Thay Lời Tựa
Tôi đến với thơ, đi theo thơ từ những năm đầu thập kỷ 60,
tính tròn chẵn đến nay đã 50 năm. Những bài thơ đầu đời thuở yêu đương, thơ
mộng, hồn nhiên, và cũng không thiếu “chất ngây ngô” ấy theo thời gian, thế sự,
hầu hết đã không còn. Lục lọi lại từ những tập sách cũ, cả từ trong trí nhớ và
một số bài do bạn hữu yêu thơ lưu giữ được, sau cuộc phần thư tháng Tư 1975,
tôi đã tìm lại được những di sản tinh thần quý giá để hôm nay đem vào tổng tập.
Ba tập thơ trước năm 1975 – Một Đời Không Nguơi, Trường Ca
Người Viết Sử và Tình Còn Trong Lãng Quên (in chung với Huỳnh Ngọc Điệp 1974)
cũng mất dấu từ sau cuộc đổi đời.
Ba thi phẩm ấn hành tại hải ngoại từ năm 1996: Tiếng Hờn
Chiến Mã, Về Lối Đi Xưa, Tiếng Hót Loài Chim Di chiếm phần lớn nội dung tổng
Tập, cũng là vốn chính của kiếp tằm nhả kén, theo như Thôi Hộ, một thi sĩ đời
Đường:
Xuân tâm đáo tử ti phương tận
Lạp chúc thành hơi lệ thủy can
Thác rồi tằm mới dứt tơ
Tàn rồi ngọn nến mới khô lệ sầu.
Xin mượn lời mở đầu của ba thi phẩm ấy, thay lời đề tựa cho
tổng tập này:
Về LốI Đi Xưa
Về lại trên hành lang dĩ vãng, những dấu tích thời gian
chập chờn kỉ niệm - những chặng đường, những nơi xưa chốn cũ để từ đó tâm hồn
lãng tử chuyển hóa vào không gian thinh lặng những trăn trở, băn khoăn, hoài
niệm… Quê hương và cuộc tình đầu.
Khởi đi từ một lúc nào đó, dòng thời gian chất tụ biết bao
vinh nhục, buồn vui ở những chặng đường thăng hoa, những khúc quanh nghiệt ngã của
một kiếp nhân sinh, khi quay lại, trở về, nhìn ngắm, suy nghiệm... những đoạn
đường in dấu tích cuộc đời ở những nơi chốn cũ, những lối đi xưa… một hành lang
dĩ vãng dài hun hút, rải rác đầy những kỷ niệm, khi hoan lạc, buồn thương, khi
sôi nổi, khi chìm lắng, man mác, lênh đênh, khi mường tượng tiên tri về một
phần đời phía trước... tất cả kết tụ thành Thơ trên lối đi xưa,
Từ buổi loài chim tan tác bỏ rừng
Ta chán mộng đời khoanh tay gục ngủ
Ta sợ mỗi ngày đi về hai bữa
Trên lối đi xưa đau buốt dấu giày
Em xõa tóc sầu vướng lá me bay
Dòng nước vẫn trôi im lìm về biển
…………..
Tiếng Hờn Chiến Mã
“Tôi nếm trải hơn ba ngàn ngày trong các trại tập trung cải
tạo, nếm trải từng phút giờ, từng tháng ngày trong nỗi chết cận kề sự sống. Cái
đói khát cào xé ruột gan bao tử, cái chịu đựng nỗi đắng cay tủi nhục như từng
mũi kim chích vào thần kinh tâm não, cái đói triền miên từ ngày này sang tháng
nọ làm cho thể xác người tù kiệt rạc, hơi thở thoi thĩp... Nhưng trong thể xác
tàn tạ, điêu linh ấy vẫn còn một sinh lực vô hình ngấm ngầm, chìm lặng để giữ
cho thể xác kia không sụp đổ, cho nhân cách phẩm giá không bị ố nhòe. Người ta
gọi cái nguồn sinh lực ấy là tinh thần. Đời sống tinh thần không là miếng cơm
manh áo, không là ăn ngon mặc đẹp, mà là cái gì sâu thẳm nhất, cái tinh chất
nuôi sống con người, chủ động mọi hành
vi, thái độ. Có mấy ai cảm nhận cái sức
mạnh “tinh thần” ấy như thế nào trong cuộc sống bình thường êm ả...”. Tiếng Hờn Chiến Mã là thi phẩm đã hoài thai
kết nụ trong cảnh ngộ của cuộc sống không bình thường ấy.
Giữ lấy được những bài thơ của mình trong đời sống thường
nhật của tù cải tạo đã là khó. Giữ được, đem lọt qua các cửa ải lục lọi, khám
xét trước những lần chuyển trại là điều khó khăn gấp trăm lần. Cách an toàn nhất
là học thuộc lòng, cất giữ những bài thơ đó ở trong đầu. Đã có không ít những
tù cải tạo chỉ vì một bài thơ, một lá thư, hay một bài viết mà đã bị đem cùm,
bị biệt giam, bị ngược đãi đến chết.
Như một linh tính, từ những năm tháng trong tù, tôi vẫn tin
sẽ có một ngày tôi được đọc công khai, được phổ biến những bài thơ của mình
trong bạn hữu. Thơ trong tù có sắc thái riêng. Nó chất chứa đủ thứ, từ cọng
rau, hạt muối, sợi dây xích, chiếc còng số tám đến tình yêu, tiết tháo, danh
dự, và sinh mạng của một con người.
Tôi không bao giờ muốn đem đố kỵ, hận thù vào thơ. Thế mà,
trong khổ đau quằn quại, trong đè nén tủi nhục, thơ đã thốt lên thành Tiếng Hờn
Chiến Mã.
Hai mươi năm, một khoảnh khắc của lịch sử, nhưng là một
quãng thời gian dài của một đời người. Cuộc biển dâu kia dần dà trở nên bàng
bạc, phôi pha. Chúng tôi, những người tù trở về mang theo dấu ấn trong tim ĩc,
như một vết thẹo trên da thịt, khó mờ phai.
….
San Jose 01/1996
Tiếng Hót Loài Chim
Di
Tiếng Hót Loài Chim Di - tiếng hót vàng anh xa xứ, một phần
tư thế kỷ vọng về rừng xưa. Tiếng hót vút cao mà chùng trũng, nhưng dạt dào ước
vọng, lạc quan. Tiếng Hót Loài Chim Di là thơ, là vần điệu tuôn tràn từ cảm
xúc, từ tâm thành rung động... trao gởi đến EM - một trái tim yêu thương tận
tụy - một tâm hồn chắp cánh bay theo một đời thơ của gã - một lãng tử lạc đào
nguyên, lưu đày chốn lao lung khi đất nước dân tình vào thời mạt pháp. Và rồi,
một ngày theo đàn chim phiêu bạt vỗ cánh bỏ lại rừng xưa, bỏ lại khung trời
buồn, đi vào lưu lạc.
Tiếng Hót Loài Chim Di không riêng của tác giả, là tiếng
hót của cả loài chim, đã hơn một phần tư thế kỷ nhướng cổ nhìn về rừng xưa.
Đã hơn một phần tư thế kỷ, biết bao âm điệu của nỗi lòng,
của tim óc, của cảnh ngộ, có cả máu và nước mắt của hàng ngàn, trong hàng triệu
cánh chim di, tuôn theo dòng mực, chảy lên từng trang giấy để làm nên một dòng
thơ văn hải ngoại. Tiếng Hót Loài Chim Di hình tượng từ dịng chảy đó, để từ hôm
nay, cùng với dòng thơ văn lưu xứ, trôi vào dòng chảy đó, và sẽ tụ về trong
trình tự văn chương, văn học nước nhà, bất chấp mọi phân biệt, lằn ranh, chính
kiến... Dòng Văn Học hải ngoại hôm nay nhất định sẽ chảy về tụ lại, nhập chung
vào dịng văn học dân tộc. Cần gì phải rêu rao, mời gọi giao lưu.
Tiếng Hót Loài Chim Di là Thơ, là vần điệu, ngôn ngữ được
sắp bày lên đây từ cảm xúc, rung động tự nhiên, không là những con chữ được
nhặt nhạnh, lắp ghép thành những câu, những dòng, thanh âm lạc lõng, khô khốc,
vô hồn.
Tiếng Hót Loài Chim Di xin gởi đến bạn yêu thơ tấm lòng
thành trân trọng. Xin gởi đến những con chim di, cùng chung nỗi lòng vọng tưởng
rừng xưa, nhịp cảm hòa đồng điệu. Và sau hết xin trao gởi người bạn đời - một
trái tim yêu thương tận tụy, một tâm hồn
đã chắp cánh bay theo suốt một đời thơ của gã.
Để bạn đọc dễ dàng lần theo hành trình 50 năm thơ của tác
giả, NXB xin chia toàn tập làm thành hai phần:
- Phần Một: Tác giả & Tác phẩm gồm những Ý kiến, Nhận
định của các thức giả về Thơ Song Nhị.
- Phần Hai: THƠ xin tạm lựa chọn và chia thành năm khuynh
hướng sáng tác:
1/ Thưở làm thơ yêu em
2/ Người tình trăm năm
3/ Dòng Sử Thi Buồn
4/ Dòng thơ lưu vong
5/ Thơ Tù - Một thời bất hạnh
6/ Một số bài thơ chuyển ngữ Anh văn.
7/ Nói Chuyện Với Nàng Thơ
-------------------------------
Xin vào kết nối dưới đây xem tiếp toàn tập tại art2all.net
-------------------------------
Xin vào kết nối dưới đây xem tiếp toàn tập tại art2all.net
No comments:
Post a Comment