Tuesday, July 26, 2011

Nói Chuyện Với Thơ (1)

THƠ TÌNH

Với đề tài này bạn nhìn thấy hai vế: Thơ và Tình. Trước hết nói về Thơ: Thơ là sự thăng hoa tuyệt đỉnh của cảm xúc, tư tưởng và ngôn ngữ. Thơ là là một nghệ thuật riêng biệt của văn chương. Ngôn ngữ của thơ là ngôn ngữ đặc biệt và riêng biệt đi kèm với cảm xúc của người làm thơ mà người ta thường gọi là thiên phú. Cụ Bùi Kỷ cho rằng Thơ là phần kết tụ của khí hạo nhiên, một thứ hạo khí thuộc về phần hình nhi thượng của tạo hóa, để rồi từ đó đã tuôn trào ra đầu ngọn bút trước những cảnh vật thiên nhiên cũng như trước những cảm xúc của con người như khóc, như cười, như say như tỉnh, như bực dọc, như hả hê, như nhớ nhung, như khuây khỏa.

Người thời nay, như Mai Thảo thì lại nhận định: “Chỉ thơ, thơ mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương”. 

Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần sau một đời người miệt mài với chữ nghĩa, đọc, viết và nghiên cứu văn học cuối đời đã đưa ra kết luận: “Thi sĩ các anh là con cưng của thượng đế. Rút cục chỉ có Thơ.”

Còn nữa, còn nhiều lắm nhận định của những danh nhân, học giả Đông Tây dành cho thơ. Xin dừng lại đây để nói về Tình. Tình đây là Tình Yêu. Theo như định nghĩa có nhuốm mùi triết học: Tình Yêu là sự tra vấn, kiếm tìm, săn đuổi để chụp bắt một cái gì như có như không; như có đó mà không có đó, rất thật mà không có thật; không có bây giờ nhưng có thể có ở ngày mai, hoặc có ở lúc này nhưng ngày mai không chắc sẽ có. Và vì vậy mà tình yêu như một ngọn sóng cuốn hút con người hết thế hệ này đến thế hệ khác, cứ thế tiếp tục một cuộc săn đuổi kiếm tìm bất tận.

Xuân Diệu khi viết bài thơ với câu mở đầu: “Yêu là chết đi trong lòng một ít” tuyệt nhiên không phải là một định nghĩa về tình yêu như nhiều người vẫn gán ghép, mà là do cảm xúc nội tại về sự xao xuyến của cõi lòng về một mối tình, một đối tượng đang còn săn đuổi, khi chưa đạt được cứu cánh, chưa qua thời kỳ quá độ.

Nguyễn Bính khi làm bài thơ Người Hàng Xóm với bốn câu mở đầu:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có mối buồn giống tôi
là lúc thoát thần thú nhận một cảm xúc trào dâng để bao nhiêu ý tưởng suy nghĩ trào ra thành một “bản tự thuật” của trái tim thi sĩ.
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: “hay tôi yêu nàng?”

Chính cái hư hư thực thực của cảm giác có không, không có của nhu cầu tâm lý ấy mà những khoảnh khắc bất chợt của cảm xúc bùng vỡ bất ngờ làm cho Thơ vụt hiện. Cùng với cảm xúc bùng vỡ, ngôn ngữ cũng bất thần xuất hiện, ăn khớp nhịp nhàng với rung cảm để ý tưởng tuôn trào thành thơ. Những ngôn ngữ bộc phát lúc bấy giờ có khi vô nghĩa với người ngoại cuộc nhưng lại rất tâm đắc với chủ thể của mối rung động phát ra thành Thơ. Tất cả ngôn ngữ, cảm xúc đó chỉ thể hiện trong cái khoảnh khắc rung động ấy thôi, sau đó là hết, là mất hẳn. Sau đó nếu có cố vận dụng cách nào đi nữa thì cũng không bao giờ tái tạo được cái cảm giác kỳ ảo đi kèm với những ngôn ngữ tuyệt diệu kia.
Người thơ khi đắm chìm trong trạng huống tâm tư như thế, do những rung cảm của con tim; do những trầm tư về một cảnh vật, một con người, về những đoạn đời từng trải, trong một khoảnh khắc cái âm-ỉ kia cuồn cuộn như cơn gió xoáy để bật thành tiếng, và thơ hiện hữu như một hóa giải, như một đáp ứng tiếng réo gọi thôi thúc của tâm tư.
Sau đây xin mời bạn thưởng thức một bài thơ được viết ra trong một cung cách như thế.  Tác giả cũng xin “thú nhận” bài thơ được viết trong trạng thái con tim ray rứt, khắc khoải về một đối tượng, như một cơn khát dữ dội, con tim đòi hỏi phải đuợc nói ra. Thế là ngôn ngữ thơ tràn ra trang giấy. Bài thơ làm xong, giây phít đó qua đi, từ đó không bao giờ có lại cái cảm xúc lần thứ hai như vậy nữa. Đối tượng từ từ chìm khuất và con tim ngủ yên. 
Loại thơ này khác với những bài thơ tìm ý, tìm chữ, ghép vần.

Góc Phố Này Mỗi Đêm

Cảm ơn em cho toi đề tài
để làm bài thơ dạt dào cảm xúc
bài thơ không cần người đọc
khi viết xong đem thả giữa trời

Cảm ơn em những buổi sớm mai
ra khỏi cửa để thấy mình ngớ ngẩn
như chiếc xe lạc đường luẩn quẩn
chạy lòng vòng không tới ngõ nhà em

Ta trở về nghe nhịp đập con tim
nhìn thấu suốt con đường lên phố núi
Ta hối hả chạy quanh dòng suối
kiếm tìm em ... gặp kẻ vô tình
Ta trở về hỏi lại con tim
nghe thỏ thẻ toàn những lời mộng ảo!

Cảm ơn em đã làm nên dông bão
để ta ngồi trần trụi ngó phong ba
cảm ơn em vườn cây trái phù sa
đã bỏ mặc kẻ cơ hàn đói khát
đã bỏ mặc - gã thâm tình tệ bạc
tiếc tiếng xưng em tiếc tiếng gọi mình

Bên cánh rừng em hát với bình minh
mà quên mất góc phố này mỗi tối
           
Cảm ơn em - không có gì đáng nói      
mà còn rất nhiều không thể bỏ quên
ta trở về ngồi suốt sáng thâu đêm
tưởng như thể chuyện long trời lở đất

Cảm ơn em ...
đành một lần lỡ mất!

Song Nhị

Tuesday, July 19, 2011

Thơ Tuyển

TÔI ÐI
GIỮA ÐOÀN TÙ VÁC ÐÁ

Ở đây trời đất vừa thu lại
còn một vòm đen chứa thế gian
và cả loài người như đổi lốt
bày trò dã thú lối chơi hoang

Tôi tưởng như mình vừa sống lại
tự nghìn kiếp trước nối oan khiên
oằn lưng gánh lấy hồn sông núi
hiu hắt trong lòng đóm lửa thiêng

Tôi đi giữa chốn tàn quân ấy
đội ngũ hùng binh đã một thời
nghe tiếng - quân thù kia khiếp sợ
một giờ cuồng nộ súng gươm rơi

Tôi đi núi đổ đè thân phận
đá cứa vai trần máu rướm tim
cả một đoàn người xoay trái núi
dời non chuyển đá dựng xà lim.

Canh bạc đã về tay bạo chúa
tình người đạo nghĩa đã nhường ngôi
tôi đi dưới bóng thời nô lệ
ngọn núi đè lên cả kiếp người
           
Ðủ ngón đòn thù ân huệ lắm
quất lên da thịt đã chai sần
lưỡi dao sỉ nhục xuyên tim óc
vết chém khoan hồng tươm xác thân

Sắt thép nào không tan với lửa
thịt da mục rữa lẽ đương nhiên
nhưng tâm và chí đoàn ngươi ấy
lửa đốt lò nung không thể mềm

Ở đây chất ngất hồn non nước
vang bóng vua Lê buổi dựng cờ
vọng tiếng Bình Ngô hồn Nguyễn Trãi
đoàn người bước tới hẹn thời cơ.

Song Nhị
Lam Sơn, Thanh Hóa 1978

**

AMONG THE PRISONERS
BEARING THE STONES

Hell and Heaven're miniaturized here
It looks like a black dome containing the world
And human beings seem losing their real personalities
Pull nasty tricks and create bestialities  

I'm doubtful just revived from thousands of reincarnations
Bringing  on myself  calamities of retribution
And bearing  my country's soul on my sagging shoulders           
Filling up my heart with sacred fire wavered

I went in lines of those troops wearily exhausted 
The strong  military line-ups once renowned
That made enemies frightened out of their wits
Yet, after an hour of violent anger, their weapons dropped down

I walked when the mountain collapsed upon my destiny
The sharp stones cut my shoulders, my heart bled
The whole troop turned the mountains stony  
Moving them to  build cells and jail-sheds
                                                                          
Alas! the winning game fell into the hand of brutal tyrants
Men's ethics and feelings being dethroned
I went under such a slavery's shadow
The mountain kept down my body and soul
           
With differently wild tricks of revenge
Beating on my skin which's callously scalded
Pushed into my heart and mind a blade of shame
The cuts of favor bled my body with their hit

What kind of metal couldn't melt in the fire!
Human skin and flesh were, of course, decomposed
But heart and spirit of that troop - their lives
Won't be ever melting by furnace and fire
           
Right here, my homeland's towering spirit    
Far-resounding renown o'king Le
Who rose up in arms greatly
And echoeing Nguyễn Trãi's Proclamation
o'Victory over the Ngo barbarity 
The POW in advance, bearing stones 
Also carrying hope for their dear country.

This interpretation 
by NGÔ ĐA THIỆN and SONG NHỊ                                                        
**

T H Ê M  M ỘT   L Ầ N
NÓI CHUYỆN CŨ VỚI EM

Tưởng sang Mỹ rồi lòng thanh thỏa
sang Mỹ rồi sẽ trả được cho em
trả những năm em lặn lội đi tìm
vượt núi băng rừng
từ Nam ra Bắc
gói đường, gói bột
con cá khô, muối mè, muối sả
vượt nghìn cây số đường xa lắc xa lơ
trên toa-xe-lửa-già khập khễnh
cứ sợ anh chết bụi chết bờ

Mỗi năm được phép một lần
găp nhau năm, mười phút
để biết còn có nhau
cho anh còn hơi thở sống
để anh được ngắm được nhìn
được nghe em nói
được mềm lòng trong mắt em rưng rưng
hai hàng lệ chảy

Ít ra năm mười phút có nhau
mặc tên cai tù ngồi kề bên canh giữ
ta cứ nói cứ nhìn
anh được một bữa no cơm
no lòng tin

Rồi em quay về giữa bầu trời ảm đạm
giữa hoang vu móng vuốt rập rình
mười năm em như con thoi
đi thăm tù - về phố
tuổi chập hai mươi em hóa thành chinh phụ
hóa thành truyện kể dân gian
anh thì cứ mãi băn khoăn
tự hỏi:
làm gì để bắt em cùng gánh tội?
mươi mấy tuổi
anh đã đi cùng sông cuối suối
lênh đênh theo mệnh nước vận nhà
anh quý vô cùng xương máu của ông cha
anh yêu vô cùng quê hương tổ quốc
anh yêu con người
anh yêu non nước
đó là tội hình?
em phải gánh chịu cùng anh!

Tuổi xuân em
giữa hoang vu móng vuốt rập rình
bóng chiếc thân đơn đi về thấp thỏm

Tưởng sang Mỹ rồi sẽ trả được cho em
những lược gương và màu son phấn
trả em một thời lận đận
dậy sớm thức khuya chiếu giường hiu hắt
trả em bàn tay choàng bờ vai
những chiều dạo phố
bờ vai một thuở
mái tóc che không đủ ấm đêm dài

**
Tưởng sang Mỹ rồi sẽ gánh vác thay em
chiều hôm sớm mai
trả em thuở khúc khích hồn nhiên
em sẽ dạy các con lễ nghĩa thánh hiền
dạy các con học bài
đánh vần tiếng Mẹ
như lớp học rộn ràng thỏ thẻ
quên một thời vất vả truân chuyên.

Anh sẽ bên em viết lại cuộc tình
kể chuyện một thời dâu bể
một thời non nước điêu linh
chuyện những con người Việt Nam
vượt muôn nghìn gian khó
chuyển hóa cuộc hồi sinh
những tấm gương trung kiên
tiết liệt
nghĩa tình
ơi! những nàng chinh phụ.

12-2000

**

Phải Nói Lại Những Điều Đã Nói

Xin gửi đến các anh bài thơ buồn
Dẫu phải nói lại những điều đã nói
Khi lịch sử còn phân công luận tội
Tên các anh đã rạng rỡ với đời

Xin gửi các anh những thế hệ con người
Đem máu xương bón xanh rừng Tổ Quốc
Trên mộ bia ai kẻ thua người được
Có nhận ra nhau chung một cội nguồn

Có tìm lối về đất tổ Hùng Vương
Pho sử sách lật từng trang đọc lại
Con đường cái quan Cà Mâu Nam Ải
Xuyên một đường mạch máu bốn nghìn năm

Dấu đạn bom mỗi chỗ các anh nằm
Là vĩnh viễn vết  nhơ quân phản bội
Bọn đón gió trở cờ và cơ hội
Chút lợi danh quên phẩm giá con người

Xin gửi các anh một chút lòng vui
chút êm ả sau một thời bom đạn
Khi đất nước chưa qua thời đại nạn
Thù hận đọa đày còn nỗi đau chung
           
Xin gửi các anh thông điệp tin mừng
Nửa nhân loại đã bừng cơn tỉnh ngộ
Thành trì đỏ đã một chiều sụp đổ
Cách mạng nổ chuyền từ Mạc Tư Khoa

Xin gửi các anh tiếng nói thật thà
Tiếng nói lương tri nghĩa tình phẩm giá
Bọn bất lương vẫn bịp lừa dối trá
Vẫn ngang tàng trên máu lệ người dân

Tổ Quốc ta ơi vinh dự nghìn lần
Hịch Hưng Đạo - bản Bình Ngô Đại Cáo
Cha ông ta bao đời ngăn gió bão
Quên thân mình cho trăm họ an vui

Xin gửi các anh tiếng nói ngậm ngùi
Khi bạo lực còn trên ngôi thống trị
Khi nhân loại bước vào tân thế kỷ
Đất nước mình lùi lại mấy trăm năm?

Máu các anh mỗi chỗ các anh nằm
Thấm vào đất ươm mầm xanh hy vọng
Cả dân tộc sẽ bừng lên sức sống
Xóa hết nhục nhằn xây dựng một ngày mai./

**



Sunday, July 17, 2011

Quê Hương và Máu Thịt




3. Phú Quốc – Biển, Rừng  và khu di tích nhà tù

Trong hai tuần lễ ở Sài Gòn với các thủ tục lễ nghi tang chế, lo việc xây mộ, viếng mộ, thời gian còn lại chỉ còn non một tuần, để tránh sự căng thẳng, lo sợ bâng quơ, gia đình tôi đến “Vietnam Travel”, một công ty du lịch của …. Bộ, tìm một chuyến đi xa, nhiều nơi hết chỗ, cuối cùng cũng có được chuyến đi Phú Quốc. Đường bay từ Sài Gòn ra đảo này mất một giờ, buổi sáng đến nơi, gió biển và nhiệt độ thấp hơn Sài Gòn cho đoàn khách phương xa một cảm giác lâng lâng thoải mái.
 
Phú Quốc, chưa phải là một điểm du lich đúng nghĩa. Các tiện nghi ăn ở và giải trí cho khách nước ngoài còn quá “thô sơ”. Nhà cửa và các tiện nghi tập trung ở khu thị trấn. Gần các bãi tắm có khách sạn ba sao, có nhà ăn khang trang lịch sự. Các danh lam thắng cảnh để hấp dẫn khách tới lui không có gì lôi cuốn, ngoại trừ biển, khí hậu, rừng nguyên sinh và … địa danh. Cái quý của Phú Quốc là biển và rừng. Rừng chưa bị khai thác, chưa có hiện tượng “phá rừng” như những khu rừng già nguyên sinh suốt dọc dài núi non Trung Nam Bắc.

Nghe nói Pháp đã ký dự án khai thác Phú Quốc, biến đảo này thành một khu du lịch quốc tế. Nhiều người trong đoàn chúng tôi nghe tin này tỏ ý hy vọng Pháp sẽ nhẹ tay với rừng Phú Quốc. Trong ba ngày ở đây, người hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đi xem một số “thắng cảnh”. Ngày đầu đi xem Suối Tranh. Con suối này theo người hướng dẫn cho biết dài 15 km. Suối Tranh chỉ là …một con suối, không có gì đặc sắc.

Những con suối trên rừng Trường Sơn từ Nghệ Tĩnh tới Quảng Bình mà chúng tôi từng đi qua đẹp và hùng vĩ hơn nhiều.

Sau Suối Tranh chúng tôi được dẫn đi thăm ngôi chùa Hùng Long Tự toạ lạc trên một ngọn đồi cao và Dinh Cậu nằm trên vách đá dựng ven mé biển. Đi xem chợ Dinh Cậu – chợ sáng, chợ chiều và chợ đêm. Một nơi khác là khu nuôi ngọc trai. Tại đây có một gian hàng rộng bán đủ mọi loại ngọc trai trang sức cho phái nữ. Các ông đi theo làm nhiệm vụ tháp tùng, bảo vệ và xem cho biết. Từ khu Ngọc Trai, khách đi tiếp đến Đồi Sim. Đồi Sim không biết rộng đến cỡ nào nhưng ở đây có khu trưng bày và bán những chai rượu mật sim đặc sản và các sản phẩm địa phương.

Nước mắm Phú Quốc, một đặc sản nổi tiếng từ thời VNCH cũng được bày bán la liệt. Tiêu và các loại tôm, cá, mực khô là những món hàng được mời chào phổ biến.

Thật ra Phú Quốc không có gì là danh lam thắng cảnh. Khách được dẫn tới những nơi này để thấy ở trên hòn đảo giữa biển mà có được những công trình như thế.

Trong ba ngày đi đây đó trên đảo, có vài giờ tắm biển và buổi chiều ngồi ngắm mặt trời lặn chìm khuất dần vào lòng đại dương, một ký ức từng gây cảm giác “đau đớn” khi chúng tôi tới xem “Khu Di Tích Lịch Sử Nhà Tù Phú Quốc”. 

Hình ảnh của cuộc nội chiến tàn khốc tái hiện. Người cộng sản thật mâu thuẫn khi họ phủ nhận tính cách đích thực của cuộc chiến tranh Việt Nam là Nội Chiến. Nhưng họ lại trưng bày những cái gọi là “tội ác của ngụy quân ngụy quyền” với những ngụy tạo cường điệu nhằm tuyên truyền, gây ngộ nhận với các thế hệ sinh sau cuộc chiến và với lịch sử.  
 
Giữa buổi trưa nắng gắt, chúng tôi xuống xe bước vào mấy bước gặp ngay tấm bảng xi măng “Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc”. Chúng tôi được dẫn vào một căn nhà xây, mái ngói, theo người hướng dẫn “thuyết minh” là một nhà tù “thời ngụy”. Giữa nhà có lối đi, hai bên là hai dãy nhiều bệ xi măng được sắp xếp ngay ngắn. Trên mỗi bệ xi măng ấy là những bức tượng hình dạng người, lớn bằng người thật, mặt mũi da dẻ nhìn qua khá giống. Bố cục trình bày trên mỗi bục xi măng là một người lính VNCH, cái lạ là thuộc đủ mọi sắc phục quân binh chủng, trong đó đang thể hiện động tác tra tấn một “tên Việt Cộng”. Những cảnh tra tấn được diễn tả một cách khá sống động với chủ đích hoàn toàn có tính cách tuyên truyền, cường điệu bất chấp sự thật lịch sử. Ở mỗi bệ xi măng đều có bảng ghi nội dung những cảnh tượng tra tấn: Một người lính Quân Cảnh VNCH đang dùng kềm bẻ răng một VC. Kế đó là một quân nhân QL/VNCH đang cầm búa đục lấy xương bánh chè đầu gối một VC khác. Chỉ riêng “hoạt cảnh” nguời lính Quân Cảnh và lính Bộ Binh đục lấy răng và đục lấy xương bánh chè đầu gối trên cơ thể một người đang ngồi yên cho thấy đầu óc tượng tượng của hoạt cảnh đã vượt quá xa tính hữu lý logic và sự thật có thể chấp nhận được, một sự bịa đặt khiến người xem phải đặt câu hỏi về bảng hiệu “Di tích lịch sử” của nhà tù Phú Quốc. Làm gì có chuyện lính Quân Cảnh và lính Bộ Binh lại làm nhiệm vụ điều tra viên ở các nhà tù miền Nam!! Nó có tính cách phản tuyên truyền hơn là thuyết phục người xem. Có lẽ xưa nay ít có một bộ óc nào “thông minh” đến độ đưa ra chủ trương khai thác, tra tấn để moi tin lại cố tình để lại thương tích trên cơ thể nạn nhân như kiểu đục lấy xương bánh chè đầu gối!!

Trước năm 1975, chúng tôi chưa có dịp đến Phú Quốc và thăm nhà tù này, hồi đó cũng ít nghe báo chí nói đến nhà tù P.Q mà chỉ nghe đám ký giả phản chiến làm ồn ào về “chuồng cọp Côn đảo”.

Không biết nhà tù P.Q có từ năm nào, nhưng tính từ 75 đến nay đã hơn 36 năm, thời gian và mưa nắng đã đủ làm hoen rỉ sắt thép, nhưng những mái tôn và lớp kẽm gai bao quanh khu nhà tù chúng tôi nhìn thấy còn sáng loáng như mới. Không rõ có sự “đổi mới”? hay tôn thép kẽm gai của “đế quốc Mỹ” chống được sự tàn phá của thời gian.

Tôi có nghe một số thân hữu kể chuyện đến thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử, “Nhà trưng bày tôi ác Mỹ Ngụy” tại Sài Gòn mà chưa có dịp nhìn tận mắt.

Công việc lưu giữ những di tích, sự kiện, biến cố lịch sử là một việc làm chính đáng và cần thiết. Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến Bắc Nam (1861-1865), ngoài việc phe bại trận được tôn trọng, giúp đỡ, hòa hợp, tất cả những gì của cuộc chiến, từ một trận đánh, đến những địa danh, những con đường, những tên gọi, khí tài, sách báo, phim ảnh của phe thắng và phe bại đều được giữ lại nguyên vẹn, không sửa đổi, không thêm bớt. Sự thật lịch sử được hoàn toàn được bảo vệ.

Cuộc nội chiến Việt Nam dài gấp bốn lần cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Những dữ kiện lịch sử của cuộc chiến tranh VN vô cùng phong phú và nếu được giữ lại một cách trung thực thì đó là một kho tàng lịch sử quý báu cho hậu thế. Tiếc rằng, sau khi chiến thắng, thống nhất lãnh thổ, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã thủ tiêu tất cả những thành tựu về mọi lãnh vực – văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị – của miền Nam, tệ hại hơn họ đã xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, giàn dựng những điều xấu, những tội ác tưởng tượng gán cho quân dân và chính phủ VNCH. Chỉ nói riêng về lãnh vực Văn Học, CSVN đã cố tình xóa bỏ 20 năm Văn Học miền Nam. Nhiều tác giả và tác phẩm của Văn Học miền Nam bị xóa tên, bị xuyên tạc hoặc bị tiếm đoạt.

Xem những gì trưng bày tại “Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc”, dù tỉnh táo đến mấy, chúng tôi cũng cảm thấy nhói đau tưởng như 20 năm cuộc chiến Bắc Nam chưa chấm dứt. Hận thù còn được nuôi dưỡng và tình tự dân tộc mãi mãi tiếp tục không thể hàn gắn.

Hơn hai triệu người Việt hải ngoại bỏ nước ra đi sau năm 1975, họ đi tìm cái gì? Họ trốn chạy cái gì? Mọi người Việt trong nước, ngoài nước đều biết. Trong cơn hoảng loạn của những cuộc di tản, vượt biên, vượt biển, kể cả những người đi theo diện ODP, H.O hành trang của họ không là của cải tài sản mà là những ký ức buồn vui, những đau đớn hãi hùng từ cuộc chiến. Trong hơn 36 năm tôi chưa thấy cộng đồng người Việt hải ngoại dựng lại những khu di tích “tội các Cộng Sản”. Có chăng là những đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Mỹ, những đài tưởng niệm thuyền nhân. Và người ta khó có thể tin được nhà cầm quyền VN hiện nay lại sợ hãi những tượng đài như thế, khi họ áp lực các nước Indonesia, Mã Lai phá bỏ những tượng đài ấy.

Cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt xuýt xoát đã gần 40 năm, nói cho chẵn. Phần lớn những người phát động và thực hiện cuộc chiến này đã đi vào lòng đất. Thế hệ cầm đầu đảng Cộng Sản và lãnh đạo đất nước hiện nay cũng sẽ lần lượt ra đi. Nhưng đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn. Chúng ta tin tưởng tuyệt đối, Việt Nam không thể là một Tây Tạng thứ hai trước mưu đồ xâm lấn và thôn tính của chủ nghĩa bành trướng phương Bắc.

Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang cần một sự kết hợp lòng người của hơn 80 triệu dân từ khắp mọi miền, trong nước và hải ngoại. Nhưng bao giờ thì những di tích hận thù kia được xóa bỏ?!

Song Nhị, 14/7/2011

Friday, July 15, 2011

Quê Hương và Máu Thịt

2. Hòn Ngọc Viễn Đông – Bóng mờ dĩ vãng

Sài Gòn trước năm 1975 được báo chí nước ngoài đặt cho danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông. Hòn Ngọc Viễn Đông với dân số non ba triệu. Lưu lượng xe cộ lưu thông trên đường phố lúc bấy giờ có thể áng chừng khoảng một phần ba là xe hơi, xe buýt; non một phần ba xe gắn máy và hơn một phần ba là xe đạp. Trật tự lưu thông được quy định và thi hành một cách nghiêm ngặt. Người lái xe gắn máy trên 50 cc (phân khối) phải có bằng lái. Xe đạp phải có chuông thay kèn như xe hơi, chạy ban đêm phải có đèn.

Tôi không quên câu chuyện anh bạn học ở trọ nhà tôi, khoảng 8 giờ tối nổi hứng nghệ sĩ, dắt chiếc xe đạp chạy ra phố mua cái ống tiêu, với chủ ý vào khuya hướng  sang nhà hai cô nữ sinh Trưng Vương nỉ non mấy khúc. Đi một lúc anh ta trở về nhìn tôi mặt tiu nghỉu. Hỏi ra vì bị cảnh sát giao thông tặng cho một giấy phạt 3 đồng về tội chạy xe đạp ban đêm không có đèn. Ba đồng tiền VNCH năm 1960 giá trị lắm. Một người ở nhà trọ, ăn cơm tháng chỉ tốn 10đồng/ một tháng thôi.

Câu chuyện chàng Trương Chi vọng hai...  Mỵ Nương này hôm sau được chuyền cho cả lớp nghe khiến “chàng” muốn trốn học và cả lớp có đề tài mua vui suốt cả tháng. Câu chuyện có thật này bây giờ chỉ là một bóng mờ với Sài Gòn dân số hơn 9 triệu, xe cộ ngập đường. Lưu thông hỗn loạn. Sài Gòn ngày nay xe gắn máy chiếm lĩnh diện địa, lấn át xe hơi và bất chấp người đi bộ. Ngược lại xe hơi cũng ngang tàng bất chấp thiên hạ. Tôi ngồi trên một chiếc Taxi, đang lúc giữa dòng xe cuồn cuộn, chiếc taxi quay vòng chặn luồng xe, đậu ngang giữa đường để U-turn quay ngược hướng. Tôi không dám đi xe ôm và đi taxi cũng nhắm mắt phó mặc cho người lái. Tôi nghĩ những người lái xe ở Việt Nam là những tài xế giỏi nhất thế giới.
Tôi hỏi một “bác tài”: - Sao họ lái xe bừa bãi thế? Họ không sợ tai nạn à?

Như được gợi trúng ý, hoặc bị chạm tự ái, người lái xe nói một mạch: - Thì ông bảo họ có cách nào hơn là chen nhau, chèn nhau để tới đích. Đâu phải họ đi chơi. Họ có công việc phải đi, phải đến. Công an giao thông cũng bó tay. Các ông này chỉ nhắm những chiếc xe nào có thể “nắn” được kỳ dư mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy chạy.
Các ông trên cao họ đâu thèm để mắt tới chuyện nhỏ này. Các công trình quy hoạch khởi công rồi để đó vài ba năm, thậm chí năm mười năm. Ông này xuống, ông khác lên công trình quy hoạch thay đổi để có lót tay lót túi … Dạo này tương đối bớt được nhiều lô cốt trên mặt đường, người dân đỡ khổ...

Một lần gia đình tôi thuê bao một chiếc xe, trên một chuyến đi đang “ngon trớn” bỗng bên lề có mấy ông công an áo vàng chặn xe ra hiệu tấp vào lề. Người tài xế trước khi bước xuống xe dặn chúng tôi: “Nó có hỏi thì nói giùm xe đi đám tang”. Mấy phút sau ngời lái xe trở lại, có người trên xe hỏi:
- “Chú vi phạm gì mà bị chặn vậy?”
- “Có vi phạm gì đâu. Nó nói sao dám qua mặt nó. Cháu bảo xe đi đám tang nên nó cho đi”.
Như để xả nỗi ấm ức, người tài xế này “tâm sự”: Các cô thấy không, đường sá như thế này, xe chen dọc chen ngang, nếu phạt mấy ngàn cảnh sát giao thông cũng chưa đủ người để ghi giấy phạt. Cũng chẳng có chính sách như vậy. Những người đứng đó (cảnh sát áo vàng) họ phải mua đất đấy chứ. Chỗ đứng của họ nhỏ hơn nửa mảnh đất mua chôn ở nghĩa địa nhưng tiền mua đắt hơn gấp mấy lần.

Chúng tôi tỏ ra không hiểu, hỏi lại – Thế nghĩa là thế nào?
- Thì ai muốn ra đứng đó phải mua chỗ nên chi họ phải lấy lại vốn chứ. Cuối cùng chỉ có người dân khổ. Tham nhũng là việc riêng của các ông ấy, từ trên chóp bu trở xuống. Người dân hay báo chí có lên tiếng kêu ca cũng chỉ là chuyện mua vui. Ngay cả việc Trung Quốc nó lấn ép mình, thuyền đánh cá bị bắt giữ đòi tiền chuộc, vùng biển của mình nó vào đánh cá như nhà nó mà người dân biểu tình chống Trung quốc cũng bị bắt.

Thấy người tài xế vui tính, cởi mở, dù biết chúng tôi là Việt kiều từ Mỹ về, tôi hỏi quê quán, chú ấy nói “Cháu quê ở Hậu Giang”. Tôi hỏi: trước năm 75 chắc còn ít tuổi, chưa lính tráng gì chứ? Chú ấy trả lời: - “Cháu là bộ đội ôngï Hồ nhưng thích xài đồ ông Thiệu. Cháu là lính lái xe không cầm súng, chưa bắn người nào”.

Tôi nói đùa “nhưng chú lái xe chở hàng trăm, hàng ngàn lính đi bắn thì người chết còn nhiều hơn một mình chú cầm súng bắn”. Người tài xế nhìn tôi cười!

Chúng tôi ở Sài Gòn hai tuần lễ, visa cho nhập cảnh còn dư hai tuần. Sài Gòn tháng sáu đã có những trận mưa chiều. Cơn mưa ào xuống cũng vội vã như … người Sàigòn. Mưa không lâu nên những người “khách phương xa” như chúng tôi không được nhìn thấy những dòng sông trên các đường phố SG như lúc ở ngoài nước nhìn thấy trên các trang mạng.

Nhờ có những cơn mưa nên Sài Gòn tháng Sáu có được những ngày tương đối mát. Nói là mát nhưng hễ ra đường là phải leo lên taxi để có máy lạnh và về tới nhà là bước ngay vào phòng có máy lạnh để tránh nóng. Chẳng phải làm sang hay làm dáng gì, nhưng vì đã hàng chục năm sống ở San Jose, Vùng Vịnh Bắc California khí hậu hầu như mát mẻ quanh năm, cơ thể đã “bị” quen rồi nên khó mà thích nghi với không khí xô bồ, ngột ngạt, ngộp thở, âm thanh xe cộ ào ào, và khói bụi mịt mù. Đã có những lần sau hơn nửa ngày cùng gia đình đi dạo và mua sắm chút đỉnh, về đến nhà tôi bị chóng mặt xây xẩm,  nằm vật xuống giường thấy trời đất quay cuồng cho đến khi ngủ lịm đi một giấc, tỉnh dậy còn thấy mệt.

Đang từ một môi trường thoáng đãng, mát mẻ đi đến một nơi chen chúc ngập đường, khói xe, bụi bặm, âm thanh gầm rú của đủ loại xe làm đinh tai nhức óc… quả thật chúng tôi kinh sợ. Phải ở lâu mới có thể quen dần. Tôi thấy có những người nước ngoài mắt xanh mũi lõ, mặc quần soọc lái xe gắn máy chạy chen nhau giữa dòng xe choáng ngợp ấy.

Thursday, July 14, 2011

Quê Hương và Máu Thịt

1. Nghĩa tử là nghĩa tận

Được tin bất ngờ Cha mất, tôi bỏ lại mọi công việc đã sắp đặt trong tuần. Hai tiếng đồng hồ trước khi ra xe đến phi trường San Francisco, nhà in gọi cho biết tạp chí Nguồn đã in xong, có thể lấy trước 100 quyển cho buổi họp mặt vào chiều thứ Bảy 18-7 đĩn tiếp Ô Bà BS Phan Khắc Tường, người sẽ thay nhà thơ Đỗ Bình làm chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tại một nhà hàng đã đặt chỗ trước. Vì đã vào giờ buổi tối, không thể gọi cho ai ra nhà in lấy báo, đành bỏ Nguồn lại ba tuần lễ sau mới phát hành. Tôi không thể gặp được Ô Bà BS Tường dù trước đó nhà thơ Đỗ Bình từ Paris goi sang dặn dò chu đáo. Tuy vậy, các anh chị trong nhóm đã có cuộc gặp gỡ thân mật với khách phương xa.
Từ mấy năm qua, nhất là từ sau ngày anh Cả tôi qua đời, tôi cứ băn khoăn không biết ngày Cha tôi mãn phần tôi có về thọ tang được hay không? Năm 2002 Mẹ tôi tạ thế tôi không về thọ tang được. Một ân hận cả đời, mặc dù tôi vẫn tự “an ủi” có rất rất nhiều người không về như tôi. Mười bảy năm tôi chưa về một lần, mãi cho tới năm 2009. Nhiều thân hữu và anh chị em trong đại gia đình khuyên tôi không nên về. “Cuốn sách ‘Nửa thế Kỷ Việt Nam’ là một cái tội của ông đấy” – theo suy nghĩ của những lời khuyên.
10 giờ sáng thứ Sáu 17 tháng 6/2011 nhận tin bố tôi đã qua đời, nhà tôi gọi phone cho cô em và “rủ” con trai tôi – từ UC San Diego về nghỉ hè ba tuần lễ đi VN với mẹ thọ tang ông Nội. Cháu gật đầu, nhưng… passport còn để lại nơi nhà trọ ở miền Nam. Nhà tôi chạy ra phố mua vé máy bay. May quá có được bốn vé, bay vào khoảng sau 11 giờ đêm cùng ngày. 12 giờ trưa cô em gái tôi từ Úc gọi sang. “Anh về đi! Cha chết về thọ tang Cha, có gì mà …do dự ”. – “Anh không lo ngại nhưng bà con bạn bè lo ngại giùm anh. Thôi được, anh về…”.
Tôi quyết định đột ngột. Nhà tôi gọi ra nơi bán vé, book thêm một chỗ. Có luôn. Thật may mắn. Thế là đàn con cháu 5 người từ Mỹ ngày hôm sau đã có mặt tại Sài Gòn. Có người ra đón chúng tôi tại phi trường phải thốt lên: Mừng quá! Tưởng như là có máy bay riêng vậy!
Rắc rối Visa và cửa ải Tân Sơn Nhất.
Tôi đã từng từ Hoa Kỳ đi ra nước ngoài, đến nước khác khi tới phi trường chỉ việc chìa cái passport ra, nhân viên hải quan với một lời chào, nhìn ảnh, nhìn mặt rồi đóng con dấu vào sổ thông hành một cách nhanh chóng, giản dị. Không có gì phiền hà, mặc dù tôi là công dân Mỹ, chẳng phải là công dân nước họ.
Tôi về Việt nam, về quê hương đất nước tôi. Tôi là “khúc ruột nghìn dặm”, tôi có quốc tịch Mỹ, nhưng tôi vẫn là công dân Việt Nam theo luật “nhà nước”, tôi chưa làm đơn xin chủ tịch nước CHXHCN/VN bỏ quốc tịch gốc. Thế nhưng khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất tôi gặp rắc rối với cái visa, mặc dù tôi đã có visa tạm của sứ quán VN do hãng máy bay xin cho.
Vợ chồng tôi, cô em gái và hai đứa cháu nội, ngoại của bố tôi phải ngồi gom vào một chỗ đợi gần ba tiếng đồng hồ trong buổi chiều chủ nhật khu hải quan TSN vắng vẻ khách đến, khách đi. Mỗi người chúng tôi phải làm một tờ khai có mẫu sẵn, ghi sơ yếu lý lịch, lý do đến VN. Mỗi người phải đóng tiền chụp một tấm ảnh, với một cái máy chụp hình nhỏ hơn nửa bàn tay của một công an, nói là để làm visa, nhưng trong visa không hề có dán ảnh. Tờ khai và passport nạp cho phòng visa hải quan.
Nhân viên dịch vụ hãng máy bay cho hay Công an đòi phải có Giấy khai tử.
– “Chúng tôi từ Mỹ về làm gì có giấy khai tử đây”.
Một lúc sau chúng tôi lại được yêu cầu cho CA số điện thoại gia đình. Số điện thoại này CA cho biết “gọi không được”. Chúng tôi gọi về người nhà đem giấy BS cho xuất viện ra nhưng không thể nào đem vào trong đệ trình được. Chờ đợi đã hơn hai tiếng đồng hồ cô em gái tôi ngỏ ý bồi dưỡng mấy chú CA hải quan cuối tuần phải trực ca, làm việc mệt nhọc, nhưng cậu dịch vụ cho biết “Hai xếp lớn đang nói chuyện với nhau, các anh ấy phải đợi quyết định trên thôi”.
Khoảng 45 phút sau đó chúng tôi được trả lại passport với visa cho vào VN một tháng.
Cô em gái út tôi và ba đứa cháu từ Úc về sáng hôm sau, đã có sẵn visa nên đỡ rắc rối. Nhưng hai đứa cháu tôi từ Pháp về thọ tang Ông Ngoại chiều hôm sau, vì không có visa nên phải “giằng co” với thời gian và thủ tục. Sau cùng đóng hai trăm đô và lọt qua cửa ải.
Có anh công an thắc mắc “Ông này (bố tôi) là gì mà sao kéo nhau về đông thế”! Nhưng sau đó họ biết chúng tôi về thọ tang cha, thọ tang ông nội, ông ngoại nên họ để cho vào. Nghĩa tử là nghĩa tận!
Song Nhị

Sunday, July 10, 2011

Quê Cha Đất Tổ - Một chuyến Hành Hương (2)


2.
Dưới khung trời quê xưa
Một ngày sau khi về tới nhà, tôi bắt đầu tham dự những buổi họp mặt thân tình đã được gia đình sắp xếp trước. Cuộc hội ngộ gia tộc nếu quy tụ được hết, có cả gần vài trăm người đang cư ngụ trên bốn vùng trái đất: Á, Âu, Úc, Mỹ. Lần này không có hẹn hò sắp đặt mà cả bốn... châu cùng về lại dưới một mái nhà, như truyền ngôn của người xưa “ngũ đại đồng đường”. Cụ ông 97 tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, là ông sơ, ông cố, ông nội, ông ngoại, là cha của bốn thế hệ chúng tôi, ngồi nhìn mấy chục đứa con, cháu, chắt, chiu quây quần rộn rã, vui tươi chúc thọ cụ. Trước hạnh phúc này chúng tôi quên đi tất cả.

Tuần lễ thứ hai sau đó, một “phái đoàn” gia đình chúng tôi gồm mười người, lớn tuổi nhất 97, nhỏ tuổi nhất - đại diện thế hệ thứ ba, ba mươi tuổi, “bao” một góc phi cơ bay về khung trời xưa cũ của tuổi ấu thơ, đầy ắp những kỷ niệm, buồn nhiều hơn vui, khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Chiếc xe bao chở đoàn, đón khách từ phi trường Vinh chạy về thị trấn Hương Khê. Từ Quốc lộ I, xe rẽ qua đường mòn HCM, từ huyện Đức Thọ, qua Vũ quang, Hương Khê vào Phúc Trạch, Quảng Bình... Đường tráng nhựa, một lane mỗi chiều, cải biến thành trục lộ giao thông Bắc Nam. Đến thị trấn, xe dừng lại, đoàn nghỉ tại khách sạn Trường Sơn. Khách sạn ngoảnh mặt ra hồ Bình Sơn. Hồ rộng bao la, mặt nước trong xanh, cảnh trí khá thơ mộng. Một số người cho rằng Bình Sơn đẹp hơn Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đã từng đứng ngắm cả hai phong cảnh đó nhưng không so sánh được.  Tôi cảm nhận hồ Bình Sơn là quà tặng quý báu của thiên nhiên dành cho vùng quê xa biển, gần rừng này.

Đền Trăm Năm:
Đêm khách sạn khá tĩnh mịch. Tiếng máy lạnh xè xè, tiếng muỗi vo ve, mọi người trong đoàn sau một hành trình dài, ngủ đầy một giấc. Bốn ngày ở lại dưới khung trời quê cũ, bà con thân thuộc, họ hàng xúm xít chào mời. Đoàn ưu tiên tất cả cho những chuyến thăm viếng, hành hương, thắp nhang, dâng cúng tổ tiên ở nhà thờ họ. Đoàn đi viếng các nghĩa trang, nơi cải táng, quy tụ mộ phần các đấng tiên linh.

Giếng đền Trăm Năm
Hơn nửa thế kỷ, giòng họ, gia đình chia ly, tan tác, những đứa con, cháu, chắt mấy đời tán lạc khắp nơi tìm về nguồn cội tổ tiên. Tôi được tham dự lần đầu một buổi họp mặt bà con sau lễ cúng ở nơi ngôi nhà thờ họ, được trùng tu, xây cất lại trên đất hương hỏa cuối thập niên 90, như một di tích văn hóa.

Một quãng đường dài khoảng năm cây số đang được đổ đất, mở rộng, lồi lõm, đầy ổ gà, “hố voi”, cồn cạn… chiếc xe chồm qua nặng nhọc, chở đoàn đến viếng ngôi mộ thủy tổ dòng họ, vị quan nhất phẩm thời Lê triều (đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 1685) được sắc phong vị hiệu “Tiền Tướng Thần lại Trần Tướng Công Nhập thị Nội điẹân, hiệu Bố Nghệ Công”. 
  
Một góc thành Sơn Phòng
                                             
Phú Gia, vùng quê - do vị thủy tổ họ Trần thiết lập từ thế kỷ 17 - đoàn trở lại hành hương có  nhiều đền đài, chùa miếu, phần lớn đã bị đập phá hư hại trong thời kỳ Việt minh từ năm 1945 đến 1954 và những năm sau đó. Trong phong trào “hợp tự”, nhiều đền miếu được tháo gỡ, rước về thờ chung trong một ngôi đền. Tất cả đồ thờ tự bỏ phế ngoài mưa nắng, thời gian đã làm hư hỏng hoàn toàn.
Chuyến hành hương bắt đầu từ Đền Trăm Năm, miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh, thiết lập từ thế kỷ thứ 17, với một giếng sâu, miệng giếng rộng nhiều chục mét, có nhiều truyền tích, huyền thoại linh thiêng. Khu đền rộng nhiều mẫu với rừng cây cổ thụ, không bị “hợp tự” năm 1949, nhưng trong cuộc chiến Bắc Nam, được dùng làm nơi đóng quân, bị máy bay Mỹ ném bom. Tiếp đó cả rừng cây bị đốn lấy gỗ, làm củi, trơ lại quãng đất không, ngôi đền đổ nát, giếng nước rêu phong. Dân trong vùng không một ai dám múc nước về dùng, dù thiếu nước trong những năm hạn hán.
Sau chủ trương đổi mới, khu đền thờ này được công nhận là một di tích lịch sử, được cấp ngân khoản nhiều chục tỷ đồng để bảo tồøn và phục hồi toàn bộ công trình bị phá hoại.
                                                      
Phú Gia còn có Sơn Phòng, địa danh này ít được nhắc đến, nhưng nay đã được công nhận là một di tích lịch sử, được cấp ngân khoản để trùng tu, tái tạo.
Theo sách “Phú Gia, Lịch sử, Sự tích” (Đông A Phúc Nhạc, 2001), trước khi vua Hàm Nghi bỏ thành Phú Xuân xuất bôn chống Pháp, ngài hạ chiếu đặc phái một quan đại thần cùng một đội binh lính tới Phú Gia, hỗ trợ Phong trào Văn Thân, lập đồn Sơn Phòng chống Pháp.

Đồn có một thành lũy bao bọc bốn mặt, bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Phía ngoài xung quanh thành lũy, một đường hào khoảng năm mét chiều sâu và năm mét chiều rộng. Hiện nay hào đầy nước trong xanh, trên mặt thành người ta trồng cây cối xum xuê. 

Năm Đinh Hợi, tháng 2-1887, khoảng nửa đêm, đoàn ngự bôn vua Hàm Nghi tới Phú Gia ngự trú một đêm tại đền Công Đồng. Sáng hôm sau ra đi, tới đại bản doanh ở Quảng Bình thì bị tên đội trưởng cận vệ Trương Quang Ngọc phản bội, bắt vua Hàm Nghi giao cho Pháp. Cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi bị dập tắt từ đó.

Đồn Sơn Phòng sau khi hoàn tất được trang bị hai khẩu súng Thần công và hai con voi. Một con có sợi dây nịt bằng vang y. Sau ngày vua Hàm Nghi rời Phú Gia, binh lính đồn Sơn Phòng cũng rút đi. Trước lúc đồn rút, hai khẩu súng thần công được chôn giấu bên bờ thành. Khi bị phát hiện, đồn Pháp ở Chu Lễ lấy về đặt trước cửa đồn. Hai con voi tự động trốn vào rừng trước ngày đồn rút. Năm 1948 một người thợ săn tên là Bộ Điền bắn hạ con voi (còn mang dấu vết dây nịt vòng quanh lưng với cặp ngà rất lớn) tại vùng núi Vũ Quang. UBND Huyện Hương Khê nghe tin đã đến thương lượng đổi năm tạ thóc lấy cặp ngà voi này.

Theo dân địa phương, công trình trùng tu, phục hồi đồn sơn Phòng đang được bắt đầu khởi công. Đoàn sau khi đến thắp hương tại đền Công Đồng, cũng tới thăm, dạo xem phía ngoài thành Sơn Phòng.
Ngọn Giăng Màn và thác Vũ Môn

Trên đường đến hành hương một ngôi đền ở Trại Trụ, chúng tôi nghe kể lại những chuyện linh thiêng huyền bí và lai lịch ngôi đền. Ngôi đền này nay cũng đã được đưa vào danh mục là di tích lịch sử để trùng tu, bảo tồn. Đền tọa lạc sâu trong rừng, xe phải leo dốc, qua một đoạn đường đèo chênh vênh, phía dưới là lũng sâu thăm thẳm. Tại đây hàng ngày có những gia đình dân địa phương đến cúng vái, cầu con, cầu phúc. Thỉnh thoảng một vài đoàn khách xa đến du lịch.

Đi qua Trại Trụ, lên cao thêm một quãng đường dài là ngọn núi Giăng Màn. Theo sách Địa lý của Giáo sư Tăng Xuân An (Sài Gòn trước 1975), Giăng Màn là ngọn núi cao thứ hai sau Hoàng Liên Sơn. Từ trên đỉnh núi, ngọn thác Vũ Môn –  nước đổ xuống, như một giải lụa trắng kéo những đám mây bạc trải lên thảm rừng xanh mênh mông, nối liền trời với đất. Tuổi thơ chúng tôi thường ước mơ được đến đó để xem những nàng tiên nhảy múa, để được thấy những con cá chép thi nhau vượt thác, hóa rồng bay lên trời, như huyền thoại người lớn kể cho nghe.

Người hướng dẫn đoàn cho hay trong hai năm nữa, một “xa lộ” sẽ chạy thẳng lên đỉnh ngọn Găng Màn và thác Vũ Môn trong dự án biến nơi này thành một khu du lịch.

Khu di tích, tưởng niệm Nguyễn Du.
Khu tưởng niệm Nguyễn Du (Ảnh Kim Vân)

Khu tưởng niệm Nguyễn Du (Nhìn ra cổng). Ảnh Hà Viết Tịnh
Nửa ngày trước khi bay trở lại Sài Gòn, chuyến hành hương được kết thúc với thời lượng hai giờ viếng thăm khu tưởng niệm Thi hào Nguyễn Du. Cô gái hướng dẫn đoàn thăm các di tích cho biết tổng quát, khá rành mạch về khu di tích này. Khu tưởng niệm trải dài trên xã Tiên Điền, bao gồm một quần thể các di tích của dòng họ, không riêng Nguyễn Du.

- Một đàn tế và bia Lễ bộ Thượng Thư Nguyễn Quỳnh là ông nội của Nguyễn Du, được Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du dựng vào triều đại Cảnh Hưng, năm 1762. Năm 1954, theo người hướng dẫn, nền bia bị máy bay Pháp bỏ bom, hư hại, sau con cháu tu sửa lại.

Đoàn được hướng dẫn dẫn đến xem tiếp:
- Một cây muỗm (cây xoài) cổ thụ, khoảng 300 năm do Nguyễn Quỳnh trồng, với một cây Bồ Lỗ và một cây Rói. Ba cây này cụ Nguyễn Quỳnh trồng để ba người con trai cụ là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Trọng, theo lý số cụ biết về sau sẽ đậu đạt làm quan to, về thăm cụ, có chỗ cột ngựa.
- Nhà Tư Văn có từ đời vua Lê Thần Tông (1732-1735), trước đó gọi là Văn Thánh, thờ Khổng Tử. Sau năm 1735, đời vua Lê Y Tông, dòng họ Nguyễn Tiên điền nổi lên, phát đạt, Văn Thánh thuộc về dòng họ Nguyễn và Quận công Nguyễn Nghiễm cho đưa về dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn. Tài liệu của khu di tích có ghi: “Theo truyền thống tốt đẹp của dòng họ về mặt văn chương, ngôi nhà này là nơi các tao nhân mặc khách bình thơ, bình văn. Những người vào đây đều là ‘Phượng trì long bảng’, từ Tú tài trở lên…. Nhà Tư văn cũng là nơi thờ ‘Đạo Học’ của huyện Nghi Xuân”.
- Nhà lưu niệm, sảnh chính là nơi trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du. Bước vào, khách thẩn thờ dừng lại, đứng trước chữ “TÂM” mà ngẩn ngơ liên tưởng đến “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, với bao nhiêu đảo điên ngoài xã hội, xưa và nay! Trong nhà trưng bày, các hiện vật không nhiều. Có mấy quyển sách bằng chữ Hán hay Nôm, người xem không ghi nhận kịp, phải theo đoàn và cô hướng dẫn. Có nhiều hình ảnh treo trên tường như để trang hoàng, minh họa.
Bước lên lầu, đặt giữa gian nhà rộng là một “cuốn thư pháp độc bản Truyện Kiều”, người hướng dẫn cho biết, nặng 75 kg, bề ngang 1,20m, bề dọc 1,60m do một người có tên là Nguyệt Đình thực hiện. Không ai được xem trang nào để hình dung được nét thư pháp trong “sách”, vì –  cô hướng dẫn viên nói, “máy đã hỏng”. Khách được hướng dẫn đi thăm các di tích khác, trước khi ghé lại văn phòng mua quà lưu niệm và một vài chai rượu để đến ngôi mộ rót... mời thi hào.

- Đền thờ Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du) ở thôn Bảo Kê. Sau khi mất, Nguyễn Nghiễm được triều đình phong “Thượng Đẳng Tôn Thần”, “Huân Du Hiến Đô Đại Vương”, hàng năm quốc gia làm lễ tế. Đền có khắc tấm biển lớn do Chúa Trịnh viết: “Phúc lý Vĩnh tuy” (Phúc ấm lâu dài). Một tấm bảng khắc bốn chữ “Dịch Tế Thư Hương” (dòng hương thư đời nối đời) do Đức Bảo, sứ thần nhà Thanh đề tặng. Một bảng khác “Quang tiền du hậu” (Đời trước rạng rỡ thế hệ sau phúc ấm) do Tô Kính, người Viễn Đông (?) đề tặng. Năm 1954 bom Pháp đánh trúng nhà thờ, thượng điện bị hỏng hoàn toàn.
Nguyễn Nghiễm mất năm 1776, thời Tây Sơn. Mộ được Nguyễn Khản, đang làm quan ở triều đình xin về nuôi cha ốm bệnh, theo di huấn để lại, mộ được con cháu táng chìm. Sau khi Nguyễn Khản mất, không ai biết mộ ở đâu. Sau nhiều năm mưa gió xói mòn, mộ phần lộ ra, con cháu trong dòng phát hiện, hàng năm cúng tế. Năm 1993, một Việt kiều ở Mỹ về thăm, tặng 25 ngàn Mỹ kim, huyện Nghi Xuân và con cháu xây thành bao quanh, dựng bia, mở đường vào mộ khang trang.

Đền thờ Nguyễn Trọng, chú Nguyễn Du ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền, khang trang, sáng đẹp. Đền có treo câu đối:
Nga nga địa vọng sơn chi Bắc
Diễm diễm thiên tài đẩu dĩ Nam
(Địa vị nguy nga vùng phía Bắc
Thiên tài rạng rỡ đẩu phương Nam)

- Nhà Thờ và mộ Nguyễn Du

 mộ Nguyễn Du. ảnh Trần Định (edit)

Nguyễn Du mất ngày 10 tháng 8 Âm lịch, niên hiệu Minh Mạng (năm đầu), tại kinh thành Huế (nhằm ngày 16-9-1820), hưởng dương 55 tuổi.

Năm 1824 con cháu bốc mộ đem hài cốt về cải táng tại quê nhà, xây nhà thờ, lập bài vị Nguyễn Du. Theo tài liệu Ban quản lý Di tích Nguyễn Du, nhà thờ gồm ba gian lợp ngói. Ở trong treo các bức đại tự: “Hồng Sơn Thế Phổ”, “Thiên Môn Tái Đăng”, và “Tinh Sà Lưỡng Kiếm”. Sau năm 1930 nhà thờ bị bỏ phế, dột nát, hư hỏng. Con cháu đưa hương án, bài vị về đền thờ Nguyễn Nghiễm. Năm 1940, Hội Khai Trí Tiến Đức quyên góp tiền giúp con cháu họ Nguyễn xây nhà thờ khác. Nhà thờ có treo ở giữa bốn chữ Địa Linh Nhân Kiệt hai bên cột có hai câu đối, một của Vua Minh Mạng:
Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiển
Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh
(Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan, sống không hổ thẹn
Trăm năm sự nghiệp, việc nhà việc nước, chết vẫn còn vinh)

Một câu đối của Nguyễn Mai, cháu mười đời của họ Nguyễn Tiên điền:
Lễ nhạc bách niên văn hiến địa
Giang sơn tứ vọng thái bình thiên
(Trời thái bình non sông bốn mặt
Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm)

Nguyễn du mất vào năm Minh Mạng 1820, đúng vào năm Minh Mạng vừa lên ngôi, vua xuống chiếu cử Nguyễn Du làm chánh sứ đi Trung Quốc cầu phong, chưa kịp đi thì mất. Mộ ban đầu được mai táng ở xã Anh ninh, huyện Quảng điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1824 hài cốt được người con là Nguyễn Ngũ, cháu là Nguyễn Thắng đang làm quan tại triều đình cải táng đem về quê, táng tại vườn nhà cũ ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên điền. Những năm sau đó con cháu thấy việc học hành sa sút, nên dời mộ đến táng cạnh đền thờ Nguyễn Trọng. Sau đó, do “yếu tố tâm linh”, (cô hướng dẫn viên có giải thích nhưng yêu cầu không được ghi chép lại) con cháu lại một lần nữa cải táng đến xứ Đồng Cùng. Sau nhiều năm được tu sửa, ngôi mộ ngày một tôn nghiêm hơn (tài liệu Ban Quản lý Di tích).
Sau ba lần mai táng, không biết thi hào Nguyễn Du đã được yên ổn tại Đồng Cùng này chưa? Hy vọng đã đến tận “đồng cùng” rồi, cụ sẽ được an nghỉ nơi đây.
Gia đình chúng tôi, đồng hương, hậu bối, sau cụ hơn hai trăm năm, thật không ngờ trong đời lại có được cái “Hạnh” lớn, từ phương xa tìm về, sắp hàng đứng trước phần mộ cụ thắp nén nhang, rót chén rượu rưới lên, hòa quyện khói hương mời cụ, theo như hai câu thơ cụ nói lên ý nghĩ “không biết ngày sau có ai hiểu lòng, rót chén rượu rưới lên mồ thông cảm”. (Rất tiếc cô hướng dẫn đọc lướt qua, không ai ghi lại được).
Trước mộ Nguyễn Du. Ảnh Kim Vân
(Từ trái qua: tác giả SN, thân phụ của tác giả, Trần Kim Lương (cháu đích tôn)

Khi sinh thời cụ ray rứt: không biết ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như ?
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như

Không đợi đến ba trăm năm, không phải “một ai” mà cả thiên hạ đã tưởng nhớ đến người. Năm 1965 thế giới đã tổ chức kỉ niệm 200 năm ngày sinh của cụ, để công nhận tác giả Truyện Kiều là Danh nhân Văn hóa cùng với tám nhà văn tài danh của nhân loại.

Rời khu tưởng niệm, xe chở đoàn trực chỉ phi trường Vinh. Xe đi qua những quãng đường đèo ngoằn nghoèo, lên xuống, hai bên là rừng thông, lũng sâu bát ngát, khách liên tưởng đường lên Đà Lạt. Giòng sông Lam chảy dài, hai bờ ngút mắt, mặt nước lấp lánh màu gương bạc, hắt lên những đợt nắng cố tình rọi xuống.

Một khúc sông Lam. Ảnh Hà Viết Tịnh

Khi ngồi trên phi cơ bay về Sài Gòn, và rồi bay về Mỹ, hình ảnh từng người thân, từng con đường, mái nhà, đền miếu, núi sông… và cả những chặng đường lịch sử như mãi chập chờn.

Quá khứ dài lâu, từ ba trăm năm như tái hiện trước mắt mọi người. Trong tôi chập chờn mãi với quá khứ của thời niên thiếu, của giai đoạn vùng trời quê xưa sặc mùi tử khí. Nỗi kinh hoàng khủng khiếp trong cuộc cuộc Cải cách ruộng đất chưa thể xóa nhòa trong tâm trí nạn nhân, dù chẳng ai muốn nhớ tới, hay đem lòng thù hận. Tôi nhẩm đọc bài thơ VỀ LẠI QUÊ NHÀ,

Tôi về Hà Tĩnh chiều nao
Dưới chân Hồng Lĩnh máu đào chưa khô
Quê người tôi nhớ Nguyễn Du
Quê tôi, tôi đứng giữa mù mịt xa

Tôi về đất tổ quê cha
Rưng rưng nước mắt khóc òa trẻ thơ
Hai mươi năm nước đôi bờ
Tôi về rũ bóng ngọn cờ phương Nam

Đoạn trường mấy cuộc hợp tan
Ba trăm năm vẫn tiếng đàn não nhân
“Thương người như thể thương thân”
Trách chi Ưng Khuyển - những bần cố nông
Cũng là tai họa Vương ông
Ba trăm năm đã núi sông lở bồi

Tôi về tìm lại quê tôi
Rưng rưng nước mắt khóc người nghìn thu
Quê người tôi nhớ Nguyễn Du
Quê tôi, tôi đứng giữa mù mịt xa./

Song Nhị

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...