ra hết được quá trình
viết lách từ năm 1965 đến nay. Ngoài ba tập thơ trước năm 1975, với ba tập thơ
tại hải ngoại và ba tác phẩm: Lưu Dân
Thi Thoại (biên khảo, viết chung với nhà văn Diên Nghị), quyển Nửa Thế Kỷ Việt Nam và mới đây là quyển
Lời Rao Giảng Của Thơ… thì đây là
quyển văn thứ tư, gồm những bài tôi gom góp được in thành sách như một tặng
phẩm tinh thần cho… chính mình và cho những độc giả yêu mến văn chương chữ
nghĩa.
Nội dung tác phẩm này là ký ức và kỷ niệm, cho nên, trước khi đi vào các chương đoạn, tôi quyết
định mở đầu với những bài trao đổi, qua các cuộc phỏng vấn lien quan đến những
tham dự của chính mình trên những chặng đường đi qua. Trước nhất là bài phỏng
vấn của Sinh Viên Julie Hoài Hương Phạm về chiến tranh Việt Nam cho luận án sử học của cô.
Julie Phạm sau khi tốt nghiệp là GS Sử học tại đại học Berkeley.
Nhân đây tôi xin cáo lỗi với các văn nghệ sĩ từng dành cho
tôi những cuộc bút vấn và phỏng vấn thu âm, mà nay không còn lưu giữ được để
ghi lại: Bài trả lời phỏng vấn của Nhà văn Diệu Tần trên Việt Nam Nhật báo năm
1996, hai chương trình giới thiệu thơ Song Nhị Tiếng Hờn Chiến Mã và Về Lối Đi
Xưa trên đài VOA năm 2004, và các cuộc phỏng vấn của Radio VN Hải Ngoại, đài
phát thanh Việt Nam, Texas, những cuộc phỏng vấn của SBTN, của hệ thống Quê
Hương Media, San Jose.
Có 78 kỳ đọc truyện, giới thiệu tác phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam do
cô Đoan Trang, Giám đốc hệ thống truyền thông (TV/Radio) Quê Hương đọc là tài
liệu quý tôi còn lưu giữ. Nhân đây xin được gởi lời cảm ơn tới cô Đoan
Trang…
Sau cùng, khi nhớ lại biến cố tai ương 30- 4- 1975, sau một
cuộc đổi đời thê thảm, tàn bạo ập xuống thân phận hàng triệu con người, trong
số có mình, không thể ngờ 40 năm sau tôi còn hiện diện bên cạnh ấn phẩm văn
chương này. Đó là điều tôi lấy làm hài lòng với số mệnh, sau những chặng đời,
cho một lần để sống và cho một lần để chết.
Song Nhị/ 8-2015
-------------
(*) Nhóm “Nồi Niêu Soong Chảo” một thời làm nổi đình nổi đám
trên nhật báo Hòa Bình của LM Trần Du, tại Sài Gòn, Năm 1972 được móc nối về
cộng tác với báo chính quyền.
No comments:
Post a Comment