Monday, January 14, 2013

Lời Rao Giảng Của Thơ – Nguyễn Thùy (Kỳ 2)



Ra Đi - Hành Trang Chặng Đường Đến, Ở  
 

Bây giờ, 'trốn chạy hòa bình', anh lại phải 'ra đi', tự bắt buộc mình 'ra đi', không để trở thành 'cái giá phải trả' trong tay phường 'chiến thắng' (?) mà với tâm nguyện tạo lập một 'hòa bình' đúng nghĩa thay cho thứ 'hòa bình' man trá, giả hình của kẻ thù tàn bạo, vô luân.
“Chạy trốn hòa bình” để 'Tiếng hờn chiến mã' có điều kiện mở phơi, vạch trần giai đoạn sử máu và thêm nung nấu can trường. 'Đến, Ở' xứ người, bơ vơ, lạc lõng như để 'nhận phần trả vay'nơi kẻ đã 'gieo mầm nhân quả'. Có thể Song Nhị không nghĩ như vậy mà hầu như do một 'căn duyên nào buộc', một 'cần thiết nơi đời cõi âm', một tất yếu của kiếp người 'từ nguyên là bụi cát, ghé bến rồi ra đi':                                     
Ta từ cõi lạ                                        
một lần đến đây                                        
gieo mầm nhân quả                                         
nhận phần trả vay

Ta từ cõi lạ                                       
một lần đến đây                                         
căn duyên nào buộc                                       
nhân sinh kiếp nầy                                                 
    (Chặng Dừng)
Chặng đường 'đến, ở' trong thân phận ly hương xay xát đêm ngày tấm thân lữ thứ. Chiến mã ngày nào 'lẫy lừng bao chiến trận, dọc ngang hề! tứ phương' giờ nầy co rút lại giữa cảnh đất trời xa lạ, giữa cách sống, cách nhìn chẳng chút đồng điệu, đồng tâm. Một cách biệt, khác xa: ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, thói quen, cả thân xác, hình hài,… một hoài nghi lạnh giá, 'hoài nghi hiện sinh, hoài nghi lý lịch' (doute existentiel, doute identitaire) xâm chiếm cõi lòng để hầu như thấy 'tuồng đời hư ảo, phận mình  hư không':                                      
Ngày qua theo bóng                                      
đời xuôi theo dòng                                       
bóng đời chập choạng                                       
phận người rêu rong                                     
Ta từ cõi lạ                                       
một lần đến đây                                       
ôâm toàn hư ảnh                                       
thả vào khói mây                                                 
    (chặng dừng)
Ai không ngậm ngùi trong cảnh tha hương? Ai không héo hắt trong hoài thương, tưởng nhớ? Chặng đường 'đến, ở' ngun ngút buồn đau; tương lai hun hút dặm ngàn, mờ mịt, lạnh căm:                                     
Xuân này có người viễn xứ                                        
hăm lăm năm biệt quê nhà                                  
lang thang chân trời góc biển                                       
ngậm ngùi đất tổ quê cha
.......                                                                             
bốn phương không là quán trọ                                       
ơi người viễn xứ về đâu?                                                                        
     (Người viễn xứ)           
Thời gian lạnh lùng trôi, không đoái hoài thân phận kẻ ly hương 'trên lưng dày quá khứ, từng vết hằn bầm đen' (Chặng Hai Ngàn Thời Chim Di Việt Nam), đã sang thiên kỷ mới mà những đợi chờ lịch sử đổi thay vẫn là một chuyện buồn, vẫn chưa một dấu vết vơi tan:                                    
Một phần tư thế kỷ                                       
hoàng kim như bóng mây                                       
chặng hai nghìn đến hẹn                                      
chuyện buồn còn trao tay                                                    
   (chặng hai ngàn...)

Và, bẽ bàng sao! Bao nhiêu đồng bạn cùng đoàn chiến mã bao thuở hiên ngang, bao thời oanh liệt và trong bao năm tháng ngày dài trong lao lung khổ nhục vẫn kiên cường bất khuất, thế mà, giờ đây.... Và, bao kẻ khác, không trong đoàn chiến mã, nhưng cũng đã phải bao đọa đày khổ nhục, đã phải liều chết ra đi, thế mà, giờ đây...
Một ngày tôi ra ngõ
phố xá người xôn xao
cờ giăng và biểu ngữ
chính nghĩa mình giương cao

Một ngày tôi cúi mặt
giọt nước mắt rơi mau
giữa lằn ranh thù hận
phất cờ vàng chọi nhau

Một ngày tôi ngồi hát
cảm nghĩa tình dạt dào
lời trao nhau giòn dã
đồng hương tố đồng bào

Một ngày tôi câm lặng
cuộc “tranh luận” dài dài
mở toang các làn sóng
âm thanh thật vui tai

Một ngày tôi thức dậy
thấy đàn ông đàn bà
ném tiền vào thầy cãi
vác chiếu ra hầu tòa
(Chuyện Mỗi Ngày Của Tôi)       
Giữa cảnh 'chợ trời chính trị' hổ lốn, bon chen, tranh giành nhau chút quyền, chút lợi, chút danh nham nhở, rẻ tiền; trước bao thủ đoạn nham hiểm, gian ngoan của kẻ thù cố tạo nên cảnh 'chợ trời bung xung' nhốn nháo đó, Song Nhị như thấy mình chỉ còn biết 'co lại trong xác con ve sầu', đành câm nín, im lìm ngày ngày 'lái xe vào hãng Mỹ, an phận làm cu li’ để 'một ngày tôi lội bộ, ra bờ Thái Bình Dương, đọc lời kinh sám hối, tạ tội cùng quê hương' (Chuyện Mỗi Ngày Của Tôi).
Việc làm đẹp nhưng chỉ để tự thân an ủi mình. 'Tiếng hờn chiến mã' không bằng lòng thái độ tiêu cực. 'Tiếng hờn chiến mã' buộc anh cũng như bao người như anh phải chiến đấu, chiến đấùu cho một ngày về, chiến đấu cho một lẽ sống hiền hòa, cao quí, cho một mùa Xuân của đất nước thực sự đẹp tươi, 'cả dân tộc sẽ bừng lên sức sống, xóa hết nhục nhằn xây dựng một ngày mai'! (Phải Nói Lại Những Điều Đã Nói – VLĐX):                                      
đoạn cuối hành trình đêm đen sẽ hết                                        
ở đó sẽ là một mùa xuân                                       
những mùa xuân                                       
ta sẽ trang trọng cắm những bông hoa                                       
cho em                                        
cho cả cuộc đời...                                              
(Từ Giữa Ngục Tù – THCM)

'RA ĐI LÀ ĐỂ TRỞ VỀ'
'Trở về' cũng 'cần thiết cho đời nhân gian'. Bước 'Ra đi' nào cũng mặc nhiên hứa hẹn bước 'Trở về'. 'Trở về' để phục thù bao oan khiên đã phải từng gánh chịu hay để tu bổ mái nhà khang trang, ấm cúng hơn xưa, hay để xây dựng trang sử mới chung vui hoặc chỉ để sống lại những kỷ niệm một thời. Thượng Đế đã phải ra đi để lại trở về; Đạo thể chân như từ 'Vô Dư Niết Bàn', đã phải 'ra đi' đắm mình vào Diệu hữu (cõi tục đế) để được trở về trong Hữu Dư  Niết Bàn lộng lẫy hơn xưa. Con người cũng phải 'ra đi' vì điều đó tự trời, và thiết yếu cho vận hành nhân sinh nơi cõi thế (xin xem đôi bài thơ nơi phần chú thích).
Sử mệnh Việt Nam đã hối hả xua hàng triệu con dân đất nước 'ra đi' vào lạnh lùng, hiu hắt để chuẩn bị cho một 'trở về' đẹp đẽ nay mai. (Xin không dài dòng điều nầy để khỏi rơi vào Đạo học và Chính trị).                       
Từ nơi 'đến ở', Song Nhị cũng như bao người luôn nuôi dưỡng một 'Trở về'. Anh đã từng 'trở về' không từ nơi đất Mỹ mà từ nơi trại tù cải tạo của Cộng sản.  Sau bao tháng ngày bầm giập tái tê, nhục nhã, anh đã 'trở về' lại với làng xưa, phố cũ, trở về lại 'những lối đi xưa'. Những 'lối đi xưa' nay không còn sắc màu diễm ảo, mộng mơ, xinh đẹp mà tiêu điều, hiu hắt do một 'đổi đời' kỳ quặc, do “trang sử lật rồi cuộc biển dâu” :                                      
Về đây đời bỗng ngu ngơ lạ                                        
Quanh quất như chừng lạc lối xưa                                        
Phố mất tên, đường, nhà đổi chủ                                        
Người nhìn nhau thoáng mắt thờ ơ              
Về đây. Về lại từ luân lạc                                        
Chưa trả dứt xong nợ quỷ thần                                        
Cảnh cũ người xưa chừ tản mác                                        
Thấy người mà buốt cả tâm thân….                                                   
    (Về đây – VLĐX)         
Song Nhị đã về lại quê nhà Hà Tĩnh vào năm 1988 (sau 32 năm kể từ khi cả gia đình vượt thoát qua Lào, nạn nhân của cuộc “cải cách ruộng đất”, đấu tố hung tàn, man rợ 1956), nhìn cảnh cũ người xưa mà lòng chao đảo, ngỡ ngàng:                                      
Tôi về Hà Tĩnh chiều nao                                        
Dưới chân Hồng Lĩnh máu đào chưa khô                                        
Quê người (ở Lào, ở Mỹ) tôi nhớ Nguyễn Du                                        
Quê tôi tôi đứng giữa mù mịt xa                                                       
    (Ba mươi hai năm về lại quê nhà – VLĐX)
.......
tôi về còn thấy gì nào
những cặp mắt lạ liếc chào: lạ thêm
tôi về ngày tưởng là đêm
từng cơn ác mộng bập bềnh thuở xưa
Tôi về “kẻ đón người đưa”
Bước lên tàu chạy tưởng vừa thoát thân.
      
Và cũng một lần 'trở về' quê Nghệ Tĩnh cùng Hà Nội, Song Nhị ngậm ngùi ra sao:                                      
Ngày trở về thăm quê Nghệ Tĩnh                                       
Đất cằn sỏi đá ruộng đồng khan                                        
Con trâu đứng đợi hờ rơm cỏ                                       
Em bé ngồi trông miếng khẩu phần                                     
.........
                                      
Và buổi đi tàu ra phía bắc                                       
Tìm về văn hiến bốn nghìn năm                                      
Thương ôi, Hà Nội tiêu điều quá                                      
Năm cửa ô buồn ngõ tối tăm                                                         
    (Nước non thuở ấy – VLĐX)
rồi trĩu nặng u hoài như Bà Huyện thuở nào “nước còn cau mặt với tang thương” để “nghìn năm gương cũ soi kim cổ” ; nhìn 'lăng Bác', nhìn tượng Lê Nin,... nhìn những anh công an khu phố sẵn sàng tri hô 'phản động' nhưng cũng vui vẻ tử tế nhận chút tiền hối lộ để 'phản động' được vào Tòa Đại sứ Úc có việc cần. “Lối đi xưa” bây giờ là thế đó, làm sao không quằn quại đau lòng cảm thấy “đồng hương mà vẫn đứng ở hai miền, đồng hương mà phải cùng nói chung ngôn ngữ khác”. Từ nơi xứ Mỹ, Song Nhị đã chứng kiến bao “trở về” của bao người để càng thêm tủi cực, ê chề:                                      
Người về. Ừ nhỉ về mà hưởng                                       
phú quí vinh hoa hậu đổi đời                                        
đã khuất nẻo rồi thời bão loạn                                       
sá gì vàng đỏ một trò chơi                                       

Người về kẻ đợi người đưa đón                                       
mừng rỡ thay vì tiếng mặn chua                                        
rủng rỉnh đồng dô la nặng túi                                       
dại gì ai kẻ đuổi người xua….                                                      
    (Người về – THLCD)
Lý do viện dẫn cho những 'trở về', tất cả nghe ra 'hữu lý' nhưng thực sự chẳng hợp tình, hợp cảnh chút nào dù 'trở về' để thăm viếng thân nhân, để nhìn lại quê hương xưa cũ, để hợp tác làm ăn xây dựng đất nước (?) với người Cộng sản hay tệ hơn và tàn nhẫn hơn là để hưởng thụ thân xác gái tơ tuổi đời non choẹt. Mọi “trở về” đều kết thúc bằng một 'ra đi trở lại' ngay cả 'trở về hợp tác, dựng xây' (!)
Song Nhị, một chiến sĩ, một nhà thơ – một chiến sĩ nghệ sĩ - không thể 'trở về' theo kiểu cách đó. Không thể trở về với tâm lý của kẻ 'phàm phu', hoặc với cái nhìn của một ngoại nhân du lịch. Trở về giờ nầy có khác gì với 'trở về' trước đây:                                     
Ngó lại                                       
Buồn                                       
Và tủi nhục                                       
Nỗi đau như cắn xé thịt da người                                       
Đất nước về đâu sau thế kỷ Hai Mươi                                                        
     (Về đâu Đi đâu – THCM)
Những “lối đi xưa” giờ đang héo hắt, lịm mình trong những 'độc tố bọc đường' man trá, giả hình. Không thể 'trở về' “khi bạo lực còn trên ngôi thống trị, Khi nhân loại bước vào tân thế kỷ, Đất nước mình lùi lại mấy trăm năm?” (Phải nói lại những điều đã nói – VLĐX). Chỉ 'trở về' trên những 'lối đi xưa' thuần hậu, hồn nhiên, tươi vui, trong sáng, đẹp đẽ thât sự cho con người, cho lẽ sống:                                     
Mai anh về em nhé                                                                         
Mùa xuân bừng nắng tươi                                       
Cây đơm chồi lộc mới                                       
Hoa thắm lại môi cười                                        
....                                       
Mái nhà xưa ấm lại                                       
Bếp lửa hồng reo vui                                       
Mẹ già thôi nước mắt                                       
Con thơ rộn tiếng cười                                       
......                                      
Hồn thơ anh chắp cánh                                       
Tình em hồng nắng mai                                       
Đời thênh thang rộng mở                                                  
(Mai anh về em nhé – THCM)
'Trở về' là để đi vào tương lai; 'trở về' là để dựng lại 'Cội Nguồn' mà dù cuộc sống có 'vô thường' đến đâu thì trên cái 'vô thường' đó, Cội Nguồn cũng luôn luôn thắp sáng khối óc, trái tim những người không mất gốc: “Du cư suốt cõi vô thường, Trăm năm về, ở ngọn nguồn cõi chung” (Nghĩ về Nguồn Cội – VLĐX) để tất cả, chết, sống, bạn, thù cùng nhìn ra:                                     
Trên mộ bia ai kẻ thua người được                                         
Có nhận ra nhau chung một cội nguồn                                                          
(Phải nói lại những  điều đã nói – VLĐX)
Cái Cội Nguồn nguyên khởi, từ đó vạn hữu đã 'ra đi' đắm mình vào cõi thế để một ngày, sau bao trầm luân dâu bể của hiện hữu vô thường, lại 'trở về' với Nó, với 'ngôi nhà Hằng Thể' (la Maison de l’ Être). 'Trở về' là tìm lại, sống lại thời tuổi mộng nguyên sơ trong một thế giới không sai biệt, không còn đếm đo, chia cắt, tính toán thị phi, tranh giành hơn thiệt. Song Nhị chỉ 'trở về' trong ý đó, với tâm nguyện đó (anh đã đớn đau đành cam bất hiếu không về phục tang mẹ mất ở Việt Nam tháng 4/2002).
'Trở về' không phải để 'trả thù, rửa oán' mà chỉ để góp phần đưa lịch sử sang trang, để đổi chiều lịch sử, để chấm dứt một giai đoạn lịch sử bi thương, mở ra những trang đời tươi đẹp cho mẹ, cho cha, cho đất nước non sông, cho người, cho đời, cho em: “Sẽ làm lại. Sẽ bắt đầu cuộc sống, Em góp nụ cười chung nỗi hân hoan“ (Bài đầu tháng giêng – VLĐX). Còn riêng anh, chỉ một ước mong bé nhỏ: “Anh về hái hạt mùng tơi, làm ve mực tím viết lời yêu thương' (Mực tím mùng tơi – THCM). 'Viết lời yêu thương', vâng, chỉ có thế, chỉ chừng ấy thôi; lời thơ giản dị chẳng chứa đựng gì cao xa nhưng không phải là chuyện dễ làm, không phải ai cũng làm được nếu không có 'tấm lòng' thực sự biết yêu thương. 'Lời yêu thương viết bằng mực tím từ hạt mùng tơi'. 'Hạt mùng tơi', sản phẩm của quê hương, một sản phẩm của tự nhiên hiền hòa, đạm bạc, bình dị, đơn sơ. 'Mực tím', màu tím, màu của suy tư, suy tư về tình yêu thương, do tình yêu thương để hành động vì yêu thương, phục vụ yêu thương hầu cuộc sống, cuộc đời thoát khỏi mọi thứ 'võng ngôn' chia cắt tình người, đã dùng yêu thương làm nhãn hiệu, chiêu bài che đậy bao ý đồ gian manh, biến yêu thương thành thù hận, hờn căm xéo nát tình người.
'Trở về'. Vâng, trở về nhưng bao giờ? Chưa ai trả lời. Song Nhị không xác quyết lúc nào, nhưng:                                     
Lịch sử bước đi bằng đôi hia bảy dặm                                        
lịch sử sẽ trở về                                       
như bào thai đến chu kỳ của nó                                       
và sẽ dừng lại ở những chặng đường                                    
                                       
Dù thời gian có bao lâu                                       
dẫu cuộc đời có vội vã                                       
hối thúc ta                                       
xin em đợi chờ.                                               
(Xin Em Đợi Chờ – THCM)
Xin em đợi chờ. Sớm muộn thế nào cũng sẽ đến 'tự cuối thiên thu nghìn vạn hướng, Quay ngược thời gian sử đổi chiều':                                    
Ngày đi. Ngày đến. Ngày về lại                                       
Vẫn hẹn. Vẫn mong. Dẫu trễ tràng                                     
......                                     
Xin hẹn với nhau cùng lượt nhé                                       
Quê hương xứ sở đón ta về                                       
Cờ bay rợp nắng mùa xuân mới                                        
Người gặp lại người nỗi hả hê                                              
    (Phố xưa đốt pháo đón Giao Thừa - VLĐX -                                                                            
     kính tặng Hoàng Tử Bảo Ân)
Bởi vì 'Quê hương đâu mãi vùng đất cấm, Đời sẽ rộn ràng những bến sông' (Sang mùa - VLĐX).  Xin hẹn, xin chờ: 'Ai đó thương nhau chờ hội mới, Sang xuân sẽ nở rộ hoa hồng' (Sang mùa). Vì rằng 'ĐOẠN CUỐI HÀNH TRÌNH ĐÊM ĐEN SẼ HẾT' (từ giữa ngục tù), vì rằng 'Phút giờ tăm tối nhất của đêm đen lại chính ngay vào lúc bình minh hiển hiện' (2) và 'Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần. Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu' (Tân ước Mathieu: 24: 12-13).
Xin hẹn, xin chờ. Ngày đó chắc hẳn không xa. Ngày đó "người gặp lại người", không chỉ trong tình nghĩa cố tri mà trong tình người hảo hợp không còn thù hận, hờn căm, không còn buồn đau, thống khổ mà tất cả hân hoan dù lạ hay quen cũng cùng hoan hỷ trong nghĩa tình " bằng  hữu, anh em".
Ba chặng đường 'Ra đi, Đến ở, Trở về' của hành trình Song Nhị, ba chặng đường đầy gian khổ, bi thương, cô đơn, buồn đau, u uất nhưng không thiếu vắng niềm tin, vẫn tràn đầy khí lực và chan chứa tình người. Hiểu theo Đạo Học, Ba chặng đường, một hành trình không của riêng Song Nhị, không của riêng ai, không của riêng người Việt nơi hải ngoại hiện nay, mà chính là hành trình chuyển dịch của dòng vận hành của Lẽ Đạo, của Thượng Đế, của Thể tính Chân Như  từ 'Chân Không' đi vào 'Diệu Hữu' để trở về với 'Diệu Hữu trong Chân Không'. Đấy là ẩn dụ 'Tổ quốc – Kiều địa – Cố hương' của nhà tư tưởng M. Heidegger (3).
Song Nhị không nói gì về tư tưởng, về triết học nhưng lời thơ đã hàm ngụ tính tư tưởng nơi cõi lòng luôn luôn thiết tha hướng vọng về Cội Nguồn, về mái ấm của ngôi nhà Hằng Thể óng mượt yêu thương. Từ trong cảm thức, Song Nhị đã từ lâu mơ màng âm thầm nuôi dưỡng cái hướng vọng đó, mượn hành trình 'Ra đi, đến ở, trở về' của riêng mình diễn tả tâm trạng, tâm tình và ý hướng vọng về cái lẽ hoằng viễn, thâm sâu bằng lời thơ đơn giản nhưng chất ngất niềm tin.     
Song Nhị yêu thơ và làm thơ từ thuở còn thư sinh. Thơ theo anh suốt cả cuộc đời. Thơ theo anh vào chiến trận, vào ngục tù, sống với anh trong chặng đường 'đến ở' lạnh buồn, 'ngao du' cùng anh suốt mọi ngã đường đất nước trên những 'lối đi xưa' và trên những 'lối đi ngày tới' trong ngày về. Suốt đời anh sống với thơ; suốt đời thơ 'ăn ở' với anh. Thơ cho mẹ, cho cha, cho chiến hữu, cho đồng hương, cho bạn bè, cho cô em nhỏ, cho bé thơ, cho cụ già, cho quê hương, đất nước, cho cuộc đời, cho nhân loại đầy đủ mọi cảnh ngộ, mọi sắc thái của hành trình nhân thế. Thơ là 'chất sống' một người, điều nầy dễ hiểu. Nhưng không chừng đó. 'Chất sống' nơi thơ – với những người thực sự là nhà thơ - mang chở một 'sứ mạng' cao cả, thiêng liêng. Thơ không chỉ là 'tiếng nói của con tim', không chỉ là những biểu hiện của thực tại, không chỉ là những rung động của tâm tư về phận mình hay vận nước mà còn là một 'thăng hoa' ý chí và tâm tình, một thăng hoa dể đạt được cái bản thể tinh anh, thuần khiết của con người nằm sâu trong vô thức hướng về hòa nhập với cái 'bản thể của tự nhiên' (le naturel de la nature).. Song Nhị đã viết:                                      
Tôi sẽ mãi làm thơ                                                                               
Ngôn từ vụng dại                                       
Sẽ lang thang gom gió sớm mây chiều                                       
Để đem về xây tổ ấm thương yêu                                        
Cho hồn tôi hồn em ngủ ngoan trong đó                                       
Tôi sẽ mãi làm thơ                                       
Để cùng em đời đời trăng sao hội ngộ                                       
(dẫu bầu trời sương khói mùa đông)                                       
Tôi sẽ đốt thơ thắp sáng ngọn nến hồng                                       
Soi tỏ lòng tôi – Lòng em                                       
Nếu muốn
                                       
Có thể thơ tôi làm em phiền muộn                                       
Làm mọi người ghét bỏ tôi thêm                                       
Nhưng không ai có quyền                                       
Vắt trái tim lấy máu làm độc dược                                        
Bởi máu tim là dòng suối ngọt                                       
Mãi mãi luân lưu nuôi mạch sống không cùng                                       
Mà thơ là tiếng nói của lòng                                       
Tiếng nói trăm năm vào đời cứu rỗi
     (Một đời với thơ – VLĐX)

Bài thơ như một 'thông điệp'. Thơ là ngôn ngữ của mọi ngôn ngữ, là nghệ thuật của mọi nghệ thuật. 'Thông thường, thi sĩ được tạo dựng vào khởi điểm hay tận cùng của một thời đại của thế giới. Chính do từ các thi khúc mà mọi dân tộc từ sơ sinh đã từ trời xuống đất để đi vào cuộc mưu sinh, vào địa bàn văn hóa. Chính do từ các thi khúc mà mọi dân tộc trở về với cảnh sống nguyên sơ. Nghệ thuật thiết lập mối chuyển tiếp từ bản thể tự nhiên vào văn hóa và từ  văn  hóa vào bản  thể tự nhiên' (4).

Còn nữa -Xem tiếp kỳ 3

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...