NGUYỄN TRỌNG NHO
Ngày 1 tháng 11 năm 2015 CSTV Cội Nguồn tổ chức dạ tiệc mừng
20 năm sinh hoạt tại nhà hàng Phú Lâm, San Jose. Buổi dạ tiệc có sự tham dự của đông đảo các văn - thi - nhạc sĩ tại San Jose và vùng phụ cận.
Tham dự buổi tiệc có Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, nhiều sĩ quan QLVNCH các
cấp, cựu Dân Biểu Phan Thiệp, Nghị viên Nguyễn Tâm, cựu Phó Thị trưởng Madison
Nguyễn, cùng các hội đoàn, và truyền thông báo chí...
Nhận lời mời của Ban điều hành CSTV Cội Nguồn Chánh Án
Nguyễn Trọng Nho đã có bài phát biểu với cử tọa trong buổi dạ tiệc. Sau đây là
nguyên văn bài diễn văn của ông Chánh Án.
Kính thưa quí vị tướng lãnh, Quí vị dân cử và toàn thể quí
vị quan khách.
Kính thưa qúi văn thi sĩ chủ trương nhóm Cội Nguồn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn văn thi sĩ Song Nhị và GS Lê Đình
Cai đã gửi giấy mời tôi và nhà tôi tới đây hôm nay để tham dự buổi họp mặt mừng
20 năm sinh hoạt của nhóm Cội Nguồn (CN). Tôi đã được quen biết và sinh hoạt
chung với GS Lê Đình Cai từ những năm 1963. GS Lê Đình Cai là một trong những
thành viên trẻ cốt cán của một đảng chính trị quốc gia có thành tích hoạt động
lâu dài khởi đi từ Đảng trưởng Trương Tử Anh với lý thuyết chính trị sắc bén và
vững chãi đủ sức bẻ gẫy được các lý luận ngọai lai vong bản, kể cả lý thuyết
cộng sản.
Là những người trẻ tuổi cùng thế hệ, cùng bị lôi cuốn vào
trong giông bão của lịch sử, cùng nuôi một ao ước chung xây dựng một thể chế
chính trị mà tự do, công lý và quyền bình đẳng trước pháp luật phải được coi
như lý tưởng của mọi người, một thể chế chính trị không dựa trên cá nhân thần
thánh, không dựa trên một phe nhóm đặc quyền, nhưng dựa trên ao ước của toàn
dân, để làm nên một xã hội vững mạnh đủ sức thắp sáng lòng yêu nước, xây dựng tinh
thần đoàn kết của toàn dân.
Chúng tôi hiểu rằng chỉ có một thể chế dựa trên sự cai trị
bằng tinh thần đoàn kết của toàn dân, lấy dân làm nền tảng, lấy dân làm cứu
cánh cho tất cả mọi hoạt động của công quyền, mới tạo thành một sức mạnh kiên
cường để ngăn chặn hữu hiệu âm mưu xâm lược của CS.
Tôi cũng có vinh dự được phục vụ cùng đơn vị với Trung Tá
Dương Diên Nghị, một người chiến sĩ của tư tưởng. Ông là nòng cốt cho sinh hoạt
tâm lý chiến và tinh thần binh sĩ của Quân đoàn II trong nhiều năm. Ngay khi trình
diện đơn vị trưởng và được gặp Trung Tá Dương Diên Nghị tôi đã thấy thật cảm
mến cái phong thái vừa phong sương của người chiến sĩ trong vùng đất đầy bụi
đỏ, với gió lạnh mưa mùa của Pleiku, lại vừa toát ra cái thóang đạt tao nhã của
một thi nhân. Ông là biểu tượng cho những người làm văn hóa dấn thân phục vụ
trong quân đội VNCH chúng ta thời đó. Năm 1967 tôi rời Pleiku về Saigon tranh cử. Hai tuần lễ sau khi đắc cử dân biểu đơn
vị I tại Saigon, tôi trở lại Quân đoàn II để thăm viếng bộ tư lệnh Quân đoàn và
các đồng đội của tôi trong quân ngũ và được gặp lại Trung Tá Dương Diên Nghị.
Từ đó tôi vẫn hỏi thăm về Ông luôn. Những mãi tới hôm nay tôi mới được gặp
lại. Cũng vẫn con người đó, con người
của thi ca và văn học, con người đã chịu bao đắng cây trong trại tù cộng sản
sau 1975. Thật là một niềm vui lớn khi được biết ông cũng là một trong những
cột trụ của nhóm Cội Nguồn đang tiếp tục đem tài năng đóng góp vào việc xây
dựng và bảo tồn văn hóa Việt Nam cùng với anh em trong nhóm Cội Nguồn.
Cho phép tôi được gửi đến nhà văn Song Nhị (SN), con chim
đầu đàn của Cội Nguồn, lòng cảm mến của chúng tôi. Tôi được nghe nhiều về Anh. Nhưng đây là lần
đầu tiên tôi được gặp Anh. Xin cảm ơn Anh đã cho tôi vinh dự được tham dự một
sinh hoạt đầy ý nghĩa đêm nay.
Cho tôi xin lỗi trước cùng quí vị tướng lãnh, quí vị dân cử
và toàn thể quan khách là tôi sẽ phải ra phi trường để đáp chuyến bay chót
South-West rời San Jose lúc 9 giờ đêm nay về lại quận Cam vì sáng mai, thứ hai,
tôi sẽ phải tiếp tục phiên xử án với bồi thẩm đoàn có mặt tại tòa án đúng lúc
8:30. Dù tôi đã về hưu những vì nhu cầu của tòa án nên tôi đã được kêu trở lại
làm việc xử án như trước kia.
Nhà tôi, Phạm Vân Bằng và tôi rất buồn là sẽ không được ở
lại suốt buổi dạ tiệc thật ý nghĩa này để hàn huyên cùng tất cả quí vị. Mong
quí vị tha lỗi cho chúng tôi.
Kính thưa toàn thể quí vị.
Hôm nay chúng ta gặp nhau để nhìn lại một chặng đường 20 năm
của một sinh hoạt văn hóa của cộng đồng chúng ta.
20 năm nghe sao như thật lâu. Nhưng nhìn lại mình để thấy
như là chỉ mới hôm qua đây. Cái vi diệu của cuộc sống đầy ý nghĩa đã làm cho
thời gian mất đi ý nghĩa của nó. Chúng ta, tất cả chúng ta từ khi tới vùng đất
tự do này, đều lăn xả vào cuộc sống, cố tìm cho mình một con đường phục vụ ý
nghĩa nhất cho cuộc đời mình. Anh chị em trong văn đàn Cội Nguồn cũng thế. Khi
chúng ta đem tâm huyết, năng lực mình ra làm việc thì thời gian có dài hay ngắn
đã trở thành không quan trọng. Mục đích cuộc sống của chúng ta mới là cái thước
để ghi lại những dấu mốc của cuộc đời.
Cho nên dù tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã mỏi, nhưng chúng
ta nghĩ 20 năm như chỉ mới hôm qua. Và 20 năm tới sẽ cũng chỉ đến và qua đi như
một chớp mắt khi chúng ta tiếp tục miệt mài trong những đóng góp cho cộng đồng
và xã hội
Thế nhưng đêm nay chúng ta tụ họp nơi đây, không phải để
sáng tác, hay để trải lòng mình trên những trang giấy giữa đêm khuya, viết ra
những giòng thơ tuyệt tác về tâm tư cuả một người tù ngóng trông về một tương
lai đầy u tối, nhưng không bao giờ mất niềm tin vào chiến tha'ng sau cùng của
sự thật (Từ Giữa Ngục Tù - thơ SN Tiếng Hờn Chiến Mã, tr. 134); chúng ta cũng
không nhắm mắt lại để tâm hồn bay bổng về quê hương và tưởng nhớ đến xóm làng,
đến bà mẹ già đang mỏi mòn trông chờ con đang lao tù miền Việt Bắc.
Đêm nay cả thời gian và sáng tác đều ngưng lại. Chúng ta được các văn thi sĩ CN mời đến dự
một bữa tiệc vui. Hôm nay họ dừng bước
để chúng ta được cùng họ nhìn lại cái thời gian đã qua.
Chính hôm nay khi nhìn lại cùng với anh chị em trong CN về
những gì đã xảy ra trong 20 năm CN, chúng ta chợt thấy thật rõ là 20 năm thật
là dài, rất dài. Rất dài để mà thấy những nỗ lực, công trình đóng góp của các
văn thi sĩ trong văn đàn CN thật đáng quí làm sao. Chúng ta nhìn lại để mà kinh
ngạc về số lượng tác phẩm CN đã cung cấp cho đời sống tinh thần của cộng đồng
người Việt hải ngoại. Từ Tiếng Hờn Chiến Mã, Tiếng Hát Của Loài Chim Di, Lời
Rao Giảng Của Thơ, Lưu Dân Thi Thoại trong số 59 tác phẩm đã được xuất bản bởi
CN và 57 đặc san Cội Nguồn đều đặn được gửi đến độc giả trên khắp năm châu.
Nhìn lại 20 năm để mà thấy những cố gắng và thành quả của CN
để chúng ta hôm nay có thể nói với anh chị em CN: “Chúng tôi xin cảm ơn anh chị
em về những cố gắng vượt bực, về những đóng góp quí giá, về sự quên đi cái thời
gian 20 năm mà các anh chị em đã mất trong cuộc đời của mỗi người. Xin cảm ơn
anh chị em đã vượt thoát khỏi mọi khó khăn, bỏ quên mọi nhọc nhằn quá khứ, coi
thường mọi chướng ngại trước mặt, tiếp tục tiến về phía trước với ngòi bút, với
tâm tư, với tình yêu văn thơ, để cung cấp cho đời những tác phẩm rất giá trị.”
Kể từ khi có cuộc chiến tranh quốc cộng, những người yêu
nước, những con người chỉ biết chí tình với tổ quốc, tận tụy với đồng bào và
dân tộc đã bị chìm đắm trong những đau thương vô vàn. Bao nhiêu các chiến sĩ
Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Cao Đài, Hòa Hảo, đã bị thực dân và cộng sản và những
lực lượng phản bội dân tộc sát hại. Những người anh hùng, những con người yêu
nước thương nòi này mãi mãi sẽ chỉ là những anh hùng tuyệt đối vô danh. Có ai
còn nhắc nhớ đến những người này? Có ai còn nhớ đến gia đình họ? Có ai nhớ hay nghĩ
đến những người mẹ đã mất đi những người con yêu dấu đã hy sinh trong những
xung đột trải dài gần một thế kỷ trên quê hương ta? Sẽ có ai còn nhớ hay biết
đến những tháng ngày tù tội tại trại Hoàng Liên Sơn? Có ai còn nhớ hay biết đến
những đọa đày nhục nhằn thống khổ của những chiến sĩ VNCH năm này qua năm khác
trong các trại cải tạo cộng sản?
Và khi mà tất cả vô tình hay cố ý quên đi hết, quên hết quá
khứ đau thương, để như đã mặc nhiên chấp nhận những lộng ngôn, xảo ngữ chuyển
đổi những đau thương tủi nhục, đàn áp, kỳ thị bất công của quá khứ trở thành
những ân sủng, và gọi tù tội, lưu đầy, hành hạ là cải tạo giáo dục, lúc đó lịch
sử đã bị viết lại, đã bị bôi bẩn.
Và khi chúng ta cúi đầu yên lặng, câm nín để cho lịch sử bị
viết lại, bôi bẩn, tẩy xoá, chúng ta sẽ thực sự là những con người không có
lịch sử nữa. Chúng ta sẽ chỉ là những sự hiện hữu vong thân, không cội nguồn.
Một tập thể con người, một dân tộc sẽ không có lịch sử khi
thế hệ con em đuợc dạy dỗ để chấp nhận sự nói láo, sai trái về lịch sử để coi
những sự nói láo, sai trái đó chính là lịch sử. Lúc đó thì tập thể con người
hay dân tộc đó chỉ còn chờ ngày diệt vong.
Trong suốt 40 năm qua một trong những mối lo lớn lao nhất
của nhiều người là làm sao để bảo tồn những dữ kiện lịch sử trung thực cho lịch
sử. Từ lịch sử trung thực với dữ kiện lịch sử, những thế hệ hiện tại và tương
lai sẽ học hỏi về quá khứ, không phải để khơi dậy hay nuôi dưỡng thù hận, chia
rẽ, nhưng là để có được những bài học quí giá để tránh khỏi những bước đi sai
lầm của thế hệ đi trước, và để từ đó họ sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn
quá khứ. Điều này chỉ có thể xảy ra được nếu lịch sử phải được viết ra trung
thực với dữ kiện lịch sử.
Mối lo lắng đó ngày càng lớn lao hơn với sự trôi qua của
thời gian và sự tận tụy và tích cực của những kẻ muốn phủ nhận lịch sử.
Thế nhưng sau khi tôi được đọc các tác phẩm của CN, tôi cảm
thấy có một niềm hy vọng nào đó lóe lên cho tương lai. Khi mải mê đọc những bài
thơ trong Tiếng Hờn Chiến Mã như:
Tôi trèo lên đỉnh núi,
hai tay vươn mặt trời,
Rừng thân cây ngã gục,
Nước sông màu đỏ trôi
Bốn bề hoa cỏ úa,
bốn bề sương mù bay,
đất khô cằn sỏi đá,
khổ đau oằn đôi vai,
Tôi trèo lên đỉnh núi,
say sưa nhìn cuộc đời,
làm chứng nhân lịch sử
và nhận diện từng người.
(trích “Người lên đỉnh núi” trang 147 THCM)
hay:
Ta so lại quá khứ hôm nay,
Như một lằn roi khắc nghiệt
Quất ngang lưng cuộc đời
Ta mang dấu ấn hãi hùng
từ tuổi ấu thơ
Bom đạn
đấu tranh
Ngục tù
khủng bố
(“Từ Giữa Ngục Tù”, trang 136 THCM)
và:
Hỡi trái tim
Đời đời máu đỏ
Đời đời là yêu thương
Sao cả trăm năm
Trên quê cha khốn khổ
trên đất mẹ nhục nhằn
Khổ đau và bội bạc...
(“Tiếng Hát Loài Chim Di” trong THCM tr. 88)
Đây không chỉ là những bài thơ diễn tả ý tình thật tuyệt vời
trong cả khi xót xa và tuyệt vọng, làm rung động tâm hồn chúng ta. Nhưng đây là
những giòng chữ viết lại những dữ kiện cần được ghi lại trung thực.
Tôi cũng đã được đọc qua “Nửa thế kỷ VN” trong đó có một
phần ngắn SN viết về cuộc đấu tranh tàn khốc tai Saigon
giữa thành đoàn sinh viên cộng sản và những người sinh viên quốc gia. Cuộc đấu
tranh khốc liệt đó đã bắt đầu từ 1963-1964 khi tôi được cùng Lê Hữu Bôi, một
người lãnh tụ tuyệt vời của Sinh Viên đảm trách lãnh đạo Tổng Hội Sinh Viên
Saigon. Cộng sản đã thú nhận họ đã hoàn toàn thất bại trong thời gian này.
Thành đoàn sinh viên cộng sản chỉ thao túng được lực lượng
sinh viên khi chúng tôi không còn trách nhiệm trong Tổng Hội Sinh Viên. Cuộc
đấu tranh đó mà SN viết đến trong 50 năm lich sử giữa chúng tôi những người
sinh viên quốc gia và sinh viên thành đoàn cộng sản rất tàn khốc và những người
sinh viên quốc gia đã hoàn toàn cô đơn.
Hãy nghĩ lại việc Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã cho xe
quân đội với còi hủ và lính có vũ trang bảo vệ sinh viên cộng sản Huỳnh Tấn Mẫm
để thấy được sự cô đơn của những người sinh viên quốc gia lúc đó. Họ không phải
chỉ bị hiểu lầm mà còn bị đánh phá bởi những người tự nhận là chống cộng. Thật
ra thì những người quốc gia chân chính chỉ biết yêu nước lúc nào cũng cô đơn
như vậy.
Rồi những trang viết về trại tù cải tạo, về con người, về
tuyệt vọng, về tình yêu từ trong tù ngục, kể lại sự việc có thực đã xảy ra
trong cuộc đời với thi nhân và văn sĩ là nạn nhân và chứng nhân của sự thực
Các văn thi nhạc sĩ không viết sử. Họ không là những sử gia.
Nhưng gián tiếp những người đang viết hồi ký, bút ký, ký sự, làm thơ, làm nhạc
đang bù lấp một phần nào cho cái khoảng trống vô cùng to lớn do sự thiếu vắng
những người bỏ tâm huyết viết sử để phục vụ sự thật chứ không phải cái sự thật
bị tẩy xoá, bóp méo, bôi bẩn.
Xin cảm ơn Song Nhị. Xin cảm ơn các văn thi sĩ Cội Nguồn.
Xin cảm ơn tất cả những văn thi nhạc sĩ đang đóng góp vào việc viết về quá khứ
với lương tâm trong sáng. Từ những sáng tác của các văn, thi, nhạc sĩ, các nhà
biên khảo được hướng dẫn bởi lương tâm trong sáng, một ngày nào đó may ra có
những người viết sử sẽ bắt đầu, và họ có thể rút ra, so sánh và gạn lọc được
những dữ liệu để phục vụ sự thật và hy vọng, vâng tôi chỉ hy vọng là lúc đó
lịch sử sẽ được viết ra trung thực.
Xin các anh chị em trong Cội Nguồn, xin các văn thi nhạc sĩ
có lương tâm, có lòng yêu thương dân tộc hãy tiếp tục sáng tác và hãy trung
thành với lương tâm trong sáng của người cầm bút. Tôi biết đây là một đòi hỏi
thật tham lam đặt lên vai quí vị. Nhưng làm sao hơn. Chúng ta chỉ biết hy vọng.
Gian lao, đọa đầy, tù ngục, đói khổ đã không làm chúng ta đầu hàng và bán rẻ
lương tâm mình. Chắc chắn tự do chúng ta đang có sẽ chỉ làm tăng thêm sự dũng
mãnh của chúng ta trong tư tưởng.
Còn quá nhiều điều để tâm sự nhưng xin cho tôi tạm ngừng ở
đây.
Thay mặt nhà tôi, tôi xin kính chúc quí anh chị em trong Cội
Nguồn tiếp tục thành công trên con đường phục vụ.
Kính chúc quí vị tướng lãnh, quí vị quan khách một đêm thật
vui.
Thành thực cảm ơn toàn thể qúy vị.
Nguyễn Trọng Nho
San Jose, ngày 1/11/2015
No comments:
Post a Comment