Biến Cố 1963 - Sự Thật Đã Thuộc Về Lịch Sử Chưa?
**
Năm 1963 tôi dành hết thì giờ chuẩn bị cho năm sau vào đại
học nên không đi chơi và cũng ít quan tâm đến những chuyện khác, ngoài việc học
thi. Nhưng tình hình chính trị xã hội tại Saigon nói riêng và khắp miền Nam nói chung
bấy giờ tác động rất mạnh vào tâm lý và suy nghĩ của quần chúng. Tôi không còn
khép mình bên bàn học mà đã có những buổi trong tuần đến chùa nghe thuyết pháp,
đi xem những cuộc biểu tình ngoài đường phố. Tôi nói đi xem, chứ chưa bao giờ
tôi tham gia vào một cuộc biểu tình nào trong thời gian biến động đó.
Tôi - hình như có vẻ đã mê những buổi thuyết pháp của Đại đức Thich Giác Đức. Phải nói thầy Thích Giác Đức là một diễn giả xuất sắc nhất thời đó. Số người đến nghe thầy “thuyết pháp” đứng ngồi đông nghẹt khuôn viên chùa Xá Lợi. Nhà tôi ở đường Nguyễn Thông, rất gần chùa này nên gia đình tôi, có mẹ tôi và ông anh kế tôi không một buổi sáng nào là không đến chùa dự các khóa lễ và nghe thuyết pháp. Riêng tôi mỗi tuần lễ đi tới đó ba bốn lần, mỗi lần vài tiếng đồng hồ là nhiều. Tôi đến để xem, để nghe và để cảm nhận những gì đằng sau đó. Cái “đằng sau” mà tôi thấy lúc ấy là có những người Mỹ ra vào từ hậu liêu nhà chùa. Họ đi ra đi vào công khai, không có người Việt nào đi kèm với họ. Nhưng họ làm gì nói gì với ai sau bức những tường ấy thì không ai biết.
Mỗi lần đến chùa Xá Lợi xem, nghe xong, về nhà tôi viết tóm tắt lại những gì nghe, thấy vào một cuốn nhật ký kèm theo ít dòng cảm tưởng của mình.. Cảm tưởng của tôi lúc đó thường ghi lại những gì sau mỗi lần đến chùa nghe thấy, cùng mối băn khoăn của tâm trạng bất an về hiểm họa cộng sản và tương lai bất định của miền Nam.
Phần nhiều thời gian tôi dành đến chùa là để nghe thầy Giác
Đức thuyết pháp. Thầy Giác Đức sau năm 1963 là giáo sư thỉnh giảng tại đại học
Van Hạnh, nhưng tôi học bên phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn nên không
gặp thầy. Sang Mỹ, tôi có người cháu dạy
cùng trường trung học với thầy Giác Đức, nhờ đó có hạnh duyên quen biết và được
liên lạc với thầy trong mấy năm giữa thập niên 90, thế kỷ trước. Tôi có điện
thoại nói chuyện với thầy. Năm thầy sang San
Jose dự đại hội Phật Giáo tại chùa An Lạc, thầy gọi
tôi. Không hiểu sao lần đó tôi không đến thăm thầy. Tôi ân hận mãi.
Có một chi tiết thú vị thầy nói với tôi là thầy chịu một
phần trách nhiệm trong việc giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào huynh Ngô
Đình Nhu. Thầy cho tôi biết (nguyên văn): “Hằng năm đến ngày mồng Hai tháng
Mười Một tôi bảo nhà tôi soạn một mâm cơm cúng cụ Diệm và ông Nhu” (thầy đã
xuất tự, và lập gia đình).
Thầy Giác Đức bây giờ là một cư sĩ định cư ở miền Đông Hoa
Kỳ. Thầy còn đó, một chứng nhân có thẩâm quyền nhất, có thể cho chúng ta nhiều
ẩn khuất lịch sử về biến cố 1/11/1963.
Song Nhị
San Jose, 3 Feb. 2017
No comments:
Post a Comment