Đến với Cội Nguồn
Xe bắt đầu xuất phát khỏi nhà lúc 10 giờ sáng, phải mấy tiếng đồng hồ sau (ngày 14/8/2011) tôi mới đến gặp anh chị em trong cơ sở Thi Văn Cội Nguồn, vậy mà từ lúc ra khỏi nhà, đầu óc tôi đã hướng cả về Cội Nguồn rồi... Tôi nhớ những đêm nằm trong trại giam, co ro trên manh chiếu rách, trong phạm vi chật hẹp 60 cm2 (như thời Đức quốc xã hoặc Stalin), mười đêm thì 5, 6 đêm tôi không sao ngủ được.
Để đầu óc không bị quay cuồng bởi bao nhiêu điều nhiễu nhương, khốn nạn do vụ án oan nghiệt mà lũ chó ác (c.a) của đảng cộng sản gây ra, tôi đành “thả hồn đi hoang” tìm về những vùng miền ký ức tươi tắn, êm đềm nhất, vừa ru dỗ tâm hồn, vừa để kéo giấc ngủ sớm đến với mình. Một trong những câu thơ mà tôi thường xuyên lặp đi lặp lại trong đầu là:
Đừng rơi, đừng rơi lá ơi
Có ai góc biển, chân trời nhớ nhau?
Câu thơ như một lời thần chú, mở toang cánh cửa ký ức trong tôi (như thể câu thần chú của Ali baba trước hang thần chứa đầy vàng bạc châu báu): “Vừng ơi mở cửa ra”. Còn tôi, hễ đọc đến câu thơ này là hình ảnh của anh chị em trong Cội Nguồn sáng lên trong trí nhớ. Tôi nhớ tới người đầu tiên đã tin cậy dẫn dắt tôi vào ngôi nhà Cội Nguồn là anh Song Nhị qua một cuộc thi truyện ngắn trên Việt No (vietno.com) của Na Uy mà anh được mời làm chánh giám khảo. Cả 7 chuyện ngắn tôi gửi đi đều lọt vào “mắt xanh” của anh và được đưa vào tuyển tập: “Bản hợp tấu”. Ngay sau đó, tôi nhận được lá thư thăm hỏi và chúc mừng của anh.
Như người trên sa mạc khô cằn bị bỏ đói, thiếu thốn cả về nguồn nước, thức ăn, cho nên vừa nhận được tín hiệu vui, tôi hăm hở trả lời. Bức thư được ký tên là Tịnh Hà, do anh viết tắt từ 3 chữ: Hà Viết Tịnh, khiến tôi cứ tưởng là của một phụ nữ (cùng “phái yếu” như mình) ...Kỷ niệm đầu tiên, sự nhầm lẫn thú vị đầu tiên cứ làm tôi nhớ mãi. Rồi cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam lôi tôi đi, kéo tuột tôi vào tù, nhấn chìm cả ước mơ dang dở của tôi là được in một cuốn sách ở Hải ngoại.
Chính nỗi đau bị bắt, nỗi đau ngồi tù khiến tôi lịm tắt tất cả mọi ước muốn ngoài đời, trừ ước muốn được tự do. Tôi không ngờ ngay sau khi tôi sa vào nanh vuốt đảng, anh Song Nhị đã quyết định làm “bà đỡ” cho tôi (Một tác phẩm gần 400 trang, dày dặn, bề thế nhất trong số hơn 20 tác phẩm của tôi từ trước đến nay, cả trong nước cũng như Hải ngoại). Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng đậm đà, sắc nét, quả thực nó đã ấn tôi thành tượng khi vừa chân ướt chân ráo ra khỏi cửa nhà tù và nhìn thấy cuốn: “Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân”. Cho tới giây phút này, tôi cũng không nhớ mình đã “khóc, cười, thủ thỉ” cùng đứa con tinh thần của mình bao nhiêu lần nữa?
Ở đời, lòng tốt cho đi rồi không phải bao giờ cũng nhận về lòng tốt, đặc biệt là trường hợp giữa tôi và Cội Nguồn. Ngay khi vừa kịp “cắt rốn”, cất tiếng khóc chào đời đầu tiên ở San Jose, nó đã gây ra bao điều tiếng thị phi do sự hiểu nhầm từ sự tốt “qúa mức cần thiết” của Cội nguồn đem lại. Tốt đến mức người trần, mắt thịt không thể nào tin được, ngờ tới... Chính vì thế mới có chuyện “ù xọe” ầm ĩ. Lòng tốt của Cội nguồn bị hiểu lầm thành “lợi dụng tên tuổi tôi để in sách kiếm lời, tận dụng nỗi đau của tôi trong nhà tù cộng sản để phát hành sách bất hợp pháp” v.v và v.v... Thôi thì cái xảy nảy cái ung, từ sự hiểu lầm ban đầu của chị Bích Huyền, mà phe của bùn đánh nhau với phe của sóng. Cả cơ sở Thi văn Cội Nguồn từ anh Song Nhị, Diên Nghị, nhóm bạn Trần Khải Thanh Thủy như chị Huệ Thu, Lê Diễm, Ngọc Bích, Diễm Hương bị bùn đánh cho tơi tả, vấy bẩn lên khắp mặt, khắp đầu, khắp người cùng quần áo. Bùn nhiều đến mức ông chồng “xã hội chủ nghĩa” của tôi cũng bị “toét mắt” vô tình đứng về phía phe của bùn, hất thêm bùn lên phe của sóng làm tôi phát xấu hổ.
Nào ai ngờ hạnh phúc và nỗi đau đôi khi lại có chung nguồn gốc. Nâng niu đứa con tinh thần trên tay tôi còn phải đèo thêm tai tiếng: “Vì tham mấy nghìn đồng nhuận bút của Cội Nguồn mà tôi biến thành kẻ vô ơn, không biết phân biệt phải trái, tốt xấu, không biết ai là người đã “co kéo” tiền về cho mình, nếu không có họ, liệu Cội Nguồn có chịu trả cho tôi không? v.v và v.v.. Điều khó nói nhất là cả chị Bích Huyền lẫn anh Song Nhị đều đứng về phe nước mắt, đều hành xử như những nhà thơ chân chính, xót thương cho cảnh khổ ải, lao tù của tôi nên muốn tôi phải được nhận về mình những đồng tiền xứng đáng nhất. Song nguồn gốc của mọi sự hiểu lầm lại ở chỗ anh Song Nhị sợ gia đình tôi bị lũ chó ác của đảng gây khó dễ nên đã không công khai số tiền gửi về. Thế là bao cảnh nực cười, gây cấn, khóc dở, mếu dở nổ ra. Theo quy luật của tự nhiên, sóng dù mạnh đến mấy, nhưng trước sự lấn lướt của bùn, cũng có lúc bị chùng xuống để bùn phủ trùm lên trên, huống hồ Cội Nguồn chỉ là những con sóng hiền từ đứng về phe nước mắt nên phải chịu ấm ức suốt một thời gian dài.
Cho đến bây giờ phe của sóng đã hoàn toàn chiến thắng, song lớp bùn cặn vẫn còn đọng dưới đáy và hễ có cớ lại đòi trào lên. Cho dù tôi đã tốn không ít giấy mực để làm sáng tỏ mọi điều, song mọi sự không phải bao giờ cũng như ý muốn. Vì thế trong khi ở tù lần thứ hai, điều làm tôi luôn canh cánh bên lòng là hình ảnh của anh chị em trong Cội Nguồn, những người mà tôi đã nặng lòng yêu mến và biết ơn, mà chưa có cơ hội để bày tỏ sự tri ân. Không ít lần trong những đêm mất ngủ tại trại giam tôi tự nhủ: “Tại sao kỷ niệm giữa tôi và Cội nguồn lại “ngậm ngùi” đến thế, hạnh phúc hòa chung nỗi đau. Hay đó chính là “định mệnh” để tôi tự nguyện bước chân vào ngôi nhà Cội Nguồn? Như câu thơ trong tù tôi thường nhắc:
Trải qua sóng gió bão bùng
Phải chăng hạnh phúc trộn cùng nỗi đau?
Cũng là định mệnh vào nhau
Trước là cay đắng, về sau ngọt bùi...
Sau 21 tháng tù oan nghiệt, hôm nay tôi đã thực sự bước chân vào ngôi nhà Cội Nguồn, gặp những con người bằng xương bằng thịt mà tôi vốn chỉ gặp trên điện thoại hoặc internet do khoảng cách về không gian và thời gian. Ngồi trên xe tôi đã nghĩ và tưởng tượng ra bao điều... Những âm tiết “nở hoa” trong trái tim tôi, tạo thành những tứ thơ mà tôi dự định sẽ nói trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này... Vậy mà vì tâm trạng, vì sức khỏe, hay vì rụt rè mà tôi đã không kịp nói ra? Không hiểu bệnh tật, tuổi già hay nhà tù cộng sản đã biến tôi thành “Trần Khỉ Thanh Thủy” như thế? Đã là lời thương sao còn ngại ngùng đếm đong? Sao không mạnh dạn nói ra lại “buông chùng” trong tim?
Ở những nơi khác, dù là giữa anh em chiến hữu thân cận ít người, hay cộng đồng bà con, nơi chốn đông người, tôi còn tán như khiếu, còn đá lưỡi lên tận... vòm họng, thế mà giữa Cội Nguồn, sao tôi như bị ai cắt mất lưỡi? Như một kẻ chân trần bụi bậm đứng trước dòng sông trong vắt không dám lội ào qua, dù đã bao lần thả mắt xuống dòng trong, để về nhà còn ngậm ngùi tiếc nuối...
Thôi thì đành tự an ủi “lời không nói ra là vàng ngọc”. Dù thế nào, dù sức tàn, lực kiệt, nhất định tôi sẽ cố góp một vài giọt nhỏ nhoi trong chõ mật văn chương của Cội Nguồn bên cạnh những tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc như: Song Nhị, Diên Nghị, Huệ Thu, Lê Diễm, Ngọc Bích, Diễm Hương, Triều Nghi, Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Trung Dũng, Ấu Tím, Cung Diễm, Lê Đình Cai, Trần Hữu Từ, Duy An Đông, cùng những thân hữu Cội Nguồn: Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Gia Vy, Bùi Ngọc Tô, Trương Đình Sửu, Nguyễn Hữu Hãn, Bùi Thanh Tùng, Nguyên Khôi, Thái Phạm, Phạm Bằng Tường, Cao Sơn, Trần Thị Thu, Phạm Chu Ánh, Hoàng Sơn Long, v.v. tôi được gặp hôm đó …
Buổi gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng thực sự làm tôi xúc động, mọi người hồ hởi tiếp đón tôi như đón một người thân lâu ngày gặp lại. Hai anh Song Nhị và Diên Nghị còn “phát biểu cảm tưởng” về sự “tìm về” của tôi, như thể chào đón nàng dâu mới về nhà chồng làm tôi xúc động đến lặng người. Luật sư Nguyễn Hữu Thống còn ví tôi với hai nhân vật nổi trội của nước nhà là chị Dương Thu Hương cùng bà Trần Thụy An. Thú thực, trong suy nghĩ của mình, tôi chỉ dám coi mình là một kẻ bất trị giữa xã hội cộng sản, luôn gieo rắc mầm mống “nổi lọan” trong đám quần chúng thất học vì bị đảng lừa. Cũng may, sự can đảm của tôi đã được mọi người yêu thương đón nhận, sau cả chục năm trời ấp ủ đau thương để sinh nở cái oai hùng...
Vừa “được ăn”, “được nói” tôi còn được “gói đem về” cả chục cuốn “Nguồn” có in tác phẩm của mình, cùng sách của hai anh Song Nhị, Diên Nghị và luật sư Nguyễn Hữu Thống.
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, 3 giờ chiều cùng ngày tôi ra bến xe đò để trở về, lòng còn dào dạt mãi những âm hưởng vui vẻ, thân mật mà trong cuộc đời không dễ gì có, nhất là đối với một người vốn sống hai phần ba cuộc đời trong bóng tối của độc tài cộng sản như tôi.
Không kịp nói trong cuộc gặp mặt, nên trong suốt hai tiếng đồng hồ chờ xe để về nhà sau đó, trái tim tôi cứ ngân nga mãi những vần thơ ngọt ngào. Thôi đành mượn bút thay lời, gọi là một chút tri âm với anh chị em thi hữu của Cội Nguồn, dù muộn còn hơn không:
Cội Nguồn thật đáng tin yêu
Vì tôi mà đã chịu nhiều xót xa
Trái tim tôi đủ thiết tha
Để yêu cả Cội Nguồn và... nỗi đau./.
Sacramento 20-8-2011
Trần Khải Thanh Thủy
(Hội viên)